Tuesday, January 23, 2024

TỰ NGHIÊN CỨU ĐỂ ĐẢ KÍCH TRIẾT HỌC MARX-LENIN ???

Từ nhiều thập kỷ nay, một số người bất đồng chính kiến trong nước đã nghiên cứu, đả kích chủ nghĩa Marx-Lenin. 100% những người này chưa từng được đào tạo ở phương tây, và không hiểu giới khoa học phương tây nghĩ gì về Marx. Thậm chí nhiều người không hề có kiến thức nền tảng về Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV). (Tôi không tính Việt kiều hải ngoại vì những lý do sẽ nêu dưới đây).

Thật ra đến bây giờ vẫn rất hiếm người Việt có bằng tiến sỹ triết học ở phương tây, đặc biệt càng hiếm người trở thành giáo sư ngành này, bởi vì triết học đúng nghĩa rất nặng nề, đòi hỏi năng lực am hiểu ngôn ngữ rất cao. Ông Bùi Văn Nam Sơn từng nói, không có gì khổ bằng học triết bằng ngoại ngữ. Đến bây giờ, nếu tôi không nhầm mới chỉ có một người duy nhất là GS Trần Văn Đoàn từng là giáo sư triết học của một trường đại học uy tín của thế giới. (Những người khác là giáo sư thần học, văn chương, hoặc không làm việc ở các trường đại học uy tín).

Tuy nhiên, Marx từng nói “Triết học chủ yếu nhằm giải thích thế giới chứ không nhằm cải tạo thế giới”. Cải tạo xã hội là công việc của các ngành khoa học khác. Marx không phải là người duy nhất nói như vậy. Nhiều triết gia khác cũng nhận định như vậy, chẳng hạn như John Harris.

Triết học là nền tảng của KHXH&NV, giống như toán học đối với KHTN&KT. Nhưng để cải tạo thế giới thì phải nghiên cứu triết học ứng dụng hoặc nghiên cứu triết học dưới góc độ các ngành KHXH&NV khác (v.d. kinh tế, xã hội học, khoa học chính trị, luật học). Điều này giống như Toán học lý thuyết tự nó không có nhiều ý nghĩa thực tiễn. Muốn áp dụng thực tiễn thì cần phải nghiên cứu Toán ứng dụng hoặc các ngành khoa học ứng dụng toán như Tin học, Cơ học, Điện tử. Thông thường một giáo sư triết học nghiên cứu những vấn đề ứng dụng sẽ tham gia vào nhiều khoa KHXH&NV khác để có cơ hội trao đổi với các ngành khác. Ví dụ Martha Nussbaum, một triết gia chính trị, là giáo sư cộng tác của 7 khoa khác nhau của đại học Chicago.

Để tìm đường lối phát triển của quốc gia thì phải am hiểu về Quản trị Nhà nước (QTNN). Đây là một lĩnh vực đa ngành, trong đó trọng tâm là Luật, Kinh tế, Chính sách, và Khoa học chính trị (có thể tính cả chính trị đối nội, xã hội học chính trị, an ninh chính trị nội địa…). Triết học tự nó không có tính ứng dụng mà chỉ những phần kiến thức của nó ấn dưới các ngành kia là có tính ứng dụng để QTNN. Đấy là lý do, Marx thiên về nghiên cứu triết học ứng dụng trong Xã hội học.

Một điều đặc biệt quan trọng là KHXH&NV có biên giới. Một người muốn cố vấn về luật lệ, cơ chế, chính sách của một quốc gia thì phải sống lâu dài ở quốc gia đó gần đây và có cơ hội trao đổi thường xuyên với các chuyên gia bản địa về các thứ đó. Các chuyên gia tây và Việt kiều thường không có những trải nghiệm và cơ hội đó.

