Friday, September 27, 2024

Sự can thiệp của Mỹ và đại học Fulbright

Bản thân tôi cũng tin rằng Mỹ đã tham gia nhiều vụ kích động bạo loạn, đảo chính trên thế giới. Từ khoảng 1991 trở về trước, chủ nghĩa cộng sản là hiểm hoạ đối với Mỹ. Thế nên Mỹ can thiệp chính trị vào nhiều quốc gia vì mục đích là để ngăn chặn, loại trừ chủ nghĩa cộng sản (v.d., can thiệp vào Liên Xô, Đông Âu, Việt Nam, Chile, Indonesia). Họ can thiệp vào Đông Nam Á theo học thuyết Domino. Tuy nhiên, từ 1991 trở lại đây, khối cộng sản tan rã. Chủ nghĩa cộng sản không còn là mối lo ngại của họ nữa. Mối quan tâm lớn nhất của họ hiện nay là duy trì vị trí dẫn đầu thế giới, không để cho Trung Quốc, Liên Xô vượt mặt. Chính vì vậy, việc can thiệp chính trị gây bạo loạn, lật đổ ở các quốc gia từ 1991 trở lại đây hầu hết là vì lý do kinh tế, để bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ. Hoặc chính phủ nào không thân thiện với Mỹ thì họ cũng muốn loại bỏ để thay thế bằng một chính quyền thân thiện hơn, mở ra các cơ hội hợp tác kinh doanh, đem lại nhiều tiền cho nước Mỹ.

Nhưng bạo loạn, lật đổ không phải là con đường duy nhất để đem lại lợi ích cho Mỹ. VN hiện nay là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Mỹ. Thế nên nhu cầu Mỹ can thiệp gây bạo loạn, đảo chính ở VN cũng giảm mạnh. Bởi vì cho dù lật đổ được chính quyền ở VN để dựng lên một chính quyền thân Mỹ hơn thì đó vẫn phải là chính quyền độc tài lâu dài, đảm bảo đường lối thân Mỹ dù trải qua nhiều đời nguyên thủ khác nhau. Chính quyền đó phải đảm bảo đem lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ hơn chế độ hiện nay. Điều này rất khó. Thời VNCH, vị thế của Mỹ ở VN hoàn toàn khác. Họ tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm, chính quyền phải tuyệt đối tuân phục họ, thì mới đảm bảo được điều đó. Năm 1965, Mỹ đổ mấy trăm nghìn quân vào Đà Nẵng. Nhưng thủ tướng VNCH lúc bấy giờ là Phan Huy Quát thậm chí không hề được báo trước. Sau khi Mỹ đã đổ quân vào rồi, ông Quát rất muối mặt nhưng cũng đành ra lệnh cho bộ phận truyền thông chào mừng. Thời đó, Mỹ can thiệp vào VN chỉ nhằm mục đích duy nhất là chống cộng chứ không phải vì dân chủ, nhân quyền gì hết. Họ biết thừa chính quyền Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị, nhưng họ làm ngơ. Chỉ đến khi chính quyền đó bị mất lòng cả dân chúng lẫn quan chức quá mức, CIA mới đành bật đèn xanh cho quân đội đảo chính. Nhưng đến thời Nguyễn Văn Thiệu, họ cũng chỉ quan tâm nhất là ổn định chính trị, chứ không cần dân chủ dân mèo gì hết. (Chẳng may, một ông không thích Mỹ, hoặc thân cộng sản được dân bầu làm tổng thống thì rất phiền). Đấy là lý do Mỹ ủng hộ ông Thiệu là ứng viên tổng thống duy nhất, độc diễn tranh cử, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1971. Nhưng thời đấy họ không kiếm được lợi ích kinh tế ở VN mà ngược lại, tốn rất nhiều tiền để biến Miền nam VN trở thành một tiền đồn chống cộng của Mỹ.

