Sunday, March 5, 2023

TRÔNG NGƯỜI MÀ NGẪM ĐẾN TA

Nền chính trị Mỹ có đội ngũ chuyên gia thuộc nhóm mạnh nhất thế giới, vậy mà còn lao đao khi có một thế lực đủ mạnh kích động nhân dân thách thức luật pháp. Ví dụ điển hình là đợt bầu cử tổng thống cuối năm 2020, dẫn đến vụ bạo loạn tấn công toà nhà quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021. Trong vụ này, thế lực đủ mạnh là Trump và những chính trị gia trung thành với ông ta. Nếu các lãnh đạo cộng hòa quyết tâm đảo ngược kết quả bầu cử bằng được thông qua phủ quyết của thượng viện và hạ viện thì rất dễ xảy ra nội chiến. Bởi vì 80 triệu người đã bầu cho Biden, đã chứng kiến 538 đại cử tri xác nhận Biden chiến thắng, đâu có chịu chấp nhận như vậy.

Trong khi đó, đội ngũ chuyên gia của nước ta đang ở đâu??

Thật ra, nâng cao dân trí chính trị thì quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho đội ngũ chuyên gia, nghĩa là xây dựng đội ngũ chuyên gia về các vấn đề đổi mới chính trị, dân chủ, nhân quyền. Đó mới là công việc vừa khó, vừa lâu, nhưng có ý nghĩa lâu dài đối với quốc gia để xây dựng một nhà nước mạnh. Không phải chỉ cần đào tạo, có cái bằng là xong mà người học còn cần phải trải nghiệm làm việc thực tế. Hoặc một người phải trải qua nhiều năm làm việc ở khu vực công, đặc biệt là kinh nghiệm lãnh đạo dân cử (có kinh nghiệm ở những cộng đồng có tỷ lệ dân trí thấp lớn. Việc phổ biến kiến thức chính trị hay quyền dân sự dân thì chỉ vài tháng là xong, một khi đó là chủ trương của nhà nước. Nhiều người lề trái nghĩ rằng nâng cao dân trí chính trị cho dân để người ta đấu tranh. Nhưng trên thực tế bao nhiêu năm nay, số người đấu tranh vô cùng ít. Áp lực quá yếu, ý kiến tản mát, không thực tế, thậm chí bệnh hoạn, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, khiến đảng cộng sản nghĩ rằng đấy là những người không hiểu gì về quản trị nhà nước (QTNN), không có những suy ngẫm sâu sa về nguy cơ bất ổn xã hội. Thế nên công an dẹp hết.

Nước nào cũng đại đa số đân là dân trí thấp. Việt Nam hiện này có khoảng 29% số người trong tuổi học đại học, từ 18-29, đã hoặc đang tham gia học đại học. Có nghĩa là số người thật sự tốt nghiệp còn ít hơn nữa, có lẽ chỉ khoảng 27-28%. Có thể khẳng định đa số những người không có trình độ đại học khó có khả năng hiểu được những vấn đề phức tạp của quốc gia, mặc dù một tỷ lệ không nhỏ những người có trình độ đại học trở lên cũng vậy. Do vậy, sẽ không thái quá khi nói rằng đa số dân Việt là dân trí thấp. Dân Việt hay dân Mỹ đều sẽ phản ứng cảm tính giống nhau. Thế nên quan trọng nhất là xây dựng một nhà nước mạnh với đội ngũ chuyên gia giỏi.

Ở tất cả các quốc gia, các chuyên (các giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, và các nhà nghiên cứu khác) là những người thiết kế, soạn thảo mọi luật lệ, cơ chế, chính sách liên quan đến chính trị, chứ không phải chuyên viên của các bộ ngành, càng không phải các chính trị gia. Các vấn đề quan trọng liên quan đến đổi mới chính trị đều là các vấn đề phức tạp, phải nghiên cứu. Và các nhà nghiên cứu chính là những người thực hiện các nghiên cứu đó. Họ cũng chính là những người sẽ soạn thảo mọi thứ tài liệu nâng cao dân trí cho dân. Chuyên viên các bộ ngành chỉ quản lý các tài liệu đó, hoặc soạn thảo những văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đơn giản. Các chính trị gia chỉ thực hiện chức năng phê duyệt các văn bản luật lệ, cơ chế và chính sách. Họ đợi các chuyên gia và chuyên viên đệ trình các văn bản đó để quyết định Đồng ý, Không đồng ý. Ngay cả việc Đồng ý hay Không đồng ý, họ cũng cần có nhiều chuyên gia cố vấn.

