Đạo đức của một hệ thống thực chất là sự cân bằng lợi ích giữa các nhóm khác nhau trong hệ thống đó. Lâu nay, nhiều người thiếu hiểu biết nhưng sốt sắng bảo vệ liêm chính đã dẫn đến nhiều ứng xử không phù hợp. Dưới đây là 14 Nguyên tắc Bảo vệ Liêm chính Học thuật quan trọng nhất.
1) TẬP TRUNG VÀO PHÒNG NGỪA THAY VÌ TỐ CÁO: Bảo vệ liêm chính phải tập trung vào “Phòng Ngừa”, nghĩa là nâng cao hiểu biết của cộng đồng học thuật về liêm chính và thiết kế các công cụ giám sát. Điều này đặc biệt đúng đối trong bối cảnh hiểu biết về đạo đức khoa học còn rất kém ở VN. (Học sinh lớp 12 còn phải học văn mẫu. Giảng viên không được cập nhật các kiến thức về đạo đức khoa học. Về nghiên cứu, năng lực nghiên cứu trung bình của giảng viên còn khá thấp. (Năm 2018, số nhà giáo được phong phó giáo sư (PGS) và giáo sư (GS) nhưng không có bài báo quốc tế (ISI/SCOPUS) chiếm tới 53% và 34%. Số ngành có GS được phong nhưng không có bài báo quốc tế nào chiếm tới 11 trên tổng số 28 ngành.) Phần lớn giảng viên không được đào tạo bài bản về xuất bản quốc tế (XBQT) cho nên không biết xuất bản, ngại quan tâm đến những vấn đề về xuất bản. Nhiều trường lớn cũng không có các phần mềm kiểm tra đạo văn, ví dụ Turnitin). Do vậy, trước tiên phải tập trung giải quyết các vi phạm kinh điển (v.d. đạo văn, đạo dịch, ngụy tạo số liệu, gian dối thi cử). Ngay cả với những vấn đề kinh điển, cần phải đảm bảo rằng các trường đã tổ chức seminar hướng dẫn sinh viên, giảng viên. Sau đó mới có thể tính chuyện trừng phạt. (Đối với những vấn đề rất mới, chưa được phổ biến ở VN, hoặc những vấn đề còn gây tranh cãi thì trước tiên cần phải cân nhắc xem có cần thiết phải ra quy định hay không.) Hăng hái “Tố Cáo” khi chưa Phòng Ngừa tốt sẽ chỉ khuyến khích thói đố kị, đấu đá, chửi hôi, trả thù để bảo vệ lợi ích nhóm.
2) LIÊM CHÍNH KHÔNG PHẢI LÀ KHÁI NIỆM ĐỒNG NHẤT TRÊN TOÀN THẾ GIỚI. ĐÂY LÀ KHÁI NIỆM CÓ TÍNH ĐẶC THÙ ĐỊA PHƯƠNG, NGÀNH NGHỀ, LOẠI HÌNH TỔ CHỨC: Trừ một số sai phạm kinh điển, có sự đồng thuận cao trên thế giới (v.d. đạo văn, đạo dịch, ngụy tạo số liệu, gian dối thi cử), quan niệm về liêm chính giữa các quốc gia có thể khác nhau. Ở Hoa Kỳ, sử dụng trang Sci-hub để tải các bài báo khoa học là sai trái, nhưng ở VN thì không sai. Bởi lẽ các cơ sở học thuật ở VN không có khả năng cung cấp tài khoản truy cập đa số kho tài liệu khoa học quốc tế cho giảng viên và sinh viên như ở Hoa Kỳ. Một số trường công lớn và một số ngành như Toán học có tỷ lệ người có khả năng XBQT khá cao (ngành Toán là gần 100%) cho nên kỳ thị MDPI. Nhưng các trường tư nhỏ, trường ở tỉnh lẻ, hoặc nhiều ngành KHXH&NV, nơi mà số người có khả năng XBQT chỉ chiếm 10-30%, có một bài báo trên MDPI vẫn là niềm mơ ước. Nhiều người ngành Sinh học cho rằng một số tạp chí MDPI ngành này chất lượng tốt ngang với các tạp chí chất lượng cao của các nhà xuất bản danh tiếng. Chính vì vậy, chuẩn mực liêm chính có thể khác nhau. Theo nghị định số 73/2015/NĐ-CP của Chính phủ, ở VN có ba dạng cơ sở giáo dục đại học: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, và định hướng thực hành. Chưa kể, nhiều khoa của các trường định hướng nghiên cứu cũng không có ai biết xuất bản quốc tế. Bởi vậy, chuẩn mực liêm chính của các trường, các ngành có thể không giống nhau.
