Friday, September 27, 2024

Lật sử và các thuật ngữ nguỵ quân nguỵ quyền

Vừa rồi tôi đã đọc khá nhiều bài viết của các cựu chiến binh, đảng viên cốt cán trên mạng. Theo đó, tôi có cảm giác ông T mất chức có một nguyên nhân quan trọng là chống diễn biến hoà bình không hiệu quả, để cho hiện tượng lật sử tràn lan trong xã hội. Có nhiều cụ đòi khôi phục từ “nguỵ quân”, “nguỵ quyền” trong tất cả các tài liệu chính thức và trên truyền thông đại chúng.

Tôi đồng ý với các cụ về các vụ như Nguyễn Ánh, Alexandre de Rodes, Bob Kerrey. Về Trương Vĩnh Ký, đây là một nhân vật có công lao nhất định nhưng đã nhiều lần mời quân Pháp xâm lược VN. Thế nên cũng không có lý do chính đáng để tôn vinh. Thật đáng tiếc bởi đã có những cuốn sách giáo khoa ca ngợi ông ta nhưng không hề nhắc đến tội lỗi của ông ta, khiến cho học sinh hiểu biết sai. Việc ông ta biết mấy chục ngoại ngữ có thật hay không, không có tài liệu nào kiểm chứng được. Quan trọng là am hiểu mỗi ngôn ngữ đến mức độ nào, chứ nếu biết vài trăm từ của một ngôn ngữ thì không thể tính là biết ngôn ngữ đó. Nên gỡ biển tên đường Alexandre de Rodes bởi nhân vật này có đóng góp công sức tạo ra bộ chữ quốc ngữ nhưng mục đích việc sáng tạo đó không tốt đẹp, chủ yếu là để truyền đạo và kêu gọi thánh chiến. Đấy là chưa kể các cố đạo thời đó bị nghi ngờ là làm gián điệp để cho phương tây xâm lược khi có cơ hội thuận lợi. Việc sáng tạo ra bộ chữ chỉ là công lao nhỏ. Việc truyền bá, thuyết phục người dân sử dụng chủ yếu là công lao của người Việt. Nếu vẫn muốn đề cao chữ quốc ngữ thì có thể đặt tên đường Quốc Ngữ để tri ân tất cả những người đã đóng góp phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ. Các giáo sỹ Bồ Đào Nha cũng sáng tạo ra bộ chữ latin cho người Hàn, Nhật, Trung Quốc. Nhưng các dân tộc đó không chấp nhận thì cũng chỉ vứt đi. Thế nhưng hiện nay các nước đó sử dụng bộ chữ của riêng họ mà vẫn phát triển mạnh mẽ. Nếu tính công lao thì ngay cả các vua chúa Trung Hoa cũng để lại công lao trong văn hoá và chữ viết của người Việt. Người Việt đã sử dụng chữ hán hàng nghìn năm, 60-70% tiếng Việt ngày nay có gốc hán, chưa kể vô số phong tục, tập quán, văn hoá của người Việt học theo Trung Quốc từ thời kỳ 1000 năm bắc thuộc. Không lẽ chúng ta cũng phải tôn vinh những kẻ đó? Thế nên, đối với người nước ngoài, chỉ những người thực sự có đóng góp vì những mục đích tốt đẹp và hầu như không có tì vết chẳng hạn bác sỹ Yersin xứng đáng được tôn vinh.

