Tuesday, January 23, 2024

Biện minh cho tranh luận vô văn hoá

Tranh luận vô văn hoá là việc thường xuyên chửi bới thô tục, hoặc có những hành vi “không quân tử” như mỉa mai, châm biếm, xúc phạm cá nhân. (Nếu chỉ đôi khi chửi bới hoặc “bỏ bóng đá người” do thiếu kiềm chế thì không thuộc dạng này). Hiện giờ, có người (từng là) nhà giáo lại cố gắng bênh vực những kẻ tranh luận vô văn hoá. Lắp ghép một cách khiên cưỡng những phát biểu của Mill “tôn vinh bất kỳ ai từ phía đối lập”, phải bảo vệ “phe yếu thế”, “đạo đức cao nhất trong thảo luận là sự trung thực, chứ không phải lời lẽ có cánh”.

 Ngay cả ở phương tây, nơi rất nhiều quý vị mơ mộng về tự do, cũng không hề có trường học nghiêm túc nào cho phép học trò tranh luận vô văn hoá, bất kể là lớp học offline hay online. Học viên luôn phải vừa rèn luyện tư duy phê phán (critical thinking) vừa cố gắng là người lịch lãm.

Hiện nay trên Internet, có khá nhiều diễn đàn yêu cầu thành viên tuân thủ nguyên tắc NICE, nghĩa là không được chửi bới thô tục và “bỏ bóng đá người”. Các đây vài năm, diễn đàn IVANET cũng cho phép tranh luận chính trị tương đối thoải mái về mọi chủ đề, miễn là tuân thủ nguyên tắc này. Rất đông giới chống cộng, giới có thù hận chui vào, hi vọng tuyên truyền “nâng cao dân trí chính trị” cho độc giả. Nhưng họ không có kiến thức, lý lẽ gì ra hồn, chỉ hằn học, cay cú, chửi bới và “đánh dưới thắt lưng”, nên suốt ngày bị khoá nick. Một thời gian sau, hội đó chán vì không đạt được mục đích cho nên đã bỏ hết.

 Hiện giờ vẫn còn nhiều diễn đàn chính trị không tuân theo nguyên tắc “NICE” thì hoặc là cái ổ rác kinh hoàng, hoặc là vắng hoe vắng hoắt, thua rất xa các trang facebook cá nhân. Trên Internet không thiếu người am hiểu chính trị nhưng vì sao họ rất hiếm khi vào đó? Bởi vì, chính trị cũng giống như toán học, có nhiều trình độ. Có trình độ lớp 1, 2 và có lớp 12, đại học, cao học. Các diễn đàn như vậy đầy rẫy những kẻ trình độ chỉ lớp 1, 2 nhưng vô cùng tự tin vào bản thân. (Tiếc là chính trị không phải là khoa học chính xác 1+1=2, cho nên không có cách gì chỉ cho một người rằng họ rất kém). Không lẽ những người lớp đại học lại “thích tranh luận” với những kẻ lớp 1, 2 (trong khi những kẻ lớp 1,2 được quyền thoải mái chửi bới tục tĩu, và “bỏ bóng đá người”)? Chỉ có một vài an ninh “nằm vùng” ở các diễn đàn đó để thấy kẻ nào tuyên truyền có hại cho cộng đồng (do dốt nát hoặc do mục đích đen tối) thì tẩy chay hoặc chỉ ra cái sai để nó đỡ lừa đảo độc giả dân trí thấp.

 Nói vắn tắt, các diễn đàn không tuân theo nguyên tắc NICE chất lượng rất thấp. Ngoài việc cung cấp cho nhiều quần chúng cơ hội “đâm chém” để xả stress, xả thù hận, hoặc để thoả mãn “hoang tưởng” của bản thân, nó không đạt được mục đích rèn luyện tư duy phê phán hoặc tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề. Đã từng có một số học giả vào một diễn đàn như vậy với hi vọng tận dụng “trí tuệ tập thể”. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, họ đã bỏ của chạy lấy người, và bị nhiều kẻ ở đó chửi bới mọi rợ.

 

Chính trị là lĩnh vực chuyên môn sâu. Hơn thế, hầu hết các vấn đề quan trọng của quốc gia và của các bộ ngành đều phức tạp cần nhiều chuyên gia tranh luận mới có thể sáng tỏ. Việc tranh luận giữa các chuyên gia thì mới tạo ra được “Trí tuệ tập thể”. Không có “trí tuệ tập thể” giữa những người trình độ tiểu học, trung học khi bàn về những vấn đề bậc cao học. Hầu hết những người tham gia Internet không đủ trình độ để tranh luận về các vấn đề chính trị quan trọng. Tuy nhiên, bàn luận là quyền của công dân. Họ có quyền tranh luận về bất kỳ vấn đề gì, nhưng nên “biết mình là ai”. Chỉ nên coi tranh luận trên Internet để tăng cường hiểu biết và rèn luyện nhân cách. Nếu ngoài đời mình hiếm khi chửi mắng, “đánh dưới thắt lưng” người khác, thì tại sao lên mạng mình lại như vậy.

Những người lề trái thường phàn nàn là bị công an coi thường. Vì sao lại thế? Ngay cả khi họ không hiểu rõ vấn đề nhưng phát ngôn cẩn trọng, mang tính cầu thị thì sẽ chẳng ai coi thường họ cả. Trên thực tế, “phe đối lập” ấy đa số hiểu biết rất hạn chế, năng lực tư duy kém, nhưng hoang tưởng vào “sự can đảm” của mình dẫn đến phát ngôn lố bịch. Họ chỉ mới chỉ đạt đến trình độ chửi thuê cho Bolsa, chưa đủ tư cách để hoạt động chính trị ở VN. Trên Internet cũng có vài người khác thường xuyên tục tĩu, vô văn hoá nhưng có những bài viết “có chất trí tuệ”. Nhưng tỷ lệ đó vô cùng nhỏ và thường họ đăng ở trang cá nhân, ít có nhu cầu tranh luận.

 Dân trí chính trị của VN còn rất thấp. Cần coi các nhóm tranh luận trên Internet là những lớp học về kỹ năng phê phán. Những lớp đó đương nhiên sẽ giống như mọi lớp học chính thống khác trên thế giới, nghĩa là phải đảm bảo có văn hoá.

 

No comments:

Post a Comment