Thursday, April 6, 2023

Miến Điện: 75 năm vật lộn với hai chữ “dân chủ”

Miến Điện giành được độc lập và trở thành nước cộng hoà, lưỡng viện từ tháng 1/1948. Tướng Aung San, cha của bà Aung San Suu Kyi, là một anh hùng dân tộc, người đã có công lãnh đạo quân đội Miến Điện chống phát xít Nhật và thương lượng thành công buộc đế quốc Anh trao trả độc lập cho Miến Điện. Ông được coi là Người Cha của Dân tộc, người đã thành lập quân đội và khai sinh ra đất nước Miến Điện hiện đại. Ông được chỉ định trở thành thủ tướng trong chính phủ đầu tiên của nền độc lập. Tuy nhiên ông và 7 bộ trưởng đã bị các đối thủ chính trị ám sát trong vụ thảm sát ngày 19/7/1947, nghĩa là chỉ 6 tháng trước ngày Miến Điện tuyên bố độc lập. Nguyên nhân ám sát là do tranh giành quyền lực. Thủ lĩnh phe đối lập U Saw, người tổ chức cuộc ám sát, hi vọng sẽ được người Anh mời tham gia chính phủ mới. Tuy nhiên, trước sự phẫn nộ của nhân dân Miến Điên, U Saw đã bị toà án Anh kết án treo cổ. Cuộc ám sát gây rúng động thế giới và là điềm báo gở cho một nền dân chủ vẫn còn trong trứng nước.

Mâu thuẫn tôn giáo và dân tộc dẫn đến xung đột quân sự liên miên trong hơn một thập kỷ sau ngày độc lập. Năm 1962, nhằm vãn hồi ổn định chính trị, tướng Ne Win đã lãnh đạo quân đội đảo chính để thành lập chính quyền quân sự. Tiếp theo là thời kỳ độc tài quân sự kéo dài gần 30 năm dưới thời Ne Win, với một số cuộc đàn áp đẫm máu nhằm dập tắt những nỗ lực tái lập nền dân chủ. Điển hình là cuộc nổi dậy toàn quốc ngày 8/8/1988 dẫn đến hàng ngàn người bị giết chết. Từ cuộc nổi dậy này, Aung San Suu Kyi nổi lên như một biểu tượng của đối lập. Năm 1990, lần đầu tiên các cuộc bầu cử tự do lại được tổ chức, nhưng kết quả bầu cử không được công nhận. Hai mươi năm nữa đấu tranh không ngừng nghỉ lại trôi qua. Đến tháng 2/2011, sau rất nhiều nỗ lực của cả phe quân sự và đảng của bà Aung San Suu Kyi, một cuộc bầu cử dân chủ được tiến hành, bầu ra tổng thống dân sự đầu tiên sau 50 năm quân đội nắm quyền.

Tuy nhiên, nền dân chủ ấy cũng chỉ tồn tại được 10 năm. Tháng 2/2021, quân đội lại đảo chính và tuyên bố huỷ bỏ kết quả cuộc bầu cử vừa diễn ra trước đó, nơi đảng LND của Aung San Suu Kyi chiến thắng vang dội. Nguyên nhân chính là do phe quân đội tức giận vì bị tước quá nhiều ghế trong quốc hội và có nguy cơ bị truy tố nếu công nhận kết quả bầu cử. Đất nước một lần nữa lại chìm trong hỗn loạn, đẫm máu. Các công ty nước ngoài rút hết về nước. Hầu hết các ngân hàng đóng cửa. (Theo cô Khăn Piêu, các nhân viên Miến Điện làm việc cho Liên Hợp Quốc phải bỏ hết tiền vào balo và mang theo người quanh năm). Đến nay, GDP/Capita của Miến Điện thuộc nhóm thấp nhất châu Á. Vừa rồi, ngày 28/3/2023, đảng LND của bà Aung San Suu Kyi đã bị chính quyền giải thể. Nhiều lãnh đạo đảng bị kết án tử hình hoặc án tù lâu năm. Bản thân bà bị kết án tổng cộng 33 năm tù giam. Tương lai nền chính trị Miến Điện một lần nữa lại trở nên bất định.

