(Bài đã đăng trên Facebook Kieu Dung ngày 6/10/2021)
“Trọng dụng nhân tài” là chủ đề ưa thích của ngành hành chính công/chính sách công. Rất tiếc là đến giờ phút này tôi chưa thấy ai ở VN nghiên cứu nghiêm túc về “Tại sao không trọng dụng nhân tài ngoài đảng?” Có thể do vị trí công việc của họ ngăn cản họ đi sâu vào chủ đề đó. Hành chính/chính sách công đều là các lĩnh vực chính trị nhạy cảm. Tuy nhiên, chỉ trọng dụng đảng viên làm lãnh đạo sẽ không giải quyết được cái gốc của vấn đề chất lượng yếu kém của đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia ở VN.
VN bắt chước mô hình quản trị của TQ. Tuy nhiên, có nhiều điểm rất hạn chế. Bởi lẽ VN không tập trung quyền lực như TQ. Từ 1993 đến nay, TQ hợp nhất 3 chức vụ Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Quân Ủy TW trong một người duy nhất. VN có cả TBT, CTN, cả Thủ tướng. Quyền điều hành trong tay Thủ tướng, CTN là chức danh mang tính lễ nghi chứ không thực quyền như ở TQ. VN là nước duy nhất trong số 5 nước cộng sản còn sót lại không hợp nhất quyền lực của nguyên thủ quốc gia. (Nghe đồn, VN không hợp nhất chức vụ là do e ngại một Gorbachev sẽ xuất hiện ở vị trí quyền lực đó). Việc phân tán quyền lực như vậy dẫn đến các phe phái trong tam trụ đấu đá, kìm hãm nhau. Nên nhớ, Lý Quang Diệu, Park Chung Hee phát huy được tài năng đều nhờ được tập trung tối đa quyền lực.
Hơn nữa, TQ có 91 triệu đảng viên, gấp 18 lần số đảng viên VN (5 triệu). Trong khi đó chỉ cần 01 lãnh đạo tối cao. TQ có 27 bộ/ủy ban, 33 tỉnh/thành/đặc khu, 2861 quận/huyện. So với Việt Nam với 18 bộ/cơ quan ngang bộ, 64 tỉnh/thành, 705 quận/huyện. Như vậy số đảng viên TQ gấp 18 lần, nhưng số bộ chỉ gấp 1.5 lần, số tỉnh/thành chỉ bằng 0.5 lần, số quận/huyện chỉ gấp 4. Giả thiết nhân tài phân bố đều theo số đảng viên thì rõ ràng việc lựa chọn người tài làm lãnh đạo ở TQ dễ hơn VN rất nhiều. Thậm chí, khi lãnh đạo tài năng cấp càng cao thì tác động lên xã hội càng lớn, chứ không chỉ theo tỷ lệ số đảng viên. Vô số người Việt không có cơ hội làm lãnh đạo, dù rất giỏi, bởi họ thuộc nhóm 93 triệu người ngoài đảng.
Lãnh đạo ở các cơ quan công quyền bao gồm một số dạng: (1) Lãnh đạo ở các khu vực địa lý (v.d. chủ tịch tỉnh, huyện, xã. Thủ tướng cũng xếp vào nhóm này, bởi khu vực địa lý này bao gồm toàn bộ quốc gia); (2) Lãnh đạo các bộ/ngành và các cấp thấp hơn (v.d. vụ, sở, phòng, ban); (3) Lãnh đạo ở các cơ sở nghiên cứu/giáo dục nhà nước; (4) Lãnh đạo ở các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước; (5) Lãnh đạo ở các đoàn thể chính trị xã hội do nhà nước thành lập…
(1) NHÓM1: Ở phương tây, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, thủ tướng (tổng thống) là các lãnh đạo dân cử, do người dân bầu lên. Việc dân bầu lên rất quan trọng để đảm bảo giám sát hoạt động của lãnh đạo địa phương. Chính vì vậy, ở VN cần phải cải tổ các vị trí này theo hướng dân cử, chứ không thể chỉ loay hoay tìm cách cải cách theo hướng đảng cử.
(2) NHÓM 2: Ở cả tây và ta, lãnh đạo cấp bộ/ngành (v.d. bộ trưởng, thứ trưởng, thống đốc), và nội các chính phủ nói chung, đều do thủ tướng (tổng thống) lựa chọn để đảm bảo “hợp cạ”, e-quip làm việc phải ăn ý với nhau. Nếu lãnh đạo bộ/ngành có scandal thì họ sẽ bị thải loại, nhưng thủ tướng (tổng thống) sẽ lựa chọn người khác. Không cần thiết phải đặt vấn đề “lựa chọn nhân tài” ở các vị trí này, bởi vì thủ tướng/tổng thống sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng của bộ máy.
