Từ nhiều thập kỷ nay, giới bất mãn chế độ vẫn hăng say tuyên truyền: “Chúng ta đã đánh đuổi một nền văn minh” để nói về việc nhân dân VN đánh đuổi Pháp. Nguồn gốc sâu xa của luận điệu này có lẽ là từ đội cờ vàng. Đội này cay cú vì thua cuộc cho nên tìm mọi cách phủ nhận mọi chiến thắng của dân tộc do đảng cộng sản lãnh đạo.
Một số người hăng hái cổ vũ cho điều này là nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Huy Đức.
Năm 2016, Quỹ Văn Hoá Phan Chu Trinh đã có hành vi kỳ quặc là trao Giải thưởng
Nghiên cứu Lịch sử và Văn hoá cho một giáo sư ngành Y, ông Nguyễn Ngọc Lanh.
Tìm hiểu kỹ thì thấy ông Lanh là một nhà nghiên cứu nghiệp dư nhưng đã có nhiều
quan điểm “lật sử”: rửa mặt, giảm tội cho nhiều “Việt gian bán nước”, chê bai
đường lối dùng bạo động để chống Pháp, gọi chiến tranh Nam-Bắc (1955-1975) là nội
chiến. Trong diễn từ đoạt giải Phan Chu Trinh, GS Lanh ca tụng cụ Phan Chu
Trinh là “Người đầu tiên phân biệt được ‘quân xâm lược’ với ‘bọn thực dân’. Cụ
không coi thực dân là "giặc" mà là đám người muốn lập nghiệp lâu dài ở
thuộc địa. Họ đại diện một nền văn minh cao hơn, lẽ ra ta cần nhiều thế kỷ mới
được như họ. Tất nhiên, thực dân cũng có nhiều mặt xấu. Nhưng nếu chịu học, ta
sẽ đỡ tốn thời gian dài bằng nhiều kiếp người. Chủ trương "Chi Bằng Học"
của cụ Phan thể hiện một viễn kiến thật kỳ lạ, vượt trước đương thời.” Với những
quan điểm như vậy, không có gì ngạc nhiên ông Lanh được Nguyên Ngọc, chủ tịch hội
đồng, cùng nhiều nhân vật bất mãn khác trong hội đồng trao giải.
Chủ trương đánh Pháp không phải của riêng đảng cộng sản. Trước đó, đã có 3 ông
vua, nhiều quan đại thần, cùng với hàng vạn sỹ phu khắp các miền nổi lên chống
Pháp cho dù bị đàn áp, giết hại vô cùng dã man. Ngay cả thời Việt Nam Cộng Hoà,
mặc dù triết lý luẩn quẩn nhưng cũng đặt tên đường để tri ân nhiều sĩ phu, đại
thần chống Pháp như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Đạm, Đề Thám, Nguyễn
Trung Trực, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu, Tạ Thu Thâu, Cô
Giang, Cô Bắc...
Trong bối cảnh toàn dân mù chữ thời đầu thế kỷ 20, các cụ Phan Bội Châu, Phan
Chu Trinh, Hồ Chí Minh…là nhóm trí thức hiếm hoi được học hành, hiểu biết nhiều
nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên, tư tưởng của cụ Phan Chu Trinh thuộc dạng dở nhất,
ngô nghê nhất. Cụ chủ trương “Ỷ Pháp tự cường”, nghĩa là không quyết liệt chống
pháp mà dựa vào Pháp để “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Cụ Hồ đã
phê bình tư tưởng của cụ Phan Chu Trinh, bởi không thể kỳ vọng thực dân Pháp tạo
điều kiện cho người Việt “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Trên thực
tế, phong trào Duy Tân của cụ đã nhanh chóng bị thực dân Pháp xoá sổ. Chủ
trương bất bạo động của cụ Phan cũng xa lạ với chủ trương của Gandhi. Bởi
Gandhi cũng chủ trương đánh đuổi thực dân Anh để giành độc lập ngay lập tức. Chủ
trương của Gandhi gần giống với Hồ Chí Minh hơn, bởi họ không kỳ vọng ở thiện
chí hợp tác của bọn thực dân. Bất bạo động hay bạo động chỉ là phương tiện. Đấy
là chưa kể chê chủ trương dùng bạo lực để dành chính quyền thì chê cả Nelson
Madela. Cụ Phan Chu Trinh cũng chẳng phải người đầu tiên nhận ra dân trí kém,
quan lại hủ bại, v.v…bởi có nhiều trí thức trước đó đã nêu lên những điều này.
