Friday, October 22, 2021

MỘT GIẢI PHÁP CHÍNH TRỊ CHO VIỆT NAM

 (Bài viết đã đăng trên Facebook Kieu Dung ngày 5/10/2021)

Hiện nay có rất nhiều người quan tâm đến đổi mới chính trị ở VN nhưng hoang mang không biết con đường sẽ như thế nào. Dưới đây là giải pháp của tôi.

https://drive.google.com/file/d/14chPCA1bHL9fFpXqk4Lk3lPsRfBRiDuj/

VÌ SAO TRUNG QUỐC GIÀU CÓ VÀ HÙNG MẠNH

(Bài đã đăng trên Facebook Kieu Dung ngày 28/2/2021)

Rất nhiều người thắc mắc tại sao Trung Quốc giàu có, hùng mạnh như vậy. Liệu có phải vì độc tài, toàn trị nên phát triển hơn dân chủ? Và CÂU HỎI QUAN TRỌNG NHẤT: “Việt Nam có nên đi theo con đường của Trung Quốc hay không???” Có nhiều nguyên nhân mà tôi sẽ giải thích dưới đây:

1. ĐÔNG DÂN: GDP/đầu người của Trung Quốc là $8,612. So với các nước khác ở châu Á như Hàn Quốc, Sing, Đài thì như thế khá thấp. Chưa nói đến Mỹ, Đức, Anh ($59,939, $44,680, $39,532). Nhưng vì đông dân, 1.4 tỷ người, cho nên GDP tổng cao thứ 2 thế giới. ($12.23 nghìn tỷ), chỉ sau Mỹ. Nhiều người chê bai, coi thường Ấn Độ. GDP/đầu người của Ấn Độ rất thấp ($1,980), thấp hơn cả VN. Nhưng cũng vì đông dân 1.4 tỷ cho nên hiện giờ tổng GDP đã đứng thứ 5 thế giới. Theo dự báo của Standard Charter/Bloomberg, năm 2030, GDP Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vượt Mỹ vào 2028 và 2030. Dĩ nhiên đấy mới là dự báo, chưa chắc chắn. Hãng RT của Tokyo thì dự báo sau 2030, tăng trưởng của 2 nước đó sẽ chậm lại, Mỹ lại tăng tốc và trở lại vị trí dẫn đầu vào 2060.

Dân nghèo nhưng chính phủ lại giàu nên có nhiều tiền để mua vũ khí tăng cường quốc phòng, đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật, bay lên mặt trăng, sao hỏa, phát triển các tập đoàn lớn, đầu tư ì xèo vào công nghệ cao. Những công nghệ cao đấy sẽ giúp duy trì sự giàu có và phát triển của quốc gia.

GDP vẫn là yếu tố quan trọng nhất để tăng cường năng lực quân sự, tái đầu tư phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật. Xem danh sách Top 15 nước có GDP cao nhất hiện nay thì xếp hạng 1. Mỹ, 2. Trung Quốc. 3. Nhật, 4. Đức, 5. Ấn độ, 6. Anh, 7. Pháp, 8. Brazil, 9. Italy, 10. Canada, 11. Nga, 12. Hàn, 13. Úc, 14. Tây Ban Nha, 15. Mexico.

Đấy là lý do Mỹ phải hợp tác với Nhật Bản, Hàn, Úc, Ấn Độ, EU để cùng nhau đánh Trung Quốc. Chứ cứ như Trump, gây thù chuốc oán với tất cả các đồng minh, không hợp tác với ai thì không oánh được nó đâu.

2. KINH TẾ THỊ TRƯỜNG + MỞ CỬA QUỐC TẾ: Đây là chính sách đúng đắn mà nhiều nước phương tây áp dụng tốt và thành công. Trung Quốc, Việt Nam áp dụng từ 1980s và đến giờ tương đối thành công.

3. ĂN CẮP CÔNG NGHỆ: Trung Quốc có chiến lược ăn cắp công nghệ của các nước phát triển, đặc biệt của Mỹ từ 1990. Đấy là lợi thế của nước đi sau. Những báo cáo tình báo và cả công khai của Mỹ đã tổng kết vô số thủ đoạn ăn cắp của Trung Quốc. Dân gốc Hoa cũng rất ủng hộ tư tưởng Đại Hán, Trung Quốc phải là số 1 thế giới, cho nên rất nhiệt tình ủng hộ chuyển giao công nghệ, ăn cắp công nghệ.

