Friday, September 27, 2024

Đại học Fulbright, học bổng Fulbright và chính trị đối lập

 Mấy hôm nay, từ sau vụ đảo chính ở Bangladesh, dư luận lại sôi sục, lo ngại về cách mạng mầu. Một số người chĩa mũi nhọn, tuyên truyền học bổng Fulbright là nguồn gốc bạo loạn, và reo rắc ác cảm về đại học Fulbright VN. Một vài người hỏi tôi về bài viết của tôi về đại học Fulbright năm 2016. Đợt ấy, tôi phản đối Bob Kerrey và cũng chưa tìm hiểu nhiều lắm về chính trị đối lập cho nên đã viết một số đoạn khá gay gắt. Hôm nay, tôi muốn có một vài lời giải thích.

1. Việc cử người du học theo học bổng Fulbright và thành lập đại học Fulbright ở VN là một chủ trương lớn của chính phủ. Học bổng Fulbright đã giúp đỡ đào tạo hàng nghìn cán bộ trẻ cho VN từ hơn 30 năm nay. Trường FETP (tiền thân của ĐH Fulbright) và đại học Fulbright đã đào tạo rất nhiều chuyên gia, chuyên viên chính sách công cho VN để phục vụ nhu cầu Đổi Mới. Bắt đầu từ năm nay, học bổng Fulbight sẽ tài trợ cho các chương trình thạc sĩ về khoa học công nghệ ở Mỹ, thay vì chỉ tài trợ cho các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như trước đây. Tôi cho rằng đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của chính phủ.

2. Đã có một số Uỷ viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng, nhiều bộ trưởng, thứ trưởng, cục/vụ trưởng và phó, và nhiều lãnh đạo các cấp khác của VN du học Mỹ bằng học bổng Fulbright. Hàng năm đại học Fulbright vẫn làm cầu nối để tổ chức đối thoại và phản biện cao cấp giữa chính phủ VN và các chuyên gia hàng đầu của Mỹ, đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế và chính sách. Nhiều người từng nhận học bổng Fulbright nhưng đã chống lại việc Bob Kerrey làm chủ tịch đại học Fulbright, hoặc chỉ trích Mỹ trong một số vấn đề chính trị.

 

II. MỘT SỐ SỰ THẬT VỀ CÁCH MẠNG MẦU

3. 100% các nước đề xảy ra cách mạng mầu là do họ cho phép các đảng đối lập, tổ chức/nhóm chính trị đối lập, và xã hội dân sự tự do hoạt động. Vụ Thiên An Môn xảy ra ở thời kỳ Triệu Tử Dương là tổng bí thư. Ông Triệu đã không ngăn cản ngay từ đầu các nhóm sinh viên tổ chức bạo loạn, cộng thêm việc để cho các giáo sư thoải mái tuyên truyền, kích động. Nếu không thì đã không có sự kiện ấy. Từ sau 1989, chính phủ Trung Quốc rút kinh nghiệm cho nên không xảy ra những vụ tương tự như vậy nữa.

4. Nhiều người tuyên truyền rằng các cuộc bạo loạn dẫn đến đảo chính đều do sinh viên lãnh đạo. Nhìn lại lịch sử, sự kiện Thiên An Môn ở Trung Quốc, đảo chính ở Đông Âu cuối 1980s, mùa xuân Ả rập 2011-2013, Hồng Kông 2014-2019, Miến Điện 2021, Bangladesh 2024 đúng là có sự tham gia đông đảo của sinh viên. Nhiều sinh viên là những người lãnh đạo, tổ chức chính.

5. Nhưng VN thì khác. Từ 2005 đến nay, hầu như tất cả những cuộc tụ tập, biểu tình, bạo loạn ở VN (v.d., chống Trung Quốc, bảo vệ môi trường, cây xanh, chống xả thải Formosa, chống Luật Đặc Khu, chống luật An Ninh Mạng, vụ Đồng Tâm…) đến nay đều do những người đã tốt nghiệp tổ chức, dẫn dắt. Rất hiếm sinh viên tham gia.

