Sunday, March 5, 2023

Đối thoại chính trị: Luật biểu tình & thí điểm biểu tình

 Tôi mới xem một số tài liệu về Luật biểu tình thì thấy Bộ Công An là cơ quan chính chủ trì soạn thảo luật. Theo thông cáo báo chí tháng 5/2020, Bộ vẫn có một số lo ngại cho nên vẫn trì hoãn luật này: “Tuy nhiên, theo Bộ Công an, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất cao về đối tượng áp dụng, những trường hợp không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình.”, “Không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá.”, “Mặt khác, để thực hiện có hiệu quả luật cần phải hoàn thiện các đạo luật có liên quan, như Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ” [1]

Để ban hành được một luật như vậy rất lâu. Tuy nhiên trước tiên, những người quan tâm đến vấn đề này có thể gửi Thư Đề nghị Đối thoại đến Bộ Công an hoặc Sở Công An một số thành phố lớn (v.d. Hà Nội, TPHCM) đề nghị đối thoại về Thí điểm Biểu tình.

 

Với những lo lắng của Bộ Công An như trên, tôi nghĩ những người đối thoại cũng cần nêu những giải pháp có khả năng hỗ trợ họ giải quyết vấn đề. Ví dụ, nếu là tôi thì có thể đề nghị thí điểm như sau:

 

1)      Hình Thức Biểu tình:

+ Biểu tình về các vấn đề trực tiếp liên quan đến dân sinh: Hiện nay, khi có các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến dân sinh (v.d. ô nhiễm môi trường sống ở một khu dân cư, chính sách của chính quyền ảnh hưởng đến nhà cửa, đất đai của người dân, mâu thuẫn của một cộng đồng người tiêu dùng với một đơn vị pháp nhân, chẳng hạn giữa những người đã đặt mua nhà với chủ xây dựng)  người dân vẫn thường có các biện pháp phản kháng, bao gồm cả biểu tình tự phát ở khu nhà họ hoặc pháp nhân có liên quan. Chính vì vậy, công an nên cấp phép để thí điểm cho họ có thêm một nơi có thể biểu tình tập trung, bên cạnh các hình thức biểu tình tự phát.

+ Biểu tình theo rút thăm ngẫu nhiên: Hàng tuần, công an sở (hoặc quận/huyện) rút thăm cho phép một số phường/xã trên địa bàn tổ chức biểu tình vào một ngày cuối tuần. (Đây là rút thăm không lặp, nghĩa là mỗi năm, mỗi phường/xã chỉ được phép biểu tình một lần). Đến ngày, giờ được cấp phép, người dân thuộc các phường/xã đó được phép đến nơi biểu tình tập trung. Tuy nhiên, công an cũng có thể giới hạn số người tham gia theo nguyên tắc ai đến sớm nhất thì được ưu tiên trước. Tổ dân phố nào có những vấn đề đáng lo ngại về an ninh thì có thể không cho phép cư dân của tổ đó tham gia biểu tình.

 

2)      Đăng Ký Biểu tình:

+ Đại diện của nhóm biểu tình phải đăng ký xin phép tổ chức biểu tình với Sở Công An (hoặc Cơ quan công an cấp quận/huyện). Họ cũng có thể phải trả một khoản phí nhất định để hỗ trợ trả thù lao cho lực lượng bảo vệ an ninh cho buổi biểu tình.  

 

Trên đây chỉ là một vài gợi ý của tôi. Nếu quý vị thầy đề nghị như vậy hơi quá ngặt nghèo thì có thể đề xuất những ý tưởng khác.

 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu quốc hội, là người rất nhiệt tình với Luật Biểu tình. Ông ấy cũng tán thành ý tưởng có thể tổ chức thí điểm trước khi có luật [2]. Tuy nhiên, là đại biểu quốc hội, ông ấy có thể rất bận rộn với nhiều việc khác. Thế nên quý vị có thể vận động ông ấy cùng tham gia hoặc đơn giản là giới thiệu quan điểm, sự ủng hộ của ông ấy khi đề nghị đối thoại với cơ quan công an.  

 

[1] https://plo.vn/bo-cong-an-noi-ve-luat-bieu-tinh-nguoi-trung-quoc-lap-xom-post575086.html

[2] https://vietnamnet.vn/cang-phuc-tap-cang-phai-co-luat-bieu-tinh-456459.html

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment