Tuesday, January 23, 2024

"Cha già dân tộc" và văn hoá tôn thờ lãnh tụ

Lề trái thường tuyên truyền rằng chỉ các nước độc tài, cộng sản mới sùng bái lãnh tụ. Thật ra văn hoá tôn sùng lãnh tụ có ở hầu hết các quốc gia, chỉ khác nhau ở mức độ và cách thể hiện. Nhiều chính trị gia trên thế giới đã truyền cảm hứng, tạo ra những bước ngoặt lớn có tính quyết định đối với vận mệnh của cả một dân tộc, chẳng hạn NHƯ các vị khai quốc công thần hoặc những vị có công giành độc lập cho dân tộc. Họ thường được gọi là “Người cha của dân tộc”. Dưới đây là một số ví dụ:

+ Mahatma Gandhi (Ấn Độ): được người Ấn ca tụng là “Người cha của dân tộc”, “Linh hồn vĩ đại”, “Vỹ nhân”, “Đại nhân”.

+ Aung San (Miến Điện): Aung San là cha của bà Aung San Suu Kyi. Mặc dù bị sát hại khi mới 32 tuổi, ông vẫn được nhân dân Miến Điện gọi là “Người cha của dân tộc”, “Người cha của Quân đội Miến Điện” bởi đã có công lớn thương lượng với người Anh để giành độc lập cho Miến Điện và là người khai sinh ra quân đội Miến Điện.

+ Mustafa Kemal Atatürk (Thổ nhĩ kỳ): Atatürk có nghĩa là “Cha già dân tộc” theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là danh hiệu do Hội đồng Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ trao tặng vì những cống hiến to lớn của ông đối với đất nước.

+ Nelson Mandela (Nam Phi): Được gọi là “Cha già dân tộc” hay “Madiba”, nghĩa là “Cha già” theo tiếng thổ ngữ của người Xosha ở Nam phi.

+ Tôn Trung Sơn (Trung Quốc): được tôn là “Quốc Phụ”, “Người Tiên phong của Cách mạng” ở Trung Hoa Dân Quốc.

+ Mao Trạch Đông (Trung Quốc): được gọi là “Lãnh tụ vĩ đại”, “Người thầy vĩ đại”, “Người cầm lái vĩ đại”.

 

 

VIỆC TÔN THỜ GEORGE WASHINGTON Ở MỸ

Ở Mỹ, thuật ngữ “Những người cha sáng lập” (Founding fathers) thường được sử dụng cho bốn tổng thống Mỹ đầu tiên, những người đã có công đóng góp trong thời kỳ đầu lập quốc: George Washington, John Adams, Thomas Jefferson, and James Madison. Trong đó Washington được coi là Người cha vĩ đại nhất. Ông được phong là “Đại thống tướng” theo nghị quyết của Quốc hội năm 1976, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày lập quốc.

Việc tôn vinh Washington vô cùng phong phú. Ngoài thủ đô mang tên Washington D.C., tên ông còn được đặt cho tiểu bang Washington, một tiểu bang có diện tích bằng 54% diện tích của toàn bộ Việt Nam. Ngày sinh của ông là ngày nghỉ lễ của quốc gia, thường được gọi “Ngày Washington” hoặc “Ngày tổng thống” để kỷ niệm chung tất cả các tổng thống. Tên của ông xuất hiện ở khắp nơi trên toàn quốc: tượng đài, tượng, nhà tưởng niệm, đường phố, sân bay, nhà ga, bến tàu, quảng trường, trung tâm mua sắm, công trình văn hoá, tổ hợp khoa học, tiền tệ, tem thư v.v…Có đến vài chục ngàn địa điểm, danh vị mang tên ông. Số lượng văn hoá phẩm chuyên về Washington cũng lên đến hàng nghìn.

Tuy nhiên, Washington cũng là nhân vật gây nhiều tranh cãi, bởi ông là một chủ nô và không phản đối chế độ nô lệ. Lúc ông qua đời nhà ông vẫn có hơn 150 nô lệ. Thời ông làm tổng thống (và kéo dài đến thập kỷ 1970s), các quyền được nêu trong bản Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa Kỳ không bao gồm quyền cho Phụ nữ, Nô lệ, và Người da màu. Hai bang gần thủ đô là Maryland và Virginia có đến 30-40% dân số là nô lệ. Ông cũng phải chịu trách nhiệm về việc tàn sát, bức hại người da màu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Chính vì vậy, trong cuộc nổi loạn sau cái chết của George Floyd năm 2020, tượng của Washington và Jefferson, hai tổng thống đồng thời là chủ nô đã bị giật đổ ở Portland.

Nhưng những điều đó không hề cản trở tên tuổi và hình ảnh của ông vẫn được tôn sùng ở khắp nơi trên đất Mỹ, dù đã hơn 200 năm kể từ ngày ông qua đời.

 

VIỆC TÔN THỜ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH Ở VN

Những ví dụ trên cho thấy văn hoá sùng bái lãnh tụ là thứ rất phổ biến, kể cả ở các nước dân chủ phát triển. Hồ Chí Minh không chỉ tạo nguồn cảm hứng lớn đối cho dân tộc VN mà cả nhiều dân tộc khác, cho dù ý thức hệ khác biệt. Hơn 20 nước trên thế giới có tượng đài và bảo tàng kỷ niệm ông Hồ, bao gồm cả Pháp, Hungary, Ấn Độ, Arhentina, Mexico, Singapore.

Việc sùng bái Washington ở Mỹ chẳng hạn, đôi chỗ còn hơn cả Hồ Chí Minh ở VN. Ví dụ tên Washington được đặt cho thủ đô và cả một tiểu bang. Ngày sinh của ông là ngày nghỉ lễ quốc gia. Washington cũng chỉ là người trần mắt thịt, có nhiều sai lầm, thiển cận. Rất nhiều thế hệ người da đen, da đỏ oán ghét ông. Thế nhưng việc tôn thờ ông không hề suy giảm, dù quan niệm về nhân quyền của nước Mỹ đã thay đổi quá nhiều so với thời ông còn sống. Thế nên, sẽ chẳng có gì ngăn được những người như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp sẽ đi vào lịch sử như những lãnh tụ chính trị và quân sự lỗi lạc nhất của dân tộc.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi đồng ý với việc lạm dụng quá mức hình ảnh Hồ Chí Minh như hiện nay. Đành rằng điều đó là một biện pháp để giữ vững niềm tin của người dân đối với đảng, và ổn định chế độ. Nhưng tôi e rằng nó không hiệu quả như kỳ vọng và thời gian đã quá lâu, cần phải dần thay thế bằng những cách khác. Đảng nên tiến hành trưng cầu ý kiến, trước tiên trong cộng đồng các đảng viên, để tìm kiếm những giải pháp thay thế.

 

No comments:

Post a Comment