Hầu hết những người đứng ra tổ chức, dẫn dắt các cuộc biểu tình, bạo loạn ở VN không phải là những người bất đồng chính kiến, cũng không được đào tạo về đấu tranh dân chủ, xã hội dân sự ở nước ngoài. Họ là những người bình thường, nhưng có tố chất lãnh đạo/dẫn dắt đám đông. Khi chính quyền không khắt khe thì họ sẽ tranh thủ tổ chức một vài vụ tụ tập để đấu tranh vì cái gì đó. Nhưng khi chính quyền cấm đoán thì họ nằm im. Nguyên nhân là do VN ngăn chặn và trừng phạt mọi mầm mống tổ chức/hội nhóm chính trị đối lập/xã hội dân sự. Thế nên hầu hết những người có năng lực tổ chức/dẫn dắt đám đông ngại dính đến chính trị đối lập. Trong khi đó, hầu hết những người bất đồng chính kiến là những người ngông cuồng, tham gia các khoá học đào tạo về chính trị đối lập ở hải ngoại, nhưng không có năng khiếu lãnh đạo/tổ chức. Việc nhà trường cấm đoán cũng khiến sinh viên ngại dính dáng đến chính trị. Ở các nước từng xảy ra cách mạng mầu thì khác. Do các đảng phái/tổ chức/hội nhóm đối lập được tự do hoạt động cho nên những người có năng khiếu lãnh đạo/dẫn dắt biểu tình, bạo loạn cũng đồng thời là những người hoạt động động chính trị đối lập. Họ tự do tham gia các khoá đào lạo về dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự ở hải ngoại. Họ có quan hệ mật thiết với giới chính trị hải ngoại và được đám này hỗ trợ cả về tài chính và xây dựng các kế hoạch hành động.

6. Cần phân biệt tụ tập/biểu tình vì những “lợi ích trực tiếp” và những “lợi ích không trực tiếp”. Chính quyền VN thường không cản trở người dân tụ tập đấu tranh vì những “lợi ích trực tiếp”, chẳng hạn những người bị mất nhà cửa oan ức, những người mua trái phiếu của SCB, những người bị ô nhiễm vì sống gần bãi rác Nam Sơn, công nhân đình công đòi tăng lương, cải thiện môi trường làm việc. Chính quyền chỉ ngăn cản những người tụ tập/biểu tình nhân danh “lợi ích không trực tiếp”, ví dụ: đấu tranh chống Trung Quốc, chống ô nhiễm Formosa, chống chặt cây, bảo vệ môi trường Tam Đảo, chống luật Đặc Khu, luật An Ninh Mạng…hoặc những người kích động người khác tụ tập đấu tranh. Trong vụ Đồng Tâm, ban đầu người dân đấu tranh vì lợi ích trực tiếp (giữ đất đai mà họ cho là của họ). Nhưng sau đó họ đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi bắt giữ 38 cán bộ, chiến sĩ công an. Hai năm sau, họ nghe kẻ xấu kích động nên vi phạm nghiêm trọng hơn: lập làng kháng chiến, tích trữ vũ khí thô sơ để tấn công công an.

7. Trước nay, nhiều tờ báo của công an đã cảnh báo thanh niên không tham gia các khoá học ngắn hạn đào tạo về dân chủ hoá, tự do hoá, nhân quyền, xã hội dân sự…do các nhóm chính trị hải ngoại tổ chức. Giảng viên các khoá học đó là những người hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền, thậm chí những người có thù oán với chế độ. Các khoá học đó không trang bị kiến thức cho học viên về lý thuyết tổ chức và quản trị nhà nước mà chỉ nhồi sọ học viên rằng “dân chủ là quan trọng nhất”, “độc tài luôn xấu xa”, “xã hội dân sự luôn tốt đẹp và cần thiết”, và những hiểu biết méo mó về nhân quyền. Họ hướng dẫn học viên tiến hành các hoạt động đòi tự do, xây dựng xã hội dân sự, đấu tranh nhân quyền, ca ngợi những nhân vật gây bạo loạn nổi tiếng thế giới, và hứa hẹn tài trợ để học viên thực hiện những điều đó sau khi trở về. Hầu hết các khoá học đó tổ chức ở các nước gần VN (v.d., Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Đài Loan) chứ không phải ở Mỹ. Lý do là để đỡ tốn kém vé máy bay, không cần visa hoặc xin visa dễ dàng. Đối tượng tham gia những khoá học đó là những người hứng thú với chính trị đối lập, xã hội dân sự.

