Sunday, March 5, 2023

Đối thoại chính trị và hoà giải dân tộc

Khoảng 10 năm trở lại đây, các nhân sỹ trí thức hưu trí đã nhiều lần kêu gọi Đảng CS đối thoại với giới hoạt động đối lập. Nhiều người trong số họ phàn nàn rằng không bao giờ nhận được phản hồi. Thật ra tháng 5/2017, báo chí đưa tin ông Võ Văn Thưởng, khi ấy là Trưởng Ban Tuyên giáo, nói rằng sẽ đề nghị Ban Bí thư cho phép đối thoại với giới đối lập. Tuy nhiên sau đấy không thấy ông ấy nhắc lại nữa. Gần đây, ĐCS tỏ thái độ rất cứng rắn, không chấp nhận bất kỳ mầm mống tổ chức chính trị nào và trừng phạt rất nặng những vụ việc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Những người thích thực hành chính trị sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều và phải tự nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật. Chính vì vậy, tăng cường đối thoại với các cấp chính quyền trở thành hoạt động rất phù hợp. Cần phải tìm hiểu những nguyên nhân cản trở các hoạt động này.

 

(A) NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỐI THOẠI

(i) Người Đối Thoại Phải Có Kinh Nghiệm Thảo Luận Chính sách: Thông thường, để đối thoại ở tầm quốc gia, người đối thoại phải có kinh nghiệm thảo luận về luật/chính sách với các cơ quan chính phủ VN. Đối thoại với Đảng/Chính quyền hoàn toàn khác với việc nâng cao dân trí cho dân. Nhiều học giả, nhân sỹ, trí thức nổi tiếng cũng không có những kinh nghiệm này. Nhiều vấn đề chính trị rất phức tạp khiến việc đối thoại có thể kéo dài năm này qua năm khác. Thế nên người đối thoại phải hết sức kiên nhẫn và kiềm chế.

(ii) Người Đối Thoại Phải Lịch Lãm, Tôn Trọng Đối Phương: Đối thoại không phải là vận động chính sách. Người đối thoại có thể thẳn thắn trình bày quan điểm của mình, tuy nhiên phải thực sự tôn trọng đối phương. Họ cần có niềm tin sâu sắc rằng các đại diện của Đảng/Chính quyền (ĐDĐCQ) cũng yêu nước và mong muốn VN phát triển giống như mình, chỉ có điều quan điểm khác mình. Đối thoại là để làm sáng tỏ vấn đề, tìm kiếm sự đồng thuận, và để mở ra chuỗi đối thoại tiếp theo. Đặc biệt, sau khi kết thúc đối thoại, cần đảm bảo rằng nếu người tham gia đối thoại viết bài tường thuật thì phải rất thiện chí, khuyến khích mọi nỗ lực dù nhỏ nhất của ĐDĐCQ. Có thể bày tỏ sự thất vọng nếu không đạt mục đích nhưng tuyệt đối không chê bai cá nhân họ. Cho dù buổi đối thoại không đạt được mục tiêu nào thì vẫn nên cám ơn họ đã giành thời gian cho mình, rồi sửa lại đề xuất và đề nghị tổ chức buổi đối thoại tiếp theo. Cần coi ĐDĐCQ như những đối tác rất quan trọng phải giữ quan hệ để đối thoại lâu dài.

Những người thường xuyên phê phán gay gắt chính quyền, bêu riếu các quan chức, nói chung sẽ không phù hợp để tham gia đoàn đối thoại, bởi họ không tạo được niềm tin rằng việc bêu riếu buổi đối thoại và các ĐDĐCQ sẽ không xảy ra sau khi đối thoại kết thúc. Tôi không nói rằng “phê phán chính quyền gay gắt” là không cần thiết. Chính quyền nào cũng cần được người dân giám sát và phê bình. Tuy nhiên “nhóm tham gia đối thoại” và “nhóm chuyên phê phán chính quyền gay gắt” phải là hai nhóm khác nhau. Ví dụ, GS Chu Hảo và ông Nguyễn Đình Bin là các cựu quan chức, đã từng có nhiều kinh nghiệm làm việc về luật, chính sách, có quan điểm đối lập, nhưng không thường xuyên phê phán gay gắt cho nên khá phù hợp để tham gia đoàn đối thoại.

