Sunday, March 5, 2023

LƯƠNG TRI PHỔ QUÁT: VỊ THẾ KHÁC BIỆT CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN Ở VIỆT NAM, TRUNG QUỐC, NGA SO VỚI ĐÔNG ÂU

Tôi là nhà nghiên cứu, không phải là đảng viên. Trong bài viết này tôi muốn nói về sự khác biệt về vai trò của đảng cộng sản đối với các dân tộc trên thế giới và về lương tri phổ quát, nghĩa là những ứng xử chung của các dân tộc. Hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta đánh giá chính trị VN tốt hơn.

VAI TRÒ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VÀ LƯƠNG TRI PHỔ QUÁT 

Ở nhiều nước Đông Âu, vai trò của đảng cộng sản khá mờ nhạt, không có công lao gì đặc biệt đối với dân tộc. Đảng cộng sản ở nhiều nước Đông Âu do ngoại bang (Liên Xô) thành lập hoặc chuyển đổi, biến thành một thứ bù nhìn của ngoại bang. Công cuộc đấu tranh chống Liên Xô ở các nước này thực chất là chống lại sự can thiệp của ngoại bang. Nhưng sau này phương tây và giới chống cộng ở các nước này cố gắng diễn giải đó là đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản. Thế nên người dân các nước này có ác cảm với chế độ cộng sản.

Tuy nhiên, ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, và Nga, đảng cộng sản rất gắn bó và có công lớn đối với dân tộc. Ở Trung Quốc, đảng cộng sản có công chấm dứt nội chiến Quốc-Cộng, thống nhất đất nước, và từ 1980s đến nay, họ đưa Trung Quốc vào quỹ đạo trở thành siêu cường hàng đầu thế giới. Ở Nga, đảng cộng sản lãnh đạo nhân dân chiến thắng phát xít và biến Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường mạnh nhất thế giới. Chính vì thế, ngày nay dù đảng cộng sản không còn nắm quyền lãnh đạo, người Nga vẫn đánh giá cao các nhà lãnh đạo như Stalin và hoài niệm về Liên Xô. Năm 2000, quốc hội Nga đã lấy nhạc quốc ca Liên Xô làm nhạc quốc ca Nga, chỉ sửa lại phần lời cho phù hợp với thực tế. Một bài báo năm 2021 của đài FRI cũng phải thừa nhận rằng người Nga vẫn coi Stalin là anh hùng dân tộc, bất chấp phương tây ra sức bôi nhọ ông. 70% dân Nga coi sự nghiệp chính trị của ông là tích cực [1]. Những cuộc điều tra khác cũng cho thấy người Nga đánh giá cao các lãnh đạo đã nâng tầm Liên Xô nước Nga như Putin, Stalin và đánh giá thấp những người làm suy yếu nước Liên Xô như Gorbachev, Elsin. Còn ở VN, đảng cộng sản đã lãnh đạo nhân dân giành được nhiều thắng lợi quân sự trước ngoại bang, đặc biệt là những chiến thắng chấn động địa cầu như trận Điện Biên Phủ và trận Điện Biên Phủ trên không.

Lương tri phổ quát là tư duy giống nhau của mọi dân tộc trong những tình huống tương tự. Trong bài viết này, tôi muốn nói đến lương tri phổ quát trong việc trân trọng những chiến thắng trước ngoại bang và tri ân những người đã phục vụ tổ quốc. Mọi chiến thắng và thành tích trên đấu trường quốc tế, bất kể trong lĩnh vực nào (quân sự, thể thao, giáo dục, khoa học,v.v…) đều là niềm tự hào của các dân tộc. Chừng nào còn đường biên giới quốc gia, sẽ không có dân tộc nào trên thế giới chối bỏ những niềm tự hào đó. Tri ân những người đã đóng góp công lao, xương máu trong các cuộc chiến tranh với ngoại bang cũng là hành vi phổ quát của tất cả các dân tộc trên thế giới, bất kể chế độ chính trị.