Nhiều người cho rằng Mỹ sai lầm khi đã bắt tay với Trung Quốc từ 1979s đến nay. Đúng là Mỹ cũng mất cảnh giác để nó ăn cắp công nghệ, và không lường trước nó sẽ là đối thủ đáng gờm trong tương lai. Nhưng thật ra, bỏ cấm vận bắt tay với Trung Quốc thời đó Mỹ cũng được lợi rất nhiều. Buôn bán song phương tăng vọt cũng giúp Mỹ giàu lên. Nhiều trường đại học của Mỹ hiện giờ có 20-30% giảng viên gốc Hoa. Thung lũng Silicon cũng tràn ngập công ty của người Hoa. Tất cả những người gốc Hoa đó cũng đóng góp vào sự thịnh vượng của Mỹ hiện nay.

Nhưng không phải chỉ có Trung Quốc ăn cắp công nghệ và đe dọa an ninh của Mỹ. Nga cũng vậy. Gián điệp, hacker của Nga cũng rất giỏi. Thỉnh thoảng lại có một vụ gián điệp của Nga ầm ỹ trên báo. Trong khi đó, Nga cũng ôm mộng trở lại làm siêu cường, không có vẻ gì sẽ trở thành một nước dân chủ lành mạnh trong tương lai gần, như 13 chú kia. Có lẽ vì vậy hiện giờ Biden coi Nga là nguy cơ thứ 2 sau Trung Quốc, (Rút kinh nghiệm bài học Trung Quốc thời 1979).

4. TẬP TRUNG QUYỀN LỰC: Đặng Tiểu Bình thống lĩnh trung quốc từ 1978-1992, quyền lực rất lớn (là Bí thư Quân Ủy TW, thậm chí còn bắt giam cả TBT là Triệu Tử Dương). Từ 1993 đến nay, Trung Quốc nhất thể hóa, 3 chức TBT, CTN, Bí thư Quân Ủy TW là một người, quyền lực còn lớn hơn cả Tổng thống Mỹ và không sợ ai cả. (Thủ tướng có vai trò mờ nhạt hơn). Việc tập trung quyền lực đó rất tốt nếu lãnh đạo đó chính sách tốt. Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân kế tục quan điểm của Đặng, làm tương đối tốt. Tập Cận Bình giờ làm đang tốt nên TQ muốn Tập làm suốt đời. Ở Đức, dù là dân chủ nhưng Merkel làm quá tốt cho nên đảng của bà ấy liên tục thắng cử, và bà ấy được bầu làm thủ tướng 18 năm liền. (Giờ yếu quá nên bả muốn nghỉ thôi). Dân số Đức chỉ 83 triệu, (ít hơn VN) thế mà GDP/đầu người của nó thứ nhì thế giới. GDP tổng đứng thứ 4.

5. ĐẶC TÍNH DÂN TỘC: Ngoài giấc mơ đại hán, dân Trung Quốc có đặc điểm cực kỳ bao che, giúp đỡ nhau. Ai sống ở nước ngoài một thời gian đều biết. Hộ chiếu là vật bất ly thân, vậy mà họ cho nhau mượn để đi làm thêm. Nâng đỡ bố trí việc làm cho nhau ở nước ngoài. Thế nên chuyển giao công nghệ, ăn cắp thông tin, bí mật tình báo của Trung Quốc rất tốt. Đặc điểm đấy khác hẳn dân Ấn độ. Dân Ấn chia rẽ, không giúp đỡ nhau. Thế nên mặc dù thống lĩnh Silicon Valley nhiều hơn cả Trung Quốc nhưng chuyển giao công nghệ kém. Chưa kể chính sách kinh tế không đủ tốt. Mâu thuẫn tôn giáo, đẳng cấp nặng nề.

Thế nhé, dù sao chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận có khả năng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là cường quốc, giàu hơn cả Mỹ trong vòng 10 năm nữa.