(iii) Nội Dung Đối Thoại Cần Thực Tế: Sau khi báo chí đưa tin về phát biểu của ông Võ Văn Thưởng, giới đối lập có nhiều ý kiến đòi đa nguyên, đa đảng. Tôi nghĩ ý kiến đấy không thực tế. Những vấn đề như tù nhân chính trị cũng sẽ không phù hợp. Những thứ đó nên là việc của các chính phủ và các tổ chức nhân quyền phương tây. Đối thoại với Ban Tuyên giáo có lẽ chủ yếu là về lý luận: mục tiêu, tầm nhìn của quốc gia. Nếu nói về những sáng kiến về luật/chính sách cụ thể cũng thì cũng chỉ cần thảo luận về nguyên tắc (không cần đi sâu vào chi tiết bởi đã có các chuyên gia làm việc đó sau này). Ông Thưởng cũng nói những vấn đề cấp bách nhưng phức tạp chưa thể đồng thuận cao thì có thể đề nghị thí điểm [1]. Đại đa số những người đối lập trẻ và trung niên hiện nay là những người hoạt động thực hành, có quan điểm rất cực đoan, không phù hợp để bàn về lý luận.

(iv) Những Lo Ngại: Nếu giới đối lập là một tổ chức/phong trào rất lớn, có ảnh hưởng mạnh đối với công chúng như ở một số nước khác thì ĐCS bắt buộc phải thương thuyết. Nhưng thực tế, cộng đồng đối lập hiện nay rất nhỏ và yếu. Chưa kể, quan điểm của đại đa số họ rất cực đoan, tấn công cả những người gắn bó chế độ cho nên họ không thể đại diện cho tất cả những công dân yêu thích dân chủ. Nghĩa là giới đối lập hiện nay cũng chỉ là một nhóm công dân, bên cạnh nhiều nhóm công dân khác trong xã hội. Có lẽ ông Thưởng phát biểu như vậy để thăm dò, bởi các lãnh đạo ĐCS vẫn lo ngại giới đối lập sẽ cử những người không phù hợp tham gia đối thoại, biến đối thoại thành cơ hội để họ chửi bới, bôi nhọ sau khi đối thoại. Như vậy, việc đối thoại sẽ trở thành vô ích.

Quan sát đối thoại Nga-Ukraina hiện nay có thể thấym mặc dù là hai quốc gia đối địch nhưng không hề có những thông tin bôi nhọ thành viên của hai đoàn đối thoại (v.d. lão A cực kỳ bảo thủ và hiếu chiến, lão B ngu dốt, lão C xảo quyệt, tàn nhẫn). Những người tham gia đối thoại chỉ nêu ý kiến đại diện cho phe họ. Việc phỉ báng cá nhân họ sẽ khiến cho các cuộc đối thoại trở nên khó khăn. Gần đây, thậm chí Ukraina phải mời tỷ phú Abramovich, một người đang có bạn gái là người Ukraina, và có quan hệ tốt với cả hai phe tham gia đối thoại.

Dưới đây tôi sẽ nói về một ví dụ về đối thoại với các cơ quan chính phủ và sau đó gợi ý về đối thoại với các cấp chính quyền.

 

(B) MỘT VÍ DỤ ĐỐI THOẠI VỀ QUYỀN DÂN SỰ: CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP

Công đoàn độc lập (CĐĐL) là một khái niệm hết sức nhạy cảm đối với cả VN và TQ. Kể từ khi xảy ra vụ Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan, cả hai nước đều rất cảnh giác, không để những tổ chức như thế có cơ hội xuất hiện. Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử của hai nước rất khác nhau. Công đoàn ở VN ra đời từ 1929, có công rất lớn trong vận động công nhân đấu tranh giành chính quyền trước 1945 và ở miền nam giai đoạn 1955-1975. Trong khi đó, công đoàn ở TQ ra đời sau khi ĐCS đã giành được chính quyền cho nên không có công trạng gì đáng kể. Hơn nữa, vị thế quốc tế của hai nước rất khác nhau. Gần đây có một số áp lực dẫn đến việc VN và TQ có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Từ sau khi vào WTO, sức ép đình công tự phát ở VN rất lớn (giai đoạn 2008-2012, trung bình mỗi năm có 550 cuộc đình công, giai đoạn sau có giảm nhưng vẫn là sức ép lớn). Cộng thêm gần đây, mong muốn ký các hiệp định tự do thương mại (TPP, CPTPP, EVFTA) dẫn đến việc ĐCSVN nhận thấy cần chấp nhận công đoàn độc lập ở mức độ nào đó. Trong khi đó ở TQ, đây vẫn là đề tài cấm kị.


