Tuesday, January 23, 2024

Hoà giải với ai, như thế nào?

Hiện giờ trên thế giới có khoảng 5 triệu Việt kiều. Trước nay đã có nhiều Việt kiều hợp tác với VN về các lĩnh vực khác như kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá, xã hội. Đây là việc hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi. Đất nước đương nhiên có lợi và bản thân các Việt kiều đó cũng có lợi không về vật chất thì danh tiếng, và thoả lòng đóng góp cho quê hương. Cũng có một số Việt kiều là chuyên gia liên quan đến các ngành chính trị hợp tác với các cơ sở ở VN về chuyên môn của họ.

Nhưng vẫn còn một bộ phận Việt kiều tuyên truyền chống cộng là do có thù hận với chế độ hoặc do không thật sự am hiểu về chính trị và thực tế ở VN. Những người này lại thuộc nhiều cộng đồng chống cộng khác nhau ở nhiều nước phương tây. Thế nên không có sự đồng nhất về tiếng nói. Hầu hết những người này mang quốc tịch nước ngoài (bởi nếu còn giữ quốc tịch mà chống chế độ thì sứ quán sẽ không gia hạn hộ chiếu, thậm chí bị truy nã). Có nghĩa là họ là công dân nước khác. Về nguyên tắc công dân nước nào phải phục vụ lợi ích nước đó.

 Hầu như tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ đều đã ký Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và Chính trị. Công ước này có hiệu lực từ năm 1976. Có nghĩa là các nước đều được quyền tự do lựa chọn thể chế chính trị phù hợp với hoàn cảnh nước mình. Thế nên về nguyên tắc, người nước ngoài không được quyền can thiệp vào công việc nội bộ của VN (trừ vấn đề nhân quyền). Nếu để ý thì sẽ thấy, chỉ có khái niệm “Can thiệp nhân quyền”, nghĩa là các chính gia hoặc chính phủ nước ngoài lên án hoặc can thiệp quân sự vào nước khác khi có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng (ví dụ, khi có nạn diệt chủng). Tuy nhiên, không có khái niệm “Can thiệp dân chủ, tự do”. Nghĩa là chính trị gia, chính phủ một quốc gia không được lên án/can thiệp vào nước khác vì nước đó "thiếu tự do", hoặc "thiếu dân chủ".

 Lẽ ra, chính phủ các nước phương tây phải tuyên truyền điều này cho công dân của họ hiểu và tôn trọng thể chế chính trị của nước khác. Các tổ chức chính trị của Việt kiều ở hải ngoại thừa biết điều này nhưng vì hận thù hoặc cố tình không hiểu cho nên họ vẫn “thọc mũi” vào các vấn đề nội bộ của VN. Nhân quyền là khái niệm rất rộng. Hầu hết những người thường xuyên lên án VN về các vấn đề nhân quyền là do thiếu kiến thức hoặc thiện chí.

Nói vắn tắt, chính quyền VN không cần phải hoà giải với các hội nhóm chống chế độ ở hải ngoại, bởi vì họ là người nước ngoài. Họ cần phải hiểu rằng, hiểu biết của họ về VN rất hạn chế, họ không có quyền chê bai, chỉ trích về thể chế chính trị VN. Nếu họ có thiện chí, tôn trọng chế độ trong nước thì có thể đàm phán để đi đến những thoả thuận đôi bên cùng có lợi. Điều này giống như một cơ quan chính phủ VN đàm phán với thị trưởng thành phố Tokyo để hợp tác làm dự án gì đó. Nhưng rất tiếc, cộng đồng chống cộng rải rác ở nhiều nơi, cho nên không có quan điểm thống nhất, và hiện giờ tư tưởng thù địch vẫn rất nặng.

Vì sao truyền thông trong nước vẫn tuyên truyền rất mạnh về giải phóng miền nam, về chiến thắng giữa người Việt với người Việt? Vì đội chống cộng ở trong và ngoài nước vẫn liên tục phá phách gần nửa thế kỷ nay. Cộng thêm truyền thông phương tây cũng tuyên truyền chống cộng rất mạnh. Trong khi tỷ lệ dân trí thấp và ít quan tâm đến chính trị luôn chiếm đa số trong xã hội.

Đấy là chưa kể, đội chống cộng và bất mãn trong nước câu kết với hải ngoại liên tục bày nhiều trò phá phách. Nhiều ông bà “lề trái” ở trong nước quan điểm cũng không nhất quán. Có nhiều người hôm trước vừa viết bài lên án chính quyền không thực tâm hoà giải. Hôm sau lại lôi những vụ việc cũ rích cách đây vài chục năm ra để bới móc, kích động công chúng thù ghét chế độ.

Việc hoà giải là việc đàm phán giữa chính quyền và đại diện cộng đồng bất mãn ở trong nước. Nhưng cộng đồng đấy không phải là một tổ chức thống nhất, có người đủ tư cách đại diện cho cộng đồng để đối thoại. Đó là một tập hợp lộn xộn bao gồm nhiều cá nhân và nhóm rất nhỏ, mỗi người mỗi nhóm một quan điểm khác nhau, cấu kết rất mạnh với cộng đồng chống cộng ở hải ngoại. Thế nên hoà giải trở nên rất khó. Có lẽ phải đợi thế hệ F0 có hận thù với chế độ qua đời hết. Thế hệ F1 già yếu không làm được gì. F2, F3 phai màu thù hận thì mới đỡ chuyện chống phá, việc hoà giải mới có những tiến bộ đáng kể. Chắc phải đợi khoảng 20 năm nữa.

No comments:

Post a Comment