Những người am hiểu đều biết rằng cản trở lớn nhất đối với việc đổi mới chính trị ở VN là nỗi lo sợ mất chế độ. Nỗi sợ to lớn ấy đã được thể hiện trong rất nhiều văn kiện đại hội và phát biểu của các lãnh đạo đảng. Cấu trúc chính trị của VN cũng thể hiện sự khác biệt rõ rệt so với nước cộng sản láng giếng. Trung Quốc đã hợp nhất các chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quân ủy TW từ năm 1993 đến nay. Trong khi ấy, Việt Nam không mặn mà với việc hợp nhất, trừ một giai đoạn ngắn ông Trọng kiêm hai chức TBT, CTN do tình huống đặc biệt. Nguyên nhân chính của điều này (theo như đồn đại) là do lo ngại một Gorbachev sẽ xuất hiện ở chiếc ghế quyền lực quá lớn ấy.
Nỗi sợ ấy không hoàn toàn phi lý. Cuộc chiến 1955-1975 và các trại cải tạo sau 1975 đã để lại oán hận chồng chất đối với hàng triệu người gốc Việt cả trong và ngoài nước. Đó là di sản nặng nề mà các nước khác trong khối XHCN không phải gánh chịu. Cộng thêm những thanh trừng cộng sản triệt để ở Đông Âu thời kỳ 1990s khiến cho các lãnh đạo VN luôn cảm thấy bất an, cảnh giác với mọi nguy cơ dù là nhỏ nhất.
Trong Lý thuyết Chính trị (Triết học
Chính trị) có một chủ đề gọi là Công lý Chuyển đổi nhằm trả lời các câu hỏi như
“Làm cách nào để một quốc gia có thể chuyển đổi êm đẹp sang một xã hội dân sự
sau xung đột hay nội chiến?”, “Các bên cựu thù cần phải ứng xử như thế nào?”.
Tiến trình chuyển đổi hậu cộng sản ở Đông Âu cũng thuộc chủ đề này.
(Bài viết dưới đây tóm tắt một số tư
tưởng từ mục Công lý Chuyển đổi của Stanford Encyclopedia of Philosophy)
CÓ CẦN THIẾT PHẢI THA THỨ??
Tổng Giám mục Desmond Tutu đã viết cuốn sách có tên là “Không có tương lai nếu không tha thứ” để nói về Uỷ Ban Hòa giải và Sự thật của Nam Phi. Theo ông, chỉ khi tha thứ người dân Nam Phi mới có thể xây dựng nền dân chủ thật sự. Tuy nhiên, lợi ích của tha thứ có thể đánh đổi công lý và sự thật?
Lập luận phổ biến nhất để biện minh cho sự tha thứ là giải phóng cả tội phạm và nạn nhân thoát khỏi vòng xoáy vô tận của oán hận và trả thù, sau các cuộc xung đột và nội chiến. Đó là cách duy nhất để chấm dứt một chu trình lịch sử phức tạp và đau đớn. Thậm chí những người có liên quan cũng bị vạ lây. Như câu nói nổi tiếng của Gandhi: "Một con mắt có thể khiến cả thế giới mù lòa." Tuy nhiên tha thứ không phải là cách duy nhất để dập tắt mong muốn trả thù. Bởi lẽ có thể tránh xa sự trả thù mà không cần tha thứ. Nạn nhân đơn giản chỉ cần rời bỏ nơi mình bị hại. Chẳng hạn, hàng trăm ngàn người Palestine từ Bờ Tây và dải Gaza đã lặng lẽ di cư đến châu Âu và Bắc Mỹ. Hầu hết những người sống sót khỏi thảm họa diệt chủng không hứng thú với việc tha thứ hay báo thù đã di chuyển hàng nghìn dặm khỏi nơi đã gây ra đau khổ cho họ và thề không bao giờ trở lại. Những người khác thay thế việc báo thù bằng việc góp công sức xây dựng các bảo tàng chứng tích tội ác.
Nhiều người còn cho rằng tha thứ là quyền riêng của mỗi nạn nhân và không nên biến nó thành một chính sách. Ví dụ, cô Jane bị mất một chân trong một cuộc đánh bom. Cô đã tha thứ cho những kẻ đã lên kế hoạch tấn công. Bố mẹ cô cũng có thể tha thứ nhưng mức độ thương tổn của họ có thể khác nhau. Jane đau đớn về thể xác, nhưng bố mẹ cô có thể đau đớn về tinh thần nhiều hơn. Tuy nhiên, những người hàng xóm của cô Jane không nhất thiết phải tha thứ. Những người mà Jane chưa bao giờ gặp có quyền lo sợ những vụ việc tương tự sẽ xảy ra cho nên cũng không nhất thiết phải tha thứ. Mặt khác, một chính sách khuyến khích nạn nhân tha thứ có nguy cơ khoét sâu thêm vết thương của họ. Nạn nhân có thể nghĩ rằng những đau thương họ phải gánh chịu chưa đủ hay sao, mà còn mong đợi họ tha thứ? Và như vậy có thể thổi bùng lên thay vì dập tắt sự oán hận đối với tội phạm và chính quyền mới.