Chính vì lương tri phổ quát cho nên về lâu về dài, đa số người Việt, người Trung Quốc, và người Nga sẽ không bao giờ thù ghét chủ nghĩa cộng sản như phương tây mong đợi. Ở Liên Xô, những người sống cùng thời với Stalin có thể nghĩ rằng đó là thời kỳ khủng khiếp. Nhưng các thế hệ sau này tư duy công bằng hơn. Họ so sánh những vi phạm nhân quyền của Stalin với các tổng thống Mỹ cùng thời (đàn áp/bức hại cộng đồng da màu, ngược đãi phụ nữ, bóc lột công nhân tàn tệ) và thấy cũng chả khác gì nhau. Chính vì vậy, họ đánh giá cao chiến thắng phát xít và vị thế mà Stalin đem lại cho Liên Xô. Một vấn đề nữa là tri ân những người đã đóng góp công lao, xương máu cho tổ quốc. Lấy ví dụ, nước Mỹ can thiệp quân sự khắp thế giới và nhiều lần phải thừa nhận đó là sai lầm, không có lợi gì cho quốc gia. Nhưng chỉ có vài người phải chịu trách nhiệm về các cuộc chiến tranh. Người Mỹ luôn luôn tri ân các tướng lĩnh thừa hành và binh lính, bởi những người này có nghĩa vụ tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh của cấp trên, tham chiến để phục vụ tổ quốc. Người Mỹ hiểu rằng họ phải tri ân và không có quyền lên án, chê cười những sỹ quan và binh lính cấp thừa hành. Bởi nếu không, sau này mỗi khi đất nước cần tham chiến binh lính và sỹ quan sẽ chống lệnh, đào ngũ hết, để đợi công chúng tranh cãi vài chục năm xem cuộc chiến đó là đúng hay sai, chính nghĩa hay phi nghĩa. Đến nay đa số người Mỹ đều cho rằng việc Mỹ tham chiến ở VN là sai lầm, nhưng John McCain vẫn là anh hùng dân tộc. Ai dám có lời lẽ thiếu trân trọng ông tham chiến ở VN sẽ bị cả xã hội Mỹ ầm ầm lên án. Huống chi ở VN, những chiến thắng trước ngoại bang trong thế kỷ 20 là có thật, đem đến niềm tự hào thật sự cho dân tộc.

Phương tây thường cố gắng biện bạch rằng người dân ở các nước này không cần tự do, dân chủ. Đài RFI dẫn lời bà Khrushcheva, cháu gái của Tổng bí thư Khrushchev: “Người Nga chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi không hề thích được tự do (…) Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, sự vô chính phủ hoành hành. Đối với chúng tôi, dân chủ đồng nghĩa với hỗn loạn, tội phạm, nghèo đói, thổ hào cát cứ và sự thất vọng. Trong nhiều thế kỷ, chúng tôi tìm kiếm lòng tự trọng từ Nhà nước. Chúng tôi hoài nhớ những vị quân vương xưa, những người đảm bảo trật tự, khêu gợi cảm giác ái quốc và khiến chúng tôi tin rằng Nga là một dân tộc vĩ đại” [1]. Bà Khrushcheva chỉ nêu lên một lý do là người Nga muốn phục hồi vị thế siêu cường của thế giới. Người Trung Quốc cũng có khát vọng ấy. Nhưng đó không phải là lý do quan trọng nhất. Lý do quan trọng nhất là tuyên truyền của phương tây đi ngược lại với lương tri phổ quát của nhân loại, bao gồm cả chính họ. Gần đây, chính quyền Mỹ công khai tuyên bố Trung Quốc và Nga là kẻ thù số 1 và 2 càng khiến cho người dân hai nước này hết ảo tưởng vào phương tây.

 

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÁC THẾ HỆ

Ở VN, có một nhóm khá đông, có lẽ đến vài triệu người, có hận thù với chế độ. Đó là những người phải chịu đựng những ngược đãi khi đảng cộng sản lên nắm quyền (v.d., những người hưởng bổng lộc thời Pháp thuộc, các quân cán chính VNCH và thân quyến). Đó còn là những người bị thiệt hại, oan ức do những sai lầm của chính quyền, chẳng hạn những dân oan bị mất nhà, mất đất, những người chịu án oan sai, hoặc có thân thân bị chết oan, tàn tật oan do sai phạm của lực lượng chấp pháp. Có thể gọi chung đó là “nhóm có thù hận với chế độ”.