Như vậy, lịch sử Miến Điện từ ngày độc lập đến nay do các tướng quân sự quyết định những thời điểm quan trọng nhất. Năm 1947, tướng Aung San có công lớn khai sinh ra nền độc lập. Năm 1962, tướng Ne Win thành lập nền độc tài quân sự khi thấy dân chủ không tạo ra được ổn định chính trị. Năm 2011, tướng Thein Sein và tướng Than Shwe mở đường cho tổng thống dân sự đầu tiên trở lại nắm quyền. Tướng Thein Sein cũng là tổng thống dân sự đầu tiên. Năm 2021, tướng Min Aung Hlaing lại lãnh đạo đảo chính quân sự lật đổ chính quyền dân sự.

Bài học rút ra là việc cố gắng áp đặt máy móc mô hình dân chủ đã đẩy đất nước rơi vào hỗn loạn, nghèo đói, xung đột đẫm máu suốt 75 năm. Lẽ ra, đảng LND của bà Aung San Suu Kyi nên thoả thuận với phe quân đội, chấp nhận để họ tiếp tục giữ 25% số ghế trong quốc hội cùng với nhiều lợi ích khác. Nghĩa là chấp nhận dân chủ một phần, và các phe phái cùng nhau tập trung phát triển quốc gia.

Theo báo cáo của Economic Intelligence Unit, năm 2021 số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ không thuộc nhóm “Dân chủ” hoặc “Dân chủ Khiếm khuyết” hiện chiếm đa số trên thế giới. Điều đó có nghĩa là hiện nay “dân chủ” vẫn chỉ là mô hình của thiểu số.

Khi quốc gia chưa đủ điều kiện sẵn sàng cho một nền dân chủ kiểu phương tây thì việc cố gắng cưỡng ép chỉ tạo ra thảm hoạ.

 

Khái niệm “cõng rắn cắn gà nhà” và trường hợp Nguyễn Ánh

Đọc trên mạng thấy có những người không phân biệt được thế nào là “cõng rắn, cắn gà nhà”, thế nào cứu nước. Họ lại còn đòi bỏ khái niệm “cõng rắn cắn gà nhà”? Để đánh giá các nhân vật lịch sử thì phải có tư duy triết học, bởi vì phải-trái-đúng-sai liên quan đến con người là thuộc về triết học đạo đức.

Khi quốc gia đang do người của chính dân tộc đó điều hành, và việc điều hành đó không có vấn đề gì lớn, thì một nhân vật tìm cách tranh đoạt quyền lực không phải là điều đáng khen. (Trừ phi một triều đình quá yếu kém, việc tranh đoạt quyền lực dẫn đến chính quyền mạnh hơn. Ví dụ, Đinh Toàn 3 tuổi lên ngôi, trong khi nguy cơ giặc Tống xâm lược, Dương Vân Nga chuyển giao quyền lực cho Lê Hoàn làm vua để bảo vệ tổ quốc là điều hợp lý.)

Thế nhưng khi quốc gia đang do người Việt điều hành, Lê Chiêu Thống với triều đình yếu ớt, cầu viện quân Thanh để đánh Quang Trung, dẫn đến nguy cơ mất nước thì đó là “cõng rắn cắn gà nhà”. Giả dụ Quang Trung thua thì rõ ràng là quân Thanh sẽ chiếm VN, và người Việt mất nước. Thật ra Quang Trung được ca ngợi chủ yếu vì đánh tan quân Thanh chứ không phải vì việc tranh đoạt quyền lực. Việc tranh đoạt quyền lực giữa người Việt với nhau là sự kiện lịch sử, nhưng không phải là điều đáng khen.

Chuyện vua chúa VN sang Trung Hoa xin phong vương để cầu hoà là hết sức bình thường. Bởi chính nhờ điều đó đã ngăn cản nguy cơ các vua chúa Trung Hoa sang xâm lược VN.

