Friday, September 27, 2024

NHỮNG BÀI VIẾT QUAN TRỌNG

 THƯ GỬI THỦ TƯỚNG: Báo động về phong cách hàn lâm thiếu chuẩn mực và phong trào đội lốt bảo vệ liêm chính để bôi nhọ các nhà nghiên cứu và các cơ sở học thuật

VÌ SAO PHONG TRÀO ĐỐI KHÁNG THẤT BẠI? CÔNG VIỆC GÌ CŨNG CẦN CÓ NGƯỜI TÀI VÀ TRIẾT LÝ ĐÚNG ĐẮN



TỰ NGHIÊN CỨU ĐỂ ĐẢ KÍCH TRIẾT HỌC MARX-LENIN ???


LỀ TRÁI ĐỊNH CHIẾM ĐOẠT THUẬT NGỮ “PHẢN BIỆN XÃ HỘI” CỦA NHÂN DÂN???


MỖI CHẾ ĐỘ ĐỀU PHẢI CÓ HỌC THUYẾT NỀN TẢNG


LƯƠNG TRI PHỔ QUÁT: VỊ THẾ KHÁC BIỆT CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN Ở VIỆT NAM, TRUNG QUỐC, NGA SO VỚI ĐÔNG ÂU


VÌ SAO ĐẢNG CỘNG SẢN CƯƠNG QUYẾT KHÔNG ĐỂ MẤT CHẾ ĐỘ




TRÔNG NGƯỜI MÀ NGẪM ĐẾN TA

VỀ ANH TRẦN HUỲNH DUY THỨC VÀ CỘNG ĐỒNG ĐỐI LẬP VN

Là một người đã theo dõi chính trị đối lập nhiều năm, thậm chí đã vài lần tham gia các nhóm chính trị đối lập, tôi muốn có một vài lời với anh Trần Huỳnh Duy Thức, nhân dịp anh được ra tù sớm. Bài viết này không chỉ dành cho anh Thức, mà còn nhằm hướng đến những người đang theo đuổi con đường chống chế độ.

Công bằng mà nói, so với giới đấu tranh dân chủ - cộng đồng mà hầu hết có năng lực tư duy rất kém, thậm chí có nhiều người xôi thịt (làm chính trị vì tiền, vì danh, vì vé tị nạn), anh Thức là người có tư chất và nhân cách ổn hơn cả. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu anh được bầu chọn là người có uy tín nhất trong cộng đồng ấy. Anh lại có tài kinh doanh. Nếu không dính vào chính trị, anh có thể đã trở thành một doanh nhân thành đạt.

Tuy nhiên về chính trị, anh đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng giống như toàn bộ cộng đồng ấy:

1. Thiếu quá nhiều kiến thức để có thể phán xét các chủ trương, đường lối của quốc gia:
VN hiện giờ không phải là thời 1945, thời kỳ toàn dân mù chữ. Đó cũng là thời kỳ người Việt mất nước. Các sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh…là những người hiểu biết nhất trong xã hội. Thế nên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc là điều tất yếu họ phải làm.

Ngày nay, chính quyền đã về tay người Việt. Cộng thêm, khoa học đã phát triển lên những tầm cao khủng khiếp. Quốc gia nào cũng cần đội ngũ các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ thuộc các lĩnh vực quản trị nhà nước, có kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm, làm cố vấn chính trị. Ngoài kiến thức lý thuyết, quan trọng hơn cả là kiến thức thực tiễn. Không phải phi lý, quốc gia nào cũng đánh giá cao những người đã có trải nghiệm thực tiễn về điều hành địa phương, chẳng hạn như thống đốc, tỉnh trưởng, thị trưởng, (ở VN là bí thư, chủ tịch tỉnh). Mỗi chủ trương, đường lối chính trị lớn của quốc gia đều cần sự bàn bạc của chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nhau: luật pháp, chính sách, kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.v.v. Những kiến thức lý thuyết và thực hành đó không thể tự học được mà phải theo học các khoá học bài bản, hoặc phải có trải nghiệm thực tiễn (v.d., làm bí thư, chủ tịch tỉnh). Đấy là chưa kể, để quyết định về chủ trương, đường lối của quốc gia còn phải dựa trên các thông tin tình báo, thông tin mật (trao đổi giữa các nguyên thủ) là những thông tin chỉ một số ít lãnh đạo cao cấp nhất được quyền truy cập.

Nhưng anh cũng giống như toàn bộ cộng đồng đối lập không hiểu điều đó. Các anh tưởng rằng chỉ cần tự học những kiến thức lộn xộn; đọc những bài báo, cuốn sách dành cho đại chúng là đủ trình độ để phán xét VN nên đi theo con đường nào.

2. Thiếu quá nhiều kiến thức cho nên quá tin vào giới chính trị phương tây, giới chính trị Việt kiều, và cộng đồng có thù hận với chế độ:
Những người nghiên cứu sâu về khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) đều biết rằng KHXH&NV rất khác với khoa học tự nhiên, kỹ thuật. Bở lẽ KHXH&NV có biên giới. Không thể tuỳ tiện đem mô hình, luật pháp, chính sách của nước này áp dụng vào nước khác. Những vấn đề chủ trương, đường lối lớn của mọi quốc gia chỉ do một nhóm lãnh đạo cao cấp nhất bàn bạc và quyết định, có sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia. (Ở VN thì thường chỉ các uỷ viên bộ chính trị bàn bạc và quyết định. Ở Mỹ thì tổng thống, một số người trong nội các, và các lãnh đạo đảng cầm quyền quyết định). Người nước ngoài không được phép can thiệp vào quy trình ra quyết định ấy. Đó là chủ quyền quốc gia về lĩnh vực luật pháp và chính sách.

Người nước ngoài, những người không sống ở VN nhiều năm, thường thiếu quá nhiều kiến thức thực tiễn để bàn về các vấn đề của VN. Đấy là chưa kể, người nước ngoài, (bao gồm những người gốc Việt), thường phục vụ lợi ích của nước họ chứ không phải lợi ích của VN. Thế nên quan điểm của họ thường không đáng tin cậy. Nghĩa là họ không đủ cả Tâm lẫn Tầm để bàn về các vấn đề của VN. Những người có thù hận cũng thường có xu hướng muốn trả thù chứ không đủ khách quan để tư duy vì lợi ích của toàn dân tộc. Tuy nhiên, do thiếu quá nhiều kiến thức, các anh quá tin tưởng vào ý kiến của đám chính trị phương tây và giới chống cộng Việt kiều, và đám người có thù hận với chế độ.

