Sunday, March 5, 2023

Ngành ngoại giao, luân chuyển cán bộ, và dân chủ hoá

Ngoại giao là lĩnh vực rất quan trọng đối với hầu hết các quốc gia. Ở Mỹ, ngoại trưởng đứng đầu nội các, và ở vị trí thứ 4 trong danh sách kế vị chức tổng thống (sau phó tổng thống, chủ tịch hạ viện, và chủ tịch thượng viện). Ở VN, bộ trưởng bộ ngoại giao luôn luôn là UVTW, thậm chí nhiều người là UVBCT, Phó Thủ tướng.

Nhiều quan chức, lãnh đạo các cấp của ngành ngoại giao rất tâm huyết với dân chủ hoá nước nhà. Điều này cũng dễ hiểu. Các cán bộ ngành ngoại giao thường biết vài ngoại ngữ, đọc thông thạo báo chí nước ngoài. Nhiều người có thời gian công tác lâu năm (hoặc làm việc ở bộ phận quản lý của Bộ ngoại giao) ở các quốc gia dân chủ phát triển. Họ thấu hiểu những văn minh ở xứ người cho nên sốt sắng mong muốn áp dụng ở VN. Các cán bộ ngoại giao cũng thường ứng xử hoà nhã, khéo léo, có khả năng tạo ra môi trường thân thiện, dễ chịu hơn mặt bằng chung của xã hội.

Nhưng ngành ngoại giao làm việc chủ yếu với “chính sách đối ngoại”, trong khi tự do, dân chủ thuộc về “chính sách đối nội”. Ngành ngoại giao rất quan trọng đối với quốc gia bởi vì chính sách đối ngoại là lĩnh vực hết sức quan trọng chứ không phải vì các cán bộ ngành ngoại giao am hiểu về chính sách đối nội. Sự phân chia này đã bắt đầu từ khi đào tạo của ngành ngoại giao. Ở bậc đại học, cao học, các cán bộ ngành này chủ yếu học về chính sách đối ngoại. Khi ra công tác, họ cũng làm việc chủ yếu về đối ngoại. Họ có thể sống lâu năm ở nước ngoài, am hiểu chính sách đối nội của một vài quốc gia phát triển nào đó. Nhưng nói là họ có kinh nghiệm thực tiễn về chính sách đối nội của VN thì…có lẽ không đúng. Môi trường làm việc thân thiện, dễ chịu của ngành ngoại giao lại là nhược điểm, khiến họ khó hiểu sự phức tạp của vấn đề dân trí thấp và những bất mãn chế độ ở VN.

Ở VN, TW là nơi quyết định mọi đường lối, chủ trương quan trọng nhất của quốc gia. (Các chủ trương, đường lối liên quan đến dân chủ hoá chủ yếu cũng do TW quyết định). Sau khi TW ra quyết định, quốc hội chủ yếu chỉ thông qua. Để trở thành UVTW, các lãnh đạo của nhiều bộ ngành thường phải luân chuyển làm lãnh đạo ở địa phương (v.d. làm bí thư, chủ tịch UBND tỉnh). Điều này là do lãnh đạo các bộ, ngành thường chủ yếu làm việc với nhân viên của các bộ, ngành. Những nhân viên này thường có trình độ đại học trở lên và thông thạo một chuyên môn nào đó. Nếu họ bất mãn, chống đối hoặc làm việc không tốt thì có thể trừng phạt bằng cách sa thải, chuyển sang các công việc khác, hạ lương, thưởng. Nhưng lãnh đạo các tỉnh thường xuyên phải đối mặt với tỷ lệ dân trí thấp khá cao. Đa số công dân chỉ có bằng tiểu học, trung học. (VN hiện có chưa đến 29% dân số học đại học). Trình độ học vấn, trình độ văn hoá đều thấp. Nhiều mâu thuẫn, xung đột, nhiều ổ tội phạm và tệ nạn xã hội. Tỷ lệ bất mãn với chính quyền vì nghèo túng, an sinh xã hội kém, và các nguyên nhân khác khá cao. Thế nhưng các lãnh đạo tỉnh không thể “tống cổ” đám dân trí thấp, đầy rẫy bất mãn và tệ nạn ấy sang tỉnh khác được, và cũng không thể trừng phạt nếu họ không phạm pháp. Việc luân chuyển cán bộ như vậy sẽ giúp lãnh đạo các bộ ngành hiểu được sự phức tạp khi quản lý một quốc gia, bởi lẽ quốc gia cũng chỉ là một đơn vị địa lý cao hơn cấp tỉnh. Các lãnh đạo quốc gia cũng phải đối mặt với tỷ lệ cao dân trí thấp, đầy rẫy bất mãn và tệ nạn.

Cũng có một số lãnh đạo bộ, ngành, đoàn thể có thể vào TW ngay mà không cần luân chuyển làm lãnh đạo địa phương. Ví dụ lãnh đạo các đoàn thể (v.d. lãnh đạo đoàn thanh niên, các tổ chức đại diện cho công nhân, nông dân, dân tộc thiểu số), lãnh đạo một số bộ ngành thường xuyên chịu áp lực của công chúng như Y tế, Giáo dục; lãnh đạo các ngành như công an, quân đội vốn thường xuyên phải đối phó với các đối tượng phức tạp, và các âm mưu của ngoại bang kích động các nhóm dân trí thấp, các nhóm thiểu số. Trong khi đấy, nhiều lãnh đạo của các ngành như ngoại giao vào TW ngay là bởi vì đối ngoại là lĩnh vực rất quan trọng đối với quốc gia chứ không phải vì họ am hiểu về chính sách đối nội. TW quyết định rất nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia chứ không phải chỉ mỗi vấn đề liên quan đến đổi mới chính trị, cho nên cần nhiều chuyên gia am hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau.