Tự Đức cầu viện nhà Thanh để hỗ trợ tiêu diệt nạn cướp bóc. Nhưng chỉ có một nhóm nhỏ quân Thanh vào VN chứ không phải cả một sư đoàn hàng vạn quân tràn vào VN. Và sau đấy không dẫn đến hậu quả là quân Thanh chiếm VN cho nên không bị kết tội. Nhưng không có chuyện Tự Đức cầu Thanh đánh Pháp. Tự Đức đã bị lên án về chuyện không chủ trương đánh Pháp, cho nên Pháp nhanh chóng chiếm được VN.

Quân cờ đen tràn sang quấy nhiễu, chiếm đóng khu vực biên giới của VN. Hoàng Kế Viêm nhận lệnh của triều đình đánh quân cờ đen và thu phục được bọn này quay súng chống Pháp. Hoàng Kế Viêm không mời quân cờ đen sang VN, bởi vậy không phải là “cõng rắn cắn gà nhà”.

Phan Bội Châu chủ trương dựa vào Nhật để đánh Pháp. Nhưng khi ấy người Việt là DÂN MẤT NƯỚC. Toàn bộ quốc gia do người Pháp quản lý, quyết định tất cả những việc quan trọng nhất. Nhưng chủ trương của Phan Bội Châu là tạo ra phong trào Đông Du để gửi người Việt đi du học, vừa để nâng cao trình độ cho thanh niên Việt, vừa xây dựng quân đội của người Việt. Ông nhờ Nhật đào tạo về quân sự cho các thanh niên Việt. Không rõ Phan Bội Châu có cầu viện Nhật đem quân vào đánh Pháp hay không, nếu có thì đó chỉ là một chiến lược trong kế hoạch tổng thể của ông, bao gồm khuyến khích và gửi thanh niên Việt sang Nhật học tập và xây dựng lực lượng chống Pháp ở hải ngoại. Hơn nữa, Nhật không hề có ý định đem quân sang VN ở thời điểm ông ấy cầu viện. Thế nên ông ý không bị coi là “cõng rắn cắn gà nhà”. Phan Bội Châu được khen ngợi chủ yếu là phát động phong trào Đông Du (phong trào gửi thanh niên Việt ra nước ngoài đào tạo, học hỏi người Nhật).

Hunsen cầu viện VN khi đang xảy ra nạn Polpot diệt chủng ở Campuchia, (1.5 triệu người bị giết chết trên tổng số 6 triệu dân). Rõ ràng điều đấy giúp ngăn chặn nạn diệt chủng là thảm hoạ quá lớn đối với dân tộc Campuchia. Thế cho nên không thể coi là "cõng rắn cắn gà nhà".

  

NGUYỄN ÁNH CÓ OAN ỨC KHÔNG?

Đội thân hữu VNCH cứ gào lên rằng Nguyễn Ánh oan ức, rằng chế độ ngày nay có định kiến với nhà Nguyễn. Không hề có chuyện đấy. Ở Hà Nội có đường Nguyễn Hoàng, Duy Tân, Thành Thái. Có nghĩa là tôn vinh cả đời trước và đời sau của Nguyễn Ánh, chứ không hề kì thị nhà Nguyễn vì lý do chính trị.

Việc hiện nay không tôn vinh Nguyễn Ánh là quyết định của cộng đồng các nhà nghiên cứu sử học, cả VN và quốc tế, bởi vì đến giờ họ vẫn không tìm thấy bằng chứng nào để chứng minh ông ta có công lớn đối với dân tộc đến mức phải đặt tên đường. Bỏ qua chuyện ông ta trả thù Quang Trung vì Quang Trung cũng từng tiêu diệt dòng họ nhà ông ta. Nhưng ông ta không có công thống nhất đất nước và mở mang bờ cõi. Việc thống nhất đất nước là công của Quang Trung. Thời Nguyễn Ánh dân nổi loạn khắp nơi chứ không phải là thời yên bình. Mở mang bờ cõi chủ yếu là các chúa Nguyễn đời trước, và các vua đời sau ông ta. Các nước trên thế giới cũng có rất nhiều ông vua đứng đầu triều đại nhưng không hề được đời nay tôn vinh.