Những chủ trương đường lối lớn về chính trị (v.d., đa nguyên đa đảng, độc lập tư pháp, xã hội dân sự, tam quyền phân lập, tự do báo chí, tự do ngôn luận) phải do chuyên gia trong nước quyết định. Chỉ có các vấn đề cụ thể, ví dụ sửa đổi Bộ luật Dân sự, thì cần mới mời thêm các chuyên gia nước ngoài cùng nghiên cứu. Những người được mời đều phải lịch lãm, khiêm tốn, hiểu rõ nhược điểm của họ, với tư cách người nước ngoài. Họ cũng chỉ có thể đóng góp ý kiến thuộc chuyên môn rất hẹp của họ chứ cũng không đủ trình độ để đóng góp cho những chuyên ngành khác, càng không đủ trình độ để cố vấn về những chủ trương đường lối lớn về chính trị.

Các học giả, chuyên gia hải ngoại thường xuyên chê bai, chửi bới chế độ VN chỉ đáng coi là những nhà hoạt động chính trị chứ không phải là các nhà khoa học. Sự thù hận và ác cảm sẵn có khiến họ mang thiên kiến nặng nề, dẫn đến quan điểm méo mó, không khách quan, không có khả năng thừa nhận chính nghĩa và thành quả của chế độ. 100% những người đó sẽ không bao giờ có cơ hội được mời làm cố vấn ở VN, bởi chính quyền chỉ mời các nhà khoa học đúng nghĩa.

Ngoài ra, từ 1976 đến nay, đã có 167 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm tất cả các nước hay chọc ngoáy nền chính trị VN đã ký “Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”. Công ước đó nói rằng tất cả các dân tộc được quyền tự quyết về thể chế chính trị của mình. Thế nên, các chính trị gia và những người không có quốc tịch VN không được phép can thiệp vào các vấn đề chính trị của VN (trừ các vấn đề về nhân quyền).

 

NGHIÊN CỨU VỀ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở VN

Triết học VN xưa nay có tính ứng dụng rất kém và sự kết nổi với các ngành khoa học xã hội khác cũng kém. Các nhà nghiên cứu triết học hiếm khi có chân ở các khoa KHXH&NV khác. Tuy nhiên các chủ trương, đường lối chính trị lớn của VN xưa nay đều học hỏi từ các quốc gia khác, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Nghĩa là các nhà nghiên cứu VN bê các học thuyết triết lý từ hai nước đó về, sửa sang đôi chút rồi áp dụng vào VN. Đổi mới kinh tế ở VN ban đầu học hỏi hai nước này, về sau thì học hỏi cả nhiều nước khác nữa và đã đạt được nhiều thành tích khả quan. Từ 1986 đến nay VN cũng có những đổi mới chính trị nhưng khá thận trọng. Ở tất cả các lĩnh vực khác, chính quyền đều lắng nghe ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, nhưng áp dụng có chọn lọc.

Đường lối Kinh tế thị trường Xã hội Chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của VN đều dựa trên các dự án có tên tương tự của Trung Quốc. Theo các bảng xếp hạng quốc tế, các ngành KHXH&NV của Nga và Trung Quốc không hề kém. Đấy là chưa kể, thực tiễn quan trọng hơn lý thuyết. Những kinh nghiệm chưa hề có trong sách vở lý thuyết nhưng đã thành công ở nước khác thì đều có thể áp dụng ở VN.

Hiện nay tất cả các nước đều phải nghiên cứu để cải cách chính trị. Người ta thường nói về sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng thực tế, sự sụp đổ của các nước tư bản trong thế kỷ 20 cũng khủng khiếp không kém. Nước Anh từ chỗ “Mặt trời không bao giờ lặn” đến nay chỉ còn lại một hòn đảo bé xíu, mất hết các thuộc địa. Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…cũng vậy. Các nước tư bản không chỉ mất mát vật chất (lãnh thổ và tài nguyên từ các vùng thuộc địa) mà cũng phải liên tục sửa đổi đường lối chính trị. Nửa đầu thế kỷ 20, họ theo quan điểm thực dân đế quốc, bóc lột công nhân tàn tệ, bóc lột và ăn cướp tài nguyên từ các thuộc địa, đàn áp bức hại người dân thuộc địa, và người da mầu ở trong nước, phân biệt đối xử với phụ nữ. Nhưng đến cuối thể kỷ thứ 20 họ đã phải từ bỏ những quan điểm đó. Đến bây giờ tất cả các nước tư bản cũng phải tiếp tục đổi mới chính trị, học hỏi các lý thuyết của CNCS và CNXH bởi bất bình đẳng về thu nhập, an sinh xã hội, cơ hội học tập và phát triển tài năng giữa người nghèo với người giầu vẫn rất nghiêm trọng, chưa kể các vấn đề khác.