Lề trái cũng có nhiều học giả, chuyên gia, nhiều nhà nghiên cứu các ngành, nhưng không đúng những ngành liên quan đến QTNN. Chính vì vậy, những đề xuất của họ không thực tế, không hơn gì những người dân bình thường khác. Lấy ví dụ để đổi mới chính trị biến Việt Nam thành một nhà nước phúc lợi như Thụy Điển cần 1000 bước. Những người nảy đề xuất ngay bước thứ 500, 600 vì họ không có những kiến thức cơ bản về QTNN. Ngay cả về nâng cao dân trí, họ cũng không hiểu rằng xây dựng đội chuyên gia là quan trọng nhất. Chính các chuyên gia đó sẽ là những người soạn thảo những tài liệu để nâng cao dân trí. Mỗi người đều có “ego” rất lớn. Rất khó có thể thuyết phục những người không có những kiến thức cơ bản hiểu và thay đổi ý kiến. Chưa kể những lý do chính trị ẩn đằng sau khiến cho việc thay đổi ý kiến của họ là hầu như bất khả.

Ai đang soạn thảo Luật biểu tình, Luật hiệp hội? Ở nước ta, đấy là các chuyên gia luật học. Đúng ra thì ở các nước phát triển, không phải chỉ có các chuyên gia luật mà cần cả các chuyên gia các ngành khác như khoa học chính trị, xã hội học, tâm lý, kinh tế…tham gia những đề án xây dựng những luật đó. Bởi lẽ, ngành luật mạnh về lý luận nhưng thường yếu về điều tra, thống kê. Trong khi đó, rất cần các chuyên gia của các ngành KHXH thực hiện các điều tra, thống kê đó để tìm hiểu nhu cầu thật sự của người dân về các vấn đề đó và đánh giá các nguy cơ bạo loạn. Đánh giá và dự báo hậu quả của biểu tình và đình công đối với doanh nghiệp, người lao động và xã hội nói chung là do các ngành KHXH thực hiện.

Ai soạn thảo các luật lệ, cơ chế chính sách về công đoàn độc lập? Đấy là các chuyên gia về luật học, khoa học chính trị, kinh tế lao động, kinh tế chính trị, xã hội học…Có nhiều người đòi Việt Nam cần phát triển xã hội dân sự. Thế nhưng rất cần phát triển đội ngũ chuyên gia về Xã hội Dân sự (xã hội học chính trị, khoa học chính trị, kinh tế chính trị...) để xây dựng luật lệ, cơ chế chính sách để quản lý, điều phối những thể chế đó.

Bây giờ đâu còn là thời của Phúc Trạch Dụ Cát, như cách đây gần 200 năm, một cá nhân chỉ cần đọc mấy chục cuốn sách best-sellers là có thể trở thành nhà tư tưởng, dẫn dắt quốc gia đến tương lai huy hoàng. Mỗi lĩnh vực đều có hàng triệu tài liệu hàn lâm và tài liệu chính sách để tham khảo. Cần phải học tập bài bản để có thể trở thành chuyên gia để hiểu được “ngôn ngữ chung” của ngành và “không cố gắng phát minh lại cái bánh xe”. Ngoài ra phải tôn trọng các chuyên gia, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với họ để có thể trao đổi ý kiến thường xuyên nhằm nâng cao tri thức của mình. Dĩ nhiên, học tập là quá trình cả đời. Bản thân các chuyên gia cũng phải thường xuyên trao đổi với các chuyên gia khác và những người có những kinh nghiệm thực tiễn tiếp xúc với người dân: ví dụ các chính trị gia, những người lãnh đạo dân cử, để nâng cấp trình độ.

Những người lề trái thích thực hành các hoạt động chính trị có thể tiếp tục công việc của họ, bởi đấy là sở trường và mối quan tâm của họ, và đương nhiên cũng có tác dụng nào đó. Tuy nhiên, nếu đội ngũ chuyên gia về đổi mới chính trị quá yếu thì sẽ không thuyết phục được đảng cộng sản quan tâm đúng mức đến các vấn đề tự do và dân quyền. Hơn nữa, ngay cả khi quan tâm, họ cũng cần chuyên gia cố vấn 10 bước đầu tiên, và thiết kế các bước tiếp theo, chứ không phải là bước thứ 500, 600.

Hiện nay, số người có bằng cao học trở lên về các ngành luật, quản lý công, kinh tế, xã hội học...cũng không phải là ít. Nhưng số người quan tâm và có kinh nghiệm thực tiễn về nghiên cứu, soạn thảo, tư vấn, phản biện chính sách về những vấn đề đổi mới chính trị vẫn còn rất hiếm. Thế nên cần phải đào tạo thêm những người thật sự quan tâm. Bản thân những người đã có kiến thức cơ bản và tâm huyết với đổi mới chính trị cũng phải tự nghiên cứu, để nỗ lực trở thành chuyên gia về lĩnh vực ấy.

Bước đầu tiên của Phúc Trạch Dụ Cát để canh tân nước Nhật cũng là đào tạo chuyên gia. Ông đã xúc tiến gửi mấy trăm người Nhật sang phương tây để học hỏi văn minh của họ.

 

No comments:

Post a Comment