Friday, September 27, 2024

VỀ ANH TRẦN HUỲNH DUY THỨC VÀ CỘNG ĐỒNG ĐỐI LẬP VN

Là một người đã theo dõi chính trị đối lập nhiều năm, thậm chí đã vài lần tham gia các nhóm chính trị đối lập, tôi muốn có một vài lời với anh Trần Huỳnh Duy Thức, nhân dịp anh được ra tù sớm. Bài viết này không chỉ dành cho anh Thức, mà còn nhằm hướng đến những người đang theo đuổi con đường chống chế độ.

Công bằng mà nói, so với giới đấu tranh dân chủ - cộng đồng mà hầu hết có năng lực tư duy rất kém, thậm chí có nhiều người xôi thịt (làm chính trị vì tiền, vì danh, vì vé tị nạn), anh Thức là người có tư chất và nhân cách ổn hơn cả. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu anh được bầu chọn là người có uy tín nhất trong cộng đồng ấy. Anh lại có tài kinh doanh. Nếu không dính vào chính trị, anh có thể đã trở thành một doanh nhân thành đạt.

Tuy nhiên về chính trị, anh đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng giống như toàn bộ cộng đồng ấy:

1. Thiếu quá nhiều kiến thức để có thể phán xét các chủ trương, đường lối của quốc gia:
VN hiện giờ không phải là thời 1945, thời kỳ toàn dân mù chữ. Đó cũng là thời kỳ người Việt mất nước. Các sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh…là những người hiểu biết nhất trong xã hội. Thế nên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc là điều tất yếu họ phải làm.

Ngày nay, chính quyền đã về tay người Việt. Cộng thêm, khoa học đã phát triển lên những tầm cao khủng khiếp. Quốc gia nào cũng cần đội ngũ các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ thuộc các lĩnh vực quản trị nhà nước, có kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm, làm cố vấn chính trị. Ngoài kiến thức lý thuyết, quan trọng hơn cả là kiến thức thực tiễn. Không phải phi lý, quốc gia nào cũng đánh giá cao những người đã có trải nghiệm thực tiễn về điều hành địa phương, chẳng hạn như thống đốc, tỉnh trưởng, thị trưởng, (ở VN là bí thư, chủ tịch tỉnh). Mỗi chủ trương, đường lối chính trị lớn của quốc gia đều cần sự bàn bạc của chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nhau: luật pháp, chính sách, kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.v.v. Những kiến thức lý thuyết và thực hành đó không thể tự học được mà phải theo học các khoá học bài bản, hoặc phải có trải nghiệm thực tiễn (v.d., làm bí thư, chủ tịch tỉnh). Đấy là chưa kể, để quyết định về chủ trương, đường lối của quốc gia còn phải dựa trên các thông tin tình báo, thông tin mật (trao đổi giữa các nguyên thủ) là những thông tin chỉ một số ít lãnh đạo cao cấp nhất được quyền truy cập.

Nhưng anh cũng giống như toàn bộ cộng đồng đối lập không hiểu điều đó. Các anh tưởng rằng chỉ cần tự học những kiến thức lộn xộn; đọc những bài báo, cuốn sách dành cho đại chúng là đủ trình độ để phán xét VN nên đi theo con đường nào.

2. Thiếu quá nhiều kiến thức cho nên quá tin vào giới chính trị phương tây, giới chính trị Việt kiều, và cộng đồng có thù hận với chế độ:
Những người nghiên cứu sâu về khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) đều biết rằng KHXH&NV rất khác với khoa học tự nhiên, kỹ thuật. Bở lẽ KHXH&NV có biên giới. Không thể tuỳ tiện đem mô hình, luật pháp, chính sách của nước này áp dụng vào nước khác. Những vấn đề chủ trương, đường lối lớn của mọi quốc gia chỉ do một nhóm lãnh đạo cao cấp nhất bàn bạc và quyết định, có sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia. (Ở VN thì thường chỉ các uỷ viên bộ chính trị bàn bạc và quyết định. Ở Mỹ thì tổng thống, một số người trong nội các, và các lãnh đạo đảng cầm quyền quyết định). Người nước ngoài không được phép can thiệp vào quy trình ra quyết định ấy. Đó là chủ quyền quốc gia về lĩnh vực luật pháp và chính sách.

Người nước ngoài, những người không sống ở VN nhiều năm, thường thiếu quá nhiều kiến thức thực tiễn để bàn về các vấn đề của VN. Đấy là chưa kể, người nước ngoài, (bao gồm những người gốc Việt), thường phục vụ lợi ích của nước họ chứ không phải lợi ích của VN. Thế nên quan điểm của họ thường không đáng tin cậy. Nghĩa là họ không đủ cả Tâm lẫn Tầm để bàn về các vấn đề của VN. Những người có thù hận cũng thường có xu hướng muốn trả thù chứ không đủ khách quan để tư duy vì lợi ích của toàn dân tộc. Tuy nhiên, do thiếu quá nhiều kiến thức, các anh quá tin tưởng vào ý kiến của đám chính trị phương tây và giới chống cộng Việt kiều, và đám người có thù hận với chế độ.