Nhưng có một con đường thứ hai để tăng cường lợi ích kinh tế của Mỹ ở VN là thông qua ngoại giao. Nghĩa là tạo ra những dự án để hai bên Mỹ-Việt cùng có lợi. Đại học Fulbright là một dự án như thế. Đội ngũ giảng viên của đại học Fulbright hầu hết đều tốt nghiệp từ các trường uy tín cao trên thế giới. Cộng thêm phương pháp giảng dạy hiện đại. Thế nên, VN được hưởng lợi từ việc nhiều sinh viên khá giỏi được đào tạo trong môi trường chất lượng cao. Cái lợi thứ hai là hàng năm đại học Fulbright vẫn làm cầu nối tổ chức đối thoại/phản biện cấp quốc gia với các lãnh đạo VN về các chính sách kinh tế, xã hội, môi trường.v.v. Đoàn VN thường do một Uỷ Viên Bộ Chính Trị hoặc một phó thủ tướng dẫn đầu cùng với lãnh đạo của các bộ ngành. Phía Mỹ là các giáo sư và các chuyên gia hàng đầu. Phía Mỹ sẽ phản biện, góp ý với đoàn VN về các chính sách đó. Điều đấy giúp VN có các các chính sách tốt hơn, phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Cái lợi thứ ba là các giảng viên đại học Fulbright vẫn thường xuyên cố vấn/phản biện chính sách cho các bộ, ngành ở VN. Phía Mỹ cũng được hưởng nhiều lợi từ trường Fulbright (i) Đào tạo ra một nhóm chuyên gia, chuyên viên thiện cảm, yêu quý nước Mỹ (đào tạo cả bậc đại học và cao học); (ii) Duy trì mối quan hệ với giới lãnh đạo cao cấp của VN (thông qua đối thoại cao cấp) và mối quan hệ thường xuyên với các bộ ngành (từ quan hệ cố vấn chính sách của các giảng viên ĐH Fulbright) để thúc đẩy những dự án hợp tác kinh doanh ở VN và các mục đích khác; (iii) Thu hút các những sinh viên khá giỏi sau khi tốt nghiệp sang Mỹ làm việc.

Hiện giờ Mỹ có tài trợ cho các hội nhóm kích động bạo loạn, gây rối ở VN hay không? Hiện nay các nước xung quanh VN (Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Đài Loan, Úc) vẫn có khá nhiều những hội nhóm như vậy. Thậm chí có cả chi nhánh của các đảng phái chống chế độ, có trụ sở chính ở Mỹ, ở các nước đó. Cũng có thể CIA vẫn có những tài trợ, cố vấn cho các hội nhóm đó.

Tuy nhiên các bạn cần phân biệt: (i) Những người tham gia các hội nhóm bạo loạn, lật đổ đó là những nhà hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền. Họ có các kỹ năng phủ hợp để với công việc kích động bạo loạn, lật đổ. (ii) Những giảng viên đại học Fulbright là những người giỏi lý thuyết chuyên môn của họ. Việc họ hỗ trợ tăng cường lợi ích kinh tế Mỹ theo con đường thứ hai có lợi hơn nhiều. Đại học Fulbright đặt trên lãnh thổ VN, phải tuân theo pháp luật VN. Đấy là chưa kể, không ai có thể đảm bảo các phòng học, phòng hội thảo trong trường không bị đặt thiết bị nghe lén ở một thời điểm nào đó. Kỹ thuật nghe lén hiện nay đã cho phép đặt máy nghe từ bên ngoài trường, cách trường vài chục mét vẫn nghe được rất rõ. Làm sao có thể kích động sinh viên bạo loạn trong trường được?

 

Nói một cách vắn tắt, Mỹ làm điều gì xấu cho các quốc gia khác thì thường bí mật, thông qua các tổ chức tư nhân chứ họ không “vỗ mặt” nước khác, thông qua các dự án ngoại giao kiều như đại học Fulbright.

Đừng so sánh với các quốc gia khác đã từng xảy ra bạo loạn, đảo chính có nhiều sinh viên tham gia. Các nước đó được tự do lập đảng phái, hội nhóm chính trị. Việc tuyên truyền chính trị đối lập, việc sinh viên tổ chức hội họp, bàn bạc kế hoạch biểu tình trong trường học không phải là bất hợp pháp. Môi trường như vậy quá khác với VN. Hơn nữa, các đại học ở đấy không có những chương trình đối thoại cao cấp như ở VN để tăng cường lợi ích của Mỹ thông qua con đường đối thoại với các lãnh đạo cao cấp.

+ FB Huỳnh Thế Du, cựu giảng viên ĐH Fulbright, giải thích rằng bộ phim Chiến Tranh Việt Nam mà sinh viên ĐH Fulbright được xem năm ngoái thực ra một bộ phim nói về tính phi nghĩa và sai lầm của phía Mỹ khi can thiệp quân sự vào VN. Đặt trong bối cảnh ấy thì thấy phát biểu của bà Thuỷ cũng bình thường. Cán bộ, giảng viên đại học Fulbright được trả lương cao, cho nên thường sẽ cố gắng vun đắp cho hình ảnh của nước Mỹ, người Mỹ trở nên thân thiện, tốt đẹp hơn đối với người dân Việt. Tuy nhiên, nhiều người mang sẵn định kiến trong đầu và chẳng hiểu gì về chính trị đối lập thì tưởng tượng ra đủ thứ rất nghiêm trọng.

No comments:

Post a Comment