Ở phương tây, thông thường, đa số thành viên nội các chính phủ sẽ là đảng viên của đảng cầm quyền. Vẫn có một số ít là người của đảng khác hoặc không theo đảng phái nào. Ví dụ Alan Greenspans làm Thống đốc Quỹ dự trữ Quốc gia Mỹ từ 1987-2006, qua 4 đời tổng thống, bao gồm cả tổng thống dân chủ như Clinton, mặc dù ông ấy là đảng viên đảng cộng hòa. Sở dĩ như vậy là vì ông ấy rất giỏi. Jerome Powell, Janet Yellen, và một số bộ trưởng của Mỹ đều đã từng phục vụ trong nội các chính phủ của đảng đối lập. Đa số các viên chức ngoại giao, quân đội là những người không thuộc đảng nào. Ví dụ cựu đại sứ VN Kritenbrink phục vụ cả hai triều đại Trump và Biden.
VN rất nên cân nhắc lựa chọn những người giỏi ngoài đảng vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn sâu trong nội các chính phủ. Ví dụ, các vị trí bộ trưởng, thứ trưởng các bộ Khoa học&Công nghệ, Y tế, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Công Thương, Thống đốc, phó thống đốc Ngân hàng nhà nước.v.v…Những vị trí này đòi hỏi năng lực chuyên môn cao, cũng không nhạy cảm chính trị gì mấy mà chỉ loay loay chọn trong 5 triệu đảng viên thì rõ ràng bỏ sót rất nhiều nhân tài.
Ở các cấp thấp hơn, thì có thể đặt vấn đề thi tuyển lãnh đạo. Tuy nhiên mới đây Đề án 2424/BNV-CCVC về đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý ở cấp vụ/sở/phòng vẫn chỉ chú trọng lựa chọn trong số các đảng viên rõ ràng là một sự lãng phí nhân tài.
(3) NHÓM 3: Môi trường nghiên cứu/giáo dục rất khuyến khích sự tự do và tôn trọng ego của các giảng viên/nhà nghiên cứu. Đấy là những nơi khuyến khích năng lực chuyên môn chứ không phải năng lực lãnh đạo. Thế nên ở nhiều nước phương tây, vị trí trưởng khoa, chủ tịch hội đồng khoa (chair/director of graduate studies) thường quay vòng trong số các giáo sư/phó giáo sư đã có biên chế của khoa. Mỗi người làm 2-3 năm rồi để người khác làm. (Kể cả những người không có tí năng khiếu lãnh đạo nào cũng phải làm). Đấy là chưa kể, có vài người khác phụ trách về đối ngoại, marketing, phụ trách nghiên cứu, phụ trách chương trình đào tạo đại học và đào tạo chứng chỉ…để hỗ trợ trưởng khoa. Ở VN, có nhiều người làm trưởng khoa tận 10-13 năm liên tục, và phải chịu trách nhiệm về tất cả các việc đó. Họ không có thời gian làm chuyên môn nhưng lại có quyền sinh sát đối với giảng viên/nhà nghiên cứu. Cái đấy rất bất hợp lý. Phải cố gắng thay đổi theo hướng quay vòng chức vụ của tây. Trưởng phó khoa không nhất thiết phải là đảng viên.
(4) NHÓM 4: Để hiểu về nhóm này thì phải học về Lý thuyết Tổ chức và Quản trị. Lý thuyết tổ chức và quản trị là lĩnh vực nghiên cứu về tất cả các loại tổ chức khác nhau (từ tổ chức to nhất như nhà nước, cho đến tổ chức tôn giáo, tổ chức giáo dục, tổ chức phi chính phủ v.v…) chứ không chỉ các tổ chức kinh doanh. Đặc biệt còn có môn Quản trị Nguồn Nhân lực, trong đó có phần trọng dụng nhân tài. Lý thuyết tổ chức được nghiên cứu khá nhiều trong quản trị kinh doanh cho nên sinh viên ngành này thường phải học môn này. Trong khi đấy, có nhiều chương trình hành chính, chính sách công mà lại không được học về lĩnh vực này nên đáng tiếc. Cách đây mấy năm, tôi được phân công dạy môn Lý thuyết tổ chức và Quản trị cho nên phải tìm hiểu về nó. Có nhiều kiến thức áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không chỉ trong kinh doanh. Chẳng hạn trong sơ đồ dưới đây mô tả kỹ năng cần có của nhà quản trị.
+ Conceptual skills (kỹ năng nhận thức – tư duy chiến lược): ở cấp lãnh đạo càng cao càng cần loại kỹ năng này.