3. Thiếu quá nhiều kiến thức cho nên không phân biệt được giới khoa học, giới quản lý với giới chính trị (các chính trị gia, các nhà hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền).
VN hiện nay cần học hỏi khoa học và văn minh phương tây. Chúng ta cần học hỏi các nhà khoa học, nhà tư tưởng, nhà quản lý của phương tây trên hầu hết các lĩnh vực xã hội, bởi lẽ khoa học, công nghệ, triết lý, và quản lý xã hội của họ đều vượt xa chúng ta. Tuy nhiên, cần phân biệt giới khoa học, giới tư tưởng, quản lý với giới chính trị phương tây (các chính trị gia, các nhà hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền). Đám chính trị gia phương tây thường có kinh nghiệm lãnh đạo quốc gia nhưng đều tư duy vì lợi ích nước họ. Trong khi đó, giới hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền thường thiếu quá nhiều kiến thức (cả lý thuyết lẫn thực tiễn) để điều hành một quốc gia.

4. Thiếu quá nhiều hiểu biết về xã hội phương tây:
Anh Thức và cộng đồng đối lập thường mắc một căn bệnh giống nhau, đó là quá thiếu hiểu biết về khoa học và xã hội phương tây. Thế nên, các anh thường phán xét bừa bãi, chẳng hạn như chê bai kịch liệt chủ nghĩa Marx-Lenin. Anh Thức có thể tham khảo bài viết của tôi “Giới khoa học phương tây rất trân trọng và ngưỡng mộ Karl Marx”[1], để hiểu giới nghiên cứu phương tây thực sự nghĩ gì về Marx. Đấy là chưa kể, các anh thiếu quá nhiều hiểu biết về văn minh phương tây cho nên hoang tưởng các nước đó là những nơi “vô thiên, vô pháp”, tự do phi giới hạn.

5. Ảo tưởng, so sánh bản thân với những người kháng chiến thời tiền khởi nghĩa:
Thời kỳ trước 1945, người Việt là dân mất nước. Mọi công việc hệ trọng của quốc gia đều do toàn quyền đông dương và các quan khâm sứ quyết định. Thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân cho nên đến khi giành được độc lập, năm 1945, VN có đến 95% dân số mù chữ. Thế nên, các trí thức uy tín nhất trong xã hội thời đó tất yếu phải đánh đuổi giặc Pháp để giành chính quyền về tay người Việt. Ngày nay, người Việt đã nắm quyền lãnh đạo đất nước. Các lãnh đạo và chuyên gia VN đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm điều hành quốc gia. VN cũng đạt được nhiều thành tựu nhất định trên nhiều lĩnh vực xã hội. Trong khi đó, các anh thiếu quá nhiều kiến thức để có thể phán xét chủ trương, đường lối của quốc gia mà lại cộng tác với ngoại bang, với giới Việt kiều chống cộng, và cộng đồng có thù hận với chế độ, cho nên rất dễ bị họ lừa phỉnh để phục vụ những mục tiêu đen tối, có hại cho dân tộc. Hành vi của các anh là làm tay sai cho ngoại bang, phục vụ cho lợi ích của nước ngoài, và lợi ích của nhóm thù hận, chứ không phải cho lợi ích của toàn dân tộc.

6. Theo đuổi đường lối đấu tranh sai lầm, không được lòng dân:
Ngày xưa, nhà tù thời Pháp, Mỹ vô cùng dã man. Chúng đầy đoạ những người kháng chiến bằng cực hình tra tấn. Thậm chí bức hại cả người thân của họ. Vậy mà vẫn có hàng triệu người đi theo cách mạng, hàng triệu người khác bất chấp nguy hiểm hăng hái ủng hộ, che dấu những người kháng chiến. Nhiều nhân sĩ, trí thức thành đạt cũng từ bỏ sự nghiệp, phú quý vinh hoa ở hải ngoại để về nước theo kháng chiến, chấp nhận mọi hi sinh, gian khổ. Nhà tù ngày nay chả thấm vào đâu so với ngày xưa. Vậy mà chỉ có lèo tèo một nhúm vài trăm người (hầu hết tư duy sơ sài và thanh niên mới lớn) tham gia đấu tranh dân chủ.

Nguyên nhân là do thời Pháp, Mỹ, người Việt có lý tưởng cao đẹp là giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Còn ngày nay, các anh nghe giới chính trị phương tây, Việt kiều chống cộng, và đám có thù hận với chế độ, tuyên truyền đấu tranh dân chủ, nhưng không đủ kiến thức để phán xét con đường ấy có phù hợp với dân tộc hay không. Hơn nữa, tự do, dân chủ không phải là những nhu cầu quan trọng nhất của mỗi cá nhân (xem sơ đồ Maslow). Thế nên, chỉ có lèo tèo một nhúm người chất lượng kém theo đuổi con đường đó. Chưa kể, nội bộ cộng đồng đối lập rối ren, triết lý yếu kém dẫn đến sự tan rã tất yếu. (Xin mời xem bài viết của tôi: “Vì sao phong trào đối kháng thất bại? Công việc gì cũng cần có người tài và triết lý đúng đắn”[2]).