 

VỀ CÁC CHỦ TRƯƠNG ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ LỚN

Hầu như tất cả những trí thức thành đạt bất mãn chính trị ở VN đều do bất mãn về các chủ trương đường lối lớn (đa nguyên đa đảng, độc lập tư pháp, xã hội dân sự, tam quyền phân lập, tự do báo chí, tự do ngôn luận). Có hai con đường để trở thành chuyên gia, để có thể hiểu sâu về các chủ trương, đường lối lớn: (i) Học cao học, tiến sỹ về các lĩnh vực trọng tâm của Quản trị nhà nước (QTNN - Khoa học chính trị, luật, kinh tế, chính sách), có kinh nghiệm nghiên cứu về các lĩnh vực đó, và đồng thời có nhiều cơ hội trao đổi với các chuyên gia. (ii) Có kinh nghiệm thực tiễn, ví dụ là quan chức, lãnh đạo, trung cao cấp về các lĩnh vực liên quan đến các chủ trương đường lối lớn.

Tuy nhiên chuyên gia cũng có nhiều cấp độ. Dưới đây là thang phân chia tương đối. Từ cấp 1 - 4 có thể được coi là chuyên gia. Tuy nhiên cấp càng cao thì mức độ kém hiểu biết càng tăng, theo cấp số nhân.

++ Cấp 1: Các uỷ viên Bộ Chính trị (UVBCC). Các chủ trương đường lối lớn đều liên quan đến rất nhiều lĩnh vực xã hội (v.d., kinh tế, xã hội, chính trị, luật, chính sách, an ninh quốc phòng, đối ngoại). Chỉ có các UVBCC được thường xuyên trao đổi với các chuyên gia của nhiều lĩnh vực, và được tiếp cận thông tin tình báo, thông tin trao đổi mật giữa các nguyên thủ của các quốc gia). Ở VN, các chủ trương đường lối lớn đều do Bộ Chính trị quyết định.

++ Cấp 2: Các UVTW. Trong số này những người đã từng có kinh nghiệm lãnh đạo địa phương có nhiều kiến thức hơn. Không phải phi lý, ở VN nhiều người muốn trở thành UVTW để quyết định các vấn đề hệ trọng quốc gia phải trải qua thời kỳ làm lãnh đạo địa phương (bí thư, chủ tịch tỉnh). Các lãnh đạo bộ ngành, tướng lĩnh chỉ am hiểu về lĩnh vực của họ. Họ cũng chỉ làm việc với các nhân viên bộ ngành có trình độ từ đại học trở lên. Các nhân viên này nếu chống lệnh thì sẽ bị đuổi việc, hoặc bị luân chuyển công tác. Trong khi đó, lãnh đạo địa phương phải giải quyết công việc liên quan đến mấy chục lĩnh vực khác nhau. Dân số các tỉnh đa phần dân trí thấp, ít học, đầy rẫy tệ nạn, bất mãn chống đối, chưa kể đói nghèo. Thế nhưng không thể đuổi hoặc luân chuyển đám dân đó đi đâu được. Thế nên lãnh đạo địa phương am hiểu về quản trị nhà nước hơn và hiểu sự phức tạp khi muốn nới rộng tự do và quyền cho công dân hơn các UVTW khác. Tỉnh chỉ là quốc gia thu nhỏ về mặt địa lý. (Tuy nhiên, có thể không áp dụng với những người đã nghỉ hưu 10 năm trở lên, bởi có thể họ đã lạc hậu với thực tiễn).

++ Cấp 3: Các lãnh đạo địa phương nhưng không phải là UVTW, đại biểu quốc hội, bộ trưởng/thứ trưởng và các tư lệnh ngành, các chuyên gia thường xuyên được cố vấn cho TW, BCT về chủ trương đường lối chính trị lớn. (Tuy nhiên, có thể không áp dụng với những người đã nghỉ hưu từ 10 năm trở lên, bởi có thể họ đã lạc hậu với thực tiễn).