+ Human skills (kỹ năng nhân sự): nghĩa là sự quảng giao, quan hệ tốt với cấp dưới, và cấp trên, và đối tác. Kỹ năng này cần thiết ở mọi cấp lãnh đạo.
+ Technical skills (kỹ năng chuyên môn): lãnh đạo càng cao cấp thì càng không cần phải biết nhiều về chuyên môn.
Đấy là lý do, ông Nguyễn Đức Vinh, đang là Phó TGĐ Vietnamairline chuyển sang làm Phó TGĐ Techcombank có thể làm được ngay, không những thế còn làm rất tốt, dù trước đó ông ấy không biết gì mấy về lĩnh vực ngân hàng. Hay bà Đàm Bích Thủy, đang là TGĐ ANZ bank sang làm hiệu trường, sau đó là CTHĐQT của ĐH Fulbright vẫn làm được ngay.
Với quan niệm như vậy, thông thường người ta chỉ thi tuyển lãnh đạo cấp thấp, và cùng lắm là cấp trung. Còn ở cấp cao, rất khó đo lường và so sánh tư duy chiến lược cho nên thường không thi tuyển. Hội đồng quản trị thấy ai đã từng có thành tích lãnh đạo tốt ở nơi khác, không nhất thiết cùng lĩnh vực với công ty mình, thì mời họ về làm lãnh đạo.
Trên thực tế việc tuyển dụng CEO các ngân hàng nhà nước, công ty viễn thông như Viettel hiện nay khá tốt, thật sự dựa trên kinh tế thị trường. Thế nên CEO ở các nơi đó hầu như không kém các công ty tư nhân cùng lĩnh vực. Theo như tôi biết, việc lựa chọn các nhân viên cấp thấp hơn ở các ngân hàng lớn của nhà nước, Viettel, Vietnamairline, Bảo Việt…mặc dù vẫn để lại một tỷ lệ nhỏ dành cho người nhà, nhưng tuyển lực nhân tài khá tốt theo cơ chế thị trường. (Nên nhớ, các công ty tư nhân cũng dành một tỷ lệ nhất định cho người nhà).
Tuy nhiên, ở các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước vẫn hạn chế là coi trọng “Tuân thủ” hơn “Hiệu quả”. Có nghĩa là các văn bản thủ tục phải theo đúng quy trình tuần tự. Điều này sẽ rất hạn chế sự sáng tạo của các CEO. Ví dụ, một tổng công ty muốn ký một hợp đồng lớn với một đối tác nước ngoài trong vòng vài tuần. Nếu kéo dài thời gian thì đối tác nước ngoài sẽ ký với công ty khác. Tuy nhiên, nếu theo đúng quy trình thủ tục của nhà nước thì sẽ phải mất vài tháng. Như vậy CEO rất dễ vi phạm “Tuân thủ” nếu muốn tổng công ty có những bước tiến đột phá. ĐH Tôn Đức Thắng chẳng hạn, là trường công lập nhưng không nhận tiền tài trợ của nhà nước. Nó cũng có bản chất giống như doanh nghiệp, bởi vì phải tự kiếm ăn để tổn tại và phát triển. GS Lê Vinh Danh đã đưa TĐT lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các CEO của các doanh nghiệp nhà nước khác, đợt vừa rồi Tổng Liên Đoàn tìm cách bới lỗi “không tuân thủ” của ông ấy không khó. Nếu muốn đảm bảo tuân thủ tuyệt đối thì doanh nghiệp sẽ chết dí, không làm ăn được gì.
Chính vì coi trọng “Tuân thủ” hơn “Hiệu quả” cho nên ở nhiều tổng công ty của nhà nước với bản chất sản xuất, kinh doanh đa dạng, rất khó chọn CEO, bởi vì người giỏi không muốn về do không phát huy được tài năng. Tất nhiên, nhiều tổng công ty thua lỗ nặng còn do cấu trúc của nó có vấn đề.
Nói tóm lại, các bạn cố vấn hành chính, chính sách cho VN phải đầu tư nghiên cứu và “bước ra ngoài vùng cấm”, cổ vũ việc tuyển dụng nhân tài ngoài đảng làm lãnh đạo. Ngoài ra, đặc thù của mỗi loại hình và của mỗi cấp lãnh đạo rất khác nhau. Không có “chiếc áo nào mặc vừa” cho mọi vị trí lãnh đạo. Thế nên, nhiều bạn rất trẻ, ít ít kinh nghiệm thực tế, tập trung nghiên cứu sâu vào từng loại hình/cấp lãnh đạo thì sẽ hữu ích hơn.
No comments:
Post a Comment