Giáo dục lịch sử chủ yếu nhằm mục đích răn dạy công dân không lặp lại những sai lầm của tiền nhân. Thật ngạc nhiên vì có nhiều người, kể cả những người mang tiếng là giáo sư, nhưng lại phàn nàn rằng sử sách hiện nay vẫn lên án “Nguyễn Ánh bán nước”. Họ cho rằng hành vi của Nguyễn Ánh không trực tiếp dẫn đến mất mảnh đất nào. Trên thực tế, khái niệm “bán nước”, “cõng rắn cắn gà nhà” là những khái niệm quốc tế. Tiếng Anh cũng có khái niệm tương đương “set a fox to keep the geese”, chứ đâu phải là khái niệm của Việt Nam. Nguyễn Ánh mời quân Xiêm vào nhưng bị Quang Trung đánh tan là nhờ tài năng của Quang Trung. Việc ông ta mời quân Pháp xâm lược VN đã tạo điều kiện để thực dân Pháp có lý do chính thức để nhòm ngó VN, chuẩn bị lực lượng và tiến đánh một lúc nào đó thuận lợi. Trên thực tế, hành vi của ông ta đã tạo ra nguy cơ lớn cho quốc gia bị xâm lược, bởi vậy gọi là “bán nước” là hợp lý. Muốn bán nước nhưng không bán được, bán ế thì vẫn cứ là "bán nước", không thể gọi khác đi được. Thời kỳ Nguyễn Ánh nắm quyền, nhiều người phương tây thoải mái ra vào hoàng cung, thoải mái dò la, làm gián điệp. Đấy là sự bất cẩn, ngu muội của một nguyên thủ VN, các quốc gia Đông Á khác không hề có chuyện đó. 50 năm sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, năm 1858, Pháp bắt đầu tấn công VN. Vậy là công cuộc bán nước cũng đâu có ế lắm.

Việc lên án Trương Vĩnh Ký cũng vì lý do tương tự. Nếu cần nhắc đến ông ta trên báo chí thì cũng cần nhấn mạnh việc ông ta mời Pháp vào xâm lược. Trong bối cảnh toàn dân mù chữ thời bấy giờ, ông ta là người hiếm hoi được học hành, có ảnh hưởng lớn trong xã hội, mà lại có những hành vi như vậy, không lên án thì mới là lạ.

Ngoài ra, cần phân biệt hành vi của Nguyễn Ánh với hành vi của những người mời ngoại bang can thiệp khi quốc gia đang bị một ngoại bang khác xâm chiếm. Hành vi sau không gọi là “bán nước”, “cõng rắn cắn gà nhà”, mặc dù nhiều khi là sự ngây ngơ, “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Tướng Aung San, người được tôn vinh là Người Cha của Miến Điện, ban đầu cũng tham gia cùng quân Nhật đánh đuổi quân Anh. Nhưng sau đấy ông thất vọng, từ bỏ quân Nhật để thành lập lực lượng vũ trang riêng, tiền thân của quân đội Miến Điện sau này. Chính vì vậy cụ Phan Bội Châu không bị lên án nặng nề về chuyện muốn dựa vào người Nhật để đánh đuổi quân Pháp. Thế nhưng, khi quốc gia đang do người dân tộc mình nắm quyền mà lại mời ngoại bang hùng mạnh can thiệp thì thường là tội rất nặng, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt (chẳng hạn Hun Sen đã từng chạy sang nhờ VN giúp đỡ dân Campuchia thoát nạn diệt chủng hoặc nhiều người Đức kêu gọi đồng minh giúp đỡ tiêu diệt Phát xít. Bởi vì Phát xít, Khmer đỏ quá tàn ác, phạm tội diệt chủng hàng triệu người nhưng nhân dân các nước đó không có khả năng tiêu diệt chúng).

Một vấn đề nữa là cần phân biệt rõ một người ban đầu chạy theo ngoại bang nhưng sau đó giác ngộ, quay ra chống lại chúng thì cũng có thể coi là đã “lập công chuộc tội”. Đấy là những trường hợp như Đội Cung, Đội Cấn của VN hay Hun Sen của Campuchia. (Ban đầu do thiếu hiểu biết Hun Sen cũng tham gia Khmer đỏ và là một sỹ quan cấp thấp. Nhưng sau đó thấy Khmer đỏ quá tàn ác nên ông đã rời bỏ chạy sang VN cầu viện).