Việt Nam không đông dân. Người Việt không ăn cắp được công nghệ. (Giờ phương tây cảnh giác rồi, ăn cắp cũng khó. Hơn nữa, quan liêu như nước mình, khéo ăn cắp công nghệ về cũng bị vứt vào sọt rác). Không tập trung quyền lực. CTN là chức vụ tượng trưng. TBT và TT là thực quyền nhất là 2 người khác nhau. Thủ tướng do lãnh đạo các tỉnh bầu lên nên rất sợ các tỉnh. Quyền lực không tập trung cho nên lãnh đạo tỉnh cứ như “các sứ quân”. Câu phổ biến ở VN là “Trên nóng dưới lạnh”. Không tập trung quyền lực thì các phe phái oánh nhau, cản chân nhau. Vụ COVID không động chạm đến lợi ích kinh tế (và thực ra là ép buộc người dân phải tuân theo chính sách của chính phủ) cho nên làm được. Chứ động chạm đến lợi ích của lãnh đạo các tỉnh và phe phái thì hãy đợi đấy.

Dân Việt lại có đặc điểm quý báu là chia rẽ. Hiện giờ hận thù từ thời VNCH vẫn để lại hậu quả rất nặng nề. Hơn nữa người Việt có bản chất chia rẽ, khó hợp tác. Vũ Duy Thức, một chuyên gia AI-Robot ở Silicon, cũng tổng kết, trong lĩnh vực AI, người Việt có 10 người giỏi thì sẽ lập ra 10 công ty be bé. Điều này rất khác với tây. Bọn tây cứ 2-3 ông tụ tập với nhau để phát triển một công ty to đùng. Chẳng có nước nào trở nên giàu có mà lại không nhờ hệ thống công ty lớn, đầu tư vào công nghệ cao. Chủ trương phát triển 1.5 triệu công ty của ông Phúc không đúng đâu. Số lượng doanh nghiệp không quan trọng lắm. Quan trọng nhất vẫn là phát triển các tập đoàn lớn về công nghệ cao. 10 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc đóng góp tới 80% GDP.

Hiện giờ tôi chẳng thấy có gương mặt lãnh đạo nào ở VN có tầm. Mục tiêu trở thành nước công nghiệp năm 2020 không đạt được, giờ lại lùi đến 2045. Mấy chục năm liền mà không phát triển được ngành công nghiệp nào ra hồn, cũng không có hệ thống doanh nghiệp công nghệ. Bỏ lỡ bao nhiêu cơ hôi phát triển IT.

Nói tóm lại, VN không thể theo mô hình Trung Quốc mà phải theo các con rồng châu Á. VN phải mở rộng các quyền dân sự, bởi vì đó là phúc lợi chính đáng của người dân bên cạnh sự thịnh vượng. Phải tiến hành song song cả đổi mới chính trị và phát triển kinh tế. Những thứ như Marx-lenin cần phải loại bỏ vì đã tàn phá quốc gia, tàn phá tâm hồn người Việt đã quá lâu. Thực hiện được điều ấy cũng sẽ tạo cơ chế thoáng để trọng dụng nhân tài.

Tăng cường các quyền dân sự (nghĩa là dân chủ hóa) cũng là cách tốt nhất để hóa giải thù hận bởi vì cộng đồng ấy ghét cộng sản (Marx-Lenin là lý thuyết cộng sản) và ghét sự độc tài ở VN. (Dĩ nhiên phải bỏ các chính sách kỳ thị những người có dính dáng đến VNCH). Hóa giải thù hận thì sẽ thu hút được nhiều người cả trong và ngoài nước ủng hộ chính phủ hơn. Dĩ nhiên, tăng cường dân chủ hóa không có nghĩa là phải được bầu cử dân chủ, đa nguyên đa đảng ngay lập tức. Đảng phải xây lộ trình đổi mới chính trị. Cứ nhìn mô hình các con rồng châu Á thời kỳ Lý Quang Diệu, Park Chung Hee, Tưởng Giới Thạch-Tưởng Kinh Quốc mà phần đấu như họ. Họ cũng độc tài, một đảng lãnh đạo nhưng các quyền dân sự tốt hơn VN nhiều. Đặc biệt là không bị chủ nghĩa Marx-Lenin tàn phá.

 https://globalpeoservices.com/top-15-countries-by-gdp-in-2020/

 

Sunday, October 17, 2021

TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI (TIẾP THEO)

 (Bài đã đăng trên Facebook Kieu Dung ngày 16/10/2021)

Trong bài “Trọng dụng Nhân tài: Chỉ trọng dụng Đảng viên?” tôi đã nói về những điểm yếu cốt tử của việc lựa chọn lãnh đạo ở Việt Nam.