3) KHÔNG ĐƯỢC TỐ CÁO ĐÍCH DANH CÁ NHÂN/TỔ CHỨC VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHƯA CÓ QUY ĐỊNH HOẶC KHÔNG CÓ ĐỦ BẰNG CHỨNG: Chỉ có thể tố cáo đích danh cá nhân/tổ chức về những vấn đề kinh điển (v.d. đạo văn, đạo dịch, ngụy tạo số liệu) và những vấn đề đã có quy định ở VN. (Thật ra, ngay cả những trường hợp này, chỉ những vụ việc lớn, ví dụ đạo văn/đạo dịch cả một chương, hay ngụy tạo số liệu cả một công trình lớn, kiểu như ngụy tạo tế bào mầm của Hàn quốc, thì mới tố cáo đích danh. Đối với những sai sót vụn vặt thường chỉ cần email nhắc nhở tác giả). Người tố cáo có nghĩa vụ phải cung cấp đầy đủ bằng chứng. Cá nhân/tổ chức bị tố cáo không có nghĩa vụ phải thanh minh với những người không có thẩm quyền. (Nếu không, những kẻ rỗi việc có thể thoải mái tố cáo bằng cách suy diễn ác ý hoặc vu khống ngày này qua ngày khác. Không lẽ người bị tố cáo suốt ngày phải chạy theo thanh minh?) Đối với các vấn đề chưa có quy định hoặc còn đang tranh cãi (v.d. affiliation, mdpi, đăng nhiều bài trong thời gian ngắn), chỉ được phép thảo luận chung chung và gợi ý giải pháp, không được tố cáo đích danh cá nhân/tổ chức. Có thể yêu sách cấp có thẩm quyền ra quy định cấm một hiện tượng, nhưng không được phép nêu tên đích danh các tổ chức và cá nhân kèm theo yêu sách, bởi như vậy là cố tình nói xấu họ khi chưa có quy định. “Không hồi tố” những vụ việc xảy ra trước khi có quy định.
Ví dụ, gần đây có hiện tượng cố tình bôi nhọ các tổ chức/cá nhân về vấn đề nơi thực hiện nghiên cứu (affiliation). Một số người tố cáo rằng một vài cá nhân chỉ ghi tên trường cộng tác trên bài báo, thay vì trường chính của họ, là do được trường cộng tác yêu cầu và được trả tiền để làm như vậy, mặc dù đã được cảnh báo từ trước rằng có trường hợp bị buộc tội sai. Thật ra trên thế giới cũng không có quy định thống nhất về vấn đề affiliation[1]. Ở VN đây là vấn đề chưa có quy định và còn đang tranh cãi. Những người tố cáo cũng không đưa được bằng chứng về việc tác giả nhận tiền của trường đó (v.d. bằng chứng giao dịch chuyển tiền), bằng chứng về trạng thái của người cộng tác (nhà nghiên cứu cơ hữu, cộng tác viên, hay đang chuyển trường), và bằng chứng về yêu cầu chỉ ghi 01 affiliation của trường cộng tác (chỉ có vài trường yêu cầu như vậy).
Không tố cáo đích danh khi chưa có quy định là nguyên tắc trong mọi lĩnh vực cuộc sống chứ không riêng gì khoa học. Dân trí về luật pháp của giới khoa học nói riêng và công chúng nói chung còn khá thấp. Sẽ rất nguy hiểm nếu công dân được thoải mái yêu sách rồi tranh thủ bôi nhọ người khác. Nếu yêu sách đó bị bác bỏ, việc bôi nhọ cũng đã tạo ra hệ lụy xấu. Còn nếu yêu sách được chấp nhận, việc bôi nhọ vẫn mâu thuẫn với nguyên tắc “không hồi tố”. Ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, nơi người dân rất thích kiện cáo, vu khống có thể bị kiện sạt nghiệp.