7. Ảo tưởng về vai trò đấu tranh vì dân tộc và phản biện xã hội của cộng đồng đối lập:
Không phải mọi phong trào, tổ chức đối lập đều có lợi cho quốc gia. Chúng ta biết rõ các tổ chức như IS, Taliban, Polpot đã gây hại như thế nào. Kể từ khi Pháp xâm lược, sau hơn 100 năm dân tộc ta mới giành được toàn vẹn lãnh thổ, sạch bóng ngoại xâm. Đã có 1.2 liệt sĩ, vài triệu thương binh, 9.2 triệu người có công với cách mạng. Nếu tính cả thân quyến, những người mà công danh, sự nghiệp thăng tiến cùng chế độ thì tổng cộng có đến vài chục triệu người gắn bó với chế độ. Ngoài ra phải tính đến hàng chục triệu người tự hào về những thành tích trong chiến tranh của dân tộc. Trong khi đó, cộng đồng đối lập hiểu biết rất kém về quản trị nhà nước, tư duy giống hệt giới chống cộng hải ngoại (phủ nhận sạch trơn chủ nghĩa cộng sản, bôi nhọ các chiến thắng của dân tộc do đảng lãnh đạo, phỉ báng các lãnh tụ cộng sản có công với nước, xúc phạm bộ đội, công an, bôi bẩn mọi thành tựu của chế độ). Vậy thì làm sao có thể được lòng dân? Họ chỉ đáng được coi là đám chửi thuê cho Bolsa. Cộng đồng đó lụn bại là tất yếu.

Cũng không nên hoang tưởng về vai trò phản biện xã hội của cộng đồng đối lập. Để phản biện hiệu quả các vấn đề chính trị, xã hội quan trọng thì phải có trình độ nhất định về quản trị nhà nước. Thế nhưng cộng đồng đối lập hầu hết hiểu biết rất kém. Chưa kể, họ bị giới chính trị gia phương tây và Việt kiều chống cộng giật dây, nhồi sọ, dẫn đến phỉ báng các giá trị của dân tộc, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thì làm sao có thể thuyết phục chính quyền và người dân. Trên thực tế, những người đấy không đủ trình độ để đấu tranh cho dân tộc hay phản biện xã hội. Sự tồn tại của họ là lợi bất cập hại. Hiện giờ, có hàng triệu người khác vẫn đang tích cực phản biện xã hội, mặc dù họ không chống chính quyền. (Xin mời xem bài viết của tôi: “Lề trái định chiếm đoạt thuật ngữ “phản biện xã hội” của nhân dân”[3]).

Một số người đề cao việc thực thi quyền tự do của công dân. Tuy nhiên, cộng đồng đối lập VN chỉ là một nhóm bệnh hoạn, không có khả năng phục vụ lợi ích của dân tộc, chẳng hơn gì IS, Taliban. Hầu hết cộng đồng đó là những người vi phạm pháp luật, tuyên truyền những điều có hại cho quốc gia, chứ không phải họ đang thực thi quyền tự do chính đáng của công dân.

8. Cuối cùng, tôi khuyên anh Thức nên tập trung vào kinh doanh, sở trường của anh. Chỉ nên coi chính trị là thú vui ngoài lề. Anh có thể tán nhảm trên mạng về chính trị, nhưng phải cẩn trọng kẻo vi phạm pháp luật. Muốn hiểu được chính trị ở tầm có thể cố vấn, phản biện cho quốc gia thì phải học hành bài bản về các lĩnh vực quản trị nhà nước, ít nhất ở bậc thạc sĩ. Sau đó, phải nghiên cứu rất nhiều, sẵn sàng cầu thị học hỏi nhiều chuyên gia các lĩnh vực đó. Nên tránh xa giới chính trị gia, giới hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền phương tây, và những người có hận thù với chế độ. Tránh xa những người không tôn trọng các giá trị, thành tựu của dân tộc mà đòi đấu tranh cho dân tộc.


[1] https://danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com/2024/09/gioi-khoa-hoc-phuong-tay-rat-tran-trong.html
[2]https://danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com/2023/03/vi-sao-phong-trao-oi-khang-that-bai.html
[3]https://danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com/2024/01/le-trai-inh-chiem-oat-thuat-ngu-phan.html

KHÔNG NÊN ẢO TƯỞNG VÀO TỰ DO HỌC THUẬT Ở MỸ

 https://docs.google.com/document/d/1acz-83z1E8-Jk4VXLbzkTDpdqLWyiNYZ/edit

GIỚI KHOA HỌC PHƯƠNG TÂY RẤT TRÂN TRỌNG NGƯỠNG MỘ KARL MARX

 https://docs.google.com/document/d/1DXtC2a0tK383U19ob1OAfA7CzVLOCFM7/edit

Về chiến tranh biên giới với Campuchia

Tôi hay đọc hồi ký của các nguyên thủ quốc gia. Những người ấy mới có tầm nhìn bao quát về đường lối, chiến lược quốc gia, có đầy đủ quyền truy cập mọi thông tin mật trao đổi giữa các nguyên thủ quốc gia, và tất cả các thông tin tình báo. Còn các dạng UVTW, bộ trưởng, tướng tá, và các loại quan chức khác ở dưới thường tầm nhìn hạn chế hạn chế hơn nhiều. Bởi vì họ đâu có được truy cập các thông tin tình báo, thông tin trao đổi mật giữa các nguyên thủ. Chưa kể họ quá bận rộn ngành của họ, trong khi để đánh giá một chủ trương, đường lối chính trị, đối ngoại của quốc gia thì cần kiến thức của nhiều ngành. Ngay cả UVBCT, không phải người nào cũng được truy cập đầy đủ thông tin.

Còn các dạng học giả lăng nhăng khác thì...thôi. Hồi 2022, đại sứ ASEAN Hoàng Anh Tuấn đã có bài than trời là Mỹ cắt giảm đầu tư đào tạo các nhà nghiên cứu chính trị cho nên gần đây rất hiếm học giả giỏi. Cũng đúng thôi. Muốn biết Bin Laden ở đâu thì tung tiền xây dựng mạng lưới tình báo ở Pakistan, Afganistan hoặc lân cận để tìm dấu vết ông ta. Hoặc muốn biết Tập hay Putin nghĩ gì thì đổ tiền mua chuộc quan chức, lãnh đạo ở Trung Quốc, Nga, đầu tư tiền vào các hệ thống vệ tinh do thám, các hệ thống nghe lén. Cách đây gần chục năm, châu Âu đã om xòm lên vì ngay cả thủ tướng Đức, Pháp cũng bị Mỹ nghe lén điện thoại. Họ có điên đâu mà đầu tư nhiều vào các ông học giả ngồi ở New York ăn tục, nói phét, đoán mò. Các học giả nói chung không được phép truy cập các thông tin mật, thông tin tình báo. Nghe họ phán các thuyết âm mưu về chính trị thế giới thì rất vui tai, nhưng chỉ nên tin vừa vừa thôi.