Nguyễn Ánh có tội rất lớn không thể bào chữa được là rước quân Xiêm, quân Pháp vào VN. Để chuộc cái tội đấy thì phải có công lao rất lớn. Nhưng nếu có công lao gì to lớn thì sử sách của Việt, Tây, Tầu đều ghi lại chứ đâu có khó tìm đến mức đấy. Nhất là Nguyễn Ánh lên ngôi mới chỉ cách đây hơn 200 năm.

Vì sao thời VNCH lại tôn vinh Nguyễn Ánh? Vì muốn nịnh Bảo Đại vì Bảo Đại là quốc trưởng của Quốc gia VN (1949-1955) và muốn biện minh cho sự xâm lược của Pháp.

Nhưng làm sao mà biện minh được cho sự xâm lược của Pháp, khi mà thời Pháp thuộc mọi việc hệ trọng ở VN đều do Toàn quyền Đông Dương và các công sứ Pháp quyết định. Học sinh Việt đi học trường của Nhà nước thuộc địa được dạy “Tổ tiên chúng ta là người Gaulois”. Đấy là lý do các trí thức Việt phẫn uất, đứng lên đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp.

Quan điểm thế nào là “bán nước”, “cõng rắn cắn gà nhà” là quan điểm chung của giới sử học thế giới chứ không phải chỉ riêng VN.

 

Khi nào có thể tụ tập đông người

Gần đây dư luận lại lao xao chuyện biểu tình chống lạm thu ở Sứ quán Ba Lan. Nhiều nhà chính trị salon lại cố gắng nâng cao dân trí cho người dân trong nước về việc đấu tranh khi gặp chuyện oan ức. Không biết, họ có thật sự hiểu phản ứng của người dân khi quyền lợi bị ảnh hưởng hay không. Bởi về chuyện này, người phương tây có câu "dạy cá tập bơi" còn người Việt thì nói “dạy khỉ leo cây”.


1)   NGƯỜI VIỆT TỤ TẬP ĐẤU TRANH ĐÒI QUYỀN LỢI

 Từ nhiều năm nay, mỗi khi bị ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn thì tinh thần đấu tranh người Việt cũng rất mãnh liệt. Có thể kể ra đây rất nhiều ví dụ: (i) Hàng nghìn lái xe chống thu phí sai trái ở hàng chục trạm BOT trên toàn quốc; (ii) Hàng nghìn dân oan mất nhà, mất đất kéo ra Hà Nội tụ tập đấu tranh trước văn phòng chính phủ, văn phòng quốc hội, lâu nay vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”; (iii) Người dân ở các chung cư căng biển tố cáo chủ đầu tư khắp trong Nam, ngoài Bắc vì  những mâu thuẫn lợi ích; (iv) Hàng vạn công nhân tổ chức các cuộc đình công đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc; (v) Người dân sống gần bãi rác Nam Sơn chặn xe rác vào bãi đổ rác vì ô nhiễm môi trường sống; (vi) Các trái chủ tụ tập trước các chi ngành của SCB, THM để đấu tranh trong vụ lùm xùm trái phiếu doanh nghiệp;

Trong thập kỷ 2000, VN dẫn đầu châu Á về số cuộc đình công. Giai đoạn 2008-2012, mỗi năm cả nước có trung bình 550 cuộc đình công lớn nhỏ. Từ 2012 đến 2014, luật lao động, luật Công đoàn và nhiều chính sách lao động đã được sửa đổi để làm hài hoà quan hệ lao động giữa công nhân và chủ doanh nghiệp. Chính nhờ vậy trong giai đoạn 2013-2018, số cuộc đình công hàng năm giảm dần, nhưng vẫn có 230 cuộc/năm [1][2]. Tuy nhiên, báo chí chỉ đưa tin về một số cuộc đình công lớn.

Một khi đã động chạm đến lợi ích trực tiếp thì người Việt cũng phản ứng chả kém gì người phương tây. Quyền lợi càng lớn thì họ đấu tranh càng kiên trì, quyết liệt. Có nhiều người dân oan mất nhà, mất đất đấu tranh hàng chục năm trời. Lực lượng chấp pháp cũng làm ngơ, ít khi cản trở việc họ tụ tập đòi quyền lợi.