3. Thiếu quá nhiều kiến thức cho nên không phân biệt được giới khoa học, giới quản lý với giới chính trị (các chính trị gia, các nhà hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền).
VN hiện nay cần học hỏi khoa học và văn minh phương tây. Chúng ta cần học hỏi các nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà quản lý của phương tây trên hầu hết các lĩnh vực xã hội, bởi lẽ khoa học, công nghệ, triết lý, và quản lý xã hội của họ đều vượt xa chúng ta. Tuy nhiên, cần phân biệt giới khoa học, giới tư tưởng, quản lý với giới chính trị phương tây (các chính trị gia, các nhà hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền). Đám chính trị gia phương tây thường có kinh nghiệm lãnh đạo quốc gia nhưng đều tư duy vì lợi ích nước họ. Trong khi đó, giới hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền thường thiếu quá nhiều kiến thức (cả lý thuyết lẫn thực tiễn) để điều hành một quốc gia.

4. Thiếu quá nhiều hiểu biết về xã hội phương tây:
Anh Thức và cộng đồng đối lập thường mắc một căn bệnh giống nhau, đó là quá thiếu hiểu biết về khoa học và xã hội phương tây. Thế nên, các anh thường phán xét bừa bãi, chẳng hạn như chê bai kịch liệt chủ nghĩa Marx-Lenin. Anh Thức có thể tham khảo bài viết của tôi “Giới khoa học phương tây rất trân trọng và ngưỡng mộ Karl Marx”[1], để hiểu giới nghiên cứu phương tây thực sự nghĩ gì về Marx. Đấy là chưa kể, các anh thiếu quá nhiều hiểu biết về văn minh phương tây cho nên hoang tưởng các nước đó là những nơi “vô thiên, vô pháp”, tự do phi giới hạn.

5. Ảo tưởng, so sánh bản thân với những người kháng chiến thời tiền khởi nghĩa:
Thời kỳ trước 1945, người Việt là dân mất nước. Mọi công việc hệ trọng của quốc gia đều do toàn quyền đông dương và các quan khâm sứ quyết định. Thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân cho nên đến khi giành được độc lập, năm 1945, VN có đến 95% dân số mù chữ. Thế nên, các trí thức uy tín nhất trong xã hội thời đó tất yếu phải đánh đuổi giặc Pháp để giành chính quyền về tay người Việt. Ngày nay, người Việt đã nắm quyền lãnh đạo đất nước. Các lãnh đạo và chuyên gia VN đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm điều hành quốc gia. VN cũng đạt được nhiều thành tựu nhất định trên nhiều lĩnh vực xã hội. Trong khi đó, các anh thiếu quá nhiều kiến thức để có thể phán xét chủ trương, đường lối của quốc gia mà lại cộng tác với ngoại bang, với giới Việt kiều chống cộng, và cộng đồng có thù hận với chế độ, cho nên rất dễ bị họ lừa phỉnh để phục vụ những mục tiêu đen tối, có hại cho dân tộc. Hành vi của các anh là làm tay sai cho ngoại bang, phục vụ cho lợi ích của nước ngoài, và lợi ích của nhóm thù hận, chứ không phải cho lợi ích của toàn dân tộc.

6. Theo đuổi đường lối đấu tranh sai lầm, không được lòng dân:
Ngày xưa, nhà tù thời Pháp, Mỹ vô cùng dã man. Chúng đầy đoạ những người kháng chiến bằng cực hình tra tấn. Thậm chí bức hại cả người thân của họ. Vậy mà vẫn có hàng triệu người đi theo cách mạng, hàng triệu người khác bất chấp nguy hiểm hăng hái ủng hộ, che dấu những người kháng chiến. Nhiều nhân sĩ, trí thức thành đạt cũng từ bỏ sự nghiệp, phú quý vinh hoa ở hải ngoại để về nước theo kháng chiến, chấp nhận mọi hi sinh, gian khổ. Nhà tù ngày nay chả thấm vào đâu so với ngày xưa. Vậy mà chỉ có lèo tèo một nhúm vài trăm người (hầu hết tư duy sơ sài và thanh niên mới lớn) tham gia đấu tranh dân chủ.