(Chưa nói đến các nhà báo. Một số nhà báo VN rất tệ. Họ phỏng vấn quan chức nhưng thậm chí không có băng ghi âm làm bằng chứng. Thấy các quan chức được phỏng vấn chết rồi thì họ tự ý bịa đặt, thêm mắm muối...như cái anh nhà báo gì mới đây bị bắt đi tù. Không ai xác minh được những điều anh ta viết).

Về chiến tranh Campuchia, ngoài các tài liệu của VN thì có thể đọc “Hồi ký của Sihanouk” và cuốn “Hun Sen - Nhân vật xuất chúng của Campuchia”. (Cuốn này chủ yếu là do Hun Sen trả lời, nhà báo tây ghi lại).

Theo hồi ký của Sihanouk và thông tin chính thức của nước ta thì phía VN đã rất cố gắng nhịn Polpot. VN đề nghị lập vùng phi quân sự. Mỗi bên lùi vào 10km cách biên giới làm vùng phi quân sự. Nhưng phía Polpot hung hăng không chịu. Tháng 12/1978 Polpot đem 19 sư đoàn, khoảng 90,000 quân tấn công VN, nhưng nhanh chóng bị đánh bại. Sau đó, VN bắt buộc phải ở lại truy quét và hỗ trợ chính phủ Campuchia đứng vững thêm 10 năm nữa.

Gần đây có một số nguồn tin nói rằng giai đoạn 1977-1078, VN đã có đàm phán với Mỹ về vấn đề Campuchia. Họ cho là lẽ ra VN có thể tránh được cuộc chiến đó, hoặc có thể rút quân sớm hơn. Thông tin này không biết ở đâu ra. Hay một số quan chức bị thất sủng tung tin linh tinh, giống như hồi họ tung tin về “Hội nghị Thành Đô”. Tôi nghĩ, chỉ khi nào phía VN hoặc phía Mỹ giải mật thông tin về vấn đề này thì mới đáng tin. Chưa có nguồn tin nào nói Mỹ đã giải mật thông tin về đàm phán đó. Còn đợi VN giải mật…thì sẽ còn phải đợi rất lâu.

PS: Chính trị quốc tế thì rất khác các ngành kiểu như kinh tế, y tế, môi trường. Bởi các ngành kinh tế, y tế, môi trường..., các học giả chủ yếu bàn bạc, cố vấn trên các dữ liệu công khai thôi. Họ không bàn những gì không có bằng chứng, dữ liệu. Nếu suy diễn thì cũng suy diễn trên các dữ liệu công khai, và cũng không suy diễn quá xa. Nhưng chính trị quốc tế thì khác. Những thông tin quan trọng nhất hiện nay là thông tin tình báo, thông tin mật trao đổi giữa các nguyên thủ, thông tin do thám, vệ tinh. Những thứ đấy các học giả chính trị quốc tế đâu có được biết. Cho nên những điều họ phán chủ yếu là thuyết âm mưu. Nghe cho vui thôi.

Đấy là điểm rất khác giữa chính trị quốc tế và các ngành kia. (Riêng kinh tế chính trị thì nhiều chủ đề được xếp vào nhóm ngành chính trị, bởi vì nhiều thứ không có thông tin.) Tôi làm nghiên cứu cho nên biết về sự khác biệt này, nhưng nhiều người khác thì không biết.

Dĩ nhiên hồi ký của các nguyên thủ cũng không phải hoàn toàn là sự thật, hoặc chỉ là sự thật dưới góc nhìn của họ, để phục vụ mục đích nào đó. Nhưng ít ra, họ được tiếp cận nhiều thông tin hơn, và tầm nhìn bao quát hơn cấp dưới. Những thứ đáng tin cậy nhất là các văn bản hiệp định, thư từ trên giấy trắng mực đen được lưu trữ, các băng ghi âm, ghi hình.

 

Sự can thiệp của Mỹ và đại học Fulbright

Bản thân tôi cũng tin rằng Mỹ đã tham gia nhiều vụ kích động bạo loạn, đảo chính trên thế giới. Từ khoảng 1991 trở về trước, chủ nghĩa cộng sản là hiểm hoạ đối với Mỹ. Thế nên Mỹ can thiệp chính trị vào nhiều quốc gia vì mục đích là để ngăn chặn, loại trừ chủ nghĩa cộng sản (v.d., can thiệp vào Liên Xô, Đông Âu, Việt Nam, Chile, Indonesia). Họ can thiệp vào Đông Nam Á theo học thuyết Domino. Tuy nhiên, từ 1991 trở lại đây, khối cộng sản tan rã. Chủ nghĩa cộng sản không còn là mối lo ngại của họ nữa. Mối quan tâm lớn nhất của họ hiện nay là duy trì vị trí dẫn đầu thế giới, không để cho Trung Quốc, Liên Xô vượt mặt. Chính vì vậy, việc can thiệp chính trị gây bạo loạn, lật đổ ở các quốc gia từ 1991 trở lại đây hầu hết là vì lý do kinh tế, để bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ. Hoặc chính phủ nào không thân thiện với Mỹ thì họ cũng muốn loại bỏ để thay thế bằng một chính quyền thân thiện hơn, mở ra các cơ hội hợp tác kinh doanh, đem lại nhiều tiền cho nước Mỹ.

