Thursday, April 6, 2023

Miến Điện: 75 năm vật lộn với hai chữ “dân chủ”

Miến Điện giành được độc lập và trở thành nước cộng hoà, lưỡng viện từ tháng 1/1948. Tướng Aung San, cha của bà Aung San Suu Kyi, là một anh hùng dân tộc, người đã có công lãnh đạo quân đội Miến Điện chống phát xít Nhật và thương lượng thành công buộc đế quốc Anh trao trả độc lập cho Miến Điện. Ông được coi là Người Cha của Dân tộc, người đã thành lập quân đội và khai sinh ra đất nước Miến Điện hiện đại. Ông được chỉ định trở thành thủ tướng trong chính phủ đầu tiên của nền độc lập. Tuy nhiên ông và 7 bộ trưởng đã bị các đối thủ chính trị ám sát trong vụ thảm sát ngày 19/7/1947, nghĩa là chỉ 6 tháng trước ngày Miến Điện tuyên bố độc lập. Nguyên nhân ám sát là do tranh giành quyền lực. Thủ lĩnh phe đối lập U Saw, người tổ chức cuộc ám sát, hi vọng sẽ được người Anh mời tham gia chính phủ mới. Tuy nhiên, trước sự phẫn nộ của nhân dân Miến Điên, U Saw đã bị toà án Anh kết án treo cổ. Cuộc ám sát gây rúng động thế giới và là điềm báo gở cho một nền dân chủ vẫn còn trong trứng nước.

Mâu thuẫn tôn giáo và dân tộc dẫn đến xung đột quân sự liên miên trong hơn một thập kỷ sau ngày độc lập. Năm 1962, nhằm vãn hồi ổn định chính trị, tướng Ne Win đã lãnh đạo quân đội đảo chính để thành lập chính quyền quân sự. Tiếp theo là thời kỳ độc tài quân sự kéo dài gần 30 năm dưới thời Ne Win, với một số cuộc đàn áp đẫm máu nhằm dập tắt những nỗ lực tái lập nền dân chủ. Điển hình là cuộc nổi dậy toàn quốc ngày 8/8/1988 dẫn đến hàng ngàn người bị giết chết. Từ cuộc nổi dậy này, Aung San Suu Kyi nổi lên như một biểu tượng của đối lập. Năm 1990, lần đầu tiên các cuộc bầu cử tự do lại được tổ chức, nhưng kết quả bầu cử không được công nhận. Hai mươi năm nữa đấu tranh không ngừng nghỉ lại trôi qua. Đến tháng 2/2011, sau rất nhiều nỗ lực của cả phe quân sự và đảng của bà Aung San Suu Kyi, một cuộc bầu cử dân chủ được tiến hành, bầu ra tổng thống dân sự đầu tiên sau 50 năm quân đội nắm quyền.

Tuy nhiên, nền dân chủ ấy cũng chỉ tồn tại được 10 năm. Tháng 2/2021, quân đội lại đảo chính và tuyên bố huỷ bỏ kết quả cuộc bầu cử vừa diễn ra trước đó, nơi đảng LND của Aung San Suu Kyi chiến thắng vang dội. Nguyên nhân chính là do phe quân đội tức giận vì bị tước quá nhiều ghế trong quốc hội và có nguy cơ bị truy tố nếu công nhận kết quả bầu cử. Đất nước một lần nữa lại chìm trong hỗn loạn, đẫm máu. Các công ty nước ngoài rút hết về nước. Hầu hết các ngân hàng đóng cửa. (Theo cô Khăn Piêu, các nhân viên Miến Điện làm việc cho Liên Hợp Quốc phải bỏ hết tiền vào balo và mang theo người quanh năm). Đến nay, GDP/Capita của Miến Điện thuộc nhóm thấp nhất châu Á. Vừa rồi, ngày 28/3/2023, đảng LND của bà Aung San Suu Kyi đã bị chính quyền giải thể. Nhiều lãnh đạo đảng bị kết án tử hình hoặc án tù lâu năm. Bản thân bà bị kết án tổng cộng 33 năm tù giam. Tương lai nền chính trị Miến Điện một lần nữa lại trở nên bất định.

Như vậy, lịch sử Miến Điện từ ngày độc lập đến nay do các tướng quân sự quyết định những thời điểm quan trọng nhất. Năm 1947, tướng Aung San có công lớn khai sinh ra nền độc lập. Năm 1962, tướng Ne Win thành lập nền độc tài quân sự khi thấy dân chủ không tạo ra được ổn định chính trị. Năm 2011, tướng Thein Sein và tướng Than Shwe mở đường cho tổng thống dân sự đầu tiên trở lại nắm quyền. Tướng Thein Sein cũng là tổng thống dân sự đầu tiên. Năm 2021, tướng Min Aung Hlaing lại lãnh đạo đảo chính quân sự lật đổ chính quyền dân sự.

Bài học rút ra là việc cố gắng áp đặt máy móc mô hình dân chủ đã đẩy đất nước rơi vào hỗn loạn, nghèo đói, xung đột đẫm máu suốt 75 năm. Lẽ ra, đảng LND của bà Aung San Suu Kyi nên thoả thuận với phe quân đội, chấp nhận để họ tiếp tục giữ 25% số ghế trong quốc hội cùng với nhiều lợi ích khác. Nghĩa là chấp nhận dân chủ một phần, và các phe phái cùng nhau tập trung phát triển quốc gia.

Theo báo cáo của Economic Intelligence Unit, năm 2021 số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ không thuộc nhóm “Dân chủ” hoặc “Dân chủ Khiếm khuyết” hiện chiếm đa số trên thế giới. Điều đó có nghĩa là hiện nay “dân chủ” vẫn chỉ là mô hình của thiểu số.

Khi quốc gia chưa đủ điều kiện sẵn sàng cho một nền dân chủ kiểu phương tây thì việc cố gắng cưỡng ép chỉ tạo ra thảm hoạ.

 

No comments:

Post a Comment