Friday, September 27, 2024

Nhân văn không có nghĩa là cào bằng

Trong bài trước, tôi nói rằng truyền thông và giáo dục chỉ nên lên án những lãnh đạo cao cấp nhất của chính quyền, quân đội, quốc hội, các đoàn thể xã hội, và các cá nhân có ảnh hưởng lớn của các chế độ thời Pháp, thời Mỹ - những người tích cực ủng hộ sự can thiệp của ngoại bang vào VN. Nhưng nên coi tất cả những người khác gắn bó với các chế độ đó, kể cả tướng lĩnh, sỹ quan, lãnh đạo cấp thấp, cấp trung và thân quyến của họ, là những nạn nhân của thời cuộc. Họ sống dưới các chế độ đó, họ kiếm tiền, phấn đấu công danh sự nghiệp dưới các chế độ đó là hết sức bình thường. Họ có rất ít ảnh hưởng đến đường lối chính trị của các chính quyền đó. Ở VN hiện nay có hàng triệu người như vậy và họ đều là công dân VN. Không nên sử dụng từ “nguỵ quân, nguỵ quyền” nữa bởi vì thiếu nhân văn và lợi bất cập hại, tự tạo thêm vô số oán hận và bất mãn. 

Đại diện các cơ quan chính phủ, cơ quan ngoại giao nên gọi những người gốc Việt có ác cảm với chế độ là “những người đồng bào lầm lạc”, “những người anh em lầm lạc”.

Nhiều cụ lo ngại rằng không sử dụng từ “nguỵ quân, nguỵ quyền” nữa thì nhiều kẻ sẽ coi cuộc chiến 1954-1975 là nội chiến. Chuyện này giải thích rất dễ. Đó không thể là nội chiến, bởi người ta chỉ gọi là nội chiến nếu binh lính nước ngoài tham gia chiến tranh chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể. Nhiều nhất chỉ vài trăm đến khoảng 1000 người. Thế nhưng chỉ tính riêng Hoa Kỳ đã có 2.7 triệu lượt người tham chiến, lúc cao điểm có 543,000 lính Mỹ ở VN. 58,000 lính Mỹ đã tử nạn ở VN, và 345,000 nghìn người khác mang thương tật suốt đời. Chưa kể các quốc gia khác tham chiến. Trong khi đó tổng số quân VNCH chính quy và bán quân sự cũng chỉ khoảng 1.5 triệu. Đó là cuộc chiến có chính nghĩa cao quý là chấm dứt sự can thiệp của ngoại bang, thống nhất tổ quốc.

Nhưng nhân văn không có nghĩa là cào bằng. Những người gắn bó với các chế độ cũ là nạn nhân của thời cuộc. Nhưng không thể coi những đóng góp của họ cho dân tộc ngang bằng với những người thuộc phe do đảng cộng sản lãnh đạo. Bởi chỉ có phe do đảng CS lãnh đạo mới quyết liệt thống nhất đất nước và đem lại những chiến thắng lừng lẫy cho dân tộc. Tôi đồng ý với những ý kiến cho rằng các chiến thắng quân đội Pháp và Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn hơn cả các chiến thắng chống ngoại xâm trong lịch sử. Bởi lẽ có hàng tỷ người trên thế giới biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng B52, các Hiệp định Geneve và Paris. Những chiến thắng đó đã gây cảm hứng cho hàng chục dân tộc khác trên thế giới đấu tranh giành độc lập. Nước Mỹ đã can thiệp quân sự vào vài chục quốc gia trên thế giới, nhưng riêng chiến tranh Việt Nam đã gây cho họ nhiều chấn thương đau đớn và chia rẽ nhất. Tài liệu sách vở phân tích, mổ xẻ về chiến tranh VN nhiều gấp bội so với các cuộc chiến khác.

Không có chuyện không kỷ niệm 30/4, 7/5 vì sợ “phía bên kia buồn”. Việc kỷ niệm đó rất cần thiết để tri ân những người đã đóng góp công lao, xương máu vào các cuộc kháng chiến, giáo dục truyền thống và tự hào dân tộc, và để khích lệ công dân bảo vệ tổ quốc nếu xảy ra chiến tranh trong tương lai. Thời 1955-1975, Miền Nam VN chủ yếu sống dựa vào viện trợ của Mỹ. Phần lớn các viện trợ đó là để nuôi bộ máy chính quyền và các công chức ở các thành phố lớn, chi tiêu cho chiến tranh, và bị tham nhũng. Chỉ một bộ phận quân cán chính ở các thành phố lớn và thân quyến của họ được hưởng lợi tương đối khá từ các chế độ đó. (Ước tính khoảng 3-4 triệu người). Trong suốt cuộc chiến, GDP/capita Miền Nam chỉ dao động xấp xỉ Miền Bắc. Dân số miền Nam năm 1975 là 19 triệu người. Có nghĩa là đa số dân Miền Nam cũng nghèo túng, không được hưởng lợi gì mấy từ chế độ VNCH. Thời Pháp thuộc, số người Việt được hưởng lợi ích từ các chính quyền thân pháp còn ít hơn nữa. Cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ là cuộc chiến của toàn dân. Hàng triệu người Miền nam đã trực tiếp và gián tiếp tham gia đánh đuổi Mỹ về nước. Số bà mẹ Việt Nam Anh Hùng của Miền Nam thậm chí gần gấp đôi Miền Bắc (29.220 mẹ so với 15.033 mẹ).