++ Cấp 4: Các chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu hoặc kinh nghiệm thực tiễn khác về QTNN nhưng ít khi được cố vấn cho TW, BCC. (Tuy nhiên, có thể không áp dụng với những người đã nghỉ hưu từ 10 năm trở lên, bởi có thể họ đã lạc hậu với thực tiễn).

++ Cấp 5: Nhiều người ở các cấp 1, 2, 3, 4 nhưng đã nghỉ hưu lâu năm, những người có kiến thức về quản trị nhà nước nhưng rất ít cơ hội trao đổi với các chuyên gia, và những lãnh đạo trung cao cấp khác của khu vực công. Những người không được đào tạo về QTNN hoặc không có kinh nghiệm làm lãnh đạo trung cao cấp ở khu vực công nhưng thu lượm được một số kiến thức về QTNN thông qua trải nghiệm sống.

++ Cấp 6: Những người khác

 

Từ 2000 đến nay, khi VN ngày càng đạt được nhiều thành tựu phát triển, số trí thức bất mãn ngày càng giảm. Không có UVBCC hay lãnh đạo địa phương nào trở thành phản động. Trong danh sách 72 người đòi bỏ điều 4 hiến pháp cũng không có UVTW nào.

Hiểu biết càng kém thì càng dễ bất mãn, phá phách càng hăng. Thực tế, tất cả những người thường xuyên chỉ trích chính quyền và hăng say cổ vũ “giới hoạt động dân chủ” đều thuộc Cấp 5 hoặc Cấp 6. Hầu hết những người này có thể coi là tay chân của Bolsa cài cắm ở VN, bởi họ tuyên truyền những thứ độc hại, giống hệt giới chống cộng Bolsa: thù hận, chia rẽ dân tộc, phỉ báng tiền nhân, bôi bẩn chiến thắng của dân tộc do đảng lãnh đạo, bôi bẩn thực tiễn đất nước. Trừ những người ở hải ngoại, tất cả những người trong danh sách 72 người đó đều không được đào tạo ở phương tây cho nên không hiểu gì mấy về khoa học và văn minh phương tây. Nhiều người nghỉ hưu đã lâu, rất lạc hậu với thời cuộc.

 

NGHIÊN CỨU CỦA GIỚI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN

Thời ông Hoàng Minh Chính còn sống, triết học VN cô độc như hoang đảo, lạc lõng với khoa học phương tây. Tính ứng dụng và kết nối với các ngành KHXH&NV khác rất kém. Ông Chính không hiểu gì về QTNN và khoa học phương tây. Ông ra nước ngoài cũng chỉ tụ tập với đám chống cộng và giới chính trị gia phương tây. Không có trường đại học nào mời ông làm nghiên cứu khoa học. Thế nên những phát biểu của ông ta về dân chủ rất hồ đồ, thiểu cơ sở khoa học.

Từ đó đến nay đã có nhiều nhà bất đồng chính kiến khác, những tiến sỹ sinh học, tiến sỹ xây dựng, tiến sỹ văn chương v.v…tự nghiên cứu rồi đả kích Marx-Lenin. Họ thiếu trầm trọng kiến thức về QTNN. Cộng thêm bị đám chống cộng và giới chính trị phương tây nhồi sọ, họ không phân biệt được đâu là khoa học đâu là tuyên truyền chính trị. Họ mang sẵn trong đầu định kiến chủ nghĩa Marx-Lenin là xấu, rồi nguỵ biện hoặc tìm bằng chứng lem nhem để biện minh cho các định kiến đó. Những “nghiên cứu” của họ chỉ đáng xếp vào dạng tuyên truyền chính trị chứ không phải là khoa học, không có giá trị gì đối với giới khoa học lẫn chính quyền.

Tất cả các triết lý về xã hội đều có mặt phải, mặt trái. Thế nên tìm những nhược điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin thì rất dễ. Trên thế giới có nhiều nhà khoa học nghiên cứu rồi. Nhưng nếu chỉ nhăm nhăm bới móc những nhược điểm để lên án thì đó là tuyên truyền chính trị chứ không phải nghiên cứu khoa học. Không phải phi lý Marx, được coi là ông tổ của Xã hội học ở phương tây, và có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với KHXH&NV phương tây (xem wiki mục sociology). Bách khoa Thư về Triết học của Stanford (Stanford Encyclopedia of Philosophy) viết về Marx thế này: “It is certainly hard to find many thinkers who can be said to have had comparable influence in the creation of the modern world.”

