Sunday, March 5, 2023

Vai trò của giới hàn lâm trong việc nâng cao dân trí chính trị

1) CÓ CẦN THIẾT PHẢI KHAI TRÍ CHÍNH TRỊ? Chính trị là một lĩnh vực chuyên môn sâu, giống như xây dựng. Nếu bạn chưa từng được học bài bản về xây dựng và chưa từng tham gia thi công công trình xây dựng nào thì bàn về xây dựng chỉ là tán phét cho vui. (Hơn thế, chính trị là lĩnh vực đòi hỏi kiến thức đa ngành. Nhiều việc quan trọng, phức tạp của quốc gia cần nhiều chuyên gia cùng trao đổi, bàn bạc chứ không một cá nhân nào có thể tự quyết).

Người ta chỉ nâng cao dân trí đối với những thứ đơn giản, có thể hiểu được trong thời gian ngắn, và chỉ đòi hỏi năng lực tư duy ở bậc phổ thông. Còn những lĩnh vực chuyên môn sâu như chính trị, xây dựng, y tế, khoa học máy tính, muốn có kiến thức cơ bản thì nên theo các khoá học nghiêm túc. Để có thể góp ý cho những vấn đề quan trọng như "Có nên thực thi tam quyền phân lập hay không", "Tự do báo chí đến mức nào là vừa" thì thậm chí phải có trình độ cao học về một ngành thuộc quản trị nhà nước. Một số người có thể có những kiến thức đó thông qua trải nghiệm thực tế (v.d., làm quan chức hoặc lãnh đạo trung, cao cấp ở khu vực công). Nhưng hầu hết công dân trong xã hội không có cơ hội đấy thì có một con đường phổ biến hơn là tham gia những khoá cao học ở trong hoặc ngoài nước.

Trên các diễn đàn, người ta vẫn tán nhảm về đủ thứ, chính trị, xây dựng, y tế, khoa học máy tính. Nhưng ông A mô tả con mắt, ông B cái đuôi, bà C cái chân voi thì vẫn chẳng thể giúp nhóm khán giả mù hình dung đúng về con voi. Đấy là chưa kể, cùng mô tả mắt voi, ba ông A, D, F mỗi người nói một phách thì làm sao các khán giả mù hiểu được. Thậm chí có nhiều người tự đọc tài liệu chính trị linh tinh rồi đòi nâng cao dân trí cho người khác. Rất tiếc, chính trị là một lĩnh vực đòi hỏi hiểu biết rộng và có hệ thống, cho nên không thể tự đọc được.

Tôi không phủ nhận tác động tích cực của các diễn đàn như vậy (ví dụ để tán chuyện thư giãn, kết nối làm quen, và nếu có thù hận thì đó là những nơi tốt để xả thù hận). Nhưng gọi đó là nâng cao dân trí thì hơi buồn cười. Nhiều người ở hải ngoại và những người có thù hận với chế độ cho rằng người trong nước bị tuyên giáo nhồi sọ. Họ có bao giờ nghĩ rằng chính họ cũng bị tuyên giáo phương tây nhồi sọ cho nên hiểu biết về chế độ cộng sản rất méo mó hay không?

Ngoài ra, tôi không nghĩ rằng sẽ có chuyên gia nào về chính trị thích lên các diễn đàn đại chúng để nói về chuyên môn của mình. Đơn giản là vì chẳng ai thích đem cái “sinh nghề, tử nghiệp” của mình ra cho giới không chuyên làm mồi nhậu. Có thể đôi khi họ sẽ đảo qua nếu quan điểm của họ phù hợp với ý nguyện của “nhân dân tiến bộ” ở những nơi ấy. Nhưng sẽ thật tai hoạ nếu đó là ý tưởng “bảo vệ chế độ”, “chống lại nguyện vọng của nhân dân”. Rất nhiều người mang nặng thù hận, hoặc đố kị, hoặc hiểu biết sơ sài, sẽ kiên trì “chứng minh” rằng họ là kẻ ngu dốt nhất VN. Thế nên tôi không ngạc nhiên khi Huỳnh Thế Du bỏ chạy khỏi một diễn đàn như vậy.