Còn một nhóm khác cũng oán ghét chế độ. Đó là một số “công thần”, những người đã đóng góp công lao, xương máu trong các cuộc chiến tranh nhưng “sốc nặng” thời hậu chiến, bởi thực tế khác xa với những gì họ hình dung. Đó còn là nhiều cụ hưu trí, vốn không có thù hận với chế độ, nhiều người được chính quyền cho đi du học và/hoặc tạo điều kiện để có công danh địa vị trong xã hội. Thế nhưng họ có vẻ khá cay nghiệt với chế độ và hối thúc hậu bối đấu tranh để đổi mới chính trị. Nhiều người buộc tội họ cơ hội, vô ơn. Dù thông cảm với nguyện vọng đổi mới của họ, tôi cũng không khỏi băn khoăn về sự cay nghiệt ấy. Nhưng gần đây, đọc một số bài viết của họ, tôi chợt hiểu, có lẽ họ đã trải qua rất nhiều điều tồi tệ của thời bao cấp. (Một xã hội tù túng cả về vật chất lẫn tinh thần với nhiều lãnh đạo yếu kém). Những người là đảng viên thì còn phải chịu đựng những bất cập khác trong đường lối của đảng. Tất cả những điều đó đã gây cho họ những “chấn thương tinh thần”, tuy không rỉ máu như những vết thương của nhóm thù hận với chế độ. Có thể gọi chung đó là những “nạn nhân của thời bao cấp”.

Mang trong lòng mối thù hận hay oán ghét khiến cho những người đó nhìn nhận xã hội qua một lăng kính hằn học, cay nghiệt hơn những người khác. Chính vì vậy, họ khó có thể cảm nhận được xu hướng thay đổi tiến bộ của xã hội VN ngày nay. Những người đã từng là đảng viên có lẽ cũng ảo tưởng thái quá về sự tốt đẹp của các đảng phái ở phương tây. Đấy là chưa kể nhiều người có “cái tôi” rất lớn. Họ đều là các nhà chính trị salon, không hiểu gì mấy về sự bẩn thỉu của chính trị nhưng rất ngoa ngôn. Hoặc do tư duy đạo đức của họ có vấn đề cho nên không thấy lề trái cũng rất bẩn thỉu. Họ luôn nghĩ mình là “tấm gương về tài năng, đức độ” cho toàn xã hội noi theo.

Nhưng thế hệ công dân thời bao cấp còn có nhiều người khác. Đó là đông đảo những người chấp nhận thời thế hoặc ít quan tâm đến chính trị. Đó còn là đa số những người tự hào vì bản thân hoặc gia đình đã đóng góp công lao, xương máu trong chiến tranh. Họ cảnh giác với những gì đã xảy ra ở Đông Âu và thận trọng với cụm từ “đổi mới chính trị”. Nhóm này chiếm đa số trong xã hội.

Thế hệ của tôi cũng lớn lên trong nghèo túng của thời chuyển đổi từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Tôi học trường chuyên từ bé. Các bạn bè cấp II, III của tôi đều là những người giỏi giang, thành đạt. Hầu hết đàn ông trong số đó đều thường xuyên đọc tin tức chính trị lề trái. Họ cũng chứng kiến nhiều bất cập, yếu kém của khu vực công nhưng rất ít người bất mãn với chế độ (có lẽ dưới 1%). Tỷ lệ bức xúc sôi sục vô cùng nhỏ. Có lẽ là do với thế hệ tôi và sau tôi, cơ hội học tập, phát triển tài năng ở trong và ngoài nước, cơ hội định cư ở nước ngoài đã tương đối nhiều. Mức sống được cải thiện đáng kể. Khu vực tư nhân phát triển và cũng bộc lộ những xấu xí giống như khu vực công cho nên chúng tôi không đổ hết mọi khuyết tật của xã hội cho chính quyền. Đa số chúng tôi không nghĩ mình là nạn nhân của thời bao cấp.

Theo thời gian, các thế hệ có thù hận và oán ghét chế độ sẽ qua đi. Thế hệ F1 của họ có thể vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ tư duy của các bậc cha chú. Nhưng các thế hệ F2, F3 sẽ quên dần oán hận. Pháp luật tốt lên thì số lượng những sai phạm mới sẽ giảm đi, dần dần tiệm cận với các nước tiên tiến. Những người Việt sinh ra sau Đổi Mới sẽ tư duy giống như người Nga hiện nay. Họ sẽ đánh giá lịch sử một cách công bằng. Những gì thuộc về lương tri phổ quát sẽ tồn tại mãi.

[1] 65 năm Báo cáo “mật” : Tại sao Stalin vẫn được hoài niệm ở Nga?” FRI, 20/10/2021

 

No comments:

Post a Comment