Thursday, April 6, 2023

Khi nào có thể tụ tập đông người

Gần đây dư luận lại lao xao chuyện biểu tình chống lạm thu ở Sứ quán Ba Lan. Nhiều nhà chính trị salon lại cố gắng nâng cao dân trí cho người dân trong nước về việc đấu tranh khi gặp chuyện oan ức. Không biết, họ có thật sự hiểu phản ứng của người dân khi quyền lợi bị ảnh hưởng hay không. Bởi về chuyện này, người phương tây có câu "dạy cá tập bơi" còn người Việt thì nói “dạy khỉ leo cây”.


1)   NGƯỜI VIỆT TỤ TẬP ĐẤU TRANH ĐÒI QUYỀN LỢI

 Từ nhiều năm nay, mỗi khi bị ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn thì tinh thần đấu tranh người Việt cũng rất mãnh liệt. Có thể kể ra đây rất nhiều ví dụ: (i) Hàng nghìn lái xe chống thu phí sai trái ở hàng chục trạm BOT trên toàn quốc; (ii) Hàng nghìn dân oan mất nhà, mất đất kéo ra Hà Nội tụ tập đấu tranh trước văn phòng chính phủ, văn phòng quốc hội, lâu nay vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”; (iii) Người dân ở các chung cư căng biển tố cáo chủ đầu tư khắp trong Nam, ngoài Bắc vì  những mâu thuẫn lợi ích; (iv) Hàng vạn công nhân tổ chức các cuộc đình công đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc; (v) Người dân sống gần bãi rác Nam Sơn chặn xe rác vào bãi đổ rác vì ô nhiễm môi trường sống; (vi) Các trái chủ tụ tập trước các chi ngành của SCB, THM để đấu tranh trong vụ lùm xùm trái phiếu doanh nghiệp;

Trong thập kỷ 2000, VN dẫn đầu châu Á về số cuộc đình công. Giai đoạn 2008-2012, mỗi năm cả nước có trung bình 550 cuộc đình công lớn nhỏ. Từ 2012 đến 2014, luật lao động, luật Công đoàn và nhiều chính sách lao động đã được sửa đổi để làm hài hoà quan hệ lao động giữa công nhân và chủ doanh nghiệp. Chính nhờ vậy trong giai đoạn 2013-2018, số cuộc đình công hàng năm giảm dần, nhưng vẫn có 230 cuộc/năm [1][2]. Tuy nhiên, báo chí chỉ đưa tin về một số cuộc đình công lớn.

Một khi đã động chạm đến lợi ích trực tiếp thì người Việt cũng phản ứng chả kém gì người phương tây. Quyền lợi càng lớn thì họ đấu tranh càng kiên trì, quyết liệt. Có nhiều người dân oan mất nhà, mất đất đấu tranh hàng chục năm trời. Lực lượng chấp pháp cũng làm ngơ, ít khi cản trở việc họ tụ tập đòi quyền lợi.

  

2)   TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI KHÔNG VÌ NHỮNG LỢI ÍCH TRỰC TIẾP

Tuy nhiên, khi có những mâu thuẫn lợi ích xảy ra, nhiều thế lực muốn tranh thủ kích động những người bị hại đấu tranh những vấn đề không trực tiếp gắn với quyền lợi của họ, chẳng hạn như đấu tranh vì môi trường, tự do, dân dân chủ, chống Trung Quốc, hoặc kích động đáu tranh chống chế độ. Chỉ những khi ấy công an mới tìm cách giải tán.

Cần phân biệt những vấn đề gắn với lợi ích trực tiếp và những thứ không gắn với lợi ích trực tiếp của công dân. Ví dụ, người dân sống gần bãi rác Nam Sơn chặn xe vào bãi rác vì ô nhiễm môi trường sống. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ. Trường hợp này công an thường không can thiệp, với điều kiện người dân không manh động, vi phạm pháp luật (v.d.,  gây rối trật tự công cộng, tấn công lực lượng chấp pháp). Nhưng những người sống ở những xa bãi rác, không hề bị ảnh hưởng vì ô nhiễm môi trường - có nghĩa là không bị ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, kéo đến lấy danh nghĩa đấu tranh cùng người dân Nam Sơn, hoặc những người kích động người dân Nam Sơn đấu tranh thì sẽ bị công an xử lý.

Nói tóm lại, nếu người dân tụ tập đông người để khiếu nại, phản ứng về một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ thì công an không can thiệp. Tuy nhiên, việc tụ tập đông người để khiếu nại, phản đối về các vấn đề chung của xã hội, không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tụ tập thì thường không được khuyến khích.

Những người muốn tổ chức tụ tập để biểu thị sự ủng hộ với một vấn đề, sự kiện chính trị-xã hội nào đó (v.d., tuần hành bảo vệ quyền của người đồng tính, chào mừng tổng thống Mỹ sang thăm VN, tổ chức cuộc thi chạy hưởng ứng giờ trái đất) thì cần phải xin phép.

Tuy nhiên, việc tụ tập đông người ở nơi công cộng không nhằm khiếu nại, phản đối, hoặc biểu thị thái độ thì không cần phải xin phép. Chẳng hạn như tổ chức gặp gỡ kỷ niệm, hội thảo khoa học, ăn uống, đi dã ngoại, du lịch. Nhiều công ty trường học thường tổ chức những cuộc du lịch với hàng nghìn người tham gia.

Có nhiều nhà chính trị salon rất độc ác. Bản thân họ không có kinh nghiệm thực tế gì về chính trị đối kháng. Mấy thế hệ dòng họ nhà họ ở trong nước chỉ lo công danh, sự nghiệp, kiếm tiền, chả có ai “dấn thân đi tù”. Thế nhưng họ vẫn xúi giục con cái thiên hạ “dấn thân đi tù”. Có những bà nông dân, những anh lái xe, những chị tiểu thương cả đời không đọc hết hai trang sách triết học, không biết mặt mũi cái chủ nghĩa cộng sản như thế nào. Vậy mà họ kích động những người ấy ra toà hò hét “chống cộng” để đến nỗi chủ toạ phiên toà phải tặng thêm cho mỗi người vài năm tù. Họ còn tán dương, kích động dân làng Đồng Tâm làm những điều thách thức pháp luật nghiêm trọng (bắt giam 38 công an, lập làng kháng chiến, tích trữ vũ khí tự chế). Ở các nước văn minh như Mỹ, những hành vi như vậy rất dễ bị cảnh sát cho ăn đạn đồng. Vậy mà khi gia đình cụ Kình tan nát, cụ Kình chết, hai người con mang án tử hình, một người cháu cụ lĩnh án chung thân, vài người khác lĩnh án lâu năm, các vị ấy lại lớn tiếng đổ hết tội lỗi cho chính quyền. Không thấy vị nào thể hiện một chút ân hận rằng mình đã tham gia kích động gia đình cụ. Liệu những người độc ác có đáng tin không?


[1] Siu, K., & Chan, A. (2015). Strike Wave in Vietnam, 2006–2011. Journal of Contemporary Asia, 45 (1), 71–91.

[2] Looking Back on 10 years of Developing Harmonious, Stable and Progressive Industrial Relations in Vietnam. Industrial Relations Bulletin, Vol. 29 (II), Center for Industrial Relations Development. Ministry of Labour-Invalids and Social Affairs.

No comments:

Post a Comment