Sunday, October 17, 2021

TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI (TIẾP THEO)

 (Bài đã đăng trên Facebook Kieu Dung ngày 16/10/2021)

Trong bài “Trọng dụng Nhân tài: Chỉ trọng dụng Đảng viên?” tôi đã nói về những điểm yếu cốt tử của việc lựa chọn lãnh đạo ở Việt Nam.

1) Lãnh đạo tối cao không tập trung quyền lực.
2) Mô hình VN bắt chước Trung Quốc, nhưng khả năng lựa chọn kém hẳn TQ. Số đảng viên TQ gấp 18 lần VN, nhưng số bộ chỉ gấp 1.5 lần, số tỉnh/thành chỉ bằng 0.5 lần, số quận/huyện chỉ gấp 4. Thế nên TQ chọn lãnh đạo tài năng trong số đảng viên dễ hơn hẳn.
 Vô số người trong số 93 triệu người ngoài đảng ở VN, dù tài năng cũng không có cơ hội làm lãnh đạo.
 
Hôm nay tôi muốn bổ sung thêm một số ý. 
 
Chức năng chủ yếu của Nhà nước là đề ra luật lệ, cơ chế, chính sách và thực thi những thứ đó. Một nhà nước mạnh cần phải có đội ngũ lãnh đạo giỏi (để ra quyết định tốt) và đội ngũ chuyên gia giỏi, ở tất cả các lĩnh vực (để cố vấn cho chính phủ và thực hiện tốt công việc của họ). 
 
TQ là nước đông dân, 1.4 tỷ dân. Đội ngũ Hoa kiều rất mạnh. Hiện giờ người gốc Hoa chiếm tới 20-25% số ghế giáo sư các trường đại học ở Mỹ. Người gốc Hoa cũng tràn ngập thung lũng Silicon. Thế nên TQ chỉ cần chọn chuyên gia giỏi trong cộng đồng gốc Hoa ở đại lục và hải ngoại là đã thừa mứa tài năng, chưa cần thu hút nhân tài ngoại lai.
 
Các nước phát triển, có dân số ít hơn, thì phải tìm cách thu hút nhân tài từ khắp thế giới về làm việc cho mình bằng chính sách lương hậu hĩnh, cấp quốc tịch, thẻ xanh. Họ trọng dụng nhân tài bất kể chủng tộc. Nhiều người nhập quốc tịch một thời gian là có thể leo lên các vị trí lãnh đạo quốc gia hoặc các vị trí lãnh đạo/chuyên gia cao cấp quan trọng ở các đơn vị chuyên môn. (Nhiều vị trí lãnh đạo chuyên môn chỉ cần thẻ xanh).
 
Ở VN, không có tài năng ngoại quốc nào tài năng nhập quốc tịch, hay xin thẻ xanh cả. Cộng đồng Việt Kiều đi khỏi VN giai đoạn trước 2000 thì vẫn đang chửi chế độ tưng bừng, ít người giỏi muốn về cộng tác. Việt Kiều đi từ 2000s trở lại thì vẫn còn non, số người thành đạt vẫn còn khá ít. Nói chung, cộng đồng Việt kiều ở hải ngoại vẫn còn yếu ớt, không thể mơ so sánh với Hoa kiều, Ấn kiều. VN vẫn phải đi theo con đường giống như các nước không đông dân khác, nghĩa là thu hút tài năng trên thế giới về làm việc, bất kể quốc tịch.
 
Nhưng tài năng của thế giới đến VN sống lâu dài làm gì? Các vị trí lãnh đạo các trường đại học/viện nghiên cứu ở khu vực công, nhận được nhiều tài trợ để đầu tư cho nghiên cứu, hiện nay vẫn phải là đảng viên. (Chỉ trừ một số dự án liên kết VN với nước ngoài). Các trường/viện kể cả tư nhân vẫn chưa suy nghĩ nghiêm túc về chuyện đầu tư mạnh dài hạn để tuyển giảng viên/nhà nghiên cứu giỏi nhất của thế giới đến VN làm việc. (Hoặc là họ vẫn chưa có nhiều tiền để làm như thế). Hệ thống doanh nghiệp công nghệ còn rất manh mún, yếu ớt. Hàng công nghệ VN sản xuất để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu không dựa trên những công nghệ cutting edges. Đồ điện tử của VN chỉ toàn xuất chất khẩu đi châu Phi và ASEAN, không thể cạnh tranh được với hàng xịn của thế giới cho nên người Việt cũng không muốn dùng. Chảy máu chất xám trong các lĩnh vực công nghệ rất mạnh vì VN không thể so sánh với tây cả về lương cũng như môi trường sống. Còn khoa học xã hội thì bị bóp méo mó, thảm hại.
 
Có nhiều người vẫn mơ mộng một Lý Quang Diệu sẽ xuất hiện để cứu rỗi VN. Tiếc thay, nếu không tập trung quyền lực tối cao thì Lý Quang Diệu sinh ra ở VN cũng bó tay. Hơn nữa, Singapore chỉ bằng một tỉnh của VN. Một mình ông Lý không đi sâu đi sát được, 63 tỉnh ở VN. Nhưng mơ mộng có 62 ông Lý nữa là chuyện không tưởng. Ngoài ra, ông Lý phải ở vị trí nguyên thủ quốc gia thì mới phát huy được hiệu quả. Nếu không thì sẽ chỉ như Nguyễn Bá Thanh, số phận thế nào thì đã rõ.
 
Một điều rất quan trọng để thu hút nhân tài làm công chức là lương cao và cơ chế tuyển dụng công bằng. Bài dưới đây giải thích tại sao VN không thể thực hiện ba không “không muốn, không thể, không cần” cho nên không thể trả lương rất cao như Lý Quang Diệu. Chúng ta cũng không có cơ chế dân chủ như thời Park Chung Hee (tam quyền phân lập, đa đảng, lưỡng viện), cho nên cũng chẳng chống tham nhũng và giám sát tuyển dụng nhân tài được.
 
PS: Bạn nào nói rằng một đảng lãnh đạo thì tốt để phát triển công nghệ (chuyển đối số). Có lẽ tưởng rằng TQ phát triển công nghệ tốt là do ổn định chính sách vì độc đảng? Điều đấy sai. Sự thành công của TQ là nhờ đầu tư lớn vào phát triển công nghệ, thu hút được nhiều nhân tài, và ăn cắp công nghệ của phương tây. GDP/capita của TQ không lọt vào top 50 của thế giới, nhưng vì đông dân cho nên GDP tổng lớn thứ 2 thế giới. Thế nên có nhiều tiền đề đầu tư vào công nghệ, quốc phòng, phát triển kinh tế. (Ấn Độ hiện cũng thứ 5 thế giới vì đông dân, dù GDP/capita kém cả VN). VN thì không còn cơ hội ăn cắp công nghệ, trọng dụng nhân tài thì đã nêu trên. 
 
Nếu nói rằng cần độc tài để ổn định chính sách thì làm sao bao nhiêu quốc gia dân chủ trên thế giới phát triển được? Thật ra mức độ ổn định chính sách ở VN rất kém, vì trình độ hoạch định chính sách kém (do lãnh đạo và chuyên gia hoạch định kém) cho nên thấy không hiệu quả là thay đổi lung tung. Còn các nước dân chủ thì không can thiệp gì mấy vào thị trường cho nên vẫn phát triển tốt.
 

No comments:

Post a Comment