Tuesday, January 23, 2024

Nguyễn Ánh là hậu duệ của một phe chia cắt đất nước

Nguyễn Ánh tướng tá tiểu nhân, tội “cõng rắn cắn gà nhà” đã rõ như ban ngày. Việc ông ta cầu viện đã dẫn đến quân Xiêm tràn sang nước ta. Việc ông ta gửi Hoàng tử Cảnh theo Bá Đa Lộc sang Pháp ký kết thoả ước nhượng đảo Conlon cho Pháp nếu Pháp giúp ông ta đánh Quang Trung thành công là một bằng chứng hùng hồn khác.

Không thể nói rằng thời đó đã có nhiều người phương tây ở VN cho nên việc ông ta cầu viện không có ý nghĩa gì. Bởi lẽ, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lời cầu viện của ông ta trước đó mang ý nghĩa là phát biểu của nguyên thủ quốc gia. Giả dụ Cảnh Thịnh vẫn nắm quyền, người Pháp sẽ không có động lực để nhòm ngó VN bởi không rõ quyết tâm chống Pháp của ông thế nào.

Trên thực tế, bản thân hành vi hứa cắt đất để cầu ngoại bang giúp mình tranh quyền lực đã đem đến nguy cơ ngoại bang chiếm luôn VN. Thành ngữ "cõng rắn cắn gà nhà", "rước voi về giày mả tổ" ở đây vô cùng chính xác.

Bỏ qua việc ông ta trả thù Quang Trung bởi trước đó Quang Trung cũng truy sát dòng họ nhà ông ta. Tuy nhiên, việc ông ta trả thù man rợ mẹ con nữ tướng Bùi Thị Xuân đã thể hiện bản chất hèn mạt.

Nhiều người cho rằng ông ta thống nhất đất nước. Đinh Tiên Hoàng một tay dẹp toàn bộ 11 sứ quân cho nên mới được coi là thống nhất đất nước. Nhưng trường hợp Nguyễn Ánh thì hoàn toàn khác, bởi Nguyễn Huệ đã có công “đánh đông, dẹp bắc”, sự nghiệp thống nhất đã gần xong. Nói dân dã kiểu thợ xây thì ông Huệ đã xây gần hết ngôi nhà, ông Ánh chỉ xây cái chuồng heo. Sau khi ông Huệ qua đời, con ông Huệ sống trên nhà, còn ông Ánh vẫn sống dưới chuồng heo. Việc ông Ánh tiêu diệt con ông Huệ để cướp ngôi nhà không phải là bằng chứng để coi toàn bộ công lao xây dựng ngôi nhà là của Ánh. Phần lớn công lao thống nhất đất nước vẫn là của ông Huệ.

Còn nếu tính từ 1777, sau khi Nguyễn Huệ tấn công Đàng Ngoài, lật đổ Chúa Trịnh, phá bỏ chia cắt ranh giới Đàng Trong - Đàng Ngoài, thì đã thống nhất đất nước về cơ bản, trong khi Nguyễn Ánh vẫn đang chui lủi, chạy trốn, không có một quân đội ra hồn. Cái này giống như phá tường Berlin được coi là biểu tượng thống nhất nước Đức.

Cần nhớ rằng chính dòng họ nhà Nguyễn Ánh là một phe gây ra sự chia cắt đất nước. Nguyễn Huệ muốn thống nhất nên đã đánh đuổi họ hàng nhà Ánh. Nguyễn Ánh đã không làm gì để ngăn tội lỗi của họ hàng, mà lại đánh Nguyễn Huệ để phục thù. Vậy làm sao có thể tính là ông ta có công thống nhất đất nước?

Vụ đặt tên VN chỉ là một thủ tục, chả tốn công sức gì để đáng gọi là công lao. Trước đó VN đã nhiều lần được đặt tên nhưng chưa bao giờ được giới sử học ca ngợi là công lao của vua chúa. Không có lý gì Nguyễn Ánh được tính công. Nhân thể, vụ VNCH chọn bài hát của Lưu Hữu Phước, một ông cộng sản nòi, làm quốc ca thì tính công lao thế nào?

Đánh giá lịch sử phải dựa trên bằng chứng sử học. Nếu Nguyễn Ánh mở mang bờ cõi thì sử sách tây tàu đã ghi điều đó. Tuy nhiên, đến giờ đã hơn hai thế kỷ kể từ khi ông ta lên ngôi, vẫn chưa có ai đưa ra được bằng chứng nào ra hồn.

Nói vắn tắt, tôi đồng tình với phát biểu của nữ tướng Bùi Thị Xuân trước khi gia đình bà bị ông ta sát hại: “Nói về tài ba thì tiên đế ta bách chiến bách thắng, hai bàn tay trắng dựng nên cơ đồ. Còn nhà ngươi bị đánh phải trốn chui trốn nhủi, phải cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Pháp. Chỗ hơn kém rõ ràng như ao trời nước vũng.”

