Tuesday, January 23, 2024

LỀ TRÁI ĐỊNH CHIẾM ĐOẠT THUẬT NGỮ “PHẢN BIỆN XÃ HỘI” CỦA NHÂN DÂN???

Theo từ điển của cả tây lẫn ta, phản biện xã hội (PBXH) là góp ý, phê bình, chỉ trích chính quyền, các tổ chức, các tầng lớp xã hội, và cá nhân với mong muốn làm cho xã hội tốt lên. Không ở đâu trên thế giới này, định nghĩa “PBXH” lại bao gồm thái độ chính trị của người phản biện.

Nếu hiểu như vậy thì sẽ thấy số người Việt tham gia PBXH cũng không quá ít. Người Việt phản biện ở khắp nơi: trong các cuộc họp ở trường học, công sở, tổ dân phố, gặp gỡ các cấp chính quyền, qua e-mail, thư tay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các tạp chí, diễn đàn khoa học, hội thảo chính sách...v.v. Hầu hết những người có danh tính rõ ràng bị chụp mũ “bò đỏ” đều tham gia PBXH. Chỉ có điều họ không tỏ ra bất mãn chế độ.

Thế nhưng từ nhiều năm nay, lề trái thường xuyên nhận vơ cụm từ “PBXH” là của họ. Đối với họ, chỉ những người phản biện do chán ghét chế độ mới được coi là PBXH. Không những thế, họ còn lớn tiếng la lối: “Dạo này có quá ít người phản biện xã hội”, “Chẳng lẽ một xã hội không cần những người phản biện?” Có thể gọi đám người phản biện vì chán ghét chế độ là nhóm Công khai Bất mãn Chế độ (CKBMCĐ). CKBMCĐ chỉ là một tập con rất nhỏ của cộng đồng những người PBXH.

Việc lề trái cố tình nhập nhèm PBXH với CKBMCĐ là có chủ đích. Bởi nếu ai đó than thở rằng: “Bây giờ có quá ít người phản biện xã hội!” thì xã hội ấy quả thật đáng buồn. Nhưng nếu họ than thở rằng “Bây giờ có quá ít người công khai bất mãn chế độ!” thì những người tư duy tốt sẽ buồn cười, thắc mắc tại sao lại cần phải bất mãn? Việc bất mãn đó có chính đáng hay không?

Thật ra, hầu hết những người bất mãn chế độ ở VN là do: (i) Bản thân hoặc gia đình có thù oán, oan ức với chính quyền; (ii) Không hiểu sự phức tạp của chính trị, bị giới chống cộng kích động; (iv) Năng lực tư duy đạo đức yếu kém, không hiểu thế nào là điều tốt cho xã hội; hoặc (iv) Có những uẩn ức cá nhân: nghèo túng, cuộc sống bấp bênh, thiếu cơ hội phát triển, gia đình không hạnh phúc, không thành đạt, gặp áp bức trong công việc, không được xã hội đánh giá cao như kỳ vọng v.v.

Có học giả nhận xét rằng rất nhiều người Việt lười biếng, rỗi việc cho nên suốt ngày lên mạng chém gió, chửi bới và gọi đó là PBXH. Trong khi đó ở các nước phát triển, người dân làm việc rất vất vả, không có thời gian để thở. Nếu phản biện họ chủ yếu nói về các vấn đề liên quan đến chuyên môn của họ. Quả thật, năng suất lao động ở VN thuộc nhóm thấp nhất châu Á trong khi số lượng Dân Chửi, Chuyên Gia Vạn Vật lại hơi nhiều. Nhiều người không có chuyên môn, chỉ chửi bới cho sướng mồm, cho nên dù được đám đông bất mãn tung hô vẫn cảm thấy “trống rỗng” bởi ý kiến của họ không được giới chuyên gia lẫn chính quyền quan tâm vì thiếu kiến thức và cực đoan. Họ cho rằng góp ý, phê bình chính quyền là vô ích, nên quay sang kích động thanh niên mới lớn và quần chúng dân trí thấp chống chế độ. Trong khi đó những người có chuyên môn thì có vô số việc để làm. Họ phản biện qua các kênh khác chứ hiếm khi lên mạng.

 

TRÍ THỨC CÓ NHẤT THIẾT PHẢI PHẢN BIỆN XÃ HỘI?

Một số người còn nâng cao quan điểm: “Trí thức phải quan tâm đến xã hội. Không PBXH thì không xứng đáng được mang danh trí thức”. Họ không ngượng mồm tâng bốc những kẻ vô văn hoá, phản biện ngô nghê là trí thức hơn những người lịch lãm, âm thầm đóng góp cho xã hội. Phản hồi điều này, GS Ngô Bảo Châu từng nói: “Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội” và “Phản biện xã hội cũng cần có kiến thức”. Phát biểu của ông Châu rất chính xác. Và đó cũng là quan điểm của các nhà giáo chân chính, những người sẽ đào tạo các thế hệ trí thức tương lai cho xã hội.

Thứ cần khuyến khích là quan tâm đến xã hội chứ không phải PBXH. Tuy nhiên:

1. Quan tâm đến xã hội không phải là bắt buộc với tất cả mọi người. Trong bối cảnh năng suất lao động của VN còn rất thấp, dẫn đến nguy cơ tụt hậu lâu dài, những công nhân, kỹ sư, bác sỹ, nhà báo, nhà khoa học, doanh nhân.v.v…tập trung sức lực làm tốt công việc chuyên môn của họ là điều rất đáng hoan nghênh. Nếu họ quá ít thời gian dành cho cộng đồng thì hoàn toàn có thể thông cảm được.