4) BUỘC TỘI NGƯỜI KHÁC KHÔNG KHÓ: “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”. Không khó để bắt lỗi vụn vặt của người khác, nhất là những người có nhiều xuất bản. Nếu cứ tự do tố cáo, báo chí phổ thông đăng thoải mái, một vụ việc bé cỏn con cũng có thể biến thành một scandal, thì sẽ chẳng ai dám làm khoa học nữa. (Đây là kết luận được đúc rút từ ý kiến của các nhà khoa học thuộc nhiều ngành khác nhau, cả KHXH&NV và KHTN&KT). Sự khác biệt văn hóa giữa các ngành cũng khiến cho một số người khó tính thiếu thông cảm, dẫn đến suy diễn ác ý để buộc tội. Ví dụ, đại đa số xuất bản của các ngành toán lý thuyết và triết học chỉ có 01 tác giả. Trong khi đó, các ngành thực hành như y tế cộng đồng hoặc các nghiên cứu đa ngành, số lượng đồng-tác giả của bài báo có thể lên đến hàng trăm. Đại diện của cơ quan quản lý dữ liệu và những người phát triển y tế cộng đồng, không trực tiếp nghiên cứu, cũng có tên trên các xuất bản. Nhiều trường kinh doanh, chính sách…rất khuyến khích cộng tác nghiên cứu, cho nên xuất bản của các ngành này cũng có thể có nhiều tác giả. Ở một số ngành kỹ thuật, giáo sư hướng dẫn đương nhiên có tên trên tất cả các bài báo của sinh viên của mình. Ngoài ra, nhiều vấn đề khác có thể dẫn đến tranh cãi: (i) Xuất bản nhiều trong thời gian ngắn: hầu như chưa ở đâu trên thế giới có quy định cấm chính thức về việc này; (ii) MDPI: đây là vấn đề gây tranh cãi cả trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam; (iii) Cộng tác từ xa: nhiều ngành nghiên cứu không cần phòng thí nghiệm cho nên có thể cộng tác giữa nhiều nước khác nhau. Hoặc ngay cả những trường hợp cần phòng thí nghiệm, có người chỉ cần sử dụng phòng thí nghiệm trong thời gian ngắn, thời gian viết nghiên cứu chiếm đa số nên có thể cộng tác từ xa. Ngoài ra, ngay cả các nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới cũng có thể có nhiều bài trên các tạp chí kém chất lương, tạp chí “săn mồi” thời kỳ mới vào nghề, hoặc nhiều bài trên các tạp chí chưa vào bảng xếp hạng để hỗ trợ các tạp chí đó. Một số người có thể lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công chúng về tính đa dạng, phức tạp trong khoa học để suy diễn ác ý, nhằm buộc tội người khác.
Tiếc rằng, rất nhiều người thiếu kinh nghiệm không biết rằng bới móc những sai sót vụn vặt hoặc suy diễn ác ý để buộc tội người khác không hề khó. Những kẻ buộc tội có thể còn “nhiều phốt” hoặc “phốt nghiêm trọng” hơn người bị buộc tội, nhưng những người khác không nỡ nói ra. Tốt hơn cả, đối với những vấn đề mình không có khả năng tự đánh giá, chỉ nên im lặng lắng nghe, không nên quá tin tưởng vào những cáo buộc, trừ phi có sự đồng thuận cao của các nhà chuyên môn đúng chuyên ngành. Ngoài ra, sự trải nghiệm trong một môi trường cũng rất quan trọng để hình thành quan niệm đạo đức về môi trường đó. Ví dụ, những người ở hải ngoại không nên “quá tự tin” rằng mình đủ trình độ để đánh giá các vấn đề trong nước. Hiểu được “cái dốt” của mình để không bị lòe bịp, không bức xúc bừa bãi cũng là sự trưởng thành về nhận thức.
5) KHÔNG NÊN QUÁ THIÊN VỊ XUẤT BẢN QUỐC TẾ DẪN ĐẾN SOI MÓI KHẮC NGHIỆT CÁC VẤN ĐỀ XUẤT BẢN: Thật ra, chưa có đại học nào ở VN đáng được coi là “Đại học Nghiên cứu” như ở các nước phát triển. Ở các đại học nghiên cứu của các nước này, gần như 100% giảng viên trong biên chế là tiến sỹ và có khả năng xuất bản quốc tế (XBQT) chất lượng khá tốt, trừ một số ngành thể thao và nghệ thuật. XBQT là mục tiêu quan trọng nhất trong sự nghiệp của họ, mặc dù một số ngành thực hành cũng chú trọng thành tích phục vụ cộng đồng. Cạnh tranh ở khu vực hàn lâm ở các nước đó rất khốc liệt (theo GS Vũ Hà Văn, ở Hoa Kỳ chỉ khoảng 10% số tiến sỹ tốt nghiệp hàng năm được nhận làm giảng viên chính thức ở khu vực hàn lâm). Chưa kể, để có biên chế ở các đại học nghiên cứu rất gian khổ. Do vậy, giảng viên các trường đó giành được