Tuesday, January 23, 2024

Vì sao CSO có vẻ nguy hiểm hơn NGO?

Trong bài này, tôi nói về các CSO (civil society organization) và các NGO (Non-governmental organization) của tư nhân. Cả CSO và NGO đều thuộc về xã hội dân sự. Nhiều tổ chức vừa là CSO vừa là NGO. Tuy nhiên, CSO dường như bị coi là nguy hiểm hơn là NGO.

Một NGO đúng nghĩa thì thường có các hoạt động đòi hỏi hiểu biết chuyên môn và lý luận nhiều hơn: v.d. nghiên cứu ứng dụng, tư vấn chính sách, chuyển giao công nghệ, đào tạo. Nghiên cứu ứng dụng ở đây là các nghiên cứu có thể áp dụng thực tế ngay, ví dụ nghiên cứu để sửa đổi luật lệ, cơ chế, và chính sách. Những người nghiên cứu/tư vấn này thường phải có trình độ thạc sỹ trở lên của đúng lĩnh vực đấy hoặc lĩnh vực gần, cộng thêm kinh nghiệm tư vấn cho các cơ quan chính phủ, hoặc kinh nghiệm hoạch định chính sách (v.d., các cựu quan chức, chính trị gia). Tư vấn chính sách thường đi kèm với nghiên cứu. Để chuyển giao công nghệ thường phải đòi hỏi phải am hiểu chuyên môn.

Trong khi đó, một CSO thuần tuý thường thiên về các hoạt động thực hành. Ví dụ, đối với các CSO về bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền của những người yếu thế (v.d., phụ nữ, trẻ em, người tàn tật, người đồng tính, người dân tộc thiểu số, lao động di cư) các hoạt động thường là tổ chức sự kiện, chiến dịch (nâng cao nhận thức người dân về môi trường, về quyền của người yếu thế, tổ chức những đợt đi nhặt rác, thu gom đồ nhựa), các khoá tập huấn cho những người yếu thế về quyền của họ, hoặc vận động chính sách. CSO cũng có tư vấn chính sách, đào tạo, nhưng dưới góc độ của người làm thực hành (practioner). Hoạt động của các CSO này cũng thu hút đông đảo các thanh niên mới lớn và những người không có chuyên môn dẫn đến lo ngại về kích động những bức xúc không chính đáng của người đó.

Lãnh đạo các CSO thuần tuý thường yếu về mặt lý luận do không có nghiên cứu ứng dụng, không có cơ hội thường xuyên trao đổi với các cơ quan nhà nước. Thế nên họ dễ mù quáng, tin tưởng tuyệt đối vào quan điểm của phương tây, hăng hái phục vụ quan điểm của các tổ chức tài trợ cho họ. Họ coi mọi thứ của phương tây đều là khuôn vàng, thước ngọc. Cho dù đôi khi được tham gia các hội thảo chính sách, họ vẫn không có sự nhạy cảm về giá trị/lợi ích của quốc gia.

Như chúng ta biết, hiện nay đảng cộng sản không khuyến khích sự phát triển của xã hội dân sự, đặc biệt là của CSO tư nhân. Điều này xuất phát từ lo ngại thời Liên Xô, 35000 tổ chức dân sự đã đóng góp quan trọng vào sự sụp đổ của chế độ.

Vừa rồi có một số lãnh đạo CSO môi trường bị khởi tố và phạt tù như cô Hồng, cô Khanh. Tổ chức của cô Hồng, theo tôi là CSO tương đối thuần tuý. Tổ chức của cô Khanh cũng có đôi chút chức năng nghiên cứu-tư vấn chính sách, nhưng chủ yếu vẫn thiên về CSO.

Như tôi đã từng nói trước đây, các tổ chức bảo vệ môi trường có bất lợi hơn là các tổ chức bảo vệ các nhóm yếu thế. Bởi lẽ, đối tượng của các tổ chức bảo vệ các nhóm yếu thế là con người. Nâng cao quyền lợi cho những nhóm yếu thế cũng là mục tiêu của chính quyền, vừa cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, vừa nâng cao thành tích về nhân quyền. Nhà nước không đủ nguồn lực để đảm đương mọi việc bảo vệ các nhóm yếu thế cho nên để cho tư nhân cùng gánh vác là hợp lý. Trong khi đó, các tổ chức bảo vệ môi trường bảo vệ những đối tượng không phải là con người.

