Friday, September 27, 2024

Chống tham nhũng và bảo vệ các lãnh đạo tài năng

Chống tham nhũng là việc rất khó đối với các nước đang phát triển như VN. Xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2023 của VN là 83, không cao nhưng cũng không quá thấp, hơn khá nhiều nước phát triển hơn VN. Ngay cả ở Mỹ, các tổng thống như Biden, Trump cũng liên tục bị điều tra các cáo buộc tham nhũng, chủ yếu là những nghi vấn con cái của họ kiếm lời bất chính dựa trên ảnh hưởng của bố. Cho dù các luật sư cãi cho họ trắng án thì cũng chẳng ai tin là hoàn toàn không có những chuyện đó.

VN vẫn phải tiếp tục chống tham nhũng, nhưng cũng cần giữ những lãnh đạo tài năng. Tài năng lãnh đạo ở đây có thể theo nghĩa quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có nhiều sáng kiến, thành tích tốt trong quản lý, thu hút đầu tư, thu hút nhân tài v.v…Tham nhũng và Người tài là hai vấn đề khác nhau. Một lãnh đạo có thể tham nhũng tương đối nặng nhưng lại là người rất có tài. Tôi nghĩ rằng phải song song kết hợp: vừa chống tham nhũng vừa bảo vệ tài năng.

Ví dụ, đối với những lãnh đạo có tài nhưng có biểu hiện tham nhũng, TW nên kéo dài thời gian điều tra họ cho đến hết nhiệm kỳ. Đồng thời, có thể áp dụng các biện pháp đặc biệt như đóng băng một số tài sản của họ, hạn chế, thậm chí cấm đi nước ngoài, hoặc nếu họ vẫn cần ra nước ngoài công tác thời gian ngắn thì cần có lực lượng an ninh giám sát chặt chẽ, để tránh hiện tượng bỏ trốn. Trong suốt thời gian công tác, thỉnh thoảng họ sẽ phải giải trình trước Ban kiểm tra TW, Quốc hội và/hoặc Cục điều tra của Bộ công an. Đối với những lãnh đạo có tài năng đặc biệt theo nghĩa khó kiếm người thay thế, thậm chí vẫn tiếp tục để họ làm lãnh đạo cho đến khi nghỉ hưu. Sau khi họ hết nhiệm kỳ hoặc nghỉ hưu, mới chính thức khởi tố/hoặc có những quyết định cuối cùng. Quyết định cuối cùng đó cũng sẽ tính đến những công lao, thành tích của họ đạt được kể từ khi bắt đầu bị nghi vấn. Họ có thể “lập công chuộc tội” đến mức được xử trắng án, trong khi nhà nước vẫn thu hồi được tài sản tham nhũng.

Trong thời gian họ tiếp tục công tác, TW có thể công bố một số mức cảnh báo công khai, ví dụ: (i) Người này đang bị nhiều tố cáo và các cơ quan chức năng đang điều tra; (ii) Người này đã có một số nghi vấn có những vi phạm nghiêm trọng về quản lý; (iii) Người này đã bị xếp vào diện theo dõi đặc biệt. Với những mức cảnh báo công khai như vậy, tôi tin rằng các cá nhân, tổ chức muốn câu kết với họ để tham nhũng cũng sẽ ngần ngại.

Còn đối với những người không có tài gì lắm, dễ dàng kiếm người thay thế thì có thể xử lý ngay.

Ngoài ra, vẫn phải tăng thu nhập cho lãnh đạo. Các đơn vị sự nghiệp có thu sẽ cần tự lập kế hoạch mức thu nhập bổ sung cho các cấp lãnh đạo (kể cả lãnh đạo các cơ quan hành chính), lấy từ nguồn lợi nhuận kiếm được. Ngoài ra, quỹ lương của ngân sách cũng phải điều chỉnh tăng thêm cho các cấp lãnh đạo từ vụ phó trở lên gấp 3-4 lần hiện nay.

