Friday, December 20, 2019

ĐẠO ĐỨC, VĂN HÓA CỦA NHÀ GIÁO, NHÀ KHOA HỌC


1. Điều mà tôi tâm đắc nhất khi học PhD là được tham gia môi trường học thuật cao của thế giới và cộng đồng khoa học VN. Nhờ thế, tôi hiểu tầm quan trọng của sự liêm chính, lịch lãm, và tôn trọng khác biệt.

2. Hôm nay tôi vừa unfriend với một nhà khoa học nổi tiếng vì bạn ấy không hiểu rằng tôi nói “Các cố đạo tây thời Alexandre de Rhodes là gián điệp” thì được, nhưng những người khác mạt sát tôi thì không được, bởi như vậy là “Tấn công cá nhân”. Và bạn ấy không có quyền ép buộc tôi theo quan điểm của mình.

3. “Tấn công cá nhân” là khái niệm thường chỉ áp dụng cho NGƯỜI SỐNG (về trường hợp Những Người Nổi Tiếng sẽ nêu ở dưới). Đánh giá một nhân vật lịch sử là bán nước, Việt gian, gián điệp,…, bình luận về hoàn cảnh cá nhân của họ là bình thường. Trong đánh giá lịch sử, thậm chí đó là điều khó tránh khỏi. Nhưng nói chung không có quyền nói xấu, chụp mũ những người đang sống những điều không hay bởi như vậy là Tấn công Cá nhân. Suy diễn về hoàn cảnh nói chung cũng không được (ví dụ: không được suy diễn bà Thái Kim Lan phát biểu như vậy bởi vì bà ấy...thân cộng).

4. Giới khoa học được ngầm định coi là tuân thủ sự liêm chính. Thế nên càng không nên suy diễn hoàn cảnh cá nhân của họ. Dĩ nhiên có quyền chỉ ra người đó không liêm chính, hoặc cực đoan. Nhưng đáng tiếc những người ngoài giới hàn lâm, thường khó phân biệt thế nào là liêm chính hay cực đoan.

5. Nhiều ngành khoa học thuộc loại tháp ngà (ví dụ ngành kinh tế của tôi. Kinh tế hoàn toàn khác với Kinh doanh), cho nên chỉ cần trao đổi với các đồng nghiệp, không có nhiều nhu cầu giao lưu với cộng đồng, không quan tâm đến like, share. Có một số ngành KHXH&NV khác chú trọng quan hệ cộng đồng. Nhưng tôi vẫn nghĩ vẫn khác so với cách hiểu của cộng đồng về tài năng, sự nổi tiếng.

6. Nhiều nhà khoa học còn đạt tới đẳng cấp lịch lãm đến mức phê phán quan điểm của người khác cũng rất nhẹ nhàng.

7. Tôn trọng khác biệt không có nghĩa là phải trao đổi giao lưu với tất cả mọi người. Với những người quá khác biệt, hoặc cá tính không phù hợp, hoặc đơn giản là không muốn mất thì giờ vì không có lợi gì cho công việc, thì có thể block không cần quan tâm. Nhưng vẫn cần hạn chế tối đa việc tấn công cá nhân họ.

Thế nên, tôi rất kinh ngạc khi một số người trong giới khoa học khoái trá vì 12 người trong nhóm phản đối Rhodes bị “nhân dân” chửi bới, tấn công cá nhân. Có người trong ban tổ chức hội thảo tôn vinh Rhodes còn đăng đầy đủ danh tính cùng e-mail, điện thoại của 12 người đó để cho đám cuồng tín có cơ hội tấn công họ qua e-mail điện thoại như báo Tuổi Trẻ đã nêu. (Đừng ngụy biện rằng lá thư của họ có đầy đủ e-mail, điện thoại vì người tử tế rất nhạy cảm với những vấn đề như vậy. Đấy là sự đạo đức giả, đánh lén bẩn thỉu). Một số tiến sỹ trẻ còn tranh thủ đánh đấm các tiền bối để lấy số má (v.d. xuyên tạc quan điểm của 12 người đó rồi chụp mũ Niềm tin, Sự tưởng tượng của họ dựa trên các tài liệu trong nước bịa đặt; có người thì so sánh những tác phẩm không có peer-review, không dựa trên phương pháp khoa học của các giáo sỹ với các nghiên cứu hàn lâm để tranh thủ chê bai 12 người này; hoặc trích dẫn những bài viết có những mạt sát họ của đám cuồng tín). Nếu chỉ 1 nhà khoa học phản đối thì có thể vì người ta dốt, thiển cận. Nhưng tận 11 GS/PGS/TS, và thật ra không chỉ 11 người đó phản đối mà cả một cộng đồng không nhỏ phản đối thì đấy là quan điểm của một cộng đồng, phải tôn trọng.