nhiều sự nể trọng của cộng đồng. Trong khi đó, tỷ lệ giảng viên VN có trình độ tiến sỹ khá thấp (năm 2019, tỷ lệ này là 28.9%). Đa số các giảng viên tiến sỹ không được đào tạo bài bản về XBQT cho nên khó xuất bản. (Năm 2018, 53% và 34% số PGS và GS được phong không có bài báo ISI/SCOPUS nào). Chất lượng trung bình các XBQT của VN không cao cho nên chưa được cộng đồng hàn lâm nể trọng. Ngoài ra, trong số người biết XBQT cũng có nhiều người có hoài bão đóng góp cho môi trường học thuật bằng cách khác (v.d. nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu chính sách, thực hành giỏi, trở thành lãnh đạo giỏi, phát triển hệ thống doanh nghiệp/tổ chức chuyên ngành) thay vì chỉ XBQT. Trong bối cảnh đội ngũ chuyên gia và các tổ chức chuyên ngành ở VN đều yếu và thiếu, những đóng góp đó đều đáng quý. Do vậy, các tiêu chí đào tạo tiến sỹ, công nhận giảng viên chính thức, hoặc phong PGS/GS phải dựa trên đánh giá tổng thể nhiều dạng đóng góp khác nhau chứ không thể chỉ chú trọng XBQT. (Thật ra, các trường nghiên cứu ở các nước phát triển vẫn có nhiều vị trí “PGS/GS Thực hành” cho những người có thành tích phục vụ cộng đồng chứ không phải xuất bản.) Phát triển đội ngũ nhà nghiên cứu giỏi ở VN phải tuân theo quy luật chung của thế giới, nghĩa là thu hút các tài năng quốc tế đến làm việc lâu dài, không phân biệt quốc tịch, chứ không thể chỉ dựa vào nội lực.
6) Ý KIẾN CỦA NHỮNG NGƯỜI NGOẠI ĐẠO (SỐNG Ở HẢI NGOẠI, NGHỈ HƯU, BỎ NGHỀ, KHÔNG KIẾM SỐNG BẰNG NGHIÊN CỨU, KHÔNG BIẾT NGHIÊN CỨU) CHỈ ĐỂ THAM KHẢO. HỌ KHÔNG CÓ QUYỀN THAM GIA QUYẾT ĐỊNH CHUẨN MỰC LIÊM CHÍNH Ở VN: Chuẩn mực liêm chính ở VN phải được xây dựng dựa trên đặc điểm của các nhà khoa học kiếm sống bằng nghề nghiên cứu ở VN. Những người ngoại đạo không am hiểu sự phức tạp của môi trường ở VN, không phải chịu đựng những khó khăn, áp lực giống như các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp ở VN. Do vậy, ý kiến của họ chỉ có giá trị tham khảo. Họ chỉ nên góp ý kiến bàn bạc về vấn đề chung, gợi ý về các chuẩn mực ở nước ngoài. Tuy nhiên, họ không nên tùy tiện tấn công các cá nhân/tổ chức trong nước.
Trong tất cả các hệ thống, người trong hệ thống mới giữ vai trò quyết định luật lệ cần phải như thế nào. Những người ngoại đạo rất giỏi chuyên môn, hoặc giỏi về luật pháp có thể được mời làm cố vấn. Tuy nhiên người làm cố vấn cũng phải lịch sự, cần hiểu rằng mình vẫn rất thiếu hiểu biết về hệ thống. Không ai mời những người bất lịch sự, thích tấn công hệ thống làm cố vấn cả. Ý kiến của cố vấn cũng chỉ có giá trị tham khảo. Những người trong hệ thống được giữ vai trò quyết định về luật lệ, bởi vai trò đó bao gồm QUYỀN và TRÁCH NHIỆM. Họ có QUYỀN QUYẾT ĐỊNH LUẬT LỆ bởi vì họ có TRÁCH NHIỆM phải nỗ lực để phát triển hệ thống, bởi công danh sự nghiệp của họ gắn chặt với sự phát triển của hệ thống. Họ có TRÁCH NHIỆM phải ứng xử đúng mực. Ví dụ, họ không thể tùy tiện vu khống cá nhân/tổ chức bởi làm như vậy họ sẽ bị trừng phạt, chẳng hạn, không ai muốn hợp tác với họ nữa, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp. Những người ngoại đạo không có những TRÁCH NHIỆM đó, không sợ bị trừng phạt nếu ứng xử không đúng mực, không phải chịu đựng những phức tạp, khó khăn, áp lực của môi trường nghiên cứu ở VN, cho nên cũng KHÔNG CÓ QUYỀN QUYẾT ĐỊNH đối với hệ thống. Ngay cả những người ngoại đạo rất có thiện chí muốn hệ thống phát triển vẫn có thể ứng xử không đúng mực do thiếu hiểu biết. Ví dụ, các học giả hải ngoại với mức lương đủ sống có thể thiếu thông cảm, thậm chí cay nghiệt khi thấy các nhà nghiên cứu trong nước tìm đủ cách kiếm thêm thu nhập để nuôi gia đình chỉ vì mức lương quá thấp. Hoặc những người nghỉ hưu, bỏ nghề rất ác cảm với hệ thống khoa học VN về một vấn đề mà hiện nay đã giải quyết xong và có nhiều tiến bộ khác. Thế nên ý kiến của họ không chính xác và chỉ có giá trị tham khảo.
