Sunday, March 5, 2023

Chính trị lề trái: những kiều bào của chúng ta

Lâu nay giới Việt kiều đã gửi vô vàn ý kiến tâm huyết về đóng góp cho tổ quốc. Dù nhiều người trong số họ đã mang quốc tịch nước khác, họ vẫn là người gốc Việt. Họ đau đáu lo lắng cho quê hương, muốn quê hương phát triển bằng xứ người cũng là điều dễ hiểu, đáng được lắng nghe. Chỉ có điều, nếu họ thuần tuý nói về chuyên môn thì hữu ích. Nhưng cứ động đến luật pháp, cơ chế, chính sách (bao gồm chính trị) của VN thì sai rất nhiều. Vì sao ư? Vì khác với khoa học tự nhiên và kỹ thuật không có biên giới, khoa học xã hội có biên giới. Nghĩa là, để bàn về một luật lệ, cơ chế, chính sách của một quốc gia thì phải có trải nghiệm sống lâu dài ở đó thời gian gần đây với tư cách là một công dân, và có sự trao đổi thường xuyên với các chuyên gia bản địa. Đấy là những điều giới Việt kiều thường không có.

Chẳng hạn như về nghiên cứu khoa học ở VN. Nhiều người ở hải ngoại cứ đòi đào tạo tiến sỹ, phong phó giáo sư, giáo sư phải có xuất bản quốc tế, không những thế phải là xuất bản quốc tế xịn. Họ không biết rằng ở đa số trường đại học ở VN, đặc biệt là các trường tư, trường ở tỉnh lẻ, có nhiều khoa không ai biết xuất bản quốc tế nghĩa là gì. Đào tạo tiến sỹ ở VN không chỉ có mục đích hội nhập quốc tế mà còn có mục đích cố vấn chính sách cho chính phủ và phát triển nghiên cứu ứng dụng. Ví dụ, ngành luật VN hiện giờ vẫn chẳng mấy ai có xuất bản quốc tế. Nhưng toàn bộ việc sửa đổi các điều luật và chính sách quan trọng của quốc gia vẫn do giới học giả, đặc biệt là các giáo sư, tiến sỹ đảm nhiệm chính.

Hay là về kinh doanh. Hôm trước có một bài viết của một giáo sư Việt kiều phàn nàn rằng ông đã giới thiệu rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho giới doanh nhân VN. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các doanh nhân VN đều lựa chọn đối tác Trung Quốc bởi đối tác Nhật Bản thường đòi hỏi rất cao về chuẩn mực sản xuất và chất lượng sản phẩm, khó mà đáp ứng được. Thật ra không thể trách giới doanh nhân VN. Họ đã phải chịu vô số khó khăn rào cản. Thế nên không có gì ngạc nhiên họ luôn phải thực dụng, chọn đối tác dễ tính để đảm bảo có lợi nhuận. Có người nói, hầu như doanh nghiệp nào cũng phải trốn/tránh thuế thì mới tồn tại được. Vậy nên từ chối những yêu cầu cao về chuẩn mực và chất lượng đã là gì. Muốn làm như ông nói thì phải cải tạo toàn bộ môi trường pháp lý kinh doanh, và đào tạo tính chuyên nghiệp cho người Việt từ nhỏ.

 

II) VỀ CHÍNH TRỊ

Ở các lĩnh vực khác như khoa học, kinh tế, ý tế, giáo dục, xã hội, giới Việt kiều đều thực tâm đóng góp cho quốc gia. Chỉ có điều, họ thường rất thiếu kiến thức thực tiễn và cơ hội trao đổi với các chuyên gia bản địa. Nhưng chính trị thì rất khác. Quốc gia nào cũng tuyên truyền để bảo vệ chế độ của mình. Do ý thức hệ khác biệt, phương tây thường tuyên truyền tẩy não công dân nhằm tấn công làm suy yếu, thậm chí lật đổ chính quyền ở tất cả những nơi có thể chế chính trị khác họ. Thế nên giới Việt kiều có bức xúc với chính trị trong nước thường hiểu biết rất méo mó về chế độ cộng sản. Nhiều người mang quốc tịch nước ngoài cho nên bảo vệ lợi của nước họ chứ không phải lợi ích của VN. Chưa nói đến nhiều người mang sẵn thù hận cho nên chỉ muốn lật đổ chế độ để trả thù cho bõ ghét chứ không phải thực tâm muốn quốc gia phát triển.

