Sunday, March 5, 2023

VÌ SAO ĐẢNG CỘNG SẢN CƯƠNG QUYẾT KHÔNG ĐỂ MẤT CHẾ ĐỘ

Không ai yêu thích triết học mà lại phủ nhận sạch trơn Karl Marx. Ông vẫn là nhà tư tưởng vĩ đại của thế giới. Nhiều triết lý của ông đúng đắn cho nên đã góp phần cải tạo chủ nghĩa tư bản. Ví dụ, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân hay quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Chẳng có triết gia nào trên thế giới viết được toàn những điều đúng đắn. Chủ nghĩa tư bản cũng đầy rẫy tư tưởng dã man, mọi rợ. Hiện nay hầu như không có nước nào trên thế giới theo đuổi chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa cộng sản nguyên gốc, mà đều có sự pha trộn nhiều loại tư tưởng khác nhau. VN cũng không phải là ngoại lệ.

Điểm yếu nhất của chủ nghĩa cộng sản là quyền tự do, dân chủ. Điểm yếu nhất của chủ nghĩa tư bản là bất bình đẳng. Soi chiếu vào hoàn cảnh VN thì không khó để thấy, khắc phục bất bình đẳng quan trọng hơn những tự do, dân chủ. Bất bình đẳng lớn cho nên đa số người dân vẫn rất nghèo, an sinh không đảm bảo. Cải thiện những thứ đó quan trọng hơn là những quyền bẩu cử tự do phù phiếm. Ngoài ra, phương tây hay chỉ trích về nhân quyền ở VN. Tuy nhiên, nhân quyền là một khái niệm rất rộng, bao gồm cả quyền được khám chữa bệnh, quyền có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quyền được học tập phổ thông của trẻ em vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, quyền bình đẳng giới, quyền của người đồng tính, các chính sách ưu tiên cho người yếu thế (người già, người tàn tật, người thiểu số, người di cư) v.v... Quyền mưu cầu hạnh phúc, không phải sống đói nghèo cũng thuộc về nhân quyền. Trên thực tế, VN làm khá tốt việc xoá đói giảm nghèo, cung cấp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, cơ hội học tập phổ thông cho toàn dân, quyền cho phụ nữ, quyền của người đồng tính, quyền cho người yếu thế. Thế nên VN hai lần được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Các nhà “đấu tranh dân chủ” ở VN rất kém hiểu biết về nhân quyền, nhưng bị phương tây giật dây, cho nên suốt ngày chửi bới linh tinh, thậm chí còn phản quốc. Ví dụ, họ ủng hộ các nhóm Tin lành Đề Ga, Tin lành Đấng Christ, đạo Giê Sùa. Trong khi đó là các nhóm tôn giáo kích động người thiểu số ở Tây Nguyên thành lập Nhà nước Đề Ga riêng (thủ phủ Ban Mê Thuật, tách khỏi VN), và kích động người H’Mông ly khai để thành lập Vương Quốc Mông ở Xiêng Khoảng, giáp biên giới Việt-Lào.

Ở VN, đảng cộng sản lấy chủ nghĩa Marx-Lenin làm phương tiện để đạt được mục đích chính là bảo vệ chế độ. Tuyên truyền của tuyên giáo cũng nhằm mục đích chính là để bảo vệ chế độ. Chế độ nào cũng phải có học thuyết nền tảng. Chủ nghĩa Marx-Lenin gần như là học thuyết duy nhất gần đây bảo vệ nền chuyên chính. Nhưng tại sao đảng cộng sản lại cương quyết không để mất chế độ? Có một số nguyên nhân chính sau đây:

+ Để đảm bảo được việc đền ơn, đáp nghĩa hàng triệu công dân đã đi theo đảng trong suốt 4 cuộc chiến tranh. (9.2 triệu người có công với cách mạng cùng với thân quyến của họ, tổng cộng lên tới vài chục triệu người).

+ Đảm bảo tôn vinh đầy đủ những chiến thắng và di sản đáng tự hào của 4 cuộc chiến tranh của dân tộc.

+ Hận thù từ cuộc chiến Nam-Bắc vẫn còn sâu nặng và tuyên truyền chống cộng của phương tây vẫn rất mạnh. Nếu để mất chế độ thì sẽ không thể kiểm soát được sự trả thù đối với những người cộng sản và những người đang phục vụ chế độ.

+ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Hiện giờ đội ngũ chuyên gia còn kém, không thể có dân chủ đúng nghĩa. Bởi lẽ dân chủ chỉ là cơ chế. Quan trọng nhất là đội ngũ chuyên gia vận hành cơ chế đấy phải giỏi thì cơ chế mới vận hành tốt.

+ Lo ngại về dân trí thấp, mức thu nhập thấp, an sinh kém, nếu để mất chế độ dễ dẫn đến hỗn loạn, không có dân chủ đúng nghĩa.

+ Không ổn định chính trị thì không thể phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá xã hội.

+ Lo ngại về toàn vẹn lãnh thổ: Sự tan rã của Liên Xô đi kèm với mất đất đai và 15% dân số là bài học đau buồn đối với tất cả các quốc gia chuyển đổi. Nếu VN có sự xáo trộn chính trị thì rất dễ dẫn đến việc ngoại bang kích động ly khai, dẫn đến mất lãnh thổ.

 

Tôi cũng tin rằng các giảng viên triết học của VN còn kém, không thể giải thích một cách thuyết phục cho sinh viên về những lợi ích của triết học Marx-Lenin. Hơn nữa, họ không có sự kết nối giữa triết học và các ngành khoa học xã hội khác để hiểu được những ứng dụng của nó.

Nhưng tôi nghĩ rằng đường lối chính trị chung ở VN hiện nay không sai. Hãy thử đặt mình vào địa vị của nguyên thủ quốc gia, phải chịu trách nhiệm với số phận của hàng trăm triệu con người, bạn sẽ hiểu. Việc tiến hành đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, tự do báo chí đều dẫn đến suy yếu uy tín của đảng và làm tăng nguy cơ để mất chế độ. Thế nên họ rất ngần ngại.

Hồi 2013, hơn 100 nhân sỹ có danh tiếng ký kiến nghị đổi mới chính trị, trong số các đề nghị, có một đề nghị là Đảng đổi tên trở lại là Đảng lao động. Nhưng điều đó đương nhiên vô ích. Bởi vì điều xác định một đảng có phải là cộng sản hay không dựa trên triết lý nền tảng Marx-Lenin chứ không phải cái tên. Thời kỳ 1951-1976, đảng cộng sản lấy tên là Đảng Lao động. Hoặc Đảng lãnh đạo Lào hiện nay là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Nhưng phương tây vẫn gọi đó là các đảng cộng sản chính vì học thuyết nền tảng Marx-Lenin. Nhưng lý do đến giờ họ vẫn lựa chọn học thuyết đó thì đã giải thích trong bài.

No comments:

Post a Comment