Tuesday, January 23, 2024

MỖI CHẾ ĐỘ ĐỀU PHẢI CÓ HỌC THUYẾT NỀN TẢNG

 Mỗi chế độ đều phải dựa trên một học thuyết nền tảng nào đó. Trên cơ sở đó các nhà tư tưởng cải tổ, sửa chữa, pha trộn với các học thuyết khác, sao cho phù hợp với hoàn cảnh nước mình. Thật ra không có nước nào trên thế giới theo đuổi Chủ nghĩa cộng sản (CNCS) hay Chủ nghĩa tư bản (CNTB) nguyên gốc. Hầu hết các nước hiện nay đều pha trộn giữa các học thuyết, chỉ có điều tỷ lệ pha trộn khác nhau.

 Ví dụ, CNTB nguyên gốc ở Mỹ thời kỳ lập quốc cách đây 250 năm khá dã man. Tuyên ngôn độc lập viết rằng: “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuy nhiên quyền bình đẳng, tự do, mưu cầu hạnh phúc đó chỉ dành cho đàn ông tự do, da trắng, không dành cho nô lệ, người da màu, và phụ nữ. Thời kỳ Washington làm tổng thống các bang ở gần thủ đô như Maryland, Virginia có đến 25%-40% dân số là nô lệ. Thời kỳ phát triển công nghiệp, công nhân của Mỹ bị bóc lột hết sức tàn tệ. Nửa đầu thế kỷ thứ 20, chính nhờ học hỏi tư tưởng của CNCS và một số chủ nghĩa khác, Mỹ mới cải cách điều kiện làm việc của công nhân và quan tâm hơn đến quyền bình đẳng của phụ nữ, người da màu. Nửa sau thế kỷ thứ 20, chính vì phe XHCN lên án, chế riễu rất nhiều cho nên Mỹ mới thực sự cải cách nhân quyền. Đến tận thập kỷ 1980s, phụ nữ và người da màu ở Mỹ mới có quyền bình đẳng gần bằng đàn ông và người da trắng.

Ở VN hiện nay, nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, đối ngoại đều học hỏi các học thuyết của phương tây. Kinh tế thị trường là học tập của CNTB. Tuy nhiên, về chính trị vẫn dựa trên triết học Marx-Lenin bởi vì đấy là học thuyết duy nhất gần đây được xây dựng một cách hoàn chỉnh nhằm biện minh cho một nền chuyên chính. Hoàn cảnh VN hiện chưa cho phép một hệ thống đa nguyên, đa đảng. Người Việt yếu kém về triết học, không tự xây dựng được học thuyết của riêng mình thì bắt buộc phải dựa vào học thuyết của tây.

Tuy nhiên, cùng dựa trên học thuyết của CNCS nhưng mỗi quốc gia vẫn theo đuổi những đường lối hơi khác nhau. Ví dụ ở VN, facebook, google, instagram được hoạt động bình thường. Sắp tới, các tổ chức công đoàn độc lập được thành lập ở mức doanh nghiệp. Đấy là những thứ Trung Quốc không cho phép.

Điểm yếu nhất của CNTB là bất bình đẳng rất lớn. Một số người quá giầu, có hàng chục triệu đô trở lên. Nhưng đa số công dân trong xã hội vẫn nghèo. Mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa. Ngay ở Mỹ, đa số người dân cũng không đủ tiền học đại học. Phần lớn sinh viên phải vay tiền học đại học. Nhiều người phải đăng lính để được nhà nước nuôi học đại học, nhưng khi Mỹ cần can thiệp quân sự ở các nước khác, cấp trên yêu cầu là họ phải nghỉ học ngay lập tức để ra chiến trường. Chính vì thấu hiểu nhược điểm rất lớn của CNTB cho nên nhiều nước Bắc Âu áp dụng nhiều tư tưởng của CNXH (giai đoạn quá độ của CNCS) để giảm bớt bình đẳng trong xã hội. Họ đánh thuế thu nhập rất nặng và đầu tư nhiều tiền cho các phúc lợi xã hội như trường học, trạm ý tế, các công trình công cộng, bảo trợ thất nghiệp và y tế.

Hiện giờ Trung Quốc đang phát triển ý tưởng Xã hội Thịnh vượng Chung. Ý tưởng đó là chính quyền yêu cầu những người giàu có và các doanh nghiệp lớn phải có nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn để xoá đói, giảm nghèo, và sự thịnh vượng ở khu vực mà họ sinh sống hoặc có trụ sở. Đấy là ý tưởng rất nhân văn.

Hiện nay ở VN, nhiều người không có kiến thức gì cứ đòi bỏ hoàn toàn CNXH, chủ nghĩa Marx-Lenin. Nếu bỏ thì chính quyền lấy học thuyết gì để định hướng chế độ. Tôi không nói rằng các chủ nghĩa đó hoàn toàn đúng đắn. Nhưng phải có những nghiên cứu nghiêm túc, khách quan.

Thật ra chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường tương đối dễ. Loài người từ thời thượng cổ vẫn kinh doanh theo kiểu tự phát, không bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ, một dạng sơ khai của kinh tế thị trường. Thế nên sau này các nước từ bỏ kinh tế kế hoạch chuyển sang kinh tế thị trường đều thành công. Nhưng chuyển đổi dân chủ thì cần nhiều điều kiện cho nên rất nhiều nước chuyển đổi không thành công, thử nghiệm một thời gian lại trở nên hỗn loạn hoặc quay lại chế độ độc tài. Người Việt vốn kém cỏi thì phải chịu khó học tập tất cả các nước khác. Học thuyết của nước nào cũng có cái hay, cái dở. Có cái hay nhưng không phù hợp với nước mình thì cũng không dùng được.

 

No comments:

Post a Comment