  

2)   TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI KHÔNG VÌ NHỮNG LỢI ÍCH TRỰC TIẾP

Tuy nhiên, khi có những mâu thuẫn lợi ích xảy ra, nhiều thế lực muốn tranh thủ kích động những người bị hại đấu tranh những vấn đề không trực tiếp gắn với quyền lợi của họ, chẳng hạn như đấu tranh vì môi trường, tự do, dân dân chủ, chống Trung Quốc, hoặc kích động đáu tranh chống chế độ. Chỉ những khi ấy công an mới tìm cách giải tán.

Cần phân biệt những vấn đề gắn với lợi ích trực tiếp và những thứ không gắn với lợi ích trực tiếp của công dân. Ví dụ, người dân sống gần bãi rác Nam Sơn chặn xe vào bãi rác vì ô nhiễm môi trường sống. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ. Trường hợp này công an thường không can thiệp, với điều kiện người dân không manh động, vi phạm pháp luật (v.d.,  gây rối trật tự công cộng, tấn công lực lượng chấp pháp). Nhưng những người sống ở những xa bãi rác, không hề bị ảnh hưởng vì ô nhiễm môi trường - có nghĩa là không bị ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, kéo đến lấy danh nghĩa đấu tranh cùng người dân Nam Sơn, hoặc những người kích động người dân Nam Sơn đấu tranh thì sẽ bị công an xử lý.

Nói tóm lại, nếu người dân tụ tập đông người để khiếu nại, phản ứng về một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ thì công an không can thiệp. Tuy nhiên, việc tụ tập đông người để khiếu nại, phản đối về các vấn đề chung của xã hội, không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tụ tập thì thường không được khuyến khích.

Những người muốn tổ chức tụ tập để biểu thị sự ủng hộ với một vấn đề, sự kiện chính trị-xã hội nào đó (v.d., tuần hành bảo vệ quyền của người đồng tính, chào mừng tổng thống Mỹ sang thăm VN, tổ chức cuộc thi chạy hưởng ứng giờ trái đất) thì cần phải xin phép.

Tuy nhiên, việc tụ tập đông người ở nơi công cộng không nhằm khiếu nại, phản đối, hoặc biểu thị thái độ thì không cần phải xin phép. Chẳng hạn như tổ chức gặp gỡ kỷ niệm, hội thảo khoa học, ăn uống, đi dã ngoại, du lịch. Nhiều công ty trường học thường tổ chức những cuộc du lịch với hàng nghìn người tham gia.

Có nhiều nhà chính trị salon rất độc ác. Bản thân họ không có kinh nghiệm thực tế gì về chính trị đối kháng. Mấy thế hệ dòng họ nhà họ ở trong nước chỉ lo công danh, sự nghiệp, kiếm tiền, chả có ai “dấn thân đi tù”. Thế nhưng họ vẫn xúi giục con cái thiên hạ “dấn thân đi tù”. Có những bà nông dân, những anh lái xe, những chị tiểu thương cả đời không đọc hết hai trang sách triết học, không biết mặt mũi cái chủ nghĩa cộng sản như thế nào. Vậy mà họ kích động những người ấy ra toà hò hét “chống cộng” để đến nỗi chủ toạ phiên toà phải tặng thêm cho mỗi người vài năm tù. Họ còn tán dương, kích động dân làng Đồng Tâm làm những điều thách thức pháp luật nghiêm trọng (bắt giam 38 công an, lập làng kháng chiến, tích trữ vũ khí tự chế). Ở các nước văn minh như Mỹ, những hành vi như vậy rất dễ bị cảnh sát cho ăn đạn đồng. Vậy mà khi gia đình cụ Kình tan nát, cụ Kình chết, hai người con mang án tử hình, một người cháu cụ lĩnh án chung thân, vài người khác lĩnh án lâu năm, các vị ấy lại lớn tiếng đổ hết tội lỗi cho chính quyền. Không thấy vị nào thể hiện một chút ân hận rằng mình đã tham gia kích động gia đình cụ. Liệu những người độc ác có đáng tin không?