Lời khuyên của tôi, với những người thật sự tâm huyết với công việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nhóm yếu thế ở VN, cần cố gắng để xây dựng tổ chức vừa là CSO vừa là NGO (chức năng của NGO không thể ít hơn 40%). Cần mời các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và có những hoạt động nghiên cứu ứng dụng và tư vấn thật sự. Nhiều người sẽ nói rằng khó kiếm tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, hoặc nhận tài trợ của phương tây thì khi nghiên cứu cũng phải phản ánh quan điểm của họ. Nếu họ thích nhận tài trợ của các tổ chức cực đoan, thù địch thì…tôi đành chịu. Còn nếu không phải như vậy, những người làm nghiên cứu có thâm niên đều biết cách thể hiện mình thực sự lợi ích của dân tộc, nhưng vẫn có thể ủng hộ những xu thế đối mới. Dù sao, cũng nên rằng người nước ngoài thường không đủ cả TÂM lẫn TẦM, và không có quyền can thiệp vào chính trị Việt Nam”.

Ngoài ra, tôi đã từng có bài viết: “Không có thần đồng, người ngoại đạo làm cố vấn chính trị, chính sách”. Điều này đúng với mọi quốc gia trên thế giới. Hiện nay một số NGO cộng tác với các nhà chuyên gia trẻ, được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Tuy nhiên, với các vấn đề nhạy cảm, tôi nghĩ họ nên cố gắng cộng tác, học hỏi những chuyên gia có thâm niên, kể cả là những người thuộc dạng cứng rắn, kiên định lý tưởng nhất. Bởi vì các chuyên gia đó có thể mới những người từng trải và hiểu biết nhiều nhất về sự phức tạp của chính trị VN.

 

 

II. VIỆN IDS VÀ CÁC CSO TƯƠNG TỰ

Trước đây từng có viện IDS là một tổ chức tự nhận là cố vấn chính sách, trong đó chủ yếu là cố vấn chính sách về chính trị, xã hội. Tuy nhiên, những người sáng lập viện đó tự phong như vậy, viện đó không đủ năng lực để tư vấn về các vấn đề đấy. Để cố vấn về một lĩnh vực nào đó thì toàn bộ thành viên chủ chốt của Viện phải là chuyên gia về lĩnh vực đó (được đào tạo bài bản ở bậc cao học trở lên và có kinh nghiệm cố vấn cho các cơ quan chính phủ về lĩnh vực đó hoặc có kinh nghiệm làm quan chức, chính trị gia trong thời gian gần đây). Tuy nhiên, chủ tịch hội đồng khoa học và viện trưởng của IDS là một ông giáo sư toán học, cả đời chỉ làm toán và một ông tiến sỹ tin học kiêm doanh nhân. Đương nhiên, cả hai không đủ trình độ để cố vấn về chính trị, chính sách xã hội. Hoặc một số thành viên chủ chốt, tuy từng giữ chức vụ lãnh đạo nhỏ, nhưng đã nghỉ hưu 20-30 năm, quá lạc hậu so với thời đại. Những người như vậy thao túng quan điểm của Viện dẫn đến nhiều thái độ và hành vi không phù hợp.

Chính vì không hiểu biết sâu về quản trị nhà nước cho nên một số cựu thành viên chủ chốt của Viện đã có những hoạt động đi ngược lại lợi ích quốc gia: (i) Vận động các chính trị gia nước ngoài về các vấn đề nhân quyền để ngăn chặn VN tham gia TPP, CPTPP, EVFTA; (ii) Vơ bèo, vạt tép, ca tụng lố bịch tất cả những kẻ chống chính quyền là can đảm; (iii) Ủng hộ những nhóm có tiền sử gây hại an ninh quốc gia như Tổ Đồng thuận của Đồng Tâm.

IDS chỉ là một CSO, do một nhóm công dân lập ra để thể hiện quan điểm riêng của họ, nhưng không đủ năng lực để trở thành một NGO cố vấn chính sách đúng nghĩa. Sở dĩ tôi phải giải thích điều này bởi rất nhiều người trong xã hội ca tụng họ can đảm và hiểu biết, phỉ báng các chuyên gia đích thực. Công dân có quyền làm những gì họ cho là đúng. Tuy nhiên, ở một đất nước còn quá thiếu những chuyên gia giỏi đích thực như VN, cần phải khuyến khích sự chuyên nghiệp và những chuyên gia đúng nghĩa. Việc nhập nhèm như vậy không đáng được hoan nghênh.

Năm ngoái còn có cụ S.L, 74 tuổi, viện trưởng, tiến sỹ về một ngành kỹ thuật, nhưng tự nghiên cứu rồi phát tán những quan điểm chống chính quyền nên bị phạt tù. Tự do tư tưởng không có nghĩa là thoải mái phát tán các quan điểm có hại cho xã hội. Xã hội phương tây cũng lên án và có chế tài những phát ngôn thù hận, những tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ở VN, nguồn lực yếu kém hơn, cho nên việc xử phạt cũng buộc phải nặng hơn ở phương tây.

No comments:

Post a Comment