8. Trong khi đó, các khoá học do học bổng Fulbright tài trợ và các khoá học của đại học Fulbright là các khoá bậc đại học, cao học, tiến sĩ, tu nghiệp ngắn hạn về chuyên môn khoa học, công nghệ, quản lý, xã hội. Các khoá học đó giống như tất cả các khoá học nghiêm túc khác ở phương tây. Học bổng Fulbright chỉ cung cấp tiền. Người được học bổng phải tự tìm các khoá học ở Mỹ, nơi họ sẽ cùng học với sinh viên Mỹ, và sinh viên nhiều quốc gia khác. Hầu hết các giảng viên là các nhà khoa học chứ không phải là những người hoạt động chính trị/nhân quyền. Họ dạy đầy đủ về lý thuyết, hướng dẫn sinh viên tự nghiên cứu tài liệu, tư duy đa chiều. Chính nhờ vậy sinh viên có hiểu biết sâu, toàn diện về một chuyên môn nào đó, và có khả năng tự nghiên cứu. Học viên là những người quan tâm đến chuyên môn đó chứ không phải những người quan tâm đến chính trị đối lập. Các khoá học của đại học Fulbright ở VN đều được Bộ Giáo dục VN kiểm duyệt.

9. Trên thực tế, hầu hết những người chống chế độ hăng hái nhất ở VN là những người không được đào tạo ở phương tây. Họ không hiểu gì mấy về phương tây cho nên dễ hoang tưởng về sự vô thiên vô pháp và tự do ở các xứ đó. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ những người được đào tạo ở phương tây trở thành bất đồng chính kiến, nhưng nay đã bỏ gần hết. (Những người chưa từ bỏ là do đã từng đi tù. Lao tù là một trải nghiệm khốc liệt biến họ trở nên oán hận chế độ và không quên được). Nếu tôi không nhầm, chỉ có 1 người từng nhận học bổng Fulbright trở thành bất đồng chính kiến (trên tổng số hàng nghìn người). Ngược lại, có người đã hoạt động đối lập hàng chục năm nhưng từ khi tốt nghiệp cao học ở ĐH Fulbright đến nay không còn quan tâm đến chính trị nữa. Những người học ở phương tây trở thành bất mãn chế độ là do thường xuyên đọc các trang lề trái, tiếp xúc với những người bất mãn, thù hận, và giới chính trị hải ngoại, trong khi hiểu biết chính trị còn non yếu, chứ không phải vì họ theo học các khoá học đại học, cao học ở phương tây.

10. Một số người tuyên truyền ông Yunus, người được tổng thống Banladesh chỉ định làm tân lãnh đạo tạm quyền Bangladesh là được Mỹ “nuôi” để làm cách mạng mầu. Lý do là ông từng theo học tiến sĩ kinh tế ở Mỹ bằng học bổng Fulbright, và nhận huân chương của tổng thống Obama. Trên thực tế, ông Yunus là nhà kinh tế rất nổi tiếng thế giới, được giải Nobel Hoà bình vì sáng kiến xây dựng chuỗi ngân hàng để tài trợ tín dụng vi mô cho người nghèo. Sáng kiến của ông đã giúp cho hàng chục triệu người nghèo ở Bangladesh và nhiều nơi trên thế giới, bao gồm VN, thoát nghèo. Hầu như cả cuộc đời, ông chỉ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế: là giáo sư đại học và phát triển chuỗi ngân hàng tín dụng vi mô. Bây giờ đã 84 tuổi mới được tổng thống chỉ định là lãnh đạo tạm quyền là do ông rất được lòng dân nghèo nhờ công sức xoá đói giảm nghèo. Nói rằng Mỹ “nuôi” một ông già 84 tuổi để làm đảo chính thì hơi quá đáng, dù có thể ông là người thân Mỹ.

11. Quý vị chỉ nên cảnh giác với những khoá học mà nhiều tờ báo chính thức của công an cảnh báo. Tôi nghĩ ngành công an đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tuân theo chủ trương của chính phủ để thông báo những gì có nguy cơ cho an ninh quốc gia.

 

III. CHỐNG DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH NHƯ THẾ NÀO

12. Hiện nay, đảng cộng sản VN chủ trương không để cho bất kỳ mầm mống đảng phái/tổ chức/nhóm chính trị đối lập, tổ chức xã hội dân sự độc lập nào tồn tại. Từ 2017 đến nay, đảng có chủ trương cấm đảng viên đòi hỏi “đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội dân sự”, nghĩa là chặt đứt mọi nỗ lực nhằm thành lập nhóm diễn biến hoà bình trong đảng, đặc biệt là trong giới lãnh đạo cao cấp. Thế nên nguy cơ cách mạng mầu ở VN hiện nay gần như không có.

