Tuesday, January 23, 2024

Tưởng niệm Quang Trung và giá trị của chiến thắng ngoại xâm

 Hôm rồi, tôi thấy trên facebook có đoạn như thế này: “Đọc bài một số nhà nghiên cứu Huế phản đối Hội làng giỗ vua Quang Trung ở Huế này lại nhớ mấy ông anh Hán Nôm với lịch sử rỉ tai mình rằng cái lễ hội Gò Đống Đa mùng 5 Tết hàng năm ở Hà Nội là Newly Invented Tradition do các bí thư chi bộ sau khi tiếp quản Thủ Đô 1954 vận động bà con tổ chức. Lí do thì rất đơn giản trước năm 1954 và nhất là trước năm 1945 dưới thời nhà Nguyễn mà dám tổ chức lễ hội này thì có mà vua Nguyễn chém cả làng. Không rõ mấy ông bạn mình có dám đăng thành bài không? :))”.

Tại sao lại là Newly Invented Tradition? Triều đại Quang Trung và Cảnh Thịnh (con trai ông) kéo dài gần 14 năm. Trong khoảng thời gian đó, hẳn là đã có các lễ hội tưởng niệm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa, Rạch Gầm-Xoài Mút, v.v...Những lễ lạt đó chỉ chấm dứt khi Nhà Nguyễn lên ngôi.

Sau 150 năm, từ 1954, Quang Trung lại được cả hai miền tưởng nhớ. Không chỉ miền bắc có lễ hội Gò Đống Đa và nhiều hình thức tri ân ông mà miền nam cũng có nhiều đường phố, công trình mang tên Quang Trung, Nguyễn Huệ. Lễ hội thường niên cũng chỉ là một hình thức tưởng niệm chiến thắng của đội quân Quang Trung, giống như tri ân bằng cách đặt tên đường phố, công trình. Việc phục dựng lễ hội Gò Đống Đa sau 150 năm là hết sức cần thiết. Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa rất xứng đáng để có một lễ tưởng niệm hàng năm. Tại sao lại không dám đăng thành bài?

Như vậy, hậu thế thuộc nhiều thể chế chính trị (không dính đến triều Nguyễn) đều tri ân Quang Trung. Cho dù bị vùi dập suốt 150 năm, đối thủ chính trị vẫn không thể ngăn được một ngày vinh quang của quân đội ông lại toả sáng rực rỡ. Đây là ví dụ quan trọng mà nhà trường và báo chí cần sử dụng để giáo dục công chúng về giá trị vĩnh viễn của các chiến thắng ngoại bang của dân tộc thế kỷ 20.

Trong khi đó, Nguyễn Ánh không được các sử gia đời nay công nhận, bởi không có bằng chứng đủ thuyết phục về công lao của ông ta, đặc biệt là có thể bù đắp được tội “Cõng rắn cắn gà nhà”. Khái niệm “Cõng rắn cắn gà nhà” là khái niệm quốc tế chứ không phải của riêng VN. Đây là kết quả nghiên cứu của các sử gia VN và cả phương tây. Giới sử gia đời nay không thù ghét gì cá nhân ông ta, bởi họ đã tôn vinh cả đời trước và đời sau ông ta (Hà Nội có cả đường Nguyễn Hoàng, Duy Tân, Thành Thái, và Hàm Nghi). Chỉ có điều họ không tìm thấy bằng chứng đủ thuyết phục để xoá tội và ghi công cho ông ta.

Hiện tại, tuyên truyền chống phá chế độ của phương tây và Việt kiều chống cộng vẫn đang rất mạnh khiến chính quyền cảnh giác. Nhưng tôi tin rằng sẽ đến một ngày, những lãnh đạo VNCH như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu được đánh giá lại công bằng hơn. Họ có thể được ghi nhận những nỗ lực duy trì một thử nghiệm dân chủ là VNCH. Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu những chỉ trích với tư cách là bù nhìn của Mỹ, thế lực ngoại bang đã bay nửa vòng trái đất đến chia đôi đất nước. Dù sao đi nữa, VNCH vẫn là một thể chế quá tốn kém và đẫm máu. Họ cũng không chứng minh được những thành tích điều hành quốc gia bởi thể chế đó tồn tại chủ yếu dựa trên khoản viện trợ khổng lồ của Mỹ. Nói tóm lại, những người như Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông sẽ được hậu thế tri ân ở đẳng cấp cao rất khác biệt đối với họ.

Nhân thể, thời VNCH, đường phố được đặt tên khá lộn xộn. Các chính quyền thời đó tri ân nhiều nhân vật chống Pháp như Cường Để, Duy Tân, Phan Đình Phùng, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trương Công Định, Nguyễn Thái Học, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương. Họ chỉ kỳ thị mỗi đảng cộng sản.

 

No comments:

Post a Comment