Tuy nhiên, việc người dân Huế có thiện cảm với ông ta là điều dễ hiểu. Triều đại nhà Nguyễn kéo dài hơn 140 năm, hậu duệ đông đúc, cho nên việc tuyên truyền “rửa mặt” cho ông ta được thực hiện rất kiên trì và quy mô, ảnh hưởng lớn đến tình cảm của người dân địa phương. Người Huế còn có lý do tự ái vùng miền để bênh ông ta, bởi chẳng ai muốn quê hương mình là nơi lập nghiệp của “một kẻ cõng rắn cắn gà nhà”. Người dân ở đâu không muốn tự hào quê mình là nơi "địa linh, nhân kiệt"?

Thế nên nếu số liệu điều tra cho thấy đa số dân Huế muốn đặt tên đường Gia Long thì cũng không có gì ngạc nhiên. Cũng không nên trách phát biểu của ông Phan Thanh Hải, giám đốc sở văn hoá, bởi ông là người sống lâu năm ở Huế.

 

NGUYỄN HUỆ KHÔNG PHÁ LĂNG MỘ CÁC CHÚA NGUYỄN?

Đoạn wiki dưới đây cung cấp nhiều bằng chứng khá thuyết phục về việc Nguyễn Huệ không phá lăng mộ các Chúa Nguyễn. Theo đó, chỉ có Đại Nam Thực Lục và Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, đều do sử gia Nhà Nguyễn biên soạn, ghi chép rằng Nguyễn Huệ phá lăng mộ 8 chúa Nguyễn. Các tài liệu của phương tây thời đó hay Hoàng Lê Nhất Thống Chí không hề ghi lại sự kiện quá lớn như vậy. Vậy có thể Nguyễn Ánh với bản chất hèn hạ đã vu khống cho Nguyễn Huệ. Sự kiện phá lăng mộ này cần được xác minh bởi nhiều nguồn sử liệu khác, trong đó sử liệu của tây khách quan hơn cả.

Hơn nữa, dưới góc độ luật hình sự, cho dù Nguyễn Huệ có phá lăng mộ các Chúa Nguyễn đi nữa thì đó là hành vi khá nhẹ, không thể so sánh với tội tàn sát man rợ vua quan nhà Cảnh Thịnh Đế. Nói chung Nguyễn Ánh là một nhân vật không thể chấp nhận được.

 

(TRÍCH ĐOẠN WIKIPEDIA)

Vào thời Nhà Nguyễn, các vua Nguyễn truy diệt tất cả những gì liên quan đến nhà Tây Sơn, bởi quân Tây Sơn đã đánh đổ các chúa Nguyễn. Vua Quang Trung bị gán cho là "giặc cướp", "thảo khấu" trong các bộ sử của nhà Nguyễn, những hành vi xấu xa cũng thường bị gán cho ông. Ví dụ, sách Đại Nam thực lục do nhà Nguyễn biên soạn quy tội Nguyễn Huệ đã ra lệnh đào mộ 8 chúa Nguyễn[134]:

“Trước kia giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc (tức lăng Trường Mậu) [lăng của chúa Ninh Nguyễn Phúc Thái] rất tốt, định đem hài cốt vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt, bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ cắn, quân giặc sợ chạy. Huệ ghét, không muốn chôn nữa.

Sau Huệ đánh trận hay thua, người ta đều nói các lăng liệt thánh [các chúa Nguyễn] khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấy. Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực. Lăng Hoàng Khảo ở Cư Hóa [lăng Cơ Thánh của Nguyễn Phúc Côn, thân sinh Gia Long] Huệ cũng sai Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đào vứt hài cốt xuống vực ở trước lăng. Nhà Ngũ ở xã Kim Long bỗng phát hỏa. Ngũ trông thấy ngọn lửa chạy về. Người xã Cư Hóa là Nguyễn Ngọc Huyên cùng với con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài ban đêm lặn xuống nước lấy vụng hài cốt ấy đem giấu một nơi. Đến nay, Huyên đem việc tâu lên.

