Tuesday, January 23, 2024

Trích đoạn hồi ký của Hillary Clinton về chiến tranh Việt Nam

Nhân chuyện Biden sang VN, tôi gửi một số trích đoạn của Hồi ký Hillary Clinton, trong đó bà kể về những mâu thuẫn trong xã hội Mỹ về chiến tranh VN. Bà cũng tiết lộ rằng John McCain là dạng con ông cháu cha, cả cha và ông nội đều là đô đốc hải quân. Khi McCain bị bắt giam ở VN, cha ông đang là Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, bao gồm cả VN. Có lẽ vì vậy McCain được sự ưu ái đặc biệt của giới chính trị gia Mỹ, bởi là tấm gương tiêu biểu về việc con cái của lãnh đạo cao cấp cũng nhập ngũ và bị cầm tù nhiều năm. Phó tổng thống Kamala Harris và các nghị sỹ Mỹ đến thăm VN đều đến hồ Trúc Bạch đặt hoa tưởng niệm McCain.

=======

(Dưới đây là các trích đoạn trong hồi ký. Một số chỗ không liên tục)

Khó mà giải thích cho thanh niên Mỹ ngày nay, đặc biệt là với một người lính tình nguyện về mức độ ám ảnh đối với thế hệ của tôi về chiến tranh Việt Nam. Bố mẹ tôi, sống qua Thế chiến thứ hai, đã kể cho chúng tôi những câu chuyện cảm động về tinh thần hy sinh của người Mỹ trong thời gian này và sự đồng tâm nhất trí của người dân Mỹ về việc cần thiết tham chiến của Hoa Kỳ sau vụ ném bom Trân Châu Cảng. Tuy nhiên trong cuộc chiến Việt Nam, đất nước lại bị chia rẽ, làm chúng tôi bối rối, mất phương hướng. Nhiều chàng trai trong chương trình huấn luyện sĩ quan dự bị ROTC rất trông mong được nhập ngũ khi họ tốt nghiệp và cũng không thiếu những thanh niên toan tính trốn quân dịch. Nữ sinh trường chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện dài về nhưng điều mà chúng tôi có thể làm được nếu mình là nam giới. Chúng tôi biết rõ là mình không phải đối diện các lựa chọn tương tự. Đó là một nỗi dằn vặt đối với mọi người. Một bạn nam sinh viên ở Trường Đại học Princeton cuối cùng đã bỏ học giữa chừng và gia nhập Hải quân bởi vì anh ta nói với tôi là anh ta phát ốm với những tranh cãi và những điều không chắc chắn.

Cuộc tranh luận về Việt Nam đã thể hiện những thái độ khác nhau về cuộc chiến lẫn trách nhiệm công dân và tinh thần ái quốc. Có phải bạn tôn vinh tổ quốc bằng cách tham gia một cuộc chiến mà mình cho là phi nghĩa và đi ngược lại quyền lợi của Hoa Kỳ ? Liệu bạn có phải là người không yêu nước nếu bạn lợi dụng hoãn quân dịch hoặc trông chờ số phận may rủi để né tránh tham chiến ? Nhiều sinh viên mà tôi biết dù tranh luận và phản đối các giá trị đạo đức của cuộc chiến nhưng đều là người Mỹ yêu nước, cũng nồng nàn không kém các thanh niên dũng cảm khác đang phục vụ trong quân ngũ không mảy may hoài nghi hay những người nhập ngũ phục vụ trước rồi thắc mắc sau. Đối với nhiều nam nữ thanh niên có hiểu biết và suy nghĩ thì không hề có lời giải dễ dàng và đối với họ thì có nhiều cách để biểu lộ tinh thần ái quốc.

Một số nhà văn và chính tri gia đương thời cố gắng làm giảm nhẹ những đau đớn của những năm tháng này bằng cách miêu tả lối sống buông thả của những năm 60. Thật vậy, có một số người muốn viết lại lịch sử để xóa bỏ những di hại của chiến tranh và các biến động xã hội. Họ làm cho chúng ta tin rằng mâu thuẫn này không nghiêm trọng nhưng theo tôi nhớ thì hoàn toàn không phải vậy.