Những người ngoại đạo chỉ nên thảo luận chung về các vấn đề và gợi ý giải pháp. Họ nên hiểu rằng người trong hệ thống không có nghĩa vụ phải trình bày những bí mật công việc cho họ. Không thể cứ đứng ngoài hệ thống rồi suốt ngày cầm kính lúp soi, căn cứ vào những chuẩn mực vu vơ ở nước ngoài để bôi nhọ, mạt sát cá nhân/tổ chức trong hệ thống.
7) CHỈ ĐĂNG BÁO PHỔ THÔNG NHỮNG VI PHẠM RẤT LỚN: Trong mọi lĩnh vực xã hội, việc tuyên truyền, quảng bá cho cá nhân, tổ chức trên các báo phổ thông khá phổ biến. Tuy nhiên, việc tố cáo đích danh trên báo phổ thông chỉ áp dụng đối với sai phạm rất lớn. Mọi ngành nghề trong xã hội đều có rất nhiều sai phạm với quy mô khác nhau. Những vụ việc nhỏ thì giải quyết trong nội bộ doanh nghiệp/tổ chức. Vụ việc trung bình và lớn thì đăng tin trên các website ngành. Vụ việc rất lớn mới cần đăng trên báo phổ thông. Văn hóa của giới khoa học thậm chí khuyến khích sự cẩn trọng, tử tế hơn các ngành nghề khác.
Trên thực tế, những vấn đề như affiliation, mdpi, đăng nhiều bài trong thời gian ngắn, đều là những chuyện lặt vặt, thuộc về chuyên môn sâu của giới nghiên cứu, chỉ thảo luận trong các diễn đàn của giới khoa học là đủ. Toàn bộ ban biên tập báo phổ thông cũng không đủ năng lực để đánh giá những vấn đề đó. Không những thế đấy còn là những vấn đề chưa có quy định.
8.) VĂN HÓA KHOA HỌC KHUYẾN KHÍCH SỰ THANH LỊCH, TỬ TẾ VÀ TÔN TRỌNG KHÁC BIỆT: Giới khoa học khuyến khích sự say mê nghiên cứu, tư duy logic, nhưng cũng rất khuyến khích sự độ lượng, khoan dung. Giới khoa học có năng lực tư duy tương đối tốt, tương đối thành đạt, hơn mức trung bình của xã hội, cho nên mặc dù cũng có đố kị, kèn cựa, nhưng đỡ hơn ngoài xã hội rất nhiều. Văn hóa khoa học khuyến khích sự tử tế. Muốn chỉ trích nghiên cứu của người khác thì cần phải khen ngợi vài câu mới chê một câu. GS Nguyễn Văn Tuấn nói rằng người thẩm định hơi nặng lời chê bài viết, v.d. viết rằng "lập luận mềm như bún", là đã thể hiện thói đố kị rồi. Các nhà khoa học chân chính rất bận rộn, không có thời gian để đi soi người khác. Không có khái niệm “Anh hùng liêm chính” trong khoa học. (Ai đó nêu trường hợp bà Elizabeth Bik. Tuy nhiên bà này đã từng làm việc ở Stanford, đã có nhiều nghiên cứu và giờ đã nghỉ hưu. Đó là trường hợp vô cùng hiếm và rất ít người biết). Các ngành nghiên cứu đều không có site riêng nào để tố cáo vi phạm liêm chính, mà chỉ có những website chung để thảo luận về mọi vấn đề giống như VietPhD, IVANET. Thảo luận trên các website của các ngành KHXH&NV thường ẩn danh để các nhà nghiên cứu không mất thì giờ cho những thảo luận vô bổ, nhằm bảo vệ “cái tôi”. Các website do các giáo sư quản lý thì vô cùng lịch sự, chỉ cung cấp thông tin và hỗ trợ chứ hầu như không bàn những chuyện tiêu cực. Các nhà khoa học chân chính rất đề cao “Tôn trọng khác biệt”, lịch sự và cẩn trọng khi đánh giá ngành nghề khác và khi bàn về các vấn đề ở VN.