Một thực tế vô cùng quan trọng là trước khi thực dân Pháp xoá sổ giáo dục Nho học,
nước ta vẫn có khoảng 15,000 trường dạy chữ nho, với khoảng 200,000 học sinh
theo học. Toàn quyền Pháp quyết tâm thay chữ nho thay bằng chữ quốc ngữ bởi muốn
thực thi chính sách ngu dân và ngăn cản tinh thần yêu nước ở VN. Hệ thống giáo
dục Nho học khuyến khích tinh thần chống ngoại xâm khiến họ lo ngại. Họ chỉ muốn
đào tạo một nhóm nhỏ trí thức để phục vụ chính quyền thuộc địa. Trong các trường
do Pháp bảo trợ như trường Bưởi, Albert Sarraut, các trường quốc học, học sinh
phải học “Tổ tiên chúng ta là người Gaulois”. Các anh hùng dân tộc là Napoleon
và Jeanne d’Arc thay vì Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt.
Kết quả của chính sách ngu dân của Pháp là sau khi giành độc lập năm 1945, 95%
dân Việt Nam mù chữ. Đó là lý do chính phủ của cụ Hồ phải mở chiến dịch Bình
dân Học vụ để diệt “giặc dốt”. Trong 9 năm kháng chiến, 8 triệu người đã được
thoát nạn mù chữ. Đến 1959, miền Bắc đã giải quyết xong nạn mù chữ cho người
dân từ 12-50 tuổi. Năm 1965, xoá nạn mù chữ cho các tộc thiểu số ở miền Bắc.
Sau khi giải phóng, 1975-1978, về cơ bản hoàn thành xoá nạn mù chữ ở Miền Nam
[1]. Không hiểu, nếu theo đường lối của của Phan Chu Trinh thì mấy trăm năm nữa
chúng ta mới xoá được nạn mù chữ. Mù chữ thì không thể nâng cao dân trí. Bị lật
sử theo kiểu: “Tổ tiên là người Gaulois” thì không thể chấn dân khí. Chỉ khi
người Việt nắm quyền lãnh đạo quốc gia thì mới có thể thực sự quan tâm đến “dân
sinh” của người Việt.
Thực dân Pháp có nhiều tội ác ở VN như sưu cao thuế nặng, tước đoạt quyền lợi của
người Việt. Người Việt chỉ được coi là công dân hạng hai trên chính đất đai của
cha ông, tổ tiên. Một trong những tội ác nghiêm trọng nhất của chúng là chính
sách ngu dân, nuôi dưỡng “giặc dốt” trên toàn quốc, và xoá sổ lịch sử của dân tộc.
Không cho phép trí thức ta được học tập đúng đắn cội nguồn “con rồng, cháu
tiên”, được tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm. Việc đánh đuổi giặc
Pháp là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quan niệm chống ngoại xâm của toàn
nhân loại.
Cụ Phan Chu Trinh sống trong thời kỳ các kiến thức về quản trị quốc gia chưa phổ
biến cho nên tầm nhìn hạn chế, không có gì lạ. Ngày nay, chỉ cần có đôi chút kiến
thức này là hiểu muốn “khai dân chí, chấn dân khí, hậu dân sinh” thì phải giành
được độc lập. Sau đó, gửi thanh niên ra nước ngoài học tập hoặc mời chuyên gia
đến VN giảng dạy. Nhưng họ giảng dạy điều gì ở VN cũng phải được người Việt cho
phép. Thế mà đến giờ vẫn còn một đám “trí thức” không hiểu điều này. Họ còn đem
một số công trình xây dựng thời Pháp ra để bào chữa, thậm chí, đòi người Việt
phải biết ơn nước Pháp đã “khai hoá văn minh”. Đúng là sự vô tri đã lên đến cực
điểm.
Chúng ta không “đánh đuổi Một nền văn minh” mà đánh đuổi “Giặc dốt”, “Giặc lật
sử”!!!
[1]https://vietnamnet.vn/ngay-quoc-te-xoa-nan-mu-chu-8-9-thanh-qua-tai-viet-nam-duoc-duy-tri-ben-vung-2188064.html
No comments:
Post a Comment