 

VỀ THUẬT NGỮ “NGUỴ QUÂN”, NGUỴ QUYỀN”

Vấn đề sử dụng các thuật ngữ “nguỵ quân”, “nguỵ quyền” liên quan đến hàng triệu công dân VN là thân quyến của các quân cán chính VNCH và chế độ Pháp thuộc. Những năm 1980s trở về trước, chính vì chủ nghĩa lý lịch cho nên hàng triệu người đó bị phân biệt đối xử, không có cơ hội học hành, phát triển tài năng, cho dù họ cũng là công dân VN. Thời kỳ 1975-1990, trong chừng mực nào đó sự kỳ thị đó có thể hiểu được, bởi việc sáp nhập hai nửa quốc gia có thể chế quá khác biệt là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên đến nay, nếu tiếp tục sử dụng thuật ngữ đấy thì sẽ là thiếu nhân văn, gây ra chia rẽ dân tộc. Hàng triệu người miền bắc, bao gồm một số lãnh đạo, nhân sĩ, trí thức nổi tiếng, những người có công với cách mạng, cũng có thân quyến là người của phía bên kia.

Đấy là chưa kể, việc sử dụng thuật ngữ như vậy đã gây ra nhiều bất mãn, chống đối. Suốt nửa thế kỷ nay, trong số những người tích cực chống chế độ, có lẽ có đến 25% là quân cán chính của chế độ VNCH và thời Pháp thuộc hoặc thân quyến của họ. Hầu hết trong số 75% còn lại đều bất mãn sâu sắc về các vấn đề phân biệt đối xử với những người của chế độ cũ. Chưa kể, vô số người khác, cả trong và ngoài nước, dù không có những hành vi chống đối mạnh mẽ nhưng cũng bất bình sâu sắc.

Đến giờ, tôi nghĩ chỉ nên quy trách nhiệm cho các lãnh đạo cao cấp nhất của chính quyền, quốc hội, quân đội, các đảng phái, phong trào, đoàn thể xã hội của các chế độ đó – những người đã tích cực ủng hộ sự can thiệp của ngoại bang. Tất cả những người khác, bao gồm cả các tướng lĩnh, sỹ quan, lãnh đạo cấp thấp và cấp trung, đều có thể coi là nạn nhân của thời thế. Họ sinh sống ở miền nam, họ phấn đấu công danh sự nghiệp dưới các chế độ đó là hết sức bình thường. Họ không có hoặc khá ít khả năng tác động đến đường lối chính trị ở các chế độ đó. Báo chí truyền thông, tài liệu lịch sử chỉ nên lên án những lãnh đạo cao cấp nhất của các chế độ đó. Nên coi tất cả những người khác là nạn nhân của thời cuộc.

Có rất nhiều cách để tuyên truyền, giáo dục về chính nghĩa của các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Lấy ví dụ, có đến một nửa nước Mỹ, bao gồm các tổng thống tương lai như Bill Clinton, cho rằng việc Mỹ can thiệp vào VN là phi nghĩa, bởi không thể chấp nhận việc chính quyền nước họ can thiệp vào 1 quốc gia nhỏ bé, cách nửa vòng trái đất, và hoàn toàn không có khả năng gây hại gì đến lợi ích của Mỹ. Các phong trào phản chiến ở Mỹ và phương tây thời đó đã góp phần quan trọng khiến quân đội Mỹ phải rút về nước. Việc Mỹ giật dây giết hại anh em nhà Ngô Đình Diệm, doạ giết và ép buộc chính quyền của Nguyễn Văn Thiệu cũng là bằng chứng chứng tỏ các chế độ đó chỉ là “con rối” của người Mỹ. Sau này, chính vì hối hận về sự can thiệp đó, rất nhiều cựu chiến binh Mỹ đã tích cực tham gia bù đắp hậu quả của chiến tranh, bình thường hoá quan hệ với VN. Tuy nhiên, không nên tiếp tục sử dụng từ “nguỵ quân, nguỵ quyền” bởi vì từ đó gây ảnh hưởng xấu đến hàng triệu người khác là công dân VN hiện nay.

Tôi rất hiểu những lo lắng của các cựu chiến binh và các đảng viên về việc giáo dục lịch sử, bảo vệ những thành quả của cách mạng. Họ cũng không chấp nhận bất kỳ nguy cơ nào dù là nhỏ nhất dẫn đến mất chế độ. Tuy nhiên, việc tiếp tục sử dụng những thuật ngữ “nguỵ quân, nguỵ quyền” hiện nay sẽ là lợi bất cập hại và phản cảm với số đông. Tạo ra hàng triệu kẻ thù, kẻ bất mãn cho quốc gia.

No comments:

Post a Comment