Tôi rất thích cái clip bài hát “Tiến về Sài gòn” có hình ảnh hay và có cả tiếng Anh. Nhiều người nước ngoài sẽ hiểu lời bài hát. Những đoạn lời như: “Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày. Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người” hoàn toàn không hề sai, như đã giải thích ở trên. Điều trùng hợp là nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, một ông nhạc sỹ cộng sản nòi, người đã nhiều lần phản đối chính quyền Sài Gòn sử dụng bài “Thanh niên hành khúc” của mình làm quốc ca, cũng chính là người đã sáng tác bài Tiến về Sài Gòn, tiên báo sự sụp đổ của chế độ đó.


CHỦ NGHĨA LÝ LỊCH 

Một số người phàn nàn rằng gần đây có mẫu sơ yếu lý lịch dành cho cán bộ đảng viên vẫn phải khai mục bố mẹ làm gì, ở đâu trước và sau 1975. Đặc biệt là các bản sơ yếu lý lịch ở các tỉnh phía nam. Còn ở khu vực tư nhân, xưa nay người dân thường tự khai lý lịch không cần dựa trên mẫu nào. Ngay cả đối với viên chức, không phải tất cả cơ quan nhà nước đều sử dụng mẫu lý lịch dành cho cán bộ, đảng viên. Thật ra mẫu lý lịch phổ biến xưa nay đã có mục trước 1945, bố mẹ làm gì, ở đâu.

Trên thực tế, xưa nay nhiều người có bố mẹ, thân nhân là quân cán chính của các chế độ VNCH hoặc thời Pháp thuộc vẫn trở thành đảng viên, lãnh đạo các cấp, hoặc có uy tín cao trong xã hội. Ví dụ GS Phan Huy Lê, có anh cùng cha, khác mẹ là Phan Huy Quát, thủ tướng VNCH.

Nhưng còn có một thực tế khác, tỷ lệ những người mà bản thân hoặc gia đình có thù oán với chế độ trở thành bất mãn, chống đối chế độ khá cao. Có thời gian dính dáng đến lề trái, tôi nhận thấy, kể từ 1975 đến nay, trong cộng đồng tích cực chống chế độ ở VN, có lẽ có đến 25% là các quân cán chính của các chế độ cũ, hoặc thân quyến của họ. Ngoài ra còn có 15-25% khác là những người có những thù oán khác (v.d., gia đình bị mất nhà cửa đất đai, bố mẹ phải đi tù, hoặc chết vì oan sai, đặc biệt là sau 1975. Hoặc bản thân họ đi tù vì lý do nào đó, có thể vì lý do chính trị, và chính điều đó đã biến thành mối hận thù). Gần đây, các cựu chiến binh còn lan truyền thông tin về một trường hợp một người đã từng là cố vấn riêng của chính phủ nhưng sau đó trở thành bất đồng chính kiến. Ông này có bố đã từng là tổng đốc, đánh phá phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Những hoạt động gần đây thì công an đều có hồ sơ dễ theo dõi hơn. Nhưng thời trước 1975 hoặc khi mới giải phóng thì việc lập hồ sơ chưa có hệ thống, hoặc không thể lập hồ sơ do quá khó khăn. Thế nên cần công dân phải tự khai.

Nhưng VN không phải là nước duy nhất còn duy trì chủ nghĩa lý lịch. Ví dụ ở Mỹ, mẫu đơn xin cấp thẻ xanh (thường trú nhân) hoặc nhập quốc tịch đều có mục khai báo bản thân có phải (hoặc đã từng) là đảng viên cộng sản hoặc là thành viên của một tổ chức chuyên chính nào đó không. Đồng thời phải khai báo kỹ tất cả các chức vụ và hoạt động từ khi gia nhập đảng hoặc tổ chức đó.

Tất cả những yêu cầu về lý lịch đó đều nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia theo quan điểm của chế độ.

No comments:

Post a Comment