Nhưng bạo loạn, lật đổ không phải là con đường duy nhất để đem lại lợi ích cho Mỹ. VN hiện nay là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Mỹ. Thế nên nhu cầu Mỹ can thiệp gây bạo loạn, đảo chính ở VN cũng giảm mạnh. Bởi vì cho dù lật đổ được chính quyền ở VN để dựng lên một chính quyền thân Mỹ hơn thì đó vẫn phải là chính quyền độc tài lâu dài, đảm bảo đường lối thân Mỹ dù trải qua nhiều đời nguyên thủ khác nhau. Chính quyền đó phải đảm bảo đem lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ hơn chế độ hiện nay. Điều này rất khó. Thời VNCH, vị thế của Mỹ ở VN hoàn toàn khác. Họ tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm, chính quyền phải tuyệt đối tuân phục họ, thì mới đảm bảo được điều đó. Năm 1965, Mỹ đổ mấy trăm nghìn quân vào Đà Nẵng. Nhưng thủ tướng VNCH lúc bấy giờ là Phan Huy Quát thậm chí không hề được báo trước. Sau khi Mỹ đã đổ quân vào rồi, ông Quát rất muối mặt nhưng cũng đành ra lệnh cho bộ phận truyền thông chào mừng. Thời đó, Mỹ can thiệp vào VN chỉ nhằm mục đích duy nhất là chống cộng chứ không phải vì dân chủ, nhân quyền gì hết. Họ biết thừa chính quyền Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị, nhưng họ làm ngơ. Chỉ đến khi chính quyền đó bị mất lòng cả dân chúng lẫn quan chức quá mức, CIA mới đành bật đèn xanh cho quân đội đảo chính. Nhưng đến thời Nguyễn Văn Thiệu, họ cũng chỉ quan tâm nhất là ổn định chính trị, chứ không cần dân chủ dân mèo gì hết. (Chẳng may, một ông không thích Mỹ, hoặc thân cộng sản được dân bầu làm tổng thống thì rất phiền). Đấy là lý do Mỹ ủng hộ ông Thiệu là ứng viên tổng thống duy nhất, độc diễn tranh cử, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1971. Nhưng thời đấy họ không kiếm được lợi ích kinh tế ở VN mà ngược lại, tốn rất nhiều tiền để biến Miền nam VN trở thành một tiền đồn chống cộng của Mỹ.

Nhưng có một con đường thứ hai để tăng cường lợi ích kinh tế của Mỹ ở VN là thông qua ngoại giao. Nghĩa là tạo ra những dự án để hai bên Mỹ-Việt cùng có lợi. Đại học Fulbright là một dự án như thế. Đội ngũ giảng viên của đại học Fulbright hầu hết đều tốt nghiệp từ các trường uy tín cao trên thế giới. Cộng thêm phương pháp giảng dạy hiện đại. Thế nên, VN được hưởng lợi từ việc nhiều sinh viên khá giỏi được đào tạo trong môi trường chất lượng cao. Cái lợi thứ hai là hàng năm đại học Fulbright vẫn làm cầu nối tổ chức đối thoại/phản biện cấp quốc gia với các lãnh đạo VN về các chính sách kinh tế, xã hội, môi trường.v.v. Đoàn VN thường do một Uỷ Viên Bộ Chính Trị hoặc một phó thủ tướng dẫn đầu cùng với lãnh đạo của các bộ ngành. Phía Mỹ là các giáo sư và các chuyên gia hàng đầu. Phía Mỹ sẽ phản biện, góp ý với đoàn VN về các chính sách đó. Điều đấy giúp VN có các các chính sách tốt hơn, phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Cái lợi thứ ba là các giảng viên đại học Fulbright vẫn thường xuyên cố vấn/phản biện chính sách cho các bộ, ngành ở VN. Phía Mỹ cũng được hưởng nhiều lợi từ trường Fulbright (i) Đào tạo ra một nhóm chuyên gia, chuyên viên thiện cảm, yêu quý nước Mỹ (đào tạo cả bậc đại học và cao học); (ii) Duy trì mối quan hệ với giới lãnh đạo cao cấp của VN (thông qua đối thoại cao cấp) và mối quan hệ thường xuyên với các bộ ngành (từ quan hệ cố vấn chính sách của các giảng viên ĐH Fulbright) để thúc đẩy những dự án hợp tác kinh doanh ở VN và các mục đích khác; (iii) Thu hút các những sinh viên khá giỏi sau khi tốt nghiệp sang Mỹ làm việc.

Hiện giờ Mỹ có tài trợ cho các hội nhóm kích động bạo loạn, gây rối ở VN hay không? Hiện nay các nước xung quanh VN (Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Đài Loan, Úc) vẫn có khá nhiều những hội nhóm như vậy. Thậm chí có cả chi nhánh của các đảng phái chống chế độ, có trụ sở chính ở Mỹ, ở các nước đó. Cũng có thể CIA vẫn có những tài trợ, cố vấn cho các hội nhóm đó.

Tuy nhiên các bạn cần phân biệt: (i) Những người tham gia các hội nhóm bạo loạn, lật đổ đó là những nhà hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền. Họ có các kỹ năng phủ hợp để với công việc kích động bạo loạn, lật đổ. (ii) Những giảng viên đại học Fulbright là những người giỏi lý thuyết chuyên môn của họ. Việc họ hỗ trợ tăng cường lợi ích kinh tế Mỹ theo con đường thứ hai có lợi hơn nhiều. Đại học Fulbright đặt trên lãnh thổ VN, phải tuân theo pháp luật VN. Đấy là chưa kể, không ai có thể đảm bảo các phòng học, phòng hội thảo trong trường không bị đặt thiết bị nghe lén ở một thời điểm nào đó. Kỹ thuật nghe lén hiện nay đã cho phép đặt máy nghe từ bên ngoài trường, cách trường vài chục mét vẫn nghe được rất rõ. Làm sao có thể kích động sinh viên bạo loạn trong trường được?

 

Nói một cách vắn tắt, Mỹ làm điều gì xấu cho các quốc gia khác thì thường bí mật, thông qua các tổ chức tư nhân chứ họ không “vỗ mặt” nước khác, thông qua các dự án ngoại giao kiều như đại học Fulbright.

Đừng so sánh với các quốc gia khác đã từng xảy ra bạo loạn, đảo chính có nhiều sinh viên tham gia. Các nước đó được tự do lập đảng phái, hội nhóm chính trị. Việc tuyên truyền chính trị đối lập, việc sinh viên tổ chức hội họp, bàn bạc kế hoạch biểu tình trong trường học không phải là bất hợp pháp. Môi trường như vậy quá khác với VN. Hơn nữa, các đại học ở đấy không có những chương trình đối thoại cao cấp như ở VN để tăng cường lợi ích của Mỹ thông qua con đường đối thoại với các lãnh đạo cao cấp.