Đối thoại về CĐĐL ở VN đã kéo dài trong khoảng 5 năm, 2013-2018, bao gồm đàm phán về một phần TPP và toàn bộ EVFTA, chứ không phải chỉ đàm phán hai Công Ước 98, 87, mặc dù hai công ước đó thuộc về những vấn đề xương nhất. Đây là đàm phán giữa một bên là Nghị viện Châu Âu (EP), Mỹ và một bên là đại diện cho chính phủ VN: Bộ LĐTBXH (MOLISA), Tổng Liên đoàn Lao động (VGCL), và VCCI. MOLISA đại diện cho cơ quan lập pháp (ở VN, các bộ ngành là nơi soạn thảo văn bản pháp luật cho lĩnh vực của họ), VGCL bảo vệ quyền lợi cho công nhân, VCCI bảo vệ quyền lợi cho giới chủ. Kết quả đạt được sau 5 năm đàm phán là sẽ có các công đoàn cấp cơ sở tương đối độc lập ra đời, không thuộc sự quản lý của VGCL. Các CĐĐL này cũng có quyền đại diện cho công nhân của đơn vị ấy thương lượng với chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ vẫn phải đăng ký thành lập với chính quyền và không được phép thành lập công đoàn ở cấp cao hơn (v.d. công đoàn ngành hoặc công đoàn khu vực) như các công đoàn này của VGCL. Họ cũng không có quyền đại diện cho công nhân đối thoại chính sách xã hội với các cơ quan chính phủ như VGCL.

Đối thoại diễn ra khá thẳng thắn. EP và Mỹ đương nhiên mong muốn có loại CĐĐL quy mô lớn hơn, giống như ở phương tây. Nhưng kết quả đạt được như vậy cũng là tốt. VN đã sửa Luật Lao động 2019, tạo điều kiện cho loại hình công đoàn mới ra đời và ký Công Ước 98 về Quyền Thương lượng Tập thể. Dự kiến chính phủ sẽ ký nốt Công Ước 87 về Quyền tự do Hiệp hội trong năm 2023. Phải ký cả 2 công ước này thì CĐĐL mới có cơ sở pháp lý để thành lập. Ngoài ra, cũng cần một số văn bản hướng dẫn thi hành luật. Việc đối thoại chỉ đưa đến sự đồng thuận về nguyên tắc của một loại hình CĐĐL. Hiện nay, các luật gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu chi tiết về các thủ tục để thành lập CĐĐL, tránh mâu thuẫn về giữa hai loại hình công đoàn, từ đó mới xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Cũng cần nói thêm rằng giai đoạn 2014-2016, ILO (với sự hỗ trợ của EU và Mỹ) đã hợp tác với VGCL để tài trợ thí điểm thành lập 25 CĐĐL cấp cơ sở ở VN do công nhân tự tổ chức và không thuộc sự quản lý của VGCL. Tuy ILO chỉ dự định tài trợ thành lập 25 công đoàn, nhưng kết quả rất khả quan, đến năm 2016 đã có 323 CĐĐL[2].

Nói tóm lại, việc đối thoại phải hết sức kiềm chế và kiên nhẫn, bởi có thể kéo dài nhiều năm. Nếu không đạt được mục tiêu mong muốn thì có thể chấp nhận kết quả ở mức thấp hơn. Mặc dù Trump đưa Mỹ ra khỏi TPP từ năm 2017, những đối thoại về CĐĐL trong khuôn khổ TPP không phải là vô ích, bởi vì chính phủ VN đã đồng ý với những điều khoản đạt được. Khi chưa thể đạt được sự đồng thuận về một vấn đề nào đó thì có thể đề nghị thí điểm. Việc thí điểm thành công cũng sẽ tạo điều kiện để dễ đàm phán hơn. Đối thoại ở cấp TW chỉ thảo luận về mục tiêu, tầm nhìn, và những nguyên tắc chung. Đi sâu về chi tiết thì sẽ có các chuyên gia hoàn thiện.