Trước đây, có nhà văn từng kêu gọi
các thân hữu của chế độ VNCH từ bỏ cờ vàng vì lợi ích chung hòa hợp, hòa giải
dân tộc. Điều đó vừa bất khả, vừa gây thêm những thương tổn không cần thiết.
Nói chung, không nhất thiết phải vận động tha thứ để tránh báo thù mà cần tạo
điều kiện cho họ giải tỏa oán thù thông qua các ấn phẩm, diễn đàn, nhà bảo
tàng, bia tưởng niệm. Khuyến khích họ rời xa nơi bị hại cũng là giải pháp.
UỶ BAN SỰ THẬT VÀ HÒA GIẢI
Hầu hết mọi chuyển đổi của các quốc gia có xung đột và nội chiến từ Thế chiến II đến nay đều dẫn đến vô số căng thẳng và bất mãn. Cần có các thể chế linh hoạt để dung hòa lợi ích của các bên và UBSTHG là một dạng thể chế như vậy. Các ủy ban này có ít quyền lực cưỡng chế hơn so với tòa án, bởi họ không thể bắt chính phủ thực hiện các khuyến nghị. Tuy nhiên quy mô điều tra của họ rộng hơn và đặt nạn nhân vào trung tâm của quá trình điều tra. Do vậy có tính tin cậy về đạo đức và hợp pháp. Nhiều nước tương đối thành công với các UBSTHG như Nam Phi, Argentina, Chile và El Salvador. Báo cáo của có tựa đề ‘Never Again’ của UBSTHG Argentina đã trở thành một trọng những cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử nước này.
Quá trình chuyển đổi dân chủ ở Tây Ban Nha phức tạp đến nỗi người dân nước này phải đi đến một “hiệp ước lãng quên”. Trong ba thập kỷ liền, người Tây Ban Nha không nhắc đến những vi phạm nhân quyền thời nội chiến và thời kỳ nhà độc tài Franco lãnh đạo. Điều này đã giúp cho dân tộc này đoàn kết các phe phái, cùng xây dựng một nền dân chủ thật sự.
Ở Nam Phi, Đảng Quốc Gia đe dọa sẽ xảy ra nội chiến nếu Quốc hội đòi đưa các quan chức dưới thời Apartheid ra tòa. Những tranh cãi gay gắt xảy ra xung quanh đến các lệnh ân xá của Ủy ban đối với các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đã khiến cho nhiều người phẫn nộ. Uỷ Ban đã ân xá cho nhiều người trong lực lượng an ninh với những tội ác khủng khiếp để đổi lấy lời khai, trong khi các nạn nhân và gia đình bị từ chối tiếp cận tòa án. Một số nhà nghiên cứu chỉ trích rằng nỗ lực tạo ra sự đoàn kết xã hội cũng không thể biện minh cho những lệnh ân xá đó. Tuy nhiên, sự nhẫn nhịn của Ủy ban đã đóng góp đáng kể vào tiến trình dân chủ hóa.
UBSTHG của Chile đã công bố báo cáo về các vi phạm nhân quyền trong suốt 17 năm trị vì của tướng Pinochet. Lực lượng an ninh Chile thời Pinochet đã bí mật tra tấn, bắt cóc và hành quyết nhiều người. Năm 1978, Pinochet ban hành lệnh ân xá rộng rãi, bảo vệ tất cả các thành viên của lực lượng an ninh, và điều đó tạo ra một môi trường pháp lý rất phức tạp. Uỷ ban, do vậy, chỉ có thể tập trung vào các trường hợp bị hành quyết và tra tấn đến chết nhưng không có cách nào buộc các thành viên của lực lượng an ninh làm chứng. Uỷ ban đã xem xét 3400 trường hợp và công bố báo cáo dài 1800 trang lên án Pinochet và các tướng lĩnh của ông. Tác động của báo cáo bị giảm sút nhiều do các chiến binh thiên tả thực hiện một loạt cuộc tấn công ngay sau khi nó được công bố. Tuy nhiên báo cáo đã đóng vai trò quan trọng để tạo ra chương trình bồi thường cho thân nhân các nạn nhân chế độ Pinochet. Ngoài ra, còn báo cáo còn là cơ sở để bắt giữ Pinochet ở Anh.