1) Lãnh đạo tối cao không tập trung quyền lực.
2) Mô hình VN bắt chước Trung Quốc, nhưng khả năng lựa chọn kém hẳn TQ. Số đảng viên TQ gấp 18 lần VN, nhưng số bộ chỉ gấp 1.5 lần, số tỉnh/thành chỉ bằng 0.5 lần, số quận/huyện chỉ gấp 4. Thế nên TQ chọn lãnh đạo tài năng trong số đảng viên dễ hơn hẳn.
 Vô số người trong số 93 triệu người ngoài đảng ở VN, dù tài năng cũng không có cơ hội làm lãnh đạo.
 
Hôm nay tôi muốn bổ sung thêm một số ý. 
 
Chức năng chủ yếu của Nhà nước là đề ra luật lệ, cơ chế, chính sách và thực thi những thứ đó. Một nhà nước mạnh cần phải có đội ngũ lãnh đạo giỏi (để ra quyết định tốt) và đội ngũ chuyên gia giỏi, ở tất cả các lĩnh vực (để cố vấn cho chính phủ và thực hiện tốt công việc của họ). 
 
TQ là nước đông dân, 1.4 tỷ dân. Đội ngũ Hoa kiều rất mạnh. Hiện giờ người gốc Hoa chiếm tới 20-25% số ghế giáo sư các trường đại học ở Mỹ. Người gốc Hoa cũng tràn ngập thung lũng Silicon. Thế nên TQ chỉ cần chọn chuyên gia giỏi trong cộng đồng gốc Hoa ở đại lục và hải ngoại là đã thừa mứa tài năng, chưa cần thu hút nhân tài ngoại lai.
 
Các nước phát triển, có dân số ít hơn, thì phải tìm cách thu hút nhân tài từ khắp thế giới về làm việc cho mình bằng chính sách lương hậu hĩnh, cấp quốc tịch, thẻ xanh. Họ trọng dụng nhân tài bất kể chủng tộc. Nhiều người nhập quốc tịch một thời gian là có thể leo lên các vị trí lãnh đạo quốc gia hoặc các vị trí lãnh đạo/chuyên gia cao cấp quan trọng ở các đơn vị chuyên môn. (Nhiều vị trí lãnh đạo chuyên môn chỉ cần thẻ xanh).
 
Ở VN, không có tài năng ngoại quốc nào tài năng nhập quốc tịch, hay xin thẻ xanh cả. Cộng đồng Việt Kiều đi khỏi VN giai đoạn trước 2000 thì vẫn đang chửi chế độ tưng bừng, ít người giỏi muốn về cộng tác. Việt Kiều đi từ 2000s trở lại thì vẫn còn non, số người thành đạt vẫn còn khá ít. Nói chung, cộng đồng Việt kiều ở hải ngoại vẫn còn yếu ớt, không thể mơ so sánh với Hoa kiều, Ấn kiều. VN vẫn phải đi theo con đường giống như các nước không đông dân khác, nghĩa là thu hút tài năng trên thế giới về làm việc, bất kể quốc tịch.
 
Nhưng tài năng của thế giới đến VN sống lâu dài làm gì? Các vị trí lãnh đạo các trường đại học/viện nghiên cứu ở khu vực công, nhận được nhiều tài trợ để đầu tư cho nghiên cứu, hiện nay vẫn phải là đảng viên. (Chỉ trừ một số dự án liên kết VN với nước ngoài). Các trường/viện kể cả tư nhân vẫn chưa suy nghĩ nghiêm túc về chuyện đầu tư mạnh dài hạn để tuyển giảng viên/nhà nghiên cứu giỏi nhất của thế giới đến VN làm việc. (Hoặc là họ vẫn chưa có nhiều tiền để làm như thế). Hệ thống doanh nghiệp công nghệ còn rất manh mún, yếu ớt. Hàng công nghệ VN sản xuất để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu không dựa trên những công nghệ cutting edges. Đồ điện tử của VN chỉ toàn xuất chất khẩu đi châu Phi và ASEAN, không thể cạnh tranh được với hàng xịn của thế giới cho nên người Việt cũng không muốn dùng. Chảy máu chất xám trong các lĩnh vực công nghệ rất mạnh vì VN không thể so sánh với tây cả về lương cũng như môi trường sống. Còn khoa học xã hội thì bị bóp méo mó, thảm hại.
 