+ FB Huỳnh Thế Du, cựu giảng viên ĐH Fulbright, giải thích rằng bộ phim Chiến Tranh Việt Nam mà sinh viên ĐH Fulbright được xem năm ngoái thực ra một bộ phim nói về tính phi nghĩa và sai lầm của phía Mỹ khi can thiệp quân sự vào VN. Đặt trong bối cảnh ấy thì thấy phát biểu của bà Thuỷ cũng bình thường. Cán bộ, giảng viên đại học Fulbright được trả lương cao, cho nên thường sẽ cố gắng vun đắp cho hình ảnh của nước Mỹ, người Mỹ trở nên thân thiện, tốt đẹp hơn đối với người dân Việt. Tuy nhiên, nhiều người mang sẵn định kiến trong đầu và chẳng hiểu gì về chính trị đối lập thì tưởng tượng ra đủ thứ rất nghiêm trọng.

Đại học Fulbright

Không biết nhân vật nào chỉ đạo chiến dịch tấn công đại học Fulbright. Người này hình như không hiểu gì về chính trị đối lập nhưng bóng gió liên hệ trường này với cách mạng màu. Đại học Fulbright là trường do Bộ Giáo dục VN quản lý [1]. Trường phải tuân thủ Nghị định 86/2018/NĐ-CP, trong đó Điều 37 viết rằng: “Chương trình giáo dục thực hiện tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.”

Nghĩa là về cơ bản, trường sẽ không dám làm gì vi phạm Điều 37 của nghị định đó. Trường đại học là nơi đào tạo kiến thức chuyên môn, hơn nữa đặt trên lãnh thổ VN thì ai dám làm gì? Những chuyện như clip năm ngoái nói về lính Mỹ chỉ là sơ xuất rất nhỏ, hiếm khi xảy ra.

Trong sứ mệnh của trường có trích dẫn lời của TNS Fulbright: “Chúng ta phải dám nghĩ những điều thường bị coi là không tưởng. Chúng ta phải dám học cách khám phá mọi khả năng và giới hạn mà chúng ta đang đối mặt trong một thế giới đầy phức tạp và biến động không ngừng.” Chính vì thế, khẩu hiệu khi tốt nghiệp của trường này là Không sợ hãi.

Thật ra, các trang facebook, trang web của lề trái, facebook đám bất mãn chế độ cả trong và ngoài nước còn nguy hiểm gấp 1 triệu lần đại học Fulbright. Thử hình dung, sinh viên đại học Fulbright và các đại học khác có facebook trên mạng, hàng ngày đọc tin tức lề trái, giao lưu với đám bất mãn đấy thì ảnh hưởng đến mức độ nào. Trong khi đấy, phản biện của lề phải phần lớn là ngô nghê, chỉ để thuyết phục những người tuy sơ sài, không đáp ứng được những thắc mắc của độc giả có tư duy tốt.

Tính theo định lượng, mỗi ngày các trang lề trái, facebook của đám bất mãn chế độ xả vài trăm tin tức/bài phân tích độc hại. Mỗi năm hàng triệu tin tức/bài phân tích độc hại. Trong khi đó những phốt của đại học Fulbright tính đến nay mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ trung bình 1 năm chưa đến 1 vụ. Vậy thì cái nào gây hại lớn hơn? Vụ không mang cờ VN khi tốt nghiệp chỉ là sơ xuất chứ không phải nhồi nhét tư tưởng gì cho sinh viên cả.

 

 

SUY DIỄN QUÁ ĐÀ VỀ TRƯỜNG FULBRIGHT

Tự dưng lại có một đám người không hiểu gì về chính trị đối lập suy diễn đủ thứ về trường Fulbright. Suy diễn về sứ mệnh của trường: "Sứ mệnh của Đại học Fulbright Việt Nam là ươm dưỡng và truyền cảm hứng cho những thế hệ lãnh đạo mới". Suy diễn về khẩu hiệu "Fearless - Không sợ hãi". Cứ như thể đấy là nơi đào tạo sinh viên bạo loạn.

Hiện giờ các tour tổ chức cho trẻ em đi Mỹ học vài tuần dịp tết đều quảng cáo là khoá học đào tạo kỹ năng "nhà lãnh đạo tương lai". Các trường đại học nói về sứ mệnh của trường thật độc đáo để quảng cáo thu hút sinh viên, tạo danh tiếng cũng là hết sức bình thường.

Nhưng quý vị suy diễn thì cũng nên để thời gian suy ngẫm lâu lâu một chút. Bằng cơ chế nào để nhồi nhét tư tưởng bạo loạn vào đầu sinh viên, khi mà trường đặt trên lãnh thổ VN? Khi mà trường phải cam kết tuân thủ Điều 37, Nghị định 86/2018/NĐ-CP? Nếu không chỉ ra được cơ chế nào thì không nên tin vào những chuyện hoang đường như vậy.

Không có trường đại học nào trên thế giới là nơi đào tạo bạo loạn. Nhưng tại sao lại có những sinh viên tổ chức bạo loạn? Vì họ đọc thông tin ở bên ngoài trường: trên Internet, mạng xã hội, từ các cá nhân bất mãn chế độ, từ các hội nhóm nổi loạn bên ngoài trường.

+ Từ thời các lãnh đạo đảng đầu tiên ở VN còn là học sinh/sinh viên, họ học hỏi chính trị từ những bài báo, bản viết tay chuyền cho nhau, từ gặp gỡ các sĩ phu bất mãn ở bên ngoài trường.

+ Thời chống Mỹ, sinh viên học hỏi về biểu tình, bạo loạn ở đâu? Từ các tờ báo, các hội sinh viên ở bên ngoài, từ những người của mặt trận giải phóng.

+ Sinh viên các đại học Trung Quốc tạo ra vụ Thiên An Môn đã học hỏi các thông tin về biểu tình, bạo loạn ở đâu. Đương nhiên không phải trên giảng đường. Không trường nào ở Trung Quốc dạy họ biểu tình cả. Họ học hỏi những thứ đó là do dưới thời Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương báo chí được tự do chỉ trích chính quyền, giáo sư đại học được tự do viết bài kích động. Sinh viên được thoải mái thành lập nhóm chống đối, thoải mái bàn bạc kế hoạch biểu tình.