2. Quan tâm đến xã hội không nhất thiết phải PBXH: Có nhiều cách để quan tâm đến xã hội. Chẳng hạn như làm từ thiện, hoạt động tình nguyện, giúp đỡ cư dân nơi mình sống, xây dựng cộng đồng dân cư tốt đẹp, giúp đỡ các đồng nghiệp trong ngành của mình, đóng góp xây dựng môi trường công sở, môi trường nghề nghiệp văn minh. “Giữa đường gặp cảnh bất bằng mà tha”, giúp đỡ người gặp hoạn nạn, ngăn chặn kẻ xấu ở nơi xa lạ cũng là quan tâm đến cộng đồng. Đăng tin hướng dẫn, giúp đỡ người khác cũng là một cách quan tâm. Nói tóm lại, có rất nhiều cách để quan tâm đến xã hội nhưng không nhất thiết phải PBXH.

3. Không thể so bì mức độ quan tâm đến xã hội: Nhiều người quan tâm, giúp đỡ cộng đồng một cách lặng lẽ, hoặc chỉ những người gần gũi họ mới biết. Chẳng hạn âm thầm làm từ thiện, đóng góp để xây dựng cộng đồng dân cư sạch đẹp, văn minh, hỗ trợ xây dựng môi trường công sở, môi trường nghề nghiệp chuyên nghiệp, tôn trọng lẫn nhau. Trong khi đó, nhiều kẻ suốt ngày lên mạng chửi bới lèm bèm rồi tự ca ngợi những người giống mình, chê bai người khác không quan tâm đến xã hội theo cách như họ.

4. PBXH không nhất thiết phải trên mạng: Mạng xã hội chỉ là một kênh để phản biện. Như đã nêu từ đầu, có rất nhiều kênh khác để PBXH. Thật ra, đa số những người có chuyên môn thường phản biện chính quyền ở các kênh khác hiệu quả và trực tiếp hơn, thay vì mạng xã hội. Trước năm 2000, Internet chưa phát triển, không lẽ loài người không PBXH? Có lẽ chỉ có đám hải ngoại chống cộng suốt ngày ngồi chầu hẫu trên mạng quan tâm đến phản biện online, bởi họ không thể biết trong thế giới offline người Việt nói gì, viết gì.

5. Không nhất thiết phải PBXH về các vấn đề vĩ mô, các vấn đề chính trị, xã hội ngoài tầm hiểu biết: Nhiều người năng lực tư duy yếu kém, không phân biệt được đâu là thông tin có bằng chứng, đâu là tin giả, hoặc thích phán xét những vấn đề mà họ không có đủ kiến thức. Những dạng phản biện như vậy tuy cũng có tác dụng tự sướng, tự giải trí, giải toả uẩn ức cá nhân, nhưng nói chung không phải là thứ cần khuyến khích.

 

PHẢN BIỆN XÃ HỘI PHẢI CÓ VĂN HOÁ.

Có vô số người không biết gì mấy về vấn đề phản biện nhưng thái độ rất hung hăng. Nhiều người lập luận ngô nghê nhưng ra vẻ bất mãn để được đồng bọn tung hô là thẳng thắn, can đảm, để kiếm like, share, hoặc mưu cầu danh lợi.

Nhiều người lợi dụng PBXH để phô bày cái tôi to tướng, tự ca ngợi bản thân và đồng bọn “can đảm”, thậm chí thoải mái đố kị, tấn công cá nhân những người thành đạt hoặc có quan điểm khác mình. Việc lèm bèm chê bai hết cái nọ, đến cái kia, ngày này qua tháng khác chỉ dẫn đến thoái hoá nhân cách.

Không phải phi lý tất cả các sách dạy làm người trên thế giới đều không khuyến khích chê bai, lèm bèm suốt ngày. Muốn nói nhiều thì phải hiểu chuyên môn, đầu tư công sức trong phạm vi chuyên môn đó và chỉ phản biện trong phạm vi mình hiểu biết.

Thật ra, hầu hết những người được lề trái thường xuyên ca tụng là thẳng thắn, can đảm thường không hiểu gì mấy về vấn đề họ phản biện. Ngoài tự giải trí, tự sướng, giải toả uẩn ức, ý kiến của họ không có giá trị gì mấy để cải tạo xã hội. Nhóm người đấu tranh dân chủ thì còn khiếp hơn nữa, bởi hầu hết những người này chỉ đáng được coi là lính đánh thuê, chửi thuê cho Bolsa. Những phát biểu của họ khiến chính quyền lo ngại vì vừa thể hiện dân trí thấp vừa bệnh hoạn dẫn đến họ phải hạn chế bớt các quyền tự do của công dân. Nghĩa là gây ra phản tác dụng.

Công dân có quyền phê bình, chỉ trích xã hội, kể cả về những vấn đề họ không biết rõ. Nhưng những người muốn PBXH một cách hiệu quả thì nên đầu tư thời gian tìm hiểu kỹ vấn đề mình muốn phản biện.

Người đời thường tự huyễn, tự cho rằng tài năng và đóng góp của mình đối với xã hội lớn lao vô cùng. Căn bệnh tự huyễn của giới trí thức lề trái còn nặng hơn mức bình thường, và nguy hiểm hơn nữa, đấy là căn bệnh tập thể. Tinh thần quan tâm đến cộng đồng và năng lực tư duy phê phán của người Việt còn rất nhiều vấn đề. Nhưng lề trái nói chung không có khả năng đóng góp gì đáng kể để cải thiện tình hình đó.

 

No comments:

Post a Comment