Những cuộc đảo chính hoặc bạo loạn nghiêm trọng thường xảy ra khi có mâu thuẫn xã hội rất lớn, hoặc thảm hoạ, thất bại lớn. Đảo chính xảy ra ở Bangladesh trước tiên là vì quốc gia đó cho phép đảng phái/hội nhóm đối lập tự do hoạt động. Cộng thêm chính sách ưu tiên gây mâu thuẫn lớn trong xã hội và chính quyền không xử lý khéo léo (những người biểu tình yêu cầu chính quyền xin lỗi nhưng họ không chịu xin lỗi khi gần 20 sinh viên thiệt mạng do bị cảnh sát bắt chết khi biểu tình). Chính vì vậy, các đảng phái, hội nhóm đối lập tranh thủ kích động đảo chính. VN hiện nay đủ sức chống đỡ những nguy cơ thiên tai, địch hoạ để giữ vững chế độ. Chính quyền cũng đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm để tháo van mâu thuẫn, bức xúc xã hội.

13. Tuy nhiên, điều quan trọng là thuyết phục được người dân tin tưởng ở các chủ trương, đường lối của đảng. Tỷ lệ người sùng bái Mỹ và phương tây ở VN hiện nay rất lớn. Thế nên rất cần những người được đào tạo ở phương tây tham gia xây dựng hệ thống lý luận chính trị, giáo dục, tuyên truyền. Những người ít kinh nghiệm, đặc biệt là không được đào tạo bài bản về các lĩnh vực liên quan đến chính trị ở phương tây, khó có thể đảm nhiệm công việc đó. Trong thời gian tới, chính phủ cần bổ sung đội ngũ cộng tác viên am hiểu về phương tây để hỗ trợ giáo dục, tuyên truyền chính trị. Đặc biệt, 95% dân số là ngoài đảng. Chính vì vậy rất cần bổ sung một đội ngũ cộng tác viên ngoài đảng, bởi vì họ hiểu rõ cách tư duy của những người ngoài đảng. Cần sự hợp tác giữa các chuyên gia am hiểu về phương đông và phương tây, trong và ngoài đảng, trong công tác giáo dục và tuyên truyền chính trị.

14. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến Liên Xô sụp đổ là đã không học hỏi kinh nghiệm kinh tế thị trường của phương tây từ sớm, dẫn đến kinh tế sụp đổ trong thập kỷ 1980s. Ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã có tư tưởng mở cửa với phương tây, sẵn sàn áp dụng kinh tế thị trường từ đầu thập kỷ 1960s. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông do bảo thủ, giáo điều đã cản trở những điều này dẫn đến thảm hoạ cả kinh tế lẫn chính trị. Mãi đến 1978, sau khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình mới có cơ hội tiến hành những ý tưởng của ông ta, đưa Trung Quốc vào thời kỳ phát triển rực rỡ. VN đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm của phương tây trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, lĩnh vực lý luận chính trị, văn hoá, văn minh vẫn còn khá yếu, và có nguy cơ tụt hậu. Đó cũng là lý do khiến cho một bộ phận khá đông trí thức thiếu tin tưởng vào chủ trương, đường lối của đảng.

15. Việt Nam cần học hỏi phương tây về khoa học và văn minh. Rất cần khuyến khích học bổng Fulbright, các khoá học của đại học Fulbright, cũng như các khoá học chính quy khác ở các nước phát triển. Chỉ cần giáo dục người dân phân biệt giới khoa học với giới chính trị gia, giới hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền. (Các nhà khoa học tham gia hoạt động chính trị/nhân quyền thì cũng cần coi là nhà hoạt động chính trị/nhân quyền). Cần khuyến khích người dân theo học những khoá học chuyên môn nghiêm túc, tránh những khoá đào tạo ngắn hạn do giới hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền tổ chức.

16. Cuối cùng, vẫn cần phải cân đối hài hoà giữa tự do và an ninh quốc gia. Cần nghiên cứu để tiếp tục mở rộng các quyền dân chủ và tự do cho người dân. Bởi lẽ cương lĩnh của đảng đề ra mục tiêu phát triển của nước ta cũng bao gồm dân chủ: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

 

No comments:

Post a Comment