+ Từ 1975 đến nay, ở VN có hàng nghìn người trở thành bất đồng chính kiến. Trong nhóm 72 người ký văn bản đòi đa nguyên đa đảng, có 13 người học ở Liên Xô. Còn lại học ở VN, Trung Quốc, Đông Âu. Chả ai liên quan gì đến Fulbright. Số người bất mãn chế độ nhưng ít khi thể hiện ở VN hiện nay là hàng triệu người, nhưng có mấy ai ở trường Fulbright. Họ học hỏi những tư tưởng bất mãn đấy ở đâu: từ báo chí lề trái, từ facebook của các nhân vật bất mãn, thù hận.

+ Tổng kết nguyên nhân vì sao Liên Xô sụp đổ: Không có nguyên nhân nào xuất phát từ việc giảng dạy trong trường đại học.

 

Không phải phi lý những nơi đào tạo đối lập trên thế giới đều phải thành lập các khoá học riêng, do những giảng viên là giới hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền.

Để một người trở thành bất đồng chính kiến hay có tư tưởng bạo loạn thì người đó phải đọc vài chục đến hàng trăm bài viết có nội dung bôi xấu chế độ, và phải có cơ hội trao đổi với những người đồng quan điểm.

Đa số giảng viên đại học Fulbright hiện nay vẫn là những người Việt. Hầu hết các giảng viên trường này là tiến sĩ tốt nghiệp trường danh tiếng ra. Quý vị nghĩ rằng các giảng viên người Việt đó không yêu nước bằng các quý vị? Nếu chẳng may có bài giảng nào đó có vấn đề gì đó các giảng viên, sinh viên không ngầm báo cho công an?

Cứ nghĩ rằng chỉ mỗi mình mình yêu nước thì nguy hiểm lắm.

Tôi đã giải thích chương trình YSEALI độc lập với trường Fulbright. Học viên khác nhau, giảng viên khác nhau. Chỉ cùng địa điểm, bởi YSEALI do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ.

Từ 2017, đã có 2 người tham gia khoá học ngắn hạn của YSEALI đi tù vì chống chế độ (THP và PKK). Ít nhất một người nữa cũng trở thành bất đồng chính kiến (có đi tù hay không thì không rõ). Thế nhưng năm 2020, chính phủ VN vẫn đồng ý cho phép Bộ Ngoại Giao Mỹ đầu tư 5 triệu $ để thành lập viện YSEALI đặt trong khuôn viên đại học Fulbright. Đương nhiên chính phủ không thấy viện đó nguy hại như các vị tưởng tượng cho nên họ mới cho phép đặt như vậy. Thực chất viện đó chỉ đào tạo các kỹ năng lãnh đạo, không có gì độc hại, cũng chẳng kích động gì. Hơn nữa, có thể chính quyền tính toán rằng đồng ý cho thành lập viện để quản lý dễ hơn. Những cựu sinh viên YSEALI đó trở thành bất mãn, chống chế độ là do đọc tin lề trái, tiếp xúc đám người bất mãn, thù hận chế độ ở bên ngoài trường, chứ không phải vì họ học chương trình đó.

Quý vị nào còn bức xúc thì nên chất vấn chính quyền về YSEALI. Nếu gọi là "nguy hiểm", với "kết quả" như vậy YSEALI nguy hiểm hơn FULBRIGHT nhiều. Còn nếu không hiểu tại sao chính quyền làm như vậy thì đừng lo lắng về trường Fulbright cho mệt.

Việc phản đối Bob Kerrey là hiệu trưởng, phản đối chiếu phim "Chiến tranh VN", phản đối phát ngôn của bà Thuỷ về lính Mỹ, phản đối sinh viên tốt nghiệp diễu hành chỉ mang cờ Fulbright, không mang cờ tổ quốc đều là cần thiết. Nhưng không nên suy diễn quá xa. Bởi vì để biến một người trở thành bất đồng chính kiến hay có tư tưởng tụ tập biểu tình, nổi loạn cần rất nhiều thứ: được đọc rất nhiều bài báo có tư tưởng chống đối, có nhóm đồng chí hướng với nhau cùng trao đổi. Nguy cơ của sinh viên Fulbright nổi loạn chẳng hơn gì sinh viên các trường đại học khác ở VN.

PS: Điều 37, Nghị định 86/2018/NĐ-CP viết rằng: “Chương trình giáo dục thực hiện tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.”

 

CHƯƠNG TRÌNH YSEALI

YSEALI là khoá đào tạo ngắn hạn về kỹ năng lãnh đạo. Chương trình này đặt cơ sở trong khuôn viên đại học Fulbright bởi vì do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ. Tuy nhiên chương trình này hoàn toàn độc lập với đại học Fulbright bởi vì có chế độ tuyển sinh riêng, đội ngũ giảng viên riêng. Những người học YSEALI không phải là học viên Fulbright. Nhiều cán bộ, nhân viên viên các cơ quan nhà nước và các đoàn thể xã hội cũng theo học chương trình này. Về cơ bản, nội dung chương trình này cũng không có vấn đề gì. Thế nhưng đã từng có 3 học viên theo học chương trình này trở thành bất đồng chính kiến, phải đi tù. Lý do chủ yếu là vì nhóm chuyên tổ chức bạo loạn ở Hồng Kông (Hoàng Chi Phong, Chu Đình,…) cũng từng là học viên của chương trình này ở Hồng Kông. Có thể 3 học viên VN sau khi tốt nghiệp khoá học này đọc tin lề trái nhiều và bị kích động bởi nhóm bạo loạn Hồng Kông cho nên mới như vậy. Tuy nhiên, hiện nay chính phủ Trung Quốc thay đổi luật pháp, không cho phép các công dân được tự do thành lập đảng đối lập, tổ chức đối lập nữa. Chính vì vậy nhóm nổi loạn ở Hồng Kông đã phải giải tán, nhiều người ra nước ngoài tị nạn. Hơn nữa ở VN có mấy người đi tù thì những người khác sẽ phải suy nghĩ.