[1] Siu, K., & Chan, A. (2015). Strike Wave in Vietnam, 2006–2011. Journal of Contemporary Asia, 45 (1), 71–91.

[2] Looking Back on 10 years of Developing Harmonious, Stable and Progressive Industrial Relations in Vietnam. Industrial Relations Bulletin, Vol. 29 (II), Center for Industrial Relations Development. Ministry of Labour-Invalids and Social Affairs.

Tổn thất của Liên Xô trong thế chiến II

Có khoảng 23-27 triệu người Liên Xô đã thiệt mạng trong Thế Chiến II, trong đó có gần 9 triệu quân nhân và 18 triệu là dân thường. Tổng thiệt hại về nhân mạng của các nước châu Âu, châu Mỹ còn lại trong Đồng Minh chưa bằng 1/3 của Liên Xô. Anh, Mỹ mỗi nước có khoảng 300,000-400,000 người thiệt mạng. Pháp khoảng 630,000 người thiệt mạng. Chưa nói đến những thiệt hại khác của Liên Xô như số người bị thương tật thường nhiều gấp vài lần số người chết, quốc gia bị tàn phá, tổn thất bao nhiêu vũ khí, khí tài.

Thế mà gần đây lại có một số người lại so sánh là Đồng Minh đã tài trợ bao nhiêu vũ khí, khí tài cho Liên Xô để đánh nhau với Phát xít Đức. Sinh mạng con người là vô giá. Bao nhiêu vũ khí, xe tăng, máy bay thì có thể bù đắp được hơn hai mươi triệu nhân mạng và vài chục triệu người khác bị tàn tật?

Khi có nguy cơ mất người thân, hầu hết các gia đình sẵn lòng bán hết cả nhà cửa, đi vay thêm tiền để cứu người bằng được. Huống chi ngân sách chi cho vũ khí, khí tài để tài trợ cho Liên Xô chỉ bằng một góc GDP của các nước đó.

Có thể nói, Liên Xô đã cứu cả Châu Âu trong Thế Chiến II khi mà một loạt các quốc gia Pháp, Bỉ, Hà Lan, Balan…đã đầu hàng. Ba Lan bị phát xít Đức giết chết 3 triệu người gốc Do Thái. Không có Liên Xô thì họ tiêu diệt hết người Do Thái. Ở Châu Á, dù không tham chiến trực tiếp, VN cũng có 1-2 triệu người chết đói vì phát xít Nhật cướp bóc lương thực để phục vụ chiến tranh và bắt người dân nhổ cây lương thực để trồng đay để phục vụ may bao tải dã chiến. Trung Quốc cũng chết 13 triệu người trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật.

Một số người lí luận rằng Stalin với Hitler bắt tay nhau. Ban đầu nước nào mà cũng vì lợi ích của nước mình. Các nước khác đầu hàng Hitler thì đâu phải là điều hay? Liên Xô không sinh ra phát xít, và không thuộc phe trục. Liên Xô rõ ràng thuộc phe Đồng Minh, tham gia đánh phe Trục ở châu Âu. Quan trọng nhất là phát xít Đức bị tiêu diệt và Liên Xô đã tốn rất nhiều nhân mạng cho điều đó. Khi các quốc gia đồng minh thoả thuận hợp tác cùng chống phát xít thì tay bắt mặt mừng. Chiến thắng thì hân hoan, khoe chiến công tưng bừng. Nhưng sau khi phát xít tan rồi, phương tây lại muốn diệt Liên Xô cho nên lại ra sức tuyên truyền bôi bẩn.

Xét cho cùng, nguyên nhân chủ yếu khiến loài người ghê sợ chiến tranh là vì có vô số người chết và mang thương tật suốt đời một cách tức tưởi, phi lý. Nếu như chỉ là thương chiến, thiệt hại vật chất, vũ khí, khí tài thì có lẽ chiến tranh chẳng đáng bị ghê tởm đến mức đấy.

https://thukyphaply.com/so-nguoi-chet-o-10-nuoc-tham-chien-chu-yeu-trong-chien-tranh-the-gioi-thu-hai/