9) CÁC NHÀ BÁO KHÔNG CÓ BẰNG CẤP VỀ KHOA HỌC KHÔNG NÊN TÙY TIỆN PHÊ PHÁN VỀ CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU: Nhà báo giáo dục chỉ nên bàn luận về các vấn đề liên quan đến giáo dục (v.d. tài liệu giảng dạy, bài viết của sinh viên, và các vi phạm kinh điển như đạo văn, ngụy tạo số liệu, nghĩa là những vấn đề ai cũng hiểu). Họ không nên tùy tiện phê phán, quấy rầy các cá nhân và tổ chức những vấn đề khoa học chuyên sâu quá tầm hiểu biết của mình. Nguyên tắc này cũng nhằm ngăn chặn các nhóm lợi ích lợi dụng sự kém hiểu biết của các nhà báo để tấn công các đối thủ. Văn hóa giật tít, câu view, say mê bóc phốt, tùy tiện vu khống của một số nhà báo rất xa lạ với văn hóa khoa học. Ở phương tây, chỉ các nhà báo khoa học, thường xuất thân là nhà khoa học, mới đủ trình độ điều tra các vi phạm liêm chính khoa học, và am hiểu về văn hóa khoa học để có những phát ngôn đúng mực.
10) KHÔNG THÀNH LẬP VÀ THAM GIA CÁC NHÓM “DÂN QUÂN TỰ PHÁT” CHUYÊN BÓC PHỐT VI PHẠM LIÊM CHÍNH: Không cơ quan có thẩm quyền nào cấp giấy phép cho các nhóm như vậy. Không ngành nghề nào cho phép các nhóm như vậy hoạt động bởi không thể đảm bảo trình độ chuyên môn, sự am hiểu về triết học, hoạch định chính sách, và môi trường công việc ở VN của những người quản lý nhóm. Những nhóm như vậy rất dễ đăng những bài đấu tố sai làm tổn thương các tổ chức và cá nhân. Trên thế giới cũng không hề có những nhóm bóc phốt liêm chính như vậy. Mục tiêu đào tạo nhà khoa học không phải là để chuyên đi bóc phốt. Thực tế cho thấy, nhóm như vậy thu hút rất đông những “nhà khoa học” trình độ non yếu, kém hiểu biết về pháp luật và môi trường học thuật ở VN, các nhà báo “mù tịt khoa học”, và những người không thuộc giới hàn lâm nhưng thích chửi hôi. Những người đó thường xuyên mắc lỗi tố cáo đích danh những vấn đề chưa có quy định, không đủ bằng chứng, thậm chí bịa đặt, phóng đại. Có rất nhiều tật xấu làm tổn hại môi trường học thuật chứ không chỉ vi phạm liêm chính, ví dụ: (i) Đấu đá, kích động chia rẽ bè phái; (ii) Đố kị, ganh ghét; (iii) Thượng đội, hạ đạp; (iv) Lừa thầy phản bạn; (v) Tranh cướp công lao; (vi) Hay nói xấu người khác; (vii) Thô tục, sàm sỡ; (viii) Bắt nạt cấp dưới; (ix) Đối xử bất công; (x) Khó tính, cay nghiệt với người khác; (xi) Không tôn trọng các ngành nghề khác; (xii) Đấu tố những vấn đề mình không hiểu; (xiii) Giảng dạy kém; (xiv) Nghiên cứu kém v.v…Không lẽ chỉ hăng say đấu tố cá nhân về vi phạm liêm chính nhưng lại bỏ qua những tật xấu khác?
Trong cuộc sống hàng ngày, những người lịch lãm rất hiếm khi nói xấu người khác (kể cả nói xấu “Những người của công chúng”), bởi vì họ hiểu rằng “nhân vô thập toàn”. Các nhà khoa học trẻ nên tham gia những nhóm chú trọng sự thanh lịch và chơi với những người tử tế, độ lượng. Nếu cần thiết phải tố cáo về những sai phạm tương đối lớn kinh điển hoặc đã có quy định với đầy đủ bằng chứng thì chỉ cần đăng trên facebook hoặc các diễn đàn chung như VIETPHD, IVANET.