 

CẦN AM HIỂU VỀ DÂN CHỦ HOÁ ĐẾN MỨC NÀO?

Nhiều người thường xuyên viết trên lề trái được giới thiệu là cựu lãnh đạo các cấp ở khu vực công, (bao gồm các lãnh đạo ngành ngoại giao). Nhưng điều ấy chỉ đảm bảo họ có khả năng làm việc với cơ quan nhà nước một cách lịch sự, có văn hoá, chứ không đảm bảo là họ am hiểu về vấn đề họ muốn nói (ví dụ, về tự do, dân chủ). Họ đã từng thực sự nghiên cứu chuyên sâu hoặc có kinh nghiệm làm việc thực tiễn về một chủ đề nào trong đó chưa?

Ở các quốc gia phát triển, đại biểu quốc hội và các quan chức nhà nước thường tổ chức gặp gỡ công dân, chủ yếu là để lắng nghe nguyện vọng của dân hoặc để giải thích, vận động, thuyết phục công chúng về chủ trương, đường lối của chính quyền. Nhưng đấy không phải là những cuộc đối thoại với các chuyên gia. Hoặc một tổ chức chính trị-xã hội lớn nào đó có khả năng gây áp lực lên chính quyền cho nên chính quyền bắt buộc phải gặp gỡ lãnh đạo của tổ chức đó để đàm phán.

Tuy nhiên ở VN, các quý vị lề trái, kể cả cựu lãnh đạo các cấp, thường không có chuyên môn về lĩnh vực tự do, dân chủ. Họ đọc báo rồi chỉ trích, lên án, nhưng không thật sự am hiểu ở mức chuyên gia. Ví dụ, họ có biết rằng các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra Dân chủ không có mối liên quan trực tiếp đến Phát triển? Hoặc các hoạt động tham vấn cộng đồng về luật lệ, chính sách cũng là dân chủ? Dân chủ đâu phải chỉ có mỗi chuyện đa đảng và bầu cử đa đảng. Ý kiến của họ thường rất chung chung, kiểu như “hãy dân chủ hoá để giải phóng nguồn lực”, “hãy cho phép xã hội dân sự”, nhưng cụ thể từng bước cần phải làm gì thì họ không biết. Họ cũng không phải là một tổ chức chính trị lớn, quy củ, để có thể tạo ra áp lực đáng kể khiến chính quyền buộc phải ngồi vào bàn đàm phán.

Điều chắc chắn là đảng cộng sản không thể thực hiện ngay những mô hình bầu cử dân chủ, đa đảng, tam quyền phân lập, tự do báo chí, xã hội dân sự, tổ chức chính trị hoạt động thoải mái như phương tây ở thời điểm hiện nay. (Lý do thì tôi đã giải thích trong bài “Vì sao đảng cộng sản cương quyết không để mất chế độ”). Nhưng họ vẫn có thiện chí đổi mới chính trị một cách tiệm tiến. Ví dụ có 1000 bước để đạt được dân chủ như phương tây, họ cần những người đưa ra những đề xuất thuộc về 20 bước đầu tiên. Các lãnh đạo nhà nước không tự nghĩ ra 20 bước đấy. Những người đề xuất 20 bước ấy là chuyên viên các bộ ngành, các chuyên gia nghiên cứu hoặc có kinh nghiệm thực tiễn, hoặc đôi khi là người dân. Lãnh đạo nhà nước chỉ phê duyệt hoặc bác bỏ các đề xuất đấy. Nhưng hiện nay rất ít người thực sự tâm huyết nghiên cứu để đưa ra những đề xuất như vậy. Nếu không có người đề xuất thì các lãnh đạo nhà nước cũng sẽ không làm gì. Hoặc chuyên viên các bộ ngành cũng có những đề xuất về đổi mới chính trị, nhưng không theo hướng “các công dân lề trái” mong đợi.

Tôi đồng ý rằng quốc hội và chính phủ rất nên thiết kế cơ chế để quan chức chính quyền và đại biểu quốc hội gặp gỡ công dân như ở phương tây. Riêng việc gặp gỡ như vậy đã là một bước tiến về mặt dân chủ.

Nhưng để có những cuộc đối thoại đúng nghĩa với các chuyên gia thì lề trái hầu như rất hiếm chuyên gia về dân chủ hoá. Hiện giờ các bộ ngành đều khuyến khích công dân đóng góp ý kiến để cải cách hoạt động của bộ máy nhà nước, bao gồm cả các ý kiến tăng quyền công dân. Nhưng đó phải là những đề xuất, sáng kiến có thể áp dụng ngay hoặc chỉ cần sửa chữa đôi chút. Những ý kiến chung chung thường đăng ở báo chí lề trái như hiện nay thì chỉ là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi !”

 

No comments:

Post a Comment