DƯỚI ĐÂY LÀ MỘT VÀI ĐIỀU LIÊN QUAN ĐẾN CHÍNH TRỊ VN

8. Chính trị là vấn đề hết sức phức tạp. Lịch sử đã tạo ra một nước Việt chia rẽ, thù hận sâu sắc, hoàn toàn không giống như các nước Đông âu. Tôi sẽ viết thêm về những điều này khi có thời gian. Các nhà giáo, nhà khoa học là những người có nghĩa vụ hàn gắn những vết thương ấy.

9. Mục tiêu của VN không đơn thuần là “Dân chủ hóa” như cách hiểu của cộng đồng bất mãn chế độ, mà cần phải rộng hơn thế: “Có một nền dân chủ đúng nghĩa, xã hội văn minh, phát triển bền vững”.

Nhà giáo, nhà khoa học không nên coi mình là “nhân dân”, nhân dân làm gì mình cũng có thể làm như thế. Họ phải tuyên truyền cho tư duy Tôn trọng Khác biệt, và cố gắng đối xử công bằng với tất cả mọi người, bất kể quan điểm chính trị. Các nhà khoa học KHTN&KT là những người tạo ra phần xương cốt cho quốc gia, hẳn biết rằng phát triển KH&NC là tối quan trọng để quốc gia phát triển bền vững. Các nhà KHXH&NV tạo ra phần hồn cho quốc gia. Nhiều người trong xã hội không biết rằng, tất cả các vấn đề nghiêm trọng ở VN đều phải nghiên cứu, và các GS/TS, đặc biệt các ngành KHXH&NV chính là những người chủ trì đề tài các nghiên cứu đó. Các giáo sư, tiến sỹ KHXH&NV chính là những người đứng đầu nhóm nghiên cứu, tư vấn, phản biện tất cả các vấn đề liên quan đến Đổi mới Chính trị ở VN. Họ cũng chính là người chịu trách nhiệm việc Nâng cao dân trí ở VN cần phải như thế nào. Chính vì vậy, họ phải tôn trọng sự thật khách quan, và không thể ưu tiên riêng quan điểm chính trị nào. Dĩ nhiên một số nhà khoa học thích tham gia các hoạt động chính trị. Tuy nhiên, nếu coi trọng Mục tiêu nói trên thì sẽ thấy tư duy chính trị chỉ là tư duy ngắn hạn. Sự liêm chính, lịch lãm, tôn trọng khác biệt của giới khoa học mới là tư duy hữu ích để phát triển quốc gia lâu dài.