11) LUÔN TỒN TẠI NHIỀU QUY ĐỊNH BẤT CÔNG TRONG HỌC THUẬT. Luật pháp được xây dựng trên nền tảng triết học chính trị và triết học đạo đức. Thomas Jefferson từng nói đại ý rằng: “Luật bất công thì có quyền không tôn trọng luật”. Luật lệ, quy định trong khoa học phụ thuộc rất nhiều vào việc lobby của các nhóm lợi ích. Thế nên không phải lúc nào cũng công bằng theo nghĩa thỏa mãn lợi ích của số đông và phục vụ lợi ích quốc gia. Đấy là chưa kể, luật lệ nào cũng có mặt trái, nghĩa là có những nhóm người phải chịu thiệt thòi. Lấy ví dụ, đợt phong PGS/GS năm ngoái, chỉ có 5/40 ứng viên PGS/GS ngành Y được đào tạo ở nước ngoài. Số đào tạo trong nước khó xuất bản quốc tế là điều dễ hiểu. Quy định về số xuất bản quốc tế hiệm nay có thể vẫn cao đối với ngành này. Thế nên, họ phải tìm cách này, cách khác để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình. Ngoài ra, luật lệ rất dễ thay đổi. (V.d. quy định về đào tạo tiến sỹ, phong PGS/GS thường thay đổi sau vài năm, đôi khi lại quay về với một quy định cũ). Không nên quá tin vào “Tính đúng đắn” của luật lệ mà cần thông cảm với những nhóm bị thiệt thòi.
“Tự đạo văn”, “đạo dịch” có thể được tất cả các viện/trường ở VN đồng ý là hành vi không chấp nhận được. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề mới, cần phải giải thích về các sai phạm này trên toàn quốc trước khi tính chuyện trừng phạt. Ngược lại, các vấn đề gây tranh cãi (v.d. affiliation, mdpi, đăng nhiều bài trong thời gian ngắn) có thể sẽ chỉ được một số cơ sở học thuật đồng ý là phải nghiêm cấm. Vấn đề affiliation, mdpi phổ biến ở VN đến nỗi nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu cũng cho rằng những hiện tượng đó là chấp nhận được bởi phù hợp với hoàn cảnh VN. Chính vì vậy, khó có thể hi vọng ở một sự đồng thuận toàn quốc.
12) KHÔNG THỂ ÁP ĐẶT ĐỦ THỨ CHUẨN MỰC LÊN MỘT NỀN KHOA HỌC CÒN NON YẾU: Một nền khoa học tiên tiến phải mời được nhiều nhà khoa học giỏi ngoại quốc đến nhập tịch/xin thẻ xanh để làm việc lâu dài. Nền khoa học VN còn non yếu, giống như bonsai ở giai đoạn đầu. Không thể thoải mái bứt rễ, bẻ tán giống như đối xử với cây trưởng thành, bởi sẽ làm thui chột mầm mống phát triển. Mức độ liêm chính luôn luôn tỷ lệ thuận với trình độ khoa học của một quốc gia. Không thể đòi hỏi một nền khoa học còn non yếu nhưng mức độ liêm chính lại cao vọt lên như ở các nước phát triển. (Chẳng khác nào đòi hỏi nông thôn phải thanh lịch, văn minh như thành phố). Khoa học VN có rất nhiều khác biệt với thế giới chứ không chỉ vấn đề affiliation. Ví dụ, giảng viên cơ hữu ở trường này chạy sô sang dạy trường khác để kiếm tiền, hoặc giảng viên trường này nộp hồ sơ phong PGS/GS ở hội đồng trường khác, đều là những hiện tượng không hề có ở các nước phát triển. Thời kỳ tăng tốc phát triển 1985-2012, Trung Quốc không quan tâm nhiều vấn đề đạo đức nghiên cứu vụn vặt. Chỉ mới cách đây khoảng 10 năm, khi đã trở thành một cường quốc khoa học, họ bắt đầu siết vấn đề liêm chính ngày càng giống phương tây. Hiện tượng tấn công các trường đại học mới nổi ở VN về những vấn đề còn nhiều tranh cãi thật sự đáng buồn. Có lẽ nó phản ánh rất đúng câu: “Người Trung Quốc công kênh nhau lên, còn người Việt Nam chỉ kéo chân nhau xuống”. Đáng ngại hơn, dẫn đầu phong trào này là nhiều giáo sư các ngành KHTN&KT, vốn rất yếu về tư duy phát triển.