Nguyên nhân là do thời Pháp, Mỹ, người Việt có lý tưởng cao đẹp là giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Còn ngày nay, các anh nghe giới chính trị phương tây, Việt kiều chống cộng, và đám có thù hận với chế độ, tuyên truyền đấu tranh dân chủ, nhưng không đủ kiến thức để phán xét con đường ấy có phù hợp với dân tộc hay không. Hơn nữa, tự do, dân chủ không phải là những nhu cầu quan trọng nhất của mỗi cá nhân (xem sơ đồ Maslow). Thế nên, chỉ có lèo tèo một nhúm người chất lượng kém theo đuổi con đường đó. Chưa kể, nội bộ cộng đồng đối lập rối ren, triết lý yếu kém dẫn đến sự tan rã tất yếu. (Xin mời xem bài viết của tôi: “Vì sao phong trào đối kháng thất bại? Công việc gì cũng cần có người tài và triết lý đúng đắn”[2]).

7. Ảo tưởng về vai trò đấu tranh vì dân tộc và phản biện xã hội của cộng đồng đối lập:
Không phải mọi phong trào, tổ chức đối lập đều có lợi cho quốc gia. Chúng ta biết rõ các tổ chức như IS, Taliban, Polpot đã gây hại như thế nào. Kể từ khi Pháp xâm lược, sau hơn 100 năm dân tộc ta mới giành được toàn vẹn lãnh thổ, sạch bóng ngoại xâm. Đã có 1.2 liệt sĩ, vài triệu thương binh, 9.2 triệu người có công với cách mạng. Nếu tính cả thân quyến, những người mà công danh, sự nghiệp thăng tiến cùng chế độ thì tổng cộng có đến vài chục triệu người gắn bó với chế độ. Ngoài ra phải tính đến hàng chục triệu người tự hào về những thành tích trong chiến tranh của dân tộc. Trong khi đó, cộng đồng đối lập hiểu biết rất kém về quản trị nhà nước, tư duy giống hệt giới chống cộng hải ngoại (phủ nhận sạch trơn chủ nghĩa cộng sản, bôi nhọ các chiến thắng của dân tộc do đảng lãnh đạo, phỉ báng các lãnh tụ cộng sản có công với nước, xúc phạm bộ đội, công an, bôi bẩn mọi thành tựu của chế độ). Vậy thì làm sao có thể được lòng dân? Họ chỉ đáng được coi là đám chửi thuê cho Bolsa. Cộng đồng đó lụn bại là tất yếu.

Cũng không nên hoang tưởng về vai trò phản biện xã hội của cộng đồng đối lập. Để phản biện hiệu quả các vấn đề chính trị, xã hội quan trọng thì phải có trình độ nhất định về quản trị nhà nước. Thế nhưng cộng đồng đối lập hầu hết hiểu biết rất kém. Chưa kể, họ bị giới chính trị gia phương tây và Việt kiều chống cộng giật dây, nhồi sọ, dẫn đến phỉ báng các giá trị của dân tộc, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thì làm sao có thể thuyết phục chính quyền và người dân. Trên thực tế, những người đấy không đủ trình độ để đấu tranh cho dân tộc hay phản biện xã hội. Sự tồn tại của họ là lợi bất cập hại. Hiện giờ, có hàng triệu người khác vẫn đang tích cực phản biện xã hội, mặc dù họ không chống chính quyền. (Xin mời xem bài viết của tôi: “Lề trái định chiếm đoạt thuật ngữ “phản biện xã hội” của nhân dân”[3]).

Một số người đề cao việc thực thi quyền tự do của công dân. Tuy nhiên, cộng đồng đối lập VN chỉ là một nhóm bệnh hoạn, không có khả năng phục vụ lợi ích của dân tộc, chẳng hơn gì IS, Taliban. Hầu hết cộng đồng đó là những người vi phạm pháp luật, tuyên truyền những điều có hại cho quốc gia, chứ không phải họ đang thực thi quyền tự do chính đáng của công dân.

8. Cuối cùng, tôi khuyên anh Thức nên tập trung vào kinh doanh, sở trường của anh. Chỉ nên coi chính trị là thú vui ngoài lề. Anh có thể tán nhảm trên mạng về chính trị, nhưng phải cẩn trọng kẻo vi phạm pháp luật. Muốn hiểu được chính trị ở tầm có thể cố vấn, phản biện cho quốc gia thì phải học hành bài bản về các lĩnh vực quản trị nhà nước, ít nhất ở bậc thạc sĩ. Sau đó, phải nghiên cứu rất nhiều, sẵn sàng cầu thị học hỏi nhiều chuyên gia các lĩnh vực đó. Nên tránh xa giới chính trị gia, giới hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền phương tây, và những người có hận thù với chế độ. Tránh xa những người không tôn trọng các giá trị, thành tựu của dân tộc mà đòi đấu tranh cho dân tộc.


[1] https://danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com/2024/09/gioi-khoa-hoc-phuong-tay-rat-tran-trong.html
[2]https://danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com/2023/03/vi-sao-phong-trao-oi-khang-that-bai.html
[3]https://danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com/2024/01/le-trai-inh-chiem-oat-thuat-ngu-phan.html

No comments:

Post a Comment