2) ĐỂ VIẾT SÁCH CẦN NHỮNG GÌ? Để viết một cuốn sách giáo khoa về chính trị cho thiếu nhi cũng cần đến các giáo sư/tiến sỹ chủ biên và biên soạn chính. Những người khác ngoài giới vẫn có thể viết sách chính trị. Đôi khi họ cũng có những ý hay, nhưng nhiều khi chỉ là “Phát minh lại cái bánh xe”. Nhưng viết sách để độc giả có hiểu biết toàn diện và hệ thống, thực sự phục vụ dân tộc thì thường giới hàn lâm mới làm được. Và không ai trong giới hàn lâm tin rằng các kiến thức trong sách giáo khoa cho thiếu nhi hay cho đại chúng là đủ để trả lời các vấn đề chính trị quan trọng của quốc gia.

3) Giới hàn lâm đảm nhiệm tất cả những đề án quan trọng nhất về Đổi mới Chính trị, Xã hội với vai trò là chủ nhiệm đề tài, hoặc nghiên cứu chính. Tất cả những gì quan trọng và phức tạp đều phải nghiên cứu, và nghiên cứu là nghề của họ. Đôi khi, bạn có thể thấy một một ông bộ trưởng/thứ trưởng là chủ nhiệm một đề án quốc gia nghiên cứu về cải tổ pháp luật (ví dụ, chuyển đổi mô hình chính trị thành lưỡng viện, tam quyền phân lập). Nhưng phụ trách chính về mặt chuyên môn vẫn phải là một ông bà giáo sư, tiến sỹ nào đó. Ông bộ trưởng/thứ trưởng chỉ là người ra quyết định cuối cùng. (Vai trò của ông bộ/thứ trưởng giống như giám đốc doanh nghiệp. Kế toán trưởng làm hết các công việc kế toán. Nhưng giám đốc mới là người quyết định có duyệt chi cái này, cái kia hay không.)

Tôi chưa có thời gian để tìm hiểu kỹ về các nước khác. Ví dụ Tối cao Pháp viện của Mỹ cũng phải nghiên cứu sửa đổi nhiều quy định pháp lý quan trọng, tôi chưa có thời gian tìm hiểu lý lịch các ông bà thẩm phán ở viện đó. Nhưng điều chắc chắn, tất cả những vấn đề khó khăn nan giải nhất về chính trị-xã hội ở các quốc gia đó đều phải nghiên cứu, và giới hàn lâm đảm nhận chủ yếu. Ở VN, vai trò của giới hàn lâm còn lớn hơn nữa.

4) CÓ MỘT SỰ HIỂU LẦM PHỔ BIẾN là để hiểu về chính trị thì phải đọc tài liệu về Khoa học Chính trị, hoặc các giáo sư Khoa học Chính trị là những người hiểu biết nhiều nhất về chính trị. Nếu bạn muốn tìm hiểu về cấu trúc bộ máy nhà nước, về một hệ thống bầu cử ở một quốc gia thì có thể học Khoa học Chính trị. Nhưng để hiểu sâu về chính trị nói chung, ví dụ để trả lời các câu hỏi: “Chính quyền cần phải làm gì để đổi mới chính trị?” hay “VN có nên cho phép đa đảng hay không?” thì phải có kiến thức về một lĩnh vực đa ngành gọi là Quản trị Nhà nước (QTNN), bao gổm nhiều ngành xã hội nhưng trọng tâm là KHOA HỌC CHÍNH TRỊ, CHÍNH SÁCH, KINH TẾ, VÀ LUẬT. (Ngành XÃ HỘI HỌC cũng cung cấp nhiều kiến thức về Quyền lực, Phong trào xã hội, Các tổ chức xã hội, Đình công, Biểu tình, Xã hội Dân sự v.v. Về chính trị đối ngoại thì các ngành như QUAN HỆ QUỐC TẾ, KHU VỰC HỌC cung cấp nhiều kiến thức hữu ích).