Vấn đề Việt Nam đã biến đổi Hoa Kỳ một cách sâu sắc. Đất nước vẫn ôm một nỗi trăn trở về lỗi lầm và ý kiến chống lại đối với những người đã tham chiến hoặc không tham chiến tại Việt Nam. Là một phụ nữ, tôi biết mình không bị động viên nhập ngũ nhưng vẫn trải qua hàng giờ đồng hồ day dứt, trăn trở với những tình cảm mâu thuẫn của mình.

Nếu xét lại thì năm 1968 là một năm bước ngoặt đối với đất nước và cả đối với bản thản tôi cùng với xu hướng chính trị của mình. Các sự kiện trong nước và quốc tế diễn biến rất nhanh và liên tục : cuộc tấn công Tết Mậu Thân, sự rút lui của Lyndon Johnson khỏi cuộc đua bầu cử Tổng thống, vụ ám sát Mục sư Martin Luther King Jr., vụ ám sát Robert Kennedy và sự leo thang liên tục của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Đến lúc học đại học năm thứ ba, tôi đã biến từ một cô gái ủng hộ Goldwater sang ủng hộ phong trào phản chiến của Eugene McCarthy, một Thượng nghị sĩ Dân chủ của tiểu bang Minnesota - người đã tranh cử với Tổng thống Johnson trong cuộc bầu chọn ứng cử viên trong Đảng Dân chủ. Mặc dù tôi ngưỡng mộ Tổng thống Johnson với những thành tựu trong nước nhưng tôi nghĩ rằng việc ông kiên trì ủng hộ cho cuộc chiến tranh mà ông kế thừa là một sai lầm mang tính bi kịch. Cùng với một số bạn bè , tôi đã lái xe rời Wellesley đến Manchester, New Hampshire vào ngày thứ Sáu hay thứ Bảy để phát tờ bướm tại các khu đông người qua lại. Tôi có cơ hội gặp gỡ Thượng nghi si McCarthy khi ông dừng lại trước trụ sở của mình cám ơn những sinh viên tình nguyện đã tập hợp ủng hộ ông chống chiến tranh. Ông hầu như đã đánh bại Johnson trong cuộc bầu chọn ứng viên tại vùng New Hampshire và vào ngày l6 tháng 3 năm 68, Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy của New York bước vào cuộc đua tranh.

Tôi về nhà ở Park Ridge sau khi kết thúc Đại hội Đảng Cộng hòa mà không có kế hoạch nào cho những tuần lễ hè còn lại ngoài việc thăm gia đình, bạn bè và chuẩn bị cho năm học cuối. Vì gia đình tôi hàng năm có một chuyến đi nghỉ ở hồ Winola nên tôi tháp tùng theo mọi người. Tôi chắc chắn sẽ dành hàng tiếng đồng hồ đề tranh luận với bố tôi về Nixon và chiến tranh Việt Nam. Bố tôi rất thích Nixon và tin là Nixon sẽ trở thành một Tổng thống lỗi lạc. Về cuộc chiến Việt Nam, ông có thái độ nước đôi. Những nghi ngờ của ông về sự khôn ngoan của Hoa Kỳ trong việc dính líu vào cuộc chiến này thường bị chặn đứng bởi sự tức giận đối với lũ thanh niên tóc dài híp-pi phản chiến.