Ở El Salvado, cuộc chiến 12 năm đã cướp đi sinh mạng của 75000 công dân, trong đó quân đội đã tham nhiều vụ bắt cóc, tra tấn, hành quyết quy mô lớn. UBSTHG hoạt động trong vòng 8 tháng, với các thành viên do Tổng thư lý Liên Hợp Quốc bổ nhiệm bao gồm một số chính trị gia và thẩm phán người Nam Mỹ. Do sự thù hận giữa các bên, không người Salvador nào được tham gia Ủy ban. Uỷ ban đã thu thập lời khai về 7000 trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và lập báo cáo tố cáo 40 quan chức chính phủ và quân đội. Nhưng rất nhanh sau đó, luận ân xá được thông qua cho nên nhiều khuyến nghị của Ủy ban không còn giá trị.
Ở Rwanda, Tòa án Hình sự Quốc tế đã
truy bắt một số kẻ phạm tội diệt chủng đầu sỏ. Tuy nhiên tòa án này không có
khả năng trừng phạt tất cả những kẻ dính dáng đến các vụ diệt chủng bởi như vậy
sẽ mất vài thế kỷ. Do vậy, các luật gia đã lập ra các “Tòa án cỏ” để ghi nhận
một số tội ác và ân xá cho hàng trăm nghìn tội phạm. Điều này đã giúp đem lại
sự ổn định cho nước này.
THANH LỌC NHÂN SỰ CAO CẤP
Thanh lọc là quá trình chọn lựa các công chức của chế độ cũ tham gia vào các vị trí quan trọng của chế độ mới và bãi bỏ những người không phù hợp. Quá trình này thường gắn liền với việc chuyển đổi từ một chế độ độc tài sang một chế độ dân chủ.
Sau Thế chiến II, Đồng minh chủ trương xóa sạch mầm mống phát xít Đức. Các siêu cường Mỹ, Anh, Liên Xô đã nhất trí kế hoạch phi hạt nhân hóa nước Đức tại hội nghị Potsdam. Hiệp định Potsdam ngày 2/8/1945 đã tạo cơ sở cho Đồng minh truy quét chủ nghĩa Quốc xã và những kẻ tôn sùng chủ nghĩa này. Hiệp định này yêu cầu Hội đồng Kiểm soát, bao gồm bốn thống đốc của quân đội đồng minh ở Đức, giải tán Đảng Quốc xã và các tổ chức liên đới và đảm bảo chúng không thể hồi sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Hiệp định này cũng xóa bỏ tất cả các tổ chức cảnh sát, cơ quan giám sát chính trị, đồng thời loại bỏ tất cả các luật "phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc, tín ngưỡng hoặc quan điểm chính trị". Một trong những hoạt động quy mô nhất của Hội đồng Kiểm soát là kêu gọi bắt giam tự động bất kỳ ai có liên quan với cảnh sát và cơ quan an ninh của Quốc xã, các sỹ quan cấp bậc thiếu tá trở lên trong lực lượng vũ trang, các thành viên cấp cao của Đảng Quốc xã và Chính phủ.
Sự sụp đổ của CHDC Đức năm 1990 dẫn
đến sự cải tổ hoàn toàn các cơ quan hành chính của Đông đức. Các công chức cũ ở
Đông đức bị truy xét hồ sơ để đảm bảo chỉ giữ lại những người phù hợp về mặt
chính trị với chế độ mới. Những người này phải nộp đơn xin vào các vị trí hiện
đang nắm giữ và có thể bị từ chối nếu từng liên hệ với STASI hoặc các tổ chức
chính trị Cộng sản. Ban lãnh đạo cũ của Cộng hòa Dân chủ Đức bị xét xử tại các
tòa án ở Tây Berlin về các tội liên quan đến chính sách biên giới, gian lận bầu
cử, tham nhũng, biển thủ công quỹ. Việc truy tố diễn ra theo hình thức hỗn hợp,
vừa theo luật hình sự của Đông Đức nhưng với các thủ tục tòa án của Tây Đức.