13) SOI MÓI, TỌC MẠCH, ĐẤU ĐÁ, CHIA RẼ MẤT ĐOÀN KẾT CÒN ĐÁNG SỢ HƠN VI PHẠM LIÊM CHÍNH: Trên thực tế, tất cả các viện/trường đều ngán ngẩm những người thích soi mói, tọc mạch, đấu đá, chia rẽ mất đoàn kết. Trước nay, những thói xấu đó vẫn tồn tại lặng lẽ trong giới khoa học. Nhưng từ hơn một năm nay, khi được khoác chiếc áo liêm chính, chúng có cơ hội thả sức tung hoành. Dân gian có câu: “Lấy mục đích để biện minh cho phương tiện” là vậy. Những người như vậy dễ bị sa thải hơn những người từng vi phạm liêm chính. GS Phan Thanh Sơn Nam từng khuyên những người trẻ: "Suy nghĩ thật rộng lượng: Trên đời này chẳng bao giờ có người hoàn hảo, hãy nhìn vào mặt tốt để học hỏi và đừng bận tâm đến mặt chưa tốt của người ta. Chẳng ai muốn làm việc chung với người có sở thích đi soi mói những điều chưa tốt của người khác, vì họ rồi sẽ là nạn nhân tiếp theo. Mà trong công việc, bạn sẽ rất khó thành công nếu làm việc thui thủi một mình. Soi mói mãi rồi thành thói quen xấu, và bạn sẽ tự làm khổ bản thân bạn trước. Thay vì đi soi mói, hãy dành thời gian làm chuyện có ích, nếu vẫn còn dư thời gian, thì cứ hưởng thụ các niềm vui trong đời, bởi thanh xuân trôi qua nhanh lắm. Cũng như khi nhìn vào tờ giấy trắng có lem vết mực, đừng bận tâm đến vết mực, mà hãy vẽ những nét thật đẹp hoặc viết những điều thật hay lên phần giấy trắng, đời bạn sẽ vui hơn nhiều lắm."
14) SUY TƯ TRIẾT HỌC VỀ TỘI LỖI: Chúng ta bất đắc dĩ bị sinh ra và đành phải chia sẻ với nhau cuộc đời này. Hầu như tất cả chúng ta đều mong mình là thiên tài để có thể đóng góp lớn cho nhân loại, có địa vị tốt trong xã hội và kiếm sống dễ dàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn ấy. Hầu hết có lẽ đã sinh nhầm nước, nhầm thế kỷ, do công nghệ và môi trường xã hội chưa phát triển cho nên nhiều tài năng tiềm ẩn của họ không có cơ hội tỏa sáng. Nếu am hiểu triết học thì sẽ thấy cá tính, nỗ lực, tài năng, hoàn cảnh gia đình đều là kết quả của “may mắn từ lúc sinh ra”, và không nên bức xúc thái quá với các vi phạm liêm chính. Người đời thường thích ca ngợi những người có công trình xuất sắc và lên án những người vi phạm đạo đức. Tuy nhiên dưới góc độ triết học, đó là một dạng tư duy bất công theo kiểu “thượng đội, hạ đạp”. Có lẽ hầu hết các nhà khoa học hàng đầu thế giới ý thức được “sự may mắn” của bản thân cho nên hiếm khi chỉ trích cá nhân về vi phạm liêm chính. Nếu cần, họ chỉ thảo luận về các vụ việc một cách chung chung, không nhằm vào ai cả.
THAY CHO LỜI KẾT
Liêm chính học thuật ở VN còn rất nhiều vấn đề nghiêm trọng. Nhận thức của sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu về vấn đề này còn khá kém. Tuy nhiên, bảo vệ liêm chính cần tập trung trước tiên vào giải quyết các sai phạm kinh điển (v.d. đạo văn, đạo dịch, giả mạo số liệu, gian lận thi cử). Phải chú trọng nguyên tắc “Phòng ngừa thay vì Tố cáo”, nghĩa là nâng cao nhận thức cho cộng đồng khoa học và phát triển các công cụ giám sát. Chỉ tố cáo đích danh cá nhân/tổ chức ở nơi công cộng đối với những vi phạm kinh điển tương đối lớn hoặc đã có quy định và có đầy đủ bằng chứng. Nếu không thận trọng thì rất dễ mắc bẫy đấu đá của các nhóm lợi ích. Những người trẻ, ít kinh nghiệm nên tập trung học hành, nghiên cứu, thay vì soi mói người khác.
[1] Trên thế giới, đa số tạp chí quy định affiliation là nơi nghiên cứu được thực hiện (chứ không quy định chính xác đó phải là nơi làm việc cơ hữu. Ở các nước phát triển, nơi làm việc cơ hữu thường bố trí phòng làm việc yên tĩnh, tài khoản để tra cứu kho tài liệu quốc tế, và mức lương đủ sống cho nhà nghiên cứu. Thế nên affiliation trên bài báo thường bao gồm trường cơ hữu. Nhưng VN không đáp ứng được những điều đó). Nhiều tạp chí cho phép thay đổi tên các affiliation trên bài báo trong quá trình bình duyệt (peered review), nhưng nhiều tạp chí khác không cho. Nhà xuất bản Cambridge University Press quy định rất thoáng: Các affiliation là những nơi thực hiện nghiên cứu và/hoặc hỗ trợ, và/hoặc phê duyệt nghiên cứu, bao gồm cả hỗ trợ tài chính. Họ khuyên tác giả tra cứu quy định của nơi liên quan và các nghĩa vụ trong hợp đồng.