Có nhiều người vẫn mơ mộng một Lý Quang Diệu sẽ xuất hiện để cứu rỗi VN. Tiếc thay, nếu không tập trung quyền lực tối cao thì Lý Quang Diệu sinh ra ở VN cũng bó tay. Hơn nữa, Singapore chỉ bằng một tỉnh của VN. Một mình ông Lý không đi sâu đi sát được, 63 tỉnh ở VN. Nhưng mơ mộng có 62 ông Lý nữa là chuyện không tưởng. Ngoài ra, ông Lý phải ở vị trí nguyên thủ quốc gia thì mới phát huy được hiệu quả. Nếu không thì sẽ chỉ như Nguyễn Bá Thanh, số phận thế nào thì đã rõ.
 
Một điều rất quan trọng để thu hút nhân tài làm công chức là lương cao và cơ chế tuyển dụng công bằng. Bài dưới đây giải thích tại sao VN không thể thực hiện ba không “không muốn, không thể, không cần” cho nên không thể trả lương rất cao như Lý Quang Diệu. Chúng ta cũng không có cơ chế dân chủ như thời Park Chung Hee (tam quyền phân lập, đa đảng, lưỡng viện), cho nên cũng chẳng chống tham nhũng và giám sát tuyển dụng nhân tài được.
 
PS: Bạn nào nói rằng một đảng lãnh đạo thì tốt để phát triển công nghệ (chuyển đối số). Có lẽ tưởng rằng TQ phát triển công nghệ tốt là do ổn định chính sách vì độc đảng? Điều đấy sai. Sự thành công của TQ là nhờ đầu tư lớn vào phát triển công nghệ, thu hút được nhiều nhân tài, và ăn cắp công nghệ của phương tây. GDP/capita của TQ không lọt vào top 50 của thế giới, nhưng vì đông dân cho nên GDP tổng lớn thứ 2 thế giới. Thế nên có nhiều tiền đề đầu tư vào công nghệ, quốc phòng, phát triển kinh tế. (Ấn Độ hiện cũng thứ 5 thế giới vì đông dân, dù GDP/capita kém cả VN). VN thì không còn cơ hội ăn cắp công nghệ, trọng dụng nhân tài thì đã nêu trên. 
 
Nếu nói rằng cần độc tài để ổn định chính sách thì làm sao bao nhiêu quốc gia dân chủ trên thế giới phát triển được? Thật ra mức độ ổn định chính sách ở VN rất kém, vì trình độ hoạch định chính sách kém (do lãnh đạo và chuyên gia hoạch định kém) cho nên thấy không hiệu quả là thay đổi lung tung. Còn các nước dân chủ thì không can thiệp gì mấy vào thị trường cho nên vẫn phát triển tốt.
 

TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI: CHỈ TRỌNG DỤNG ĐẢNG VIÊN??

 (Bài đã đăng trên Facebook Kieu Dung ngày 6/10/2021)

“Trọng dụng nhân tài” là chủ đề ưa thích của ngành hành chính công/chính sách công. Rất tiếc là đến giờ phút này tôi chưa thấy ai ở VN nghiên cứu nghiêm túc về “Tại sao không trọng dụng nhân tài ngoài đảng?” Có thể do vị trí công việc của họ ngăn cản họ đi sâu vào chủ đề đó. Hành chính/chính sách công đều là các lĩnh vực chính trị nhạy cảm. Tuy nhiên, chỉ trọng dụng đảng viên làm lãnh đạo sẽ không giải quyết được cái gốc của vấn đề chất lượng yếu kém của đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia ở VN.