Hiện nay tất cả các đề án quốc gia về đổi mới chính trị đều có các chủ nhiệm đề tài hoặc các nhà nghiên cứu chính là giáo sư, tiến sỹ về QTNN và có kinh nghiệm liên quan đến đổi mới chính trị.

Có người nói rằng KHXH&NV của VN còn rất kém. Nhiều nhà nghiên cứu có những phát biểu rất đáng chê cười. Nhưng điều đó không có nghĩa là khuyến khích những kẻ nghiệp dư, lấy danh nghĩa tự nghiên cứu để chống phá quốc gia, hoặc đả kích những nhà khoa học đúng nghĩa. Nhiều khi công chúng thấy buồn cười là vì họ không có kiến thức. Khoa học VN kém thì càng phải nỗ lực học hỏi kiến thức từ tất cả các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc, Nga, và phương tây. Những người không có kiến thức về QTNN nên tìm tham dự các khoá học cao học về lĩnh vực đó nếu có thời gian và tiền. Dĩ nhiên, những người không có điều kiện cũng có thể tự nghiên cứu và chia sẻ những quan điểm của mình. Nhưng phải hết sức thận trọng, bởi khả năng sai lầm rất lớn, và tránh vi phạm pháp luật. Năm ngoái, ông SL, một tiến sỹ cơ học 74 tuổi, đã bị bắt giam vì tự nghiên cứu chính trị, rồi phổ biến những tư tưởng lăng nhăng mang tính bôi bẩn chế độ ra nhiều nơi.

Lâu nay, giới bất đồng chính kiến đã có nhiều hành vi phản cảm:

+ Thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, trong đó viện trưởng là một tiến sỹ tin học, chủ tịch hội đồng khoa học là giáo sư toán học. Thế nhưng viện này tuyên bố nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, xã hội, và có nhiều hoạt động tuyên truyền chính trị. Khi chính phủ ban hành quy định những viện nghiên cứu tư nhân như vậy phải có lãnh đạo chủ chốt có trình độ tiến sỹ về lĩnh vực đăng ký hoạt động, viện này buộc phải tự giải tán, và giới bất đồng chính kiến bù lu, bù loa lên là chính quyền không tôn trọng trí thức.

+ Ông tiến sỹ tin học nói trên còn ra nước ngoài kêu gọi đám chính trị gia phương tây trừng phạt VN về vấn đề nhân quyền. Nếu ông thật sự nghiên cứu về nhân quyền và có sự nhạy cảm về vấn đề người nước ngoài, ông sẽ cảm thấy xấu hổ vì hành vi của mình.

+ Cách đây vài năm, giới bất đồng chính kiến, trong đó có nhiều học giả, nhân sỹ trí thức nổi tiếng còn tuyên truyền những thứ rất bậy bạ kiểu như tất cả những kẻ không ra khỏi đảng hoặc tận tuỵ phục vụ chế độ đều hèn nhát, cơ hội.

Tôi không phản đối việc những người không có kiến thức chính trị đấu tranh cho tự do, dân chủ. Tuy nhiên, như đã nêu trên, cộng đồng bất đồng chính kiến VN chỉ đáng coi là cánh tay nối dài của Bolsa ở trong nước. Trên thực tế, hoạt động chính trị đối lập phải được lòng dân, phải theo đuổi những giá trị nhân bản. Không phải phi lý mà thế giới mất công ca ngợi những người như Martin Luther King hay Đạt Lai Lạt Ma. Tuyên truyền thù hận, chia rẽ dân tộc chỉ phù hợp để đánh đuổi ngoại bang. Ở VN hiện nay, không ai có thể đánh đuổi ai ra nước ngoài. Thế nên thông điệp đấu tranh phải dựa trên triết lý đoàn kết dân tộc, bảo vệ các giá trị của dân tộc, xây dựng xã hội văn minh, để mọi người cùng chung sống.

No comments:

Post a Comment