Hiện nay, ở VN, sở dĩ các cơ quan truyền thông chính thống vẫn chưa có ý kiến gì về YSEALI có lẽ là vì bản thân chương trình của khoá học này không có vấn đề gì. Những người dạy cũng không kích động học viên điều gì. Các kỹ năng lãnh đạo trong khoá học cũng rất hữu ích để nâng cấp năng lực lãnh đạo của những người trẻ trong các cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội ở VN. VN cũng cần học hỏi các kỹ năng lãnh đạo tiên tiến của thế giới. Nếu có vấn đề gì thì báo chí đồng loạt lên án chương trình này. Nếu nghiêm trọng thì chính quyền sẽ yêu cầu đóng cửa khoá học.

Nói vắn tắt, học tập chuyên môn luôn là điều tốt. Những trang lề trái, những nhân vật bất mãn chế độ trên facebook còn nguy hiếm gấp 1 triệu lần đại học Fubright. Cần phân biệt đại học Fulbright với chương trình YSEALI. Những người chủ trương tấn công đại học Fulbright có lẽ không hiểu gì về chính trị đối lập. Họ nên tập trung nguồn lực để phản hồi những luận điệu trên mạng thay vì chĩa mũi nhọn vào đại học Fulbright. Mỗi lo ngại lớn nhất hiện nay của VN là nhóm dân tộc thiểu số Khmer Krom và các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên và ở miền núi phía bắc. Vừa rồi, ở Campuchia đã xảy ra bạo loạn lớn. Họ cũng cố gắng kích động cộng đồng Khmer Krom ở Campuchia và Việt Nam. Những kẻ nổi loạn tuyên truyền chống VN và đòi lại đất đai của đế chế Campuchia ngày xưa để kích động công chúng.

 

CÔ LIÊN HẰNG VÀ ĐẠI HỌC FULBRIGHT

Vừa rồi, tôi có xem một clip trên mạng nói về việc GS Nguyễn Thị Liên Hằng, một giáo sư sử học của đại học Columbia, đã từng có một số nghiên cứu với nhiều quan điểm lật sử về chiến tranh VN 1955-1975. Hiện tại cô Liên Hằng là thành viên của Hội đồng Tín thác của đại học Fulbright. Clip đó nói rằng chúng ta đã "rước giặc vào nhà", rằng cô Liên Hằng sẽ đào tạo ra hàng trăm sinh viên đại học Fulbright theo quan điểm lật sử.

Cô Liên Hằng là một giáo sư giỏi, người đã được đại học Harvard cân nhắc thay thế GS Hồ Tài Huệ Tâm giữ ghế giáo sư sử học VN duy nhất ở đại học Harvard sau khi bà Tâm nghỉ hưu. Điều quan trọng chúng ta cần nhớ là cô Liên Hằng là một người Mỹ, mang quốc tịch Mỹ. Giống như hầu hết những người Mỹ khác, cô phục vụ lợi ích của nước Mỹ chứ không phải lợi ích của VN. Quan điểm của đại đa số học giả Mỹ về chiến tranh Nam-Bắc hoàn toàn ngược với VN: những người Mỹ tham chiến được coi là anh hùng, còn VN thì coi họ là giặc. Ngược lại, các học giả Mỹ thường gọi bộ đội ta là giặc, là quân thù.

Bất kể gia đình cô Liên Hằng có dính dáng gì đến quân cán chính VNCH hay không, chỉ riêng việc cô ấy là người Mỹ, đã cho thấy khả năng cao cô ấy sẽ có quan điểm giống đa số những người Mỹ yêu nước khác. Chúng ta không nên kỳ vọng rằng những người Mỹ khác làm việc ở đại học Fulbright không có quan điểm tương tự. Có thể một lúc nào đó, độc giả sẽ phát hiện ra các giảng viên Mỹ khác của trường Fulbright có những phát ngôn/bài viết chướng tai như vậy về chiến tranh VN. Họ là người Mỹ. Đối với nước Mỹ, quan điểm như vậy là hết sức bình thường.

Điều quan trọng là cô Liên Hằng chỉ là thành viên Hội đồng Tín thác (một dạng giống như Hội đồng Quản trị). Cô ấy không trực tiếp tham gia giảng dạy. Nếu cô Hằng hoặc một giảng viên người Mỹ khác giảng dạy một học phần nào đó hoặc tổ chức một hội thảo ở đại học Fulbright có nội dung chống lại quan điểm chính thống của nhà nước VN thì mới cần phải xem lại. Có thể yêu cầu cắt bỏ nội dung đó, từ chối cho họ tổ chức hội thảo, hoặc yêu cầu học phần đó do người Việt giảng dạy. Theo như tôi biết, đại học Fulbright hiện nay vẫn dạy triết học Marx-Lenin cho bậc cao học, (không biết có dạy bậc đại học không). GS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó ban tuyên giáo, là giảng viên chính. Nhiều học phần khác về luật, chính trị, kinh tế, xã hội cũng do người Việt giảng dạy.

Bộ giáo dục cũng có thể tiến hành khảo sát ngẫu nhiên mỗi năm 1 lần các sinh viên đại học, cao học của đại học Fulbright xem các học viên đó có được dạy những gì trái với chủ trương, chính sách của nhà nước hay không. Nếu có thì cần chấn chỉnh ngay. Tôi nghĩ là đến giờ vẫn không có những nội dung như vậy đâu, bởi nếu có thì chắc chắn sẽ có những sinh viên phản ánh với công an.

Cách đây mấy năm, đại học Fulbright đã phải huỷ bỏ sự kiện đại sứ Ted Osius giới thiệu cuốn hồi ký của ông ta có một số nội dung "không phù hợp" với quan điểm của nhà nước VN. Ngay sau khi cuốn sách được phát hành, đã có một số người lên án một số đoạn. Thế nên khi trường Fulbright thông báo tổ chức buổi giới thiệu sách, chính quyền liền có ý kiến, buộc họ phải hủy buổi đó.

Nếu chỉ vì cô Liên Hằng đã từng có những nghiên cứu có quan điểm lật sử mà không cho phép cô ấy tham gia quản lý đại học Fulbright thì tôi e rằng sẽ phải cấm cửa hầu hết những người Mỹ khác làm việc cho đại học này. Không tin thì cứ thử hỏi quan điểm của họ về cuộc chiến Bắc-Nam.

[1]https://lawnet.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-fulbright-viet-nam-chiu-su-quan-ly-nhu-the-nao-khi-hoat-dong-tai-viet-nam-5652.html