10. Thông thường người dân có quyền chỉ trích Những người Nổi tiếng (các chính trị gia, văn nghệ sỹ, nhà khoa học, doanh nhân nổi tiếng....). (Đối với những người không biết tiếng Việt hoặc ở nước khác thì cũng có thể bình luận thoải mái hơn). Tuy nhiên các nhà khoa học và các nhà giáo cũng nên kiềm chế tối đa việc đó. Thứ nhất, nếu là người tự trọng, không coi mình thấp kém hơn ai khác thì đương nhiên cũng sẽ thấy cần phải tôn trọng người khác, bất kể họ là ai. Thứ hai, nếu hiểu rằng chính trị VN rất phức tạp, khó giải quyết (do đội ngũ chuyên gia của tất cả các ngành còn yếu kém, khó giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nền tảng KHKT yếu kém, xung mâu thuẫn xung đột xã hội rất nghiêm trọng, dân trí thấp và nghèo túng, rất dễ bị đám cơ hội chính trị kích động…) thì họ sẽ hiểu chính bản thân mình cũng có lỗi chứ không đổ lỗi hoàn toàn cho Đảng cộng sản. Họ là những người giải quyết vấn đề chứ không phải là “nhân dân”, suốt ngày chửi bới như thể những yếu kém của VN không phải là trách nhiệm của mình. Thứ ba, nhà giáo, nhà khoa học nên là tấm gương cho người khác về sự tử tế và cao thượng. Thứ tư, không hay ho gì trò chê bai, chửi bới, tấn công cá nhân thoải mái Đảng cộng sản và tất cả những ai liên quan (đảng viên, công an, quân đội, lãnh đạo các cấp, và tất cả những ai có vẻ yêu thích chế độ) như giới bất đồng chính kiến đang làm. Chửi bới, chê bai thì rất dễ, thật sự hiểu sự phức tạp, bắt tay vào làm với tư cách là lãnh đạo quốc gia thì mới thấy khó. Phê phán, phản biện cũng rất cần thiết với nhiều vấn đề thuộc cấp bộ trở xuống giải quyết và các dự án lớn do Bộ Chính Trị quyết định, nhưng không có tác dụng gì mấy để giải quyết các vấn đề quan trọng nhất như Dân chủ hóa, Đổi mới Chính trị. (Ví dụ, tôi biết chắc rằng ở VN hiện không có ai nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển Xã Hội Dân Sự. Không có ai nghiên cứu như vậy, thì chửi thế chứ chửi nữa cũng không thay đổi được gì. Bởi vì đương nhiên các lãnh đạo Đảng không làm. Họ là những người ra quyết định chứ không phải là những người thiết kế luật và chính sách, thậm chí họ cũng không trong lĩnh vực đấy cần phải làm gì. Tôi nói là nghiên cứu theo kiểu khoa học, có phương pháp khoa học và tôn trọng sự thật khách quan, chứ không phải như các ông hoạt động chính trị, bị định kiến sẵn Xã Hội Dân Sự phải giống hệt tây, cứ cố gắng lý luận uốn éo để ra mô hình giống hệt tây. Chính trị thực sự có tính đặc thù quốc gia). Hơn nữa, cứ lạm dụng chửi bới, chê bai lâu dần sẽ thoái hóa nhân cách.

11. “Gần mực thì đen”. Cộng đồng bất đồng chính kiến hiện nay đầy rẫy những người kém hiểu biết về quản trị nhà nước, thô lỗ, cuồng tín, thù hận. Tôi rất lấy làm tiếc vì một số nhà khoa học giao lưu nhiều với những người đấy cũng sẽ bị ảnh hướng. Ngay cả nhiều bạn trẻ bức xúc với các vấn đề quốc gia mà thường xuyên giao lưu với cộng đồng đấy sẽ không nâng cấp được tri thức và dễ méo mó nhân cách. Có một điều khá dở nhưng cũng phải nói thật rằng, cộng đồng các nhà khoa học có sự tự tôn nghề nghiệp. Nếu như bạn nghiên cứu về chính trị nhưng không có điều kiện để học tiến sỹ thì nhiều khi giới khoa học không muốn trao đổi với bạn vì họ ngại bị những người như bạn chê bai. Trong khi họ là những người có kiến thức, kinh nghiệm thật sự (những người trực tiếp tham gia, hoặc thậm chí chủ trì các đề tài liên quan đến Đổi mới Chính trị, hoặc có kinh nghiệm trực tiếp làm việc với người dân). Thế nên, nếu như thích nghiên cứu để phê phán, phản biện chính trị thì nên cố gắng học tiến sỹ. Còn nếu không có điều kiện để học, thì nên cố gắng kiềm chế cái ego rất cao của mình để khiêm tốn học hỏi. Nhiều khi trí thông minh không bù đắp được kiến thức và kinh nghiệm. Chính trị là lĩnh vực đòi hỏi sự từng trải và kinh nghiệm, có được qua thực tiễn hoặc trao đổi học thuật, những điều mà ngay cả các tiến sỹ trẻ cũng ít khi có.

PS: Nói những điều trên đây không có nghĩa là tôi đã đạt được những phẩm chất đấy. Tôi là một người có khá nhiều nhược điểm. Nhưng thiết nghĩ đó là những phẩm chất quan trọng mà các nhà giáo, nhà khoa học cần nỗ lực đạt tới và lan tỏa tới cộng đồng.