Friday, September 27, 2024

Phát triển công nghiệp bán dẫn như thế nào

Đấy là vấn đề chuyên môn sâu, phải nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu dự báo, lập dự án tiền khả thi. Không phải là chuyện để ngồi chém gió linh tinh. GDP Hàn Quốc 1700 tỷ USD, gấp 4 lần VN. GDP/capita thì gấp 8 lần VN, nghĩa là họ có khả năng trả lương trung bình cho kỹ sư cao gấp 8 lần VN. Họ đầu tư 7 tỷ USD cho công nghệ bán dẫn. Nên nhớ Hàn Quốc là nước nhập khẩu chất xám. Họ còn đào tạo khá nhiều kỹ sư, giáo sư, tiến sỹ công nghệ cho VN. Họ thu hút được khá nhiều người Việt và các quốc gia khác ở lại làm việc. Họ đã có bề dày kinh nghiệm phát triển công nghệ cao, có đội ngũ kỹ sư bán dẫn đông đáng kể. Các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung, Hyungdai, SK, LG làm cho cả thế giới khiếp vía. 

VN cũng muốn đầu tư 7 tỷ USD như Hàn Quốc, trong khi bắt đầu từ con số 0??? Hiện giờ VN là nước xuất khẩu chất xám. Chính phủ định đào tạo 50,000 kỹ sư bán dẫn. Công nghệ bán dẫn là công nghệ cao. Thế nên trên thực tế sẽ chỉ có khoảng 40-50% có khả năng đảm nhận công việc xứng với tấm bằng đó thôi. Đấy là chưa kể hiện giờ các nước phát triển đều khan hiếm tài năng bán dẫn. Họ sẽ tìm đủ mọi cách để thu hút chuyên gia khá, giỏi người Việt sang nước họ làm việc. Thế nên trên thực tế, cuối cùng sẽ chỉ còn khoảng 10-12,000 kỹ sư thực sự tham gia vào lĩnh vực bán dẫn ở VN thôi.

Muốn làm gì thành công cũng phải có TIỀN và NHÂN TÀI. Hiện giờ đầu tư nước ngoài vào ngành bán dẫn vẫn còn khiêm tốn. Hi vọng thời gian tới khá hơn. Lâu nay, tôi chỉ nghe nói chuyện đào tạo kỹ sư bán dẫn. Nhưng theo tôi, làm thế nào để giữ chân được chuyên gia khá giỏi người Việt và người nước ngoài đến VN làm việc mới là vấn đề đau đầu nhất. Mỗi trung tâm R&D chỉ cần mất đi 3-4 người giỏi nhất thì coi như tan rã.

Giả dụ một công ty Mỹ đầu tư vào sản xuất bán dẫn ở VN. Họ sẽ điều những kỹ sư khá giỏi sang Mỹ công tác. Đầu tiên là những chuyến công tác ngắn hạn. Rồi đến trung hạn, vài tháng. Rồi họ gợi ý cho con cái sang Mỹ học. Vợ/chồng cũng sẽ được bố trí phụ cấp hoặc tạo điều kiện cho sang học. Người kỹ sư đó sẽ muốn sang theo vừa chăm con, vừa có cơ hội làm việc ở chi nhánh ở Mỹ. Hoặc họ bố trí cho sang Mỹ học cao học. Làm việc ở Mỹ vừa được trả lương cao hơn rất nhiều, môi trường làm việc hiện đại, đồng nghiệp giỏi giang. Gia đình được lợi đủ đường. Thế là xong.

Không nói sang Mỹ xa xôi, mấy nước gần gần đây như Úc, Sing, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc trả lương cho kỹ sư Việt khá giỏi cao gấp 3-8 lần để họ sang đó làm việc, thì liệu họ có chống đỡ nổi sức cám dỗ hay không???

Mấy năm rồi, VN cũng ồn ào việc phát triển AI. Nhưng thực tế rất lem nhem, manh mún, cũng vì nhân tài chạy ra nước ngoài quá nhiều, trong khi chiều chạy về nước làm việc khá ít. Dĩ nhiên, công nghệ bán dẫn có triển vọng sẽ được đầu tư nhiều hơn. Chính phủ cũng quyết tâm hơn. Nhưng dù sao, bán dẫn vẫn là công nghệ cao. Chuỗi giá trị bán dẫn có nhiều phân khúc. Ở thời điểm này, tôi nghĩ, chúng ta chỉ có thể mơ mộng sẽ tham gia ở phân khúc khá hơn gia công thôi. Tôi không thấy có cơ sở nào để mơ mộng phân khúc làm R&D lõi cả. Muốn làm lõi thì phải có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ. Trong khi đến giờ chúng ta mới chỉ đang bàn chuyện đào tạo kỹ sư.

Nói vắn tắt, trước tiên phải nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu dự báo, nghiên cứu tiền khả thi một cách bài bản. Cần mời các chuyên gia kinh tế trong nước phối hợp với các chuyên gia công nghệ (cả trong và ngoài nước) lập các đề án. Tôi nhấn mạnh là mời chuyên gia định lượng giỏi về kinh tế ở trong nước. Nhiều đồng nghiệp của tôi đủ năng lực để làm việc này. (Không nhất thiết họ phải có kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển công nghiệp bán dẫn trước đó. Chỉ cần họ có kỹ thuật định lượng tốt là được). Chuyên gia kinh tế ở nước ngoài không hiểu gì mấy về môi trường VN, không làm được. Ở mọi nơi trên thế giới, nghiên cứu để phát triển một ngành khoa học công nghệ luôn là công việc của ngành kinh tế. Cũng có thể cần phải làm thứ giống như Made in Vietnam riêng cho ngành bán dẫn. Cái này đội kinh tế Việt làm vài tháng là xong, miễn là có đề án.

Mấy tháng nay, tôi đọc bài các ông chuyên gia công nghệ bán dẫn chém giời, chém biển, rất buồn cười. Tôi nhấn mạnh là mọi cuộc họp hành, lập kế hoạch cho ngành bán dẫn bắt buộc phải mời chuyên gia kinh tế. Và phải mời chuyên gia giỏi kỹ thuật định lượng thực sự và có đôi chút kinh nghiệm cố vấn chính sách là được. Phải thành lập một đội chuyên gia kinh tế phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn. Chuyên gia kinh tế tham gia không phải chỉ để hoạch định tài chính mà là xây dựng bức tranh tổng thể, và vạch ra đường đi nước bước, để phát triển ngành bán dẫn VN.

No comments:

Post a Comment