Dĩ nhiên, chẳng có chuyên gia nào trên đời được đào tạo sâu về 3-4 ngành của QTNN. Thông thường họ được đào tạo một ngành và rồi tự nghiên cứu thêm hoặc có cơ hội trải nghiệm thực tiễn nên có kiến thức (ví dụ có cơ hội làm lãnh đạo bậc trung/cao cấp ở khu vực công). Cũng không phải là cứ học về Quản trị Nhà nước là cái gì về Quản trị Nhà nước cũng biết, hoặc là học về chính sách công là có quyền nói về bất kỳ chính sách gì. Các khoá học chỉ cung cấp cho các bạn các kiến thức cơ bản ban đầu, thậm chí học Quản trị Kinh doanh, bạn cũng sẽ được học về luật. Nhưng muốn hiểu sâu thêm về chủ đề gì thì bạn phải tự nghiên cứu thêm.

5) MỘT SỰ HIỂU LẦM PHỔ BIẾN KHÁC là cái gì liên quan đến luật thì các luật gia sẽ là chuyên gia. Người dân không chỉ bức xúc về các vấn đề dân chủ, dân quyền mà còn bức xúc về rất nhiều luật lệ, cơ chế, chính sách khác. Ví dụ, 80% các vụ kiện dân sự ở VN liên quan đến đất đai. Luật Đất đai và các chính sách về đất đai là do các luật gia và các nhà kinh tế cùng xây dựng. Có nhiều luật/chính sách chuyên ngành chủ yếu là do chuyên gia của ngành đó xây dựng: Ví dụ Luật Cạnh tranh là do các chuyên gia kinh tế đóng góp chủ yếu, Luật môi trường do các chuyên gia môi trường đóng góp, Luật Giao thông-Vận tải, Luật Năng lược do các chuyên gia giao thông, vận tải, năng lượng đóng góp. Nhiều khi chuyên gia của vài ngành cùng tham gia xây dựng luật: ví dụ, Luật Lao động, Luật Công đoàn. Các luật gia chỉ đảm nhiệm chủ yếu và hầu hết về một số bộ luật/luật như Hiến Pháp, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự…Thế nên khi nỏi rằng hệ thống luật pháp của VN kém, có nghĩa chuyên gia các ngành nói chung kém chứ không phải chỉ các luật gia kém. (Luật pháp ở đây bao gồm các cơ chế, chính sách)

6) VAI TRÒ CỦA NGÀNH KINH TẾ TRONG QUẢN TRỊ NHÀ NƯỚC: Hồi lâu lâu, TS Nguyễn Văn Đáng, một chuyên gia chính trị và xã hội học, có bài phàn nàn rằng Kinh tế hiện nay thống trị lĩnh vực chính sách. Thực tế đúng là như vậy, nếu vào website của Harvard Kennedy School of Government (trường hàng đầu về chính phủ), bạn sẽ thấy các giáo sư kinh tế hướng dẫn 85%-90% luận án tiến sỹ về Chính sách công. Ở VN và các nước khác cũng vậy, các giáo sư kinh tế hướng dẫn luận văn cho đa số các luận án về Chính sách công, Quản lý công, Quản trị Nhà nước. Kinh tế hiện đại hoàn toàn khác với cách hiểu thông thường chỉ gắn với gì có vẻ “kinh tế” (tiền bạc, giá cả, chứng khoán v.v). Kinh tế hiện đại được định nghĩa là khoa học về cách thức xã hội quản lý nguồn lực (nguồn lực tự nhiên, nguồn lực con người (xã hội), và nguồn lực nhân tạo). Ngành kinh tế phải tham gia hoạch định chính sách cho tất cả các ngành khác cho nên đào tạo rất nhiều mà vẫn không đủ.

Một ví dụ, GS Nguyễn Tiến Hưng, tác giả cuốn “Khi đồng minh tháo chạy”, là giáo sư kinh tế nhưng là phụ tá chính trị của TT Nguyễn Văn Thiệu. Có nghĩa là có kinh nghiệm nghiên cứu kinh tế thì rất thuận lợi để nghiên cứu chính trị (QTNN).

Hiện nay, hầu hết các nhà kinh tế VN tập trung nghiên cứu về các vấn đề kinh tế truyền thống. Thế nên nếu hỏi họ về dân chủ, dân quyền thì có thể họ sẽ trả lời khá ngây thơ, trừ một số người nghiên cứu về Kinh tế Chính trị thì bắt buộc họ phải tìm hiểu rất nhiều về các lĩnh vực chính trị.