Tiếc rằng giới hoạt động đối kháng không có kiến thức cho nên không hiểu điều đó. Họ nghĩ phương tây làm gì cũng giỏi hơn đứt người Việt. Triết lý gì của tây cũng là khuôn vàng thước ngọc. Một số bạn trẻ (và không trẻ lắm) quyết tâm “đi tìm đường cứu nước” bằng cách ra nước ngoài gặp gỡ các chính trị gia phương tây và cộng tác với các tổ chức chính trị hải ngoại. Họ lý luận rằng ngày xưa Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của ông cũng làm như thế được, thì tại sao bây giờ mình lại không thể làm như thế?

Thật ra là khác rất nhiều. Cho đến tận 1945, hầu như toàn dân VN mù chữ. Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của ông được học hành đến tiểu học, trung học đã là dạng tinh hoa của dân tộc, hiểu biết uyên bác nhất trong xã hội. Họ cộng tác với hải ngoại để tìm đường cứu nước, thành lập tổ chức chính trị riêng, nhưng họ lắng nghe và trân trọng ý kiến của các tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Nhiều người do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh gửi ra nước ngoài học tập. Họ nghiên cứu nghiêm túc các tài liệu của nước ngoài và thấy rằng chỉ có Lê Nin nhắc đến quyền lợi của các dân tộc thuộc địa. Hơn nữa, họ học hỏi cả LÝ THUYẾT CHÍNH TRỊ lẫn THỰC HÀNH ĐẤU TRANH. Quan trọng nhất là khi ấy người Việt mất nước. Mọi vấn đề hệ trọng của quốc gia đều do Toàn quyền Đông Dương và các quan Công sứ người Pháp quyết định.

Ngày nay, thời thế đã khác rất nhiều. Hiện giờ người Việt đã nắm quyền điều hành quốc gia. Kiến thức và kinh nghiệm quản trị nhà nước của VN đã tích luỹ được rất nhiều sau hơn 70 năm. Những người am hiểu nhiều nhất về chính trị là các chuyên gia về quản trị nhà nước. Nhưng không ai trong số đó lựa chọn lề trái khi còn ở độ tuổi lao động. Giới đối kháng trẻ và trung niên chỉ vài người có một số kiến thức, nhưng hoàn toàn thiếu kinh nghiệm nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn (ví dụ, làm lãnh đạo trung/cao cấp ở khu vực công). Đại đa số còn lại chẳng có tí kiến thức gì về điều hành quốc gia. Chính vì thiếu hiểu biết cho nên họ sùng bái phương tây, không hiểu rằng người nước ngoài thường không đủ cả TÂM lẫn TẦM để bàn về chính trị VN. Các nhà hoạt động ngày nay “ra đi tìm đường cứu nước” chỉ được các tổ chức hải ngoại huấn luyện về THỰC HÀNH ĐẤU TRANH. Các khoá học đó được xây dựng trên các tiên đề (không chứng minh): “Chế độ cộng sản là ác quỷ”, “Mọi chế độ độc tài đều xấu xa, cần phải loại bỏ ngay lập tức”. Giá như họ theo học những khoá cao học nghiêm túc để hiểu về LÝ THUYẾT CHÍNH TRỊ thì đã tốt. Đấy là chưa kể, đại đa số giới hoạt động chưa thành đạt cho nên nhu cầu thể hiện bản thân bằng con đường chính trị rất lớn, dẫn đến không tôn trọng các tiền bối lề trái thành đạt và hiểu biết, đồng thời đố kị, chửi bới, tấn công các chuyên gia lề phải. Thế nên, họ rất dễ bị các thế lực chống cộng tung hô như anh hùng để lợi dụng vào những mục đích đen tối. Nhiều cụ hưu trí lề trái thường tri ân các anh hùng, liệt sĩ, chứ đám thanh niên, trung niên chỉ say mê bôi nhọ họ để làm hài lòng cộng đồng Bolsa. Không thể so sánh họ với những người kháng chiến thời tiền thời nghĩa được.