"Nguyễn Phúc Tộc thế phả" thì ghi là[135]:

“Theo truyền thuyết, khi Tây Sơn khai quật hài cốt đức Hưng Tổ ném xuống sông thì một hôm Nguyễn Ngọc Huyên bỏ lưới bắt cá, sau ba lần đều thấy cái sọ nằm trong lưới. Huyên cho là sọ của một vị nào anh linh nên kiếm nơi an táng tử tế. Khi vua Gia Long lên ngôi, đi tìm lại hài cốt của thân phụ, nghe người làng tường thuật, ngài cho đòi Ngọc Huyên bảo chỉ chỗ. Khi đào được sọ lên, vua chích huyết ở tay mình cho giọt vào sọ, sọ liền hút những giọt huyết này (lối thử này cho biết mối liên hệ cốt nhục giữa hai người)”

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc Quang Trung cho phá lăng tẩm chúa Nguyễn là do sử quan thời Nguyễn cố ý gán ghép, thiếu bằng cứ xác đáng. Đúng là các lăng mộ chúa Nguyễn đã bị phá hủy vào thời kỳ đó, nhưng Phú Xuân vào giai đoạn 1781-1785 từng thuộc sự kiểm soát của quân chúa Trịnh, rồi sau đó lại chiến sự liên miên, có rất nhiều các nhóm thổ phỉ chuyên đào mộ để cướp của, nên chưa thể quy trách nhiệm cho quân Tây Sơn nếu chỉ dựa vào ghi chép của Đại Nam thực lục. Rất có thể các sử quan nhà Nguyễn đã dựa vào một việc có thực (lăng tẩm chúa Nguyễn bị phá) rồi cố ý gán trách nhiệm cho quân Tây Sơn, nhằm bào chữa cho việc Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn tàn khốc sau này, cũng như để hạ uy tín của nhà Tây Sơn trong nhân dân. Luận điểm này được căn cứ bởi 5 chi tiết:

Ngoài bộ sách Đại Nam thực lục và "Nguyễn Phúc Tộc thế phả" do chính nhà Nguyễn viết, không có bộ sử nào khác của Việt Nam thời đó cũng như không có giáo sỹ phương Tây đương thời nào ghi chép lại việc này, dù đây là 1 sự kiện đủ lớn để gây chấn động cả đất nước. Kể cả cuốn Hoàng Lê nhất thống chí của các học giả Ngô Gia văn phái đương thời (vốn có quan điểm chống Tây Sơn) cũng không ghi lại.

Ghi chép của Đại Nam thực lục lại không nói rõ việc đào mộ diễn ra vào ngày tháng năm nào, trong khi đây là một sự kiện rất quan trọng với nhà Nguyễn. Điều này cho thấy các sử quan nhà Nguyễn cũng không nắm được lăng các chúa Nguyễn bị phá khi nào, nên càng không có đủ cơ sở để quy tội cho quân Tây Sơn.

Chính ghi chép của Đại Nam thực lục cũng có nhiều điểm huyền bí, ngày nay xem xét lại một cách khoa học thì rõ ràng là người viết hư cấu. Sách này ghi là quân Tây Sơn đang đào huyệt thì "bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra", rồi thì "nhà Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ bỗng dưng phát hỏa". Các chi tiết này rõ ràng là tình tiết hư cấu thời phong kiến nhằm thể hiện rằng nhà Nguyễn có "thiên mệnh", "trời phù hộ nhà Nguyễn". Sách này cũng cho là "Huệ đánh trận hay thua" nên tức giận mà phá lăng chúa Nguyễn. Đây là luận điểm vô căn cứ, vì Nguyễn Huệ đánh trận luôn chiến thắng Nguyễn Ánh, chưa hề thua một trận nào.

Ghi chép của Đại Nam thực lục mâu thuẫn với "Nguyễn Phúc Tộc thế phả". Đại Nam thực lục ghi rằng "Nguyễn Ngọc Huyên cùng với các con ban đêm lặn xuống nước lấy vụng hài cốt ấy đem giấu một nơi", nhưng "Nguyễn Phúc Tộc thế phả" lại ghi rằng Nguyễn Ngọc Huyên bỏ lưới bắt cá mới tình cờ vớt được hài cốt. Điều này cho thấy ít nhất 1 trong 2 cuốn sách là hư cấu (thậm chí có thể cả hai đều là hư cấu), các sử quan nhà Nguyễn không hề nắm được chi tiết vụ việc nên mới viết ra các thông tin mâu thuẫn nhau.

Quân Tây Sơn có kỷ luật nghiêm minh, khi đánh ra Bắc diệt chúa Trịnh, tiến vào thành Thăng Long cũng không hề cướp phá lăng mộ của các vua Lê–chúa Trịnh. Vậy thì cũng không có lý do để quân Tây Sơn phá lăng của các chúa Nguyễn. Nguyễn Huệ là một vị vua khôn ngoan, ông biết rõ nhiều người dân Đàng Trong vẫn nhớ về chúa Nguyễn, nên sẽ không dại dột phá lăng chúa Nguyễn để khiến người dân bất bình.

Tóm lại, việc quân Tây Sơn cho phá lăng tẩm chúa Nguyễn có nhiều khả năng là do sử quan thời Nguyễn hư cấu ra, nhằm bào chữa cho việc Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn tàn khốc sau này, cũng như để hạ uy tín của nhà Tây Sơn trong nhân dân.

No comments:

Post a Comment