7) TUYÊN TRUYỀN CỦA TUYÊN GIÁO: Tuyên giáo của đảng nào (chính quyền nào) cũng hướng đến nhóm đối tượng đông đảo nhất, bao gồm những người hiểu biết chính trị sơ sài (v.d. trẻ vị thành niên, thanh niên mới lớn, nhóm dân trí thấp, các nhóm ở các vùng sâu, vùng xa), những người ít quan tâm đến chính trị, và các công thần (v.d., các cựu chiến binh) để xây dựng niềm tin của nhân dân vào đảng (chính quyền) nhằm ổn định xã hội và bảo vệ chế độ. Có nhiều người ca tụng truyền thông phương tây khách quan, đa chiều. Thực tế, không hoàn toàn vậy. Truyền thông đại chúng của họ tấn công vào những quốc gia có thể chế chính trị khác họ hết sức bất công, tàn nhẫn. Không khó để thấy ở trên các hãng tin lớn của phương tây, hàng trăm bài báo ca ngợi các nền dân chủ mới có 1, 2 bài nói về mặt tích cực của các chế độ cộng sản, nhưng thậm chí sẽ chẳng có bài nào ca ngợi một người cộng sản nào đó là anh hùng chân chính, chiến đấu vì đại nghĩa. Với cách tuyên truyền như vậy thì đa số công dân trong xã hội bị “tẩy não” là đương nhiên. Hơn nữa, trong các xã hội phương tây người dân có nhiều quyền hơn, tự do hơn, thịnh vượng hơn cho nên nhiều độc giả ác cảm với Tuyên giáo VN hơn. Về bản chất “chúng nó đều như nhau cả thôi”. 

Thật ra, nhiều bài của tuyên giáo trên truyền thông đại chúng của VN dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc. Nhưng do phải hướng đến nhóm đối tượng như vậy cho nên chúng mang tính đảng phái khá nặng, lập luận đơn giản đến mức thiếu logic, khiến cho nhiều người có năng lực tư duy tốt cảm thấy khó chịu vì có vẻ dối trá. Nhưng nếu bạn đọc hồi ký của Obama mà tôi trích trong bài “Người Mỹ nghĩ gì về nền chính trị Mỹ”, bạn sẽ thấy người dân Mỹ cũng rất ngứa tai với tuyên truyền chính trị ở nước họ.

Nói như vậy không có nghĩa là hệ thống truyền thông ở VN cứ nên tiếp tục với cung cách như hiện nay. Có rất nhiều người bức xức về những tuyên truyền sùng bái lãnh tụ hoặc ca ngợi các chiến thắng của cuộc chiến 1975-1975, bao gồm cả chiến thắng giữa người Việt với người Việt, bởi những điều đó gây ra tổn thương cho cộng đồng Việt kiều và những người gắn bó với chế độ VNCH và có oán hận với chế độ hiện nay. Nhưng các bạn cũng nên hiểu cái khó của Đảng CS. Họ cần phải ổn định xã hội trước sức tấn công quá mạnh của truyền thông phương tây và hải ngoại chống cộng. Tiếc là tôi chưa nghĩ ra giải pháp nào cả.

8 ) TRÁCH NHIỆM CỦA GIỚI HÀN LÂM: Giới hàn lâm và các nhà lý luận/phê bình chính trị có luôn trách nhiệm định hướng xã hội về mặt lý thuyết. Ở phương tây, từ thời của Marx, Engel, Arendt, Sartre cho đến gần đây, Kissinger, Huntinhton, Fukuyama, Sandel, Habemas, Zakaria đều là những người đề ra những triết lý, học thuyết chính trị, học thuyết phát triển phù hợp với quốc gia của mình với tư cách là triết gia, nhà tư tưởng độc lập. Họ phải có năng lực phê phán chính phủ một cách khách quan. Không những thế, họ còn nghiên cứu, định hướng về tổ chức, phong trào cho giới hoạt động thực hành.