Hiệp định Potsdam kêu gọi loại bỏ những người thân cận Đức Quốc xã cả ở các cơ quan công quyền, bán công, và các vị trí phụ trách các tổ chức tư nhân quan trọng. Quá trình loại bỏ cũng bao gồm tịch thu tài sản của tất cả các tổ chức liên quan đến quốc xã, các quan chức cao cấp, và thay đổi hoàn toàn hệ thống giáo dục. Đồng minh cấm trưng bày “quân phục, phù hiệu, huy chương”, trình diễn “quốc ca, âm nhạc, và kiểu chào” của Quốc xã, một chính sách có hiệu lực ngay cả sau khi quyền kiểm soát chính trị được trao trả cho người Đức. Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh là sự thiếu hụt những người chống phát xít đủ năng lực để tham gia vào chính phủ, đặc biệt là tham gia vào hệ thống tòa án để xét xử các cựu thành viên Đảng quốc xã. Sự thiếu hụt này, cộng thêm sự tác động của các quan chức Tây Đức đã dẫn đến nhiều trục trặc trong chính quyền.
Năm 1991, Quốc hội Séc và Slovakia đã thông qua luật cấm các cựu quan chức Đảng CS, các thành viên của Lực lượng An ninh Quốc gia, và Dân quân Nhân dân dưới thời cộng sản được nắm giữ nhiều vị trí dân cử và thành viên trong chính phủ mới trong thời hạn 5 năm. Tại Hungagy, Tòa án Hiến pháp Hungagy đã kết luận vụ đàn áp năm 1956 là "tội ác chiến tranh" và "tội ác chống lại loài người". Cả hai vụ này đều không có thời hiệu hữu hạn. Năm 1994, Quốc hội Hungary đã ban hành sắc lệnh truy xét 12000 công chức để tìm kiếm những người đã cộng tác với cảnh sát mật trong thời kỳ Cộng sản. Thời gian truy xét kéo dài 6 năm và kết quả được lưu giữ bí mật 30 năm. Do một số điều khoản của luật này bị coi là vi hiến, Quốc hội đã thông qua luật mới năm 1996 về việc sàng lọc tất cả các cá nhân sinh trước ngày 12/2/1972 trước khi đảm nhận chức vụ cao hơn để ngăn chặn các cựu điệp viên và quan chức của Cơ quan An ninh Cộng sản tham gia chính quyền mới. Nếu quan chức bị thanh lọc không chịu từ chức trong vòng 30 ngày, kết quả điều tra sẽ được công bố trước công chúng và người đó sẽ phải chịu sỉ nhục.
Sau cuộc chiến Irag năm 2003, chính quyền Bush theo đuổi chính sách loại trừ đảng Baath để thanh trừng những người ủng hộ Saddam Hussein. Các quan chức cao cấp của đảng này bị cấm tham gia vào toàn bộ các vị trí của chính quyền hậu Saddam, trong khi các thành viên bình thường bị ngăn cản bổ nhiệm vào các vị trí cao cấp của chính phủ. Ngoài ra, lực lượng quân đội và cảnh sát Iraq bị giải tán dẫn đến một lượng lớn quân nhân mất việc làm. Những cựu quân nhân và cảnh sát này đã tức giận và quay sang chống lại quân đội Mỹ đang giám sát việc tái thiết và dân chủ hóa Iraq. Kết quả của cuộc thanh lọc này dẫn đến thiếu hụt trầm trọng nhân lực để biên chế cho bộ máy hành chính, lực lượng quân sự và cảnh sát mới. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của chính quyền. Sai lầm này cũng cản trở nỗ lực ổn định Iraq và gây ra nhiều cuộc bạo loạn, khiến cho Iraq kéo dài sự bất ổn định đến 8 năm về sau.
Những sự thanh lọc này làm chúng ta liên tưởng đến sự thanh lọc công chức ở miền nam VN sau 1975. Tuy nhiên, chủ nghĩa lý lịch mới là thứ phi lý và nặng nề nhất ở VN, đã kéo dài đến hơn một thập kỷ sau đó, đã hủy hoại tương lai của nhiều thế hệ con cháu các quân cán chính VNCH và hậu duệ của những người từng làm việc cho chính quyền pháp thuộc. Nếu như chủ nghĩa lý lịch được áp dụng ở Đức thì một bí thư đoàn thanh niên cộng sản như Angela Merkel không thể có cơ hội trở thành Thủ tướng Đức 16 năm sau đó.
Dù sao, những người hiểu biết vẫn
tin rằng cải cách chính trị ở Việt Nam hiện nay là nghĩa vụ của Đảng CS đối với
dân tộc. Đảng CS có thể tham vấn các chuyên gia quốc gia và quốc tế để tiến
hành đổi mới chính trị như đã từng đổi mới kinh tế cách đây 30 năm mà không cần
phải lo lắng về những sự thanh lọc nghiêm trọng. Vấn đề là họ có thiện chí thực
hiện hay không mà thôi.
No comments:
Post a Comment