Vào ngày 30 tháng 4, Tổng thống Nixon tuyên bố là ông sẽ gửi quân Mỹ đến Campuchia, mở rộng chiến tranh Việt Nam. Các cuộc phản đối nhân ngày 1/5 trở thành một cuộc biểu tình lớn hơn, không chỉ để ủng hộ việc xét xử công bằng các thành viên tổ chức Báo Đen mà còn để phản đối các hành động của Nixon trong chiến tranh. Trong suốt giai đoạn diễn ra các cuộc phản đối của sinh viên, Hiệu trưởng Trường Yale, ông Kingman Brewster và Mục sư của trường là William Sloane Coffin đã áp dụng chính sách hòa giải giúp cho Yale tránh được các vấn đề xảy ra ở những nơi khác. Mục sư Coffin đã trở thành nhà lãnh đạo quốc gia của phong trào phản chiến thông qua các bài phê bình với lý lẽ sắc bén về sự dính líu của Hoa Kỳ. Hiệu trưởng Brewster đã tham gia đối thoại về các lo lắng của sinh viên và cảm thông với nỗi thống khổ của nhiều người. Thậm chí ông từng nói ông "không tin là những người da đen làm cách mạng sẽ được xét xử công bằng ở bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ". Đối phó với viễn cảnh của những kẻ biểu tình quá khích, Brewster cho tạm nghỉ học và tuyên bố rằng các ký túc xá sẽ được mở để phục vụ các bữa ăn cho bất kỳ ai đến thăm. Các hành động, phát biểu của ông đã làm kích động nhiều sinh viên cũng như Tổng thống Nixon và Phó Tổng thống Spiro Agnew.

Thế rồi vào ngày 4 tháng 5, lính Vệ binh Quốc gia bắn vào những sinh viên phản đối tại Trường Đại học KentState ở bang Ohio. Bốn sinh viên bị giết chết. Bức hình chụp một phụ nữ trẻ quỳ bên xác của một sinh viên thể hiện tất cả những gì mà tôi và nhiều người khác đã sợ và căm ghét về cái đang xảy ra trên đất nước mình. Tôi nhớ mình đã lao ra khỏi cửa trường luật, nước mắt tuôn rơi và gặp Giáo sư Fritz Kessler, một người tị nạn thời Đức quốc xã Hitler. Ông hỏi tôi chuyện gì xảy ra và tôi nói rằng tôi không thể tin vào điều đang xảy ra, ông làm tôi lạnh gáy khi nói rằng đối với ông chuyện đó quá là quen thuộc.

Trung thành với nền giáo dục của mình, tôi chủ trương can dự, chứ không phải phá hoại hoặc "cách mạng". Vào ngày 7 tháng 5, tôi vẫn tiến hành nhiệm vụ đã lên lịch là phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên đoàn Cử tri nữ ở Washington D.C., một lời mời xuất phát từ bài diễn văn tốt nghiệp của tôi. Tôi đeo trên tay một miếng băng tang màu đen để tưởng nhớ những sinh viên đã thiệt mạng. Một lần nữa, những xúc động của tôi lại trào dâng sục sôi khi tôi lên án rằng việc Hoa Kỳ mở rộng Chiến tranh Việt Nam sang Campuchia là bất hợp pháp và vi hiến. Tôi cố gắng lý giải hoàn cảnh mà các cuộc phản đối xảy ra và tác động của vụ bắn giết tại Trường Kent State đối với các sinh viên Trường Luật Yale, những người đã bỏ phiếu với sự cách biệt 239-12 để tham gia cùng với hơn 300 trường học khác tổ chức cuộc đình công bãi khóa toàn quốc nhằm phản đối "sự mở rộng chiến tranh mù quáng mà đáng lẽ không nên tiến hành". Tôi điều hành cuộc mít tinh nơi cuộc bỏ phiếu diễn ra và tôi biết các bạn sinh viên của mình đã rất nghiêm túc thực hiện luật pháp và trách nhiệm của mình với tư cách là những công dân. Các sinh viên luật, trước đây không tham gia cùng với các trường đại học khác trong các hoạt động phản đối đã tranh luận về các chủ đề một cách sâu sắc theo một phong cách của những luật gia. Họ không phải là những người "ăn bám, theo đuôi", cái từ mà Nixon gán ghép cho tất cả các sinh viên phản đối.