 

(C) ĐỐI THOẠI CẤP TRUNG ƯƠNG

Gần đây, chính phủ đã có một số dấu hiệu đáng khích lệ như các bộ ngành đã tổ chức đối thoại với đại diện của hai Nhóm Tư vấn Nội địa (DAG) của EU và VN. Một số tờ báo lề phải đưa tin việc các nhân sỹ, trí thức ký petition về vụ cô giáo Thơ bị mất việc làm nhưng không hề có ý mỉa mai, bôi nhọ. Ông Võ Văn Thưởng hiện giờ là Thường trực Ban Bí thư cũng là một thuận lợi. Dưới đây là một số gợi ý của tôi để có thể đối thoại cấp trung ương.

1) Lập Danh Sách Những Người Tham Gia Đối Thoại: Trong thư đề nghị đối thoại, giới đối lập nên gửi kèm danh sách những người dự kiến sẽ tham gia đối thoại. Chỉ nên lựa chọn những người thực sự đã có kinh nghiệm làm việc với các cơ quan chính phủ VN (v.d. những người có kinh nghiệm tư vấn về quản trị nhà nước cho các bộ/ngành, các cựu lãnh đạo, cựu quan chức), tính cách kiên nhẫn, kiềm chế, ôn hòa. Với mỗi người trong danh sách, nên kèm theo vài dòng giới thiệu về kiến thức và kinh nghiệp thảo luận chính sách của họ. Việc lập danh sách như vậy rất quan trọng để Đảng/Chính quyền có thể mời đích danh những người họ muốn đối thoại và từ chối những người họ thấy không phù hợp. (Vụ vườn rau Lộc Hưng vừa rồi, chính quyền phường cũng chỉ mời đại diện một số hộ gia đình chứ không mời tất cả các hộ bị ảnh hưởng quyền lợi đối thoại).

Danh sách Tham gia Đối thoại này nên bao gồm hai nhóm: (i) Nhóm đại diện cho giới hoạt động đối lập; (ii) Nhóm các chuyên gia độc lập (nhưng có xu hướng ủng hộ dân chủ. Nhóm chuyên gia độc lập này cũng bao gồm những người đã có kinh nghiệm thảo luận về các lĩnh vực Quản trị Nhà nước (Luật, Chính sách, Kinh tế, Khoa học Chính trị, Xã hội học Chính trị), các cựu lãnh đạo và cựu quan chức, đại diện các tổ chức dân sự hợp pháp, nhà báo/nhà bình luận lề phải nhưng ủng hộ dân chủ và có nhiều kinh nghiệm tham gia các hội thảo chính sách).

Sở dĩ tôi đề nghị mời thêm nhóm (ii) bởi số người thuộc giới đối lập đáp ứng những điều kiện trên để tham gia đoàn đối thoại rất ít. Đặc biệt là rất thiếu đại diện ở độ tuổi trung niên. (Quá trẻ thì không đủ kinh nghiệm để đối thoại ở cấp này). Nhóm chuyên gia độc lập đó sẽ đem đến nhiều kiến thức và kinh nghiệm hiện đại. Sự kết hợp như vậy cũng mang tính đại diện cho nhân dân cao hơn. Những người nhóm (ii) không muốn bị gọi là đối lập (thực tế họ không phải đối lập), và cũng sẽ không tự đề nghị chính quyền đối thoại. Nhưng nếu được các cơ quan chính phủ mời đích danh, tôi tin chắc là họ sẽ tham gia nhiệt tình. Ngoài ra, giới đối lập chủ động mời những người ủng hộ quan điểm của mình thì sẽ thuận lợi hơn là để chính quyền chỉ định chuyên gia.


Trong thư đề nghị đối thoại, giới đối lập có thể bổ xung danh sách tên các hội nhóm đối lập trong nước ủy nhiệm cho Đoàn Đối thoại đại diện cho họ tham gia đối thoại, kèm theo e-mail, (số điện thoại), để tăng tính đại diện. Cũng có thể liệt kê tên các hội nhóm nước ngoài, nhưng có lẽ chỉ nên các hội nhóm trung tính, đặc biệt là những tổ chức có quan hệ hệ với chính phủ VN, kể cả các hội nhóm không liên quan đến chính trị. Bởi lẽ tuyệt đại đa số các hội, nhóm chính trị hải ngoại hiện nay vẫn bị coi là thù địch.

