NẾU BỨC XÚC VỚI TÌNH HÌNH VIỆT NAM, HÃY THAM DỰ CÁC HỘI THẢO CHÍNH SÁCH
Tất cả các vấn đề quan trọng và phức tạp về chính trị, luật, cơ chế và chính sách xã hội Việt Nam đều phải nghiên cứu. Các nhà khoa học “tháp ngà” về KHXH&VN chính là những người nghiên cứu, đề xuất các luật, cơ chế, chính sách đó. Họ là những người có chuyên môn.
Lấy ví dụ về dịch Covid hiện nay, nhóm những người không muốn
cho học sinh đi học ngay chỉ là một nhóm lợi ích. Nhóm những người muốn cho học
sinh đi học ngay là một nhóm lợi ích khác. Chính phủ lắng nghe các nhà nghiên
cứu bởi vì họ là người tập hợp ý kiến của tất cả các nhóm lợi ích, nghiên cứu
thêm kinh nghiệm của các nước khác, rồi đưa ra quan điểm cuối cùng chính phủ
nên làm gì.
Một số người còn phẫn nộ cho rằng “Người dân nói thì chính quyền có thèm nghe đâu. Tất cả những người can đảm nhất dám đấu tranh đều phải đi tù”. Họ không hiểu rằng Quản trị Nhà nước là một ngành chuyên môn giống như Vật lý, Hóa học. Phải học hoặc ít ra phải có kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực đó thì mới có thể cho ý kiến chính xác. Tôi nghĩ rằng tất cả những người bị đi tù về các lý do liên quan đến các hoạt động chính trị, xã hội thời gian gần đây đều thiếu hiểu biết về quản trị nhà nước. Thậm chí, nhiều khi họ bị các lực lượng có nhiều thù hận kích động. Đương nhiên, người dân của một quốc gia do “dân làm chủ” có quyền đòi hỏi bất kỳ cái gì. Nhưng họ cũng cần ý thức được về sự kém hiểu biết của mình.
Như tôi đã viết trong loạt bài về “Quản trị Nhà nước” (có thể
tìm trên Timeline của tôi), hiện nay trình độ đội ngũ chuyên gia của tất cả các
ngành (bao gồm các nhà nghiên cứu) của VN vẫn kém rất xa các nước phát triển
trong khu vực chứ chưa nói đến thế giới. Sự khác biệt rất lớn giữa nền dân chủ
non nớt của Châu Phi (và các nước châu Á mấy chục năm trước đây) với nền dân
chủ vững chãi ở Tây Âu, và Bắc Mỹ có một nguyên nhân rất quan trọng là trình độ
của đội ngũ chuyên gia của Âu, Mỹ trình độ vượt xa Á, Phi.
Thế nên nếu bức xúc với tình hình Việt Nam thì phải học hỏi, học
hỏi bài bản thì càng tốt, để tham gia phản biện chính sách một cách hữu ích
nhất. Ngoài ra, rất nên tham dự các hội thảo chính sách.
Có hai loại hội thảo, tôi tạm gọi là Hội thảo Khoa học và Hội thảo Chính sách. Hội thảo Khoa học thường bàn về những chủ đề chung nào đó: ví dụ Hội nhập Quốc tế. Hội thảo Chính sách thì bàn về một vấn đề cụ thể nào đó: ví dụ hội thảo về luật đặc khu, luật an ninh mạng, các trạm thu phí BOT, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông hoặc các hội thảo về tranh chấp đất đai... Thông thường, tất cả những vụ việc nóng bỏng gây nhiều tranh cãi trong xã hội đều có các hội thảo. Các bạn nên tham dự các hội thảo do các viện nghiên cứu/trường đại học, hoặc các bộ ngành tổ chức. (Còn những hội thảo do những người không có chuyên môn, hoặc các nhà hoạt động chính trị, xã hội tổ chức thì tham gia cũng được, nhưng nhiều khi ý kiến thiên lệch do không hiểu biết về quản lý nhà nước, hoặc chỉ phản ánh ý kiến của một nhóm lợi ích, nhiều khi bị những tư duy thù hận chi phối).
Tham dự thật nhiều hội thảo chính sách như vậy sẽ giúp các bạn hiểu về các hoạt động lập pháp và hoạch định chính sách, tư duy một cách cẩn trọng, có trách nhiệm. Ngoài ra có thể trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về lĩnh vực đó. Nhiều nhà nghiên cứu không bao giờ nói ý kiến thật của họ trên Facebook hay với báo chí, nhưng trao đổi trực tiếp hoặc với những người thật sự tâm huyết thì họ sẽ nói. (Nhiều khi các hội thảo Khoa học cũng có những bài báo đơn lẻ đề cập đến những vấn đề gây nhiều tranh cãi. Có thể đến đó gặp và trao đối với các tác giả đó).
Một ví dụ đơn giản: chủ trương tăng tuổi hưu đã được giới nghiên cứu tương đối nhất trí, thế nhưng tăng mỗi năm 3 tháng hay 6 tháng để đạt tới mức cuối cùng cũng khiến giới nghiên cứu tranh cãi mãi. 3 tháng thì quá chậm nhưng 6 tháng thì quá nhanh, dễ gây sốc cho xã hội một cách không cần thiết. Hoặc vụ Luật đặc khu năm 2018, đa số giới nghiên cứu kinh tế không lo ngại về vấn đề quốc phòng như công chúng mà họ chỉ lo ngại không hiệu quả về mặt kinh tế. (Lý do: luật pháp VN hiện nay không cấm Trung Quốc đầu tư vào 3 khu vực đó. Vậy nếu Trung Quốc có mưu đồ biến nơi đó thành căn cứ chiến lược thì đâu cần lợi ích giảm thuế cỏn con của Luật đặc khu thì mới vào đầu tư).
Nếu các hội thảo chính sách khiến cho những người bức xúc cảm
thấy cần nâng cấp trình độ về quản lý nhà nước(ví dụ theo học các khoa học bài
bản), hoặc những người đã có nền tảng về KHXH&NV đầu tư thời gian theo đuổi
nghiên cứu một chủ đề nào đó thì rất tốt. Quan điểm của tôi, nâng cao dân trí
chính trị quan trọng nhất ở VN là xây dựng đội ngũ chuyên gia vững mạnh, chứ
không phải là phổ biến các tài liệu linh tinh dành cho đại chúng. Đội ngũ
chuyên gia đó chính là nền móng của một nhà nước mạnh.
No comments:
Post a Comment