VN bắt chước mô hình quản trị của TQ. Tuy nhiên, có nhiều điểm rất hạn chế. Bởi lẽ VN không tập trung quyền lực như TQ. Từ 1993 đến nay, TQ hợp nhất 3 chức vụ Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Quân Ủy TW trong một người duy nhất. VN có cả TBT, CTN, cả Thủ tướng. Quyền điều hành trong tay Thủ tướng, CTN là chức danh mang tính lễ nghi chứ không thực quyền như ở TQ. VN là nước duy nhất trong số 5 nước cộng sản còn sót lại không hợp nhất quyền lực của nguyên thủ quốc gia. (Nghe đồn, VN không hợp nhất chức vụ là do e ngại một Gorbachev sẽ xuất hiện ở vị trí quyền lực đó). Việc phân tán quyền lực như vậy dẫn đến các phe phái trong tam trụ đấu đá, kìm hãm nhau. Nên nhớ, Lý Quang Diệu, Park Chung Hee phát huy được tài năng đều nhờ được tập trung tối đa quyền lực.
Hơn nữa, TQ có 91 triệu đảng viên, gấp 18 lần số đảng viên VN (5 triệu). Trong khi đó chỉ cần 01 lãnh đạo tối cao. TQ có 27 bộ/ủy ban, 33 tỉnh/thành/đặc khu, 2861 quận/huyện. So với Việt Nam với 18 bộ/cơ quan ngang bộ, 64 tỉnh/thành, 705 quận/huyện. Như vậy số đảng viên TQ gấp 18 lần, nhưng số bộ chỉ gấp 1.5 lần, số tỉnh/thành chỉ bằng 0.5 lần, số quận/huyện chỉ gấp 4. Giả thiết nhân tài phân bố đều theo số đảng viên thì rõ ràng việc lựa chọn người tài làm lãnh đạo ở TQ dễ hơn VN rất nhiều. Thậm chí, khi lãnh đạo tài năng cấp càng cao thì tác động lên xã hội càng lớn, chứ không chỉ theo tỷ lệ số đảng viên. Vô số người Việt không có cơ hội làm lãnh đạo, dù rất giỏi, bởi họ thuộc nhóm 93 triệu người ngoài đảng.
 
Lãnh đạo ở các cơ quan công quyền bao gồm một số dạng: (1) Lãnh đạo ở các khu vực địa lý (v.d. chủ tịch tỉnh, huyện, xã. Thủ tướng cũng xếp vào nhóm này, bởi khu vực địa lý này bao gồm toàn bộ quốc gia); (2) Lãnh đạo các bộ/ngành và các cấp thấp hơn (v.d. vụ, sở, phòng, ban); (3) Lãnh đạo ở các cơ sở nghiên cứu/giáo dục nhà nước; (4) Lãnh đạo ở các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước; (5) Lãnh đạo ở các đoàn thể chính trị xã hội do nhà nước thành lập…
 
(1) NHÓM1: Ở phương tây, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, thủ tướng (tổng thống) là các lãnh đạo dân cử, do người dân bầu lên. Việc dân bầu lên rất quan trọng để đảm bảo giám sát hoạt động của lãnh đạo địa phương. Chính vì vậy, ở VN cần phải cải tổ các vị trí này theo hướng dân cử, chứ không thể chỉ loay hoay tìm cách cải cách theo hướng đảng cử.
 
(2) NHÓM 2: Ở cả tây và ta, lãnh đạo cấp bộ/ngành (v.d. bộ trưởng, thứ trưởng, thống đốc), và nội các chính phủ nói chung, đều do thủ tướng (tổng thống) lựa chọn để đảm bảo “hợp cạ”, e-quip làm việc phải ăn ý với nhau. Nếu lãnh đạo bộ/ngành có scandal thì họ sẽ bị thải loại, nhưng thủ tướng (tổng thống) sẽ lựa chọn người khác. Không cần thiết phải đặt vấn đề “lựa chọn nhân tài” ở các vị trí này, bởi vì thủ tướng/tổng thống sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng của bộ máy.
 
Ở phương tây, thông thường, đa số thành viên nội các chính phủ sẽ là đảng viên của đảng cầm quyền. Vẫn có một số ít là người của đảng khác hoặc không theo đảng phái nào. Ví dụ Alan Greenspans làm Thống đốc Quỹ dự trữ Quốc gia Mỹ từ 1987-2006, qua 4 đời tổng thống, bao gồm cả tổng thống dân chủ như Clinton, mặc dù ông ấy là đảng viên đảng cộng hòa. Sở dĩ như vậy là vì ông ấy rất giỏi. Jerome Powell, Janet Yellen, và một số bộ trưởng của Mỹ đều đã từng phục vụ trong nội các chính phủ của đảng đối lập. Đa số các viên chức ngoại giao, quân đội là những người không thuộc đảng nào. Ví dụ cựu đại sứ VN Kritenbrink phục vụ cả hai triều đại Trump và Biden.
 
VN rất nên cân nhắc lựa chọn những người giỏi ngoài đảng vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn sâu trong nội các chính phủ. Ví dụ, các vị trí bộ trưởng, thứ trưởng các bộ Khoa học&Công nghệ, Y tế, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Công Thương, Thống đốc, phó thống đốc Ngân hàng nhà nước.v.v…Những vị trí này đòi hỏi năng lực chuyên môn cao, cũng không nhạy cảm chính trị gì mấy mà chỉ loay loay chọn trong 5 triệu đảng viên thì rõ ràng bỏ sót rất nhiều nhân tài.
 
Ở các cấp thấp hơn, thì có thể đặt vấn đề thi tuyển lãnh đạo. Tuy nhiên mới đây Đề án 2424/BNV-CCVC về đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý ở cấp vụ/sở/phòng vẫn chỉ chú trọng lựa chọn trong số các đảng viên rõ ràng là một sự lãng phí nhân tài.
 
(3) NHÓM 3: Môi trường nghiên cứu/giáo dục rất khuyến khích sự tự do và tôn trọng ego của các giảng viên/nhà nghiên cứu. Đấy là những nơi khuyến khích năng lực chuyên môn chứ không phải năng lực lãnh đạo. Thế nên ở nhiều nước phương tây, vị trí trưởng khoa, chủ tịch hội đồng khoa (chair/director of graduate studies) thường quay vòng trong số các giáo sư/phó giáo sư đã có biên chế của khoa. Mỗi người làm 2-3 năm rồi để người khác làm. (Kể cả những người không có tí năng khiếu lãnh đạo nào cũng phải làm). Đấy là chưa kể, có vài người khác phụ trách về đối ngoại, marketing, phụ trách nghiên cứu, phụ trách chương trình đào tạo đại học và đào tạo chứng chỉ…để hỗ trợ trưởng khoa. Ở VN, có nhiều người làm trưởng khoa tận 10-13 năm liên tục, và phải chịu trách nhiệm về tất cả các việc đó. Họ không có thời gian làm chuyên môn nhưng lại có quyền sinh sát đối với giảng viên/nhà nghiên cứu. Cái đấy rất bất hợp lý. Phải cố gắng thay đổi theo hướng quay vòng chức vụ của tây. Trưởng phó khoa không nhất thiết phải là đảng viên. 
 
(4) NHÓM 4: Để hiểu về nhóm này thì phải học về Lý thuyết Tổ chức và Quản trị. Lý thuyết tổ chức và quản trị là lĩnh vực nghiên cứu về tất cả các loại tổ chức khác nhau (từ tổ chức to nhất như nhà nước, cho đến tổ chức tôn giáo, tổ chức giáo dục, tổ chức phi chính phủ v.v…) chứ không chỉ các tổ chức kinh doanh. Đặc biệt còn có môn Quản trị Nguồn Nhân lực, trong đó có phần trọng dụng nhân tài. Lý thuyết tổ chức được nghiên cứu khá nhiều trong quản trị kinh doanh cho nên sinh viên ngành này thường phải học môn này. Trong khi đấy, có nhiều chương trình hành chính, chính sách công mà lại không được học về lĩnh vực này nên đáng tiếc. Cách đây mấy năm, tôi được phân công dạy môn Lý thuyết tổ chức và Quản trị cho nên phải tìm hiểu về nó. Có nhiều kiến thức áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không chỉ trong kinh doanh. Chẳng hạn trong sơ đồ dưới đây mô tả kỹ năng cần có của nhà quản trị. 
 
+ Conceptual skills (kỹ năng nhận thức – tư duy chiến lược): ở cấp lãnh đạo càng cao càng cần loại kỹ năng này.
+ Human skills (kỹ năng nhân sự): nghĩa là sự quảng giao, quan hệ tốt với cấp dưới, và cấp trên, và đối tác. Kỹ năng này cần thiết ở mọi cấp lãnh đạo.
+ Technical skills (kỹ năng chuyên môn): lãnh đạo càng cao cấp thì càng không cần phải biết nhiều về chuyên môn.
 