Nhiều người sẽ thắc mắc trình độ chuyên gia của VN còn yếu kém thì làm sao để tự quyết định công việc chính trị nội bộ mà không cần nhờ đến các chuyên gia quốc tế? Thực tế, đúng là trình độ chuyên gia của VN vẫn còn khá kém. Nhưng tất cả các vấn đề về chủ trương, đường lối chung (v.d. có nên áp dụng tam quyền phân lập hay chưa? Tự do báo chí ở mức nào là vừa? Có nên cho phép phát triển những loại hình xã hội dân sự hay không?), chuyên gia người Việt hoàn toàn có thể tự quyết định được. Chỉ khi đi vào chi tiết, ví dụ sau khi quyết định cần sửa đổi một số điều của Bộ luật dân sự, họ có thể tham khảo của một số chuyên gia quốc tế trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi. (Chuyên gia quốc tế ở đây là nói đến chuyên gia của các tổ chức phát triển quốc tế. Họ biết đối thoại một cách khiêm tốn và tôn trọng đối tác, bởi hiểu rõ nhược điểm của chính mình với tư cách là người nước ngoài. Ở đây không nói đến mấy ông giáo sư, tiến sỹ chính trị Việt kiều chỉ chê bai, chửi bới um xùm, nhưng chưa bao giờ có cơ hội trao đổi với các chuyên gia trong nước).

Một số người cho rằng việc các thanh niên mới lớn và những người hiểu biết chính trị sơ sài đấu tranh cũng là điều tốt để gây áp lực lên chính quyền. Tiếc là điều ấy không đúng lắm. Hiện nay chính quyền chủ trương không để cho bất kỳ một mầm mống tổ chức chính trị nào tồn tại. (Chủ trương này đúng hay sai là vấn đề rất dài, tôi sẽ bàn ở những bài viết khác). Thế nên cộng đồng đối kháng vốn đã èo uột, teo tóp lại càng rời rạc hỗn loạn. Không có tổ chức lớn, mỗi người, mỗi nhóm be bé có một quan điểm khác nhau cho nên chẳng tạo ra được sức ép nào. Không những thế, đại đa số họ còn là trở ngại cho công cuộc đổi mới chính trị bởi họ khiến công an lo ngại nhận thức yếu kém, cực đoan và cuồng tín.

Nói như vậy không có nghĩa là hoàn toàn không cần đến các nhà thực hành, hoặc không nên lắng nghe quan điểm chính trị của giới Việt kiều. Nếu các nhà thực hành không có cơ hội được học tập về lý thuyết, hoặc không hứng thú với việc học hành đó thì sao? Bài viết này chỉ khuyên họ nên cẩn trọng khi cộng tác với hải ngoại. Đặc biệt, hành vi của họ phải hướng đến “được lòng dân”. Không phải là cứ chống độc tài là đương nhiên trở thành người “đấu tranh vì dân tộc”, bởi nếu vậy thì IS, Taliban cũng “đấu tranh vì dân tộc”.

Ngoài ra, nếu nhà hoạt động nào cảm thấy phù hợp với con đường học thuật thì nên cân nhắc lựa chọn con đường ấy. VN hiện giờ rất thiếu các nhà nghiên cứu độc lập thực sự quan tâm đến đổi mới chính trị. Quá thiếu chuyên gia, thiếu những đề xuất có tính thực tế, thì cho dù công chúng chửi bới cỡ nào, chính quyền cũng sẽ không làm gì cả.

Nếu các bạn để ý thì sẽ thấy có sự thiên vị rõ ràng đối với giới lý luận so với giới thực hành. Chính quyền trừng phạt rất nặng những thanh niên mới lớn và những người hiểu biết chính trị sơ sài nhưng manh động, đe doạ an ninh quốc gia. Trong khi đó, họ hầu như không cản trở các nhà hoạt động trẻ đi học cao học chính sách công và các cao học khác. Những người bất mãn chế độ và những người ra khỏi đảng vẫn được phong giáo sư, phó giáo sư. Nghĩa là đảng CS vẫn thực tâm lắng nghe và trân trọng tri thức, với điều kiện bạn phải am hiểu về về vấn đề mình nói.

 

No comments:

Post a Comment