Lý thuyết chính trị bao gồm phần lớn là triết học chính trị. Thế nên nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng cũng phải có tư duy triết học, nghĩa là gạt bỏ mọi định kiến để tư duy một cách khách quan. Sẵn sàng thay đổi quan điểm 180 độ. Lề phải có nhiều nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng như vậy, nhưng công việc của họ tương đối lặng lẽ. Dĩ nhiên còn rất xa mới có thể so sánh với các triết gia, nhà tư tưởng lớn của thế giới, nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực của họ. Rất nhiều lý luận của tuyên giáo dựa trên những kết quả nghiên cứu của họ. Nhưng lề trái hầu như không có những nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng như vậy. Lý do có lẽ vì các cụ hưu ít được đào tạo bài bản ở các ngành đấy, trong khi giới học giả trong độ tuổi lao động muốn đóng góp cho quốc gia bằng con đường chính thống cho nên cũng không hứng thú dính vào lề trái. Một nguyên nhân nữa là có thể chủ trương đường lối của chính quyền hiện nay không quá tệ cho nên họ không bức xúc đến mức thấy cần phải đấu tranh.

Hiện nay, giới Việt kiều và nhóm có hận thù với chế độ thống trị các diễn đàn lề trái. Nhưng những lý luận của họ chỉ là một mớ thiên kiến xác nhận (confirmation bias) chứ không phải là những nghiên cứu nghiêm túc. Nghĩa là mang sẵn định kiến trong đầu “cộng sản là ác quỷ”, “cần phải xoá bỏ độc tài ngay lập tức”, họ cố gắng tìm lý lẽ để biện bạch cho các định kiến ấy một cách khiên cưỡng. Hơn nữa, họ rất thiếu kiến thức thực tế ở VN cho nên cũng chẳng thể kỳ vọng gì ở họ. Có một dạng bài viết khác là hô hào, cổ vũ chung chung kiểu như “cần phải dân chủ hoá”, “cần phải thực thi tam quyền phân lập”, “cần phải trung lập hoá quân đội”. Thế nhưng có lẽ các tác giả thiếu kiến thức bài bản cho nên cũng chẳng thể đề xuất cái gì có tính ứng dụng.

9) TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NHÀ THỰC HÀNH: Một số nhà thực hành, ví dụ các thủ lĩnh chính trị như Gandhi, King, Mandela, cũng tự nghĩ ra được các học thuyết để định hướng cho giới thực hành. Nhưng thông thường các học thuyết đó đều phải dựa trên nguyên tắc “được lòng dân”, đoàn kết dân tộc. VN có bối cảnh lịch sử rất đặc biệt. Đảng cộng sản rất có công và gắn bó với dân tộc. Thế nên càng đòi hỏi những triết lý đặc biệt. Thế nhưng giới thực hành VN không đủ năng lực để tự xây dựng những triết lý “được lòng dân” như vậy. Họ dựa vào các lý luận của phương tây, giới chống cộng và các nhóm có thù hận với chế độ thì tất yếu dẫn đến bị cô lập, không có chính nghĩa. Thậm chí họ là trở ngại cho đổi mới chính trị bởi chính quyền đánh giá họ nhận thức yếu kém, cực đoan, cuồng tín. Không những thế, không có kiến thức về phát triển phong trào thì còn trở thành phá hoại cộng đồng đối kháng như vừa rồi.

10) CHÍNH TRỊ LÀ LĨNH VỰC QUÁ PHỨC TẠP. Nếu muốn có những hiểu biết cơ bản một cách có hệ thống thì không cách gì có thể thay thế các khoá học bài bản. Bây giờ có nhiều khoá cao học về Chính sách công, Quản trị Công, Quản trị Nhà nước, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh online, offline, trong và ngoài nước. Bất kể bạn có bằng đại học thuộc ngành nào cũng có thể đăng ký. (Các khoá cao học về Luật, Quan hệ Quốc tế, Khoa học Chính trị thì thường đòi hỏi bạn phải có bằng đại học có liên quan, hoặc phải có người chứng nhận có kinh nghiệm làm việc thực tế liên quan). Chỉ 1.5-2 năm là có kiến thức cơ bản.

 

No comments:

Post a Comment