Vào tuần tiếp theo chúng tôi lái xe đến một tòa nhà không gây một ấn tượng nào và bước vào cửa dẫn đến các cầu thang đi xuống một loạt các căn phòng ngầm dưới đất. Khi Barbieri đứng lên nói trong căn phòng ăn rộng lớn, ông cần có sự quan tâm theo dõi của các ủy viên của chính quyền địa phương - hầu hết là nam giới - có mặt ở đó. Ông ấy bắt đầu nói về cuộc chiến tranh Việt Nam và nêu tên các chàng trai ở khu New Haven đang phục vụ trong quân ngũ và tên những người đã tử trận. Sau đó ông nói "Cuộc chiến này không đáng để chúng ta mất thêm bất kỳ một chàng trai nào nữa. Đó là lý do chúng ta nên ủng hộ George McGovern, người muốn đem các chàng trai của chúng ta về nhà". Lời tuyên bố không phải ngay lập tức chiếm được sự ủng hộ đa số nhưng đến gần tối, ông ta tập trung thuyết phục cho đến khi giành được sự nhất trí bỏ phiếu ủng hộ. Và ông ấy đã cam kết trước hết tại đại hội của tiểu bang và sau đó trong cuộc bầu cử: New Haven là một trong số vài nơi bỏ phiếu ủng hộ cho McGovern chống lại Nixon.

Quan hệ của Bill với quân đội đã vượt qua bước khởi đầu đầy khó khăn, vì thế, nhiều người đã lắng nghe bài diễn văn của anh về Ngày D. Cũng như tôi, anh chống lại chiến tranh Việt Nam, tin rằng đó là một sai lầm và Hoa Kỳ không thể thắng trong cuộc chiến này. Vào cuối thập niên 60, lúc đang học đại học, do được làm việc với Thượng nghị sĩ Fulbright trong Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, khi đó anh đã hiểu những gì mà ngày nay chúng ta đều biết: Chính phủ Hoa Kỳ đã lừa dối công luận về sự sa lầy, về sức mạnh của những đồng minh người Việt, về sự kiện Vịnh Bắc bộ, về sự thành công của chiến lược quân sự, về con số thương vong, và những thông tin khác; vì thế mà đã kéo dài sự xung đột và làm hao binh tổn tướng nhiều hơn. Năm 1969, trong lá thư gửi đến chủ nhiệm chương trình Huấn luyện sĩ quan Dự bị (ROTC) của Đại học Arkansas, Bill đã cố giải thích mối lo ngại sâu sắc của anh về cuộc chiến. Quyết định rút khỏi chương trình và chấp hành lệnh quân dịch, anh đã dấn thân vào lòng cuộc đấu tranh như nhiều người trẻ tuổi cảm nhận về đất nước mà họ yêu mến và một cuộc chiến mà họ không thể ủng hộ.

Lần đầu gặp Bill, chúng tôi đã thảo luận không dứt về chiến tranh Việt Nam, về lệnh nhập ngũ và những nghĩa vụ mâu thuẫn mà chúng tôi cảm nhận được, giống như bao thanh niên Mỹ yêu đất nước của mình nhưng phản đối cuộc chiến đặc biệt đó. Chúng tôi hiểu những nỗi thống khố đương thời - mỗi chúng tôi đều có bạn đầu quân, bị gọi nhập ngũ, chống đối hoặc trở thành những người từ chối nhập ngũ vì lương tâm cho thế là trái đạo lý. Bốn bạn cùng lớp của Bill ở trường trung học tại Hot Springs đã tử trận tại Việt Nam. Tôi biết Bill tôn trọng nghĩa vụ quân sự, anh sẽ sung sướng phục vụ nếu như được gọi gia nhập quân đội trong Thế chiến thứ hai - cuộc chiến tranh có mục đích hết sức rõ ràng. Còn chiến tranh Việt Nam đã thử thách trí tuệ và lương tâm của nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi, vì nó dường như mâu thuẫn với những giá trị và lợi ích quốc gia của Mỹ, chứ không phải là sự nghiệp của họ. Với tư cách là vị Tổng thống đầu tiên của lớp trưởng thành trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Bill mang theo những mặc cảm không xóa bỏ được của đất nước chúng tôi về cuộc chiến đó bước vào Nhà Trắng. Anh tin rằng đây là lúc để hòa giải những dị biệt của người Mỹ chúng ta và bắt đầu một chương mới: hợp tác với kẻ cựu thù.

