Sunday, March 5, 2023

Tin giả và trách nhiệm giải trình

Từ một clip không rõ ràng được quay từ toà nhà đối diện, nghĩa là người quay hoàn toàn không có khả năng tiếp cận hiện trường, vậy mà thiên hạ đồn đại một vụ nhiều quân nhân hiếp dâm một nữ sinh rất ly kỳ. Đại diện trường Quân sự quân khu 7 đã giải thích rằng thông tin nữ sinh bị hiếp dâm hoàn toàn là sai sự thật. Clip sau đó bị cắt ghép và lan truyền khắp nơi. Vậy mà nhiều người, bao gồm những người có trình độ cao, vẫn tiếp tục thắc mắc đòi giải trình. Có luật gia còn nêu câu“dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” để nhắc nhở trách nhiệm giải trình.

Nói dân trí người Việt thấp có lẽ cũng không oan chút nào!

Không hiểu họ muốn giải trình cái gì nữa? Chỉ cần giải trình nếu như có những bằng chứng tương đối rõ ràng tổn hại về vật chất hoặc tinh thần, hoặc có bằng chứng về hành vi gây hại. Ví dụ, có clip quay được cảnh quân nhân lột quần áo của nữ sinh, hoặc nằm đè lên người nữ sinh, thì mới cần giải trình thêm. (Ngay cả chụp ảnh được cảnh nằm đè lên người nhau cũng chưa chắc đã là hiếp dâm. Bởi vì có thể do trượt chân ngã hoặc có chuyện gì đó dẫn đến xô xát.) Hàng ngày, vô số kẻ thiếu thiện chí có thể sản xuất ra hàng trăm cái clip không rõ ràng, rồi cắt ghép thông tin. Không lẽ các cơ quan cứ phải chạy theo giải trình cả trăm vụ tố cáo điêu toa? Vậy thì lấy đâu ra thời gian để làm những việc khác quan trọng hơn?

Dĩ nhiên vẫn có một xác suất nhỏ nào đó thông tin bị bưng bít. Nếu có nghi ngờ, các nhà báo hoặc nhà điều tra có nghiệp vụ có thể sẽ tìm hiểu thêm. Mọi quốc gia đều có những vụ bưng bít thông tin. Nhiều khi do thiếu thời gian hoặc nhân sự có nghiệp vụ điều tra, họ vẫn phải chấp nhận xác suất đó.

Chỉ trích, nghi ngờ thì rất dễ. Nhưng nếu một người tự tin là có trình độ thì hãy thử đặt mình vào địa vị cơ quan bị buộc tội để tư duy. Khi ấy, có thể bạn sẽ hiểu những chỉ trích, nghi ngờ của mình thừa thãi đến mức nào. Một người có kiến thức về một lĩnh vực quản trị nhà nước thì không nên coi mình là nhân dân, mà phải là người giải quyết vấn đề. Trong bối cảnh đội ngũ chuyên viên, chuyên gia đều yếu kém, hãy tự hỏi: “Nếu không phải mình giải quyết vấn đề thì ai sẽ làm việc đó?”

 

CÓ NÊN CHIA SẺ CÁC THÔNG TIN TỐ CÁO KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC?

Khi xuất hiện các thông tin tố cáo cá nhân/tổ chức không rõ xuất xứ thì người dân không nên tuỳ tiện phát tán. Cùng lắm chỉ nên liên hệ, khuyến khích người bị hại hoặc gia đình họ đăng tin công khai. Tuy nhiên, nếu khuyến khích họ đăng tin nhưng lại cố vấn cho họ thêm mắm muối, làm sai lệch bản chất của vụ việc, thì người khuyến khích cũng phải chịu trách nhiệm về tội xuyên tạc, vu khống.

Ở VN hiện nay, chính quyền nói chung không ngăn cản người bị hại hoặc gia đình họ tố cáo công khai. Ví dụ, việc tụ tập đông người thường không được khuyến khích. Tuy nhiên, những người bị hại trực tiếp trong nhiều vụ việc (v.d., nạn nhân của các công ty bán trái phiếu lừa đảo, những người mất nhà, mất đất oan ức) vẫn thường tụ tập khiếu kiện mà không hề bị công an không ngăn cản.

Nhưng ngay cả khi bản thân hoặc gia đình người bị hại đăng tin công khai thì cũng không nhất thiết thông tin đó là chính xác. Thế nên chỉ khi báo chí chính thống đưa tin hoặc có kết luận của toà án thì có thể đăng tin lại. Đấy là chưa kể nhiều vụ việc nhạy cảm. Ví dụ một người bị cưỡng bức nhưng gia đình họ không muốn công khai thông tin cho cả nước biết, để đỡ tổn thương tâm lý cho nạn nhân. Khi ấy người ngoài đưa tin lên mạng sẽ là làm hại nạn nhân.

 

No comments:

Post a Comment