Nhiều người thắc mắc tại sao VN không thể tăng lương thật cao cho công chức như Singapore. Trên thực tế, trên thế giới chỉ có mỗi Singapore làm được như vậy có thể do quy mô dân số rất bé (chỉ 6 triệu dân), nghĩa là bằng 1/2 dân số Hà Nội. Singapore là nước công nghiệp phát triển, 100% đô thị hoá. Chỉ cần 1, 2 ngành công nghiệp là đủ nuôi cả nước. Với quy mô dân số quá bé, thủ tướng có thể đi sâu đi sát công việc đến từng phường. Và họ cũng chỉ thực hiện chính sách lương đó khi thu nhập trung bình (GDP/capita) đã tương đối cao.

Một số người khác thắc mắc, ngay cả trả lương 200-300 triệu/tháng cho các quan chức thì cũng không so sánh được với thu nhập kiếm được từ tham nhũng. Đúng vậy, nhưng Singapore cũng không thể trả lương cực cao cho mọi quan chức. Mức lương cao nhất của thủ tướng Lý Hiển Long là 1.6 triệu $/năm, vẫn chẳng so sánh với thu nhập nếu ông ấy tham nhũng. Nhưng phải trả lương tốt thì mới có cơ sở để chống tham nhũng mạnh tay.

Thật ra, vấn đề nghiêm trọng nhất của VN là chảy máu chất xám trầm trọng sang phương tây. Thế nên giữ được lãnh đạo tài năng lại càng trở thành trở thành yêu cầu cấp bách.

 

THAM NHŨNG VÀ TỰ DIỄN BIẾN LÀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC NHAU

Nhiều người tham nhũng nặng nhưng vẫn cho rằng đường lối chính trị của đảng là đúng đắn. Trong khi đó, có thể có những người không tham nhũng gì mấy nhưng lại tự diễn biến, tự chuyển hoá. Từ khi có quy định 102 QĐ/TW-2017, nguy cơ mất chế độ không còn là nguy cơ lớn nữa.

Có bạn cãi rằng không có chuyện các UVTW có chế độ giám sát, theo dõi lẫn nhau. Ngay cả như vậy đi nữa thì từ khi có quy định này các chủ đề “Chủ nghĩa xã hội”, “Chủ nghĩa Marx-Lenin”, “Đa nguyên đa đảng”, “Tam quyền phân lập”, “Xã hội Dân sự” đều trở thành các chủ đề cấm kị. Sở dĩ Liên Xô sụp đổ là do các chủ đề đó ở Liên Xô thời 1990 không phải là chủ đề cấm kỵ. Các đảng viên thoải mái tụ tập, bàn bạc, thậm chí hội thảo, đăng báo. Chính vì vậy nhóm người muốn trở cờ dễ dàng tìm được đồng minh để cài cắm nhau vào các vị trí lãnh đạo và tấn công chế độ trên quy mô lớn. Ở VN hiện nay, hầu như không còn cơ hội đó nữa.

Vừa rồi có nhiều tranh cãi gay gắt về những vụ “lật sử”. Thật ra khái niệm “lật sử” của mỗi người, mỗi khác. Bới lông tìm vết quá mức thì sẽ dẫn đến vùi dập người tài, hạn chế tự do của công dân. Cương lĩnh của Đảng hiện vẫn chủ trương “Xây dựng xã hội thịnh vượng, dân chủ, công bằng, và văn minh”. Chữ dân chủ đó không hàm nghĩa dân chủ kiểu phương tây nhưng vẫn cần tiếp tục nới rộng tự do cho người dân. Đương nhiên, nới rộng đến đâu là vừa thì còn nhiều tranh cãi bởi cần đảm bảo quyền tự do của người dân, ổn định xã hội, và giảm thiểu bất mãn, chống đối. Trên thực tế, từ 2005 đến nay, người dân được tự do phát biểu nhiều vấn đề nhạy cảm hơn trước đó thì mức độ chống đối giảm hẳn. Chất lượng trung bình của cộng đồng “đấu tranh dân chủ” sụt giảm thê thảm so với các thế hệ trước.

Nói tóm lại, tôi cho rằng VN hiện nay cần tập trung bảo vệ các lãnh đạo có tài. Chống tham nhũng là ưu tiên số 2. Tự diễn biến, tự chuyển hoá đương nhiên cũng quan trọng nhưng cần phải có những cách tiếp cận khác. Tôi sẽ nói thêm về những vấn đề này trong các bài khác.

 

No comments:

Post a Comment