Đấy là lý do, ông Nguyễn Đức Vinh, đang là Phó TGĐ Vietnamairline chuyển sang làm Phó TGĐ Techcombank có thể làm được ngay, không những thế còn làm rất tốt, dù trước đó ông ấy không biết gì mấy về lĩnh vực ngân hàng. Hay bà Đàm Bích Thủy, đang là TGĐ ANZ bank sang làm hiệu trường, sau đó là CTHĐQT của ĐH Fulbright vẫn làm được ngay.
 
Với quan niệm như vậy, thông thường người ta chỉ thi tuyển lãnh đạo cấp thấp, và cùng lắm là cấp trung. Còn ở cấp cao, rất khó đo lường và so sánh tư duy chiến lược cho nên thường không thi tuyển. Hội đồng quản trị thấy ai đã từng có thành tích lãnh đạo tốt ở nơi khác, không nhất thiết cùng lĩnh vực với công ty mình, thì mời họ về làm lãnh đạo.
 
Trên thực tế việc tuyển dụng CEO các ngân hàng nhà nước, công ty viễn thông như Viettel hiện nay khá tốt, thật sự dựa trên kinh tế thị trường. Thế nên CEO ở các nơi đó hầu như không kém các công ty tư nhân cùng lĩnh vực. Theo như tôi biết, việc lựa chọn các nhân viên cấp thấp hơn ở các ngân hàng lớn của nhà nước, Viettel, Vietnamairline, Bảo Việt…mặc dù vẫn để lại một tỷ lệ nhỏ dành cho người nhà, nhưng tuyển lực nhân tài khá tốt theo cơ chế thị trường. (Nên nhớ, các công ty tư nhân cũng dành một tỷ lệ nhất định cho người nhà).
 
Tuy nhiên, ở các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước vẫn hạn chế là coi trọng “Tuân thủ” hơn “Hiệu quả”. Có nghĩa là các văn bản thủ tục phải theo đúng quy trình tuần tự. Điều này sẽ rất hạn chế sự sáng tạo của các CEO. Ví dụ, một tổng công ty muốn ký một hợp đồng lớn với một đối tác nước ngoài trong vòng vài tuần. Nếu kéo dài thời gian thì đối tác nước ngoài sẽ ký với công ty khác. Tuy nhiên, nếu theo đúng quy trình thủ tục của nhà nước thì sẽ phải mất vài tháng. Như vậy CEO rất dễ vi phạm “Tuân thủ” nếu muốn tổng công ty có những bước tiến đột phá. ĐH Tôn Đức Thắng chẳng hạn, là trường công lập nhưng không nhận tiền tài trợ của nhà nước. Nó cũng có bản chất giống như doanh nghiệp, bởi vì phải tự kiếm ăn để tổn tại và phát triển. GS Lê Vinh Danh đã đưa TĐT lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các CEO của các doanh nghiệp nhà nước khác, đợt vừa rồi Tổng Liên Đoàn tìm cách bới lỗi “không tuân thủ” của ông ấy không khó. Nếu muốn đảm bảo tuân thủ tuyệt đối thì doanh nghiệp sẽ chết dí, không làm ăn được gì.
 
Chính vì coi trọng “Tuân thủ” hơn “Hiệu quả” cho nên ở nhiều tổng công ty của nhà nước với bản chất sản xuất, kinh doanh đa dạng, rất khó chọn CEO, bởi vì người giỏi không muốn về do không phát huy được tài năng. Tất nhiên, nhiều tổng công ty thua lỗ nặng còn do cấu trúc của nó có vấn đề.
 
Nói tóm lại, các bạn cố vấn hành chính, chính sách cho VN phải đầu tư nghiên cứu và “bước ra ngoài vùng cấm”, cổ vũ việc tuyển dụng nhân tài ngoài đảng làm lãnh đạo. Ngoài ra, đặc thù của mỗi loại hình và của mỗi cấp lãnh đạo rất khác nhau. Không có “chiếc áo nào mặc vừa” cho mọi vị trí lãnh đạo. Thế nên, nhiều bạn rất trẻ, ít ít kinh nghiệm thực tế, tập trung nghiên cứu sâu vào từng loại hình/cấp lãnh đạo thì sẽ hữu ích hơn.