Năm 1994, với sự ủng hộ của những cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam trong Quốc hội, Bill đã xóa bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm sau. Chính phủ Việt Nam liên tục chứng tỏ sự nỗ lực chân thành trong việc giúp tìm kiếm quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh hoặc bị bắt làm tù binh. Vào năm 2000, Bill trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi đây vào năm 1975. Những hoạt động ngoại giao dung cảm của anh đã tỏ rõ sự kính trọng đối với hơn 58.000 quân Mỹ đã hy sinh mạng sống của họ trong rừng già Đông Nam Á, giúp nước Mỹ chữa lành vết thương xưa và tìm ra những điểm chung giữa chúng ta và nhân dân Việt Nam.

Là ứng viên của Đảng Dân chủ bị ông George W. Bush đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2004, ông Kerry vẫn là ứng viên tiềm năng trong cuộc tranh tài năm 2008 Đã từng là sĩ quan của hải quân Mỹ phục vụ 3 năm 8 tháng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, sau 3 lần bị thương, ông trở về Mỹ năm 1970 và tham gia phong trào phản đối chiến tranh. Một ngày sau khi ra điều trần trước quốc hội Mỹ tháng 4 năm 1971, ông cùng khoảng 800 cựu chiến binh khác đã quăng hết những huy chương quân đội mà họ đã được trao tặng trước Tòa nhà Quốc hội Mỹ để phản đối cuộc chiến ở Việt Nam.

Cả cha và ông nội của John McCain đều là đô đốc trong lực lượng Hải quân Hoa Kỳ. Cha ông, Đô đốc John S. McCain, Jr., là Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương kể cả lực lượng Mỹ ở Việt Nam trong thời gian John McCain bị bắt làm tù binh ở Việt Nam. Cũng như cha và ông, sau khi học xong trung học, John McCain vào Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Tốt nghiệp năm 1958 (và giống cả thứ hạng tốt nghiệp thấp như ông và cha), McCain đứng hạng thứ 895 trong tổng số 900 sinh viên. Sau đó, ông tiếp tục được huấn luyện để trở thành phi công của hải quân. Cuối tháng 10 năm 1967, chiếc A-4 Skyhawk do ông lái đi oanh kích miền Bắc Việt Nam đã bị bắn hạ xuống hồ Trúc Bạch. Ông bị bắt làm tù binh và được trả tự do năm 1973. Năm 1981 ông xuất ngũ. Năm tiếp theo, ông đắc cử vào Hạ viện. Trong cuộc bầu cử vào Thượng viện cuối năm 1986, John McCain được bầu chọn thay cho Thượng nghị sĩ Barry Goldwater nghỉ hưu. Thượng nghị sĩ John McCain hiện là một trong số ba cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam đang phục vụ tại Thượng viện Hoa Kỳ. Hai người kia là Thượng nghị sĩ John Kerry bang Massachusetts và Thượng nghị sĩ Chuck Hagel bang Nebraska.

PS: Bài hát "Give peace a change" được John Lennon sáng tác giữa thời kỳ phong trào phản chiến VN đang ở cao trào sục sôi. Ngay lập tức, bài hát đã trở thành "thánh ca" của phong trào, đặc biệt là trong cuộc biểu tình ngày 15/11/1969 với nửa triệu người Mỹ tham gia ở Washington DC. Trong clip này cũng có nhiều hình ảnh sinh viên và thanh niên Mỹ đi biểu tình ở khắp nơi. Có lẽ chẳng có cuộc chiến nào trong thế kỷ 20 khiến người Mỹ phản đối dữ dội đến thế. Phong trào phản chiến ở ngay trên đất Mỹ là vũ khí quan trọng nhất khiến Nixon phải ký hiệp định Paris.

 

No comments:

Post a Comment