Friday, September 27, 2024

Về chiến tranh biên giới với Campuchia

Tôi hay đọc hồi ký của các nguyên thủ quốc gia. Những người ấy mới có tầm nhìn bao quát về đường lối, chiến lược quốc gia, có đầy đủ quyền truy cập mọi thông tin mật trao đổi giữa các nguyên thủ quốc gia, và tất cả các thông tin tình báo. Còn các dạng UVTW, bộ trưởng, tướng tá, và các loại quan chức khác ở dưới thường tầm nhìn hạn chế hạn chế hơn nhiều. Bởi vì họ đâu có được truy cập các thông tin tình báo, thông tin trao đổi mật giữa các nguyên thủ. Chưa kể họ quá bận rộn ngành của họ, trong khi để đánh giá một chủ trương, đường lối chính trị, đối ngoại của quốc gia thì cần kiến thức của nhiều ngành. Ngay cả UVBCT, không phải người nào cũng được truy cập đầy đủ thông tin.

Còn các dạng học giả lăng nhăng khác thì...thôi. Hồi 2022, đại sứ ASEAN Hoàng Anh Tuấn đã có bài than trời là Mỹ cắt giảm đầu tư đào tạo các nhà nghiên cứu chính trị cho nên gần đây rất hiếm học giả giỏi. Cũng đúng thôi. Muốn biết Bin Laden ở đâu thì tung tiền xây dựng mạng lưới tình báo ở Pakistan, Afganistan hoặc lân cận để tìm dấu vết ông ta. Hoặc muốn biết Tập hay Putin nghĩ gì thì đổ tiền mua chuộc quan chức, lãnh đạo ở Trung Quốc, Nga, đầu tư tiền vào các hệ thống vệ tinh do thám, các hệ thống nghe lén. Cách đây gần chục năm, châu Âu đã om xòm lên vì ngay cả thủ tướng Đức, Pháp cũng bị Mỹ nghe lén điện thoại. Họ có điên đâu mà đầu tư nhiều vào các ông học giả ngồi ở New York ăn tục, nói phét, đoán mò. Các học giả nói chung không được phép truy cập các thông tin mật, thông tin tình báo. Nghe họ phán các thuyết âm mưu về chính trị thế giới thì rất vui tai, nhưng chỉ nên tin vừa vừa thôi.

(Chưa nói đến các nhà báo. Một số nhà báo VN rất tệ. Họ phỏng vấn quan chức nhưng thậm chí không có băng ghi âm làm bằng chứng. Thấy các quan chức được phỏng vấn chết rồi thì họ tự ý bịa đặt, thêm mắm muối...như cái anh nhà báo gì mới đây bị bắt đi tù. Không ai xác minh được những điều anh ta viết).

Về chiến tranh Campuchia, ngoài các tài liệu của VN thì có thể đọc “Hồi ký của Sihanouk” và cuốn “Hun Sen - Nhân vật xuất chúng của Campuchia”. (Cuốn này chủ yếu là do Hun Sen trả lời, nhà báo tây ghi lại).

Theo hồi ký của Sihanouk và thông tin chính thức của nước ta thì phía VN đã rất cố gắng nhịn Polpot. VN đề nghị lập vùng phi quân sự. Mỗi bên lùi vào 10km cách biên giới làm vùng phi quân sự. Nhưng phía Polpot hung hăng không chịu. Tháng 12/1978 Polpot đem 19 sư đoàn, khoảng 90,000 quân tấn công VN, nhưng nhanh chóng bị đánh bại. Sau đó, VN bắt buộc phải ở lại truy quét và hỗ trợ chính phủ Campuchia đứng vững thêm 10 năm nữa.

Gần đây có một số nguồn tin nói rằng giai đoạn 1977-1078, VN đã có đàm phán với Mỹ về vấn đề Campuchia. Họ cho là lẽ ra VN có thể tránh được cuộc chiến đó, hoặc có thể rút quân sớm hơn. Thông tin này không biết ở đâu ra. Hay một số quan chức bị thất sủng tung tin linh tinh, giống như hồi họ tung tin về “Hội nghị Thành Đô”. Tôi nghĩ, chỉ khi nào phía VN hoặc phía Mỹ giải mật thông tin về vấn đề này thì mới đáng tin. Chưa có nguồn tin nào nói Mỹ đã giải mật thông tin về đàm phán đó. Còn đợi VN giải mật…thì sẽ còn phải đợi rất lâu.

PS: Chính trị quốc tế thì rất khác các ngành kiểu như kinh tế, y tế, môi trường. Bởi các ngành kinh tế, y tế, môi trường..., các học giả chủ yếu bàn bạc, cố vấn trên các dữ liệu công khai thôi. Họ không bàn những gì không có bằng chứng, dữ liệu. Nếu suy diễn thì cũng suy diễn trên các dữ liệu công khai, và cũng không suy diễn quá xa. Nhưng chính trị quốc tế thì khác. Những thông tin quan trọng nhất hiện nay là thông tin tình báo, thông tin mật trao đổi giữa các nguyên thủ, thông tin do thám, vệ tinh. Những thứ đấy các học giả chính trị quốc tế đâu có được biết. Cho nên những điều họ phán chủ yếu là thuyết âm mưu. Nghe cho vui thôi.

Đấy là điểm rất khác giữa chính trị quốc tế và các ngành kia. (Riêng kinh tế chính trị thì nhiều chủ đề được xếp vào nhóm ngành chính trị, bởi vì nhiều thứ không có thông tin.) Tôi làm nghiên cứu cho nên biết về sự khác biệt này, nhưng nhiều người khác thì không biết.

Dĩ nhiên hồi ký của các nguyên thủ cũng không phải hoàn toàn là sự thật, hoặc chỉ là sự thật dưới góc nhìn của họ, để phục vụ mục đích nào đó. Nhưng ít ra, họ được tiếp cận nhiều thông tin hơn, và tầm nhìn bao quát hơn cấp dưới. Những thứ đáng tin cậy nhất là các văn bản hiệp định, thư từ trên giấy trắng mực đen được lưu trữ, các băng ghi âm, ghi hình.

 

No comments:

Post a Comment