 

Nếu giới đối lập không muốn mời thêm các chuyên gia độc lập thì cũng không sao. Đoàn đối thoại cũng chỉ cần 3-5 người, tùy theo chủ đề. Trước nay, trong quá trình hoạch định luật pháp/cơ chế/chính sách các lĩnh vực khác, các cơ quan chính phủ vẫn thường xuyên mời các chuyên gia tham vấn. Khá ít người trong số đó có năng lực quảng giao. Thế nên không cần quá lo lắng về năng lực đối thoại của các chuyên gia, miễn là họ thảo luận lịch sự và ôn hòa. Giới đối lập cũng có thể thành lập một Nhóm Chuyên Gia chuyên Đối thoại về các vấn đề chính trị, chứ không nhất thiết phải mang tên là Giới đối lập.

2) Cam Kết Đối Thoại Văn Minh, Chuyên nghiệp: Trong thư đề nghị đối thoại, giới đối lập nên có phần hứa hẹn, cam kết rằng những người tham gia đối thoại sẽ đảm bảo thảo luận trên tinh thần văn minh, tôn trọng ĐDĐCQ, cả trong và sau đối thoại. Họ sẽ ứng xử chuyên nghiệp giống như các đại diện của các tổ chức quốc tế thường làm việc với các cơ quan chính phủ.

3) Nội Dung Đối thoại: Trong thư đề nghị đối thoại, giới đối lập nên mô tả vắn tắt, gạch đầu dòng, những nội dung dự kiến sẽ đối thoại. Cá nhân tôi cho rằng thư đề nghị đối thoại nên nêu vài vấn đề khác nhau, nếu không được cái nọ thì có thể được cái kia. Giai đoạn hiện nay không nên đề cập đến “Đa nguyên Đa đảng”. Cũng không nên nói thẳng về “Tam quyền Phân lập” nhưng vẫn có thể có một số sáng kiến để tăng tính độc lập của tư pháp. “Xã hội Dân sự” cũng là chủ đề kiêng kị nhưng thật ra đấy là chủ đề rất rộng, nhiều tổ chức dân sự độc lập như của Lê Quang Bình, Nghiêm Hoa, Jang Kều, Hoàng Minh Hồng vẫn phát triển tốt nhiều năm nay. Thế nên vẫn có thể có những sáng kiến chính sách về XHDS. Cái gì khó có thể đồng thuận ngay thì có thể yêu cầu thí điểm. (Tôi cũng đã có một số đề nghị trong Thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về Nhu cầu Cấp thiết phải Đổi mới Chính trị. Quý vị có thể tham khảo).

Đặc biệt, những người tham gia đối thoại phải am hiểu vấn đề cần đối thoại. Tôi thấy rất nhiều người, kể cả các trí thức trình độ cao, chửi bới chính quyền rất hăng nhưng không hiểu gì mấy về vấn đề họ chửi, không biết vấn đề đó đã được giải quyết đến đâu. Có thể sau khi Đảng/Chính quyền đồng ý đối thoại, hai nhóm trong danh sách mới nghiên cứu kỹ vấn đề đối thoại, nhưng chắc chắn phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đối thoại. Việc mời các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp cùng tham gia đoàn đối thoại rất quan trọng bởi vì họ có thể nghiên cứu rất nhanh cả vấn đề rất mới và biết nơi tìm tài liệu, và có mạng lưới đồng nghiệp hỗ trợ.

 

(D) ĐỐI THOẠI CẤP TỈNH, THÀNH, BỘ NGÀNH

Tuy nhiên kể cả thực hiện những điều trên, tôi cũng không chắc Ban Bí thư có chấp nhận đối thoại cấp TW hay không. Thế nên giới đối lập nên gửi thư đề nghị đối thoại đến nhiều nơi khác nữa, ví dụ Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Hội đồng Lý luận TW, các UBND cấp tỉnh/thành, và các cơ quan bộ/ngành, các cơ quan tư vấn như Học viện Chính trị Quốc gia, v.d. Có thể xưa nay giới đối lập có quan điểm thù địch khá nặng cho nên chưa tạo được niềm tin của các lãnh đạo ĐCS về năng lực đối thoại văn minh, chuyên nghiệp.

Thực tế, đối thoại về Công đoàn Độc lập diễn ra ở cấp bộ, mặc dù MOLISA phản ánh quan điểm của TW. Quý vị hoàn toàn có thể đề nghị có chính sách hoặc thí điểm biểu tình, lập một số dạng hội hè, hoặc cho phép một số tờ báo tư nhân khi đối thoại với UBND các thành phố (v.d. TPHCM, HN). Các vấn đề như giảng dạy chính trị trong trường đại học, quyền lập hội, một số dạng tổ chức dân sự hoàn toàn có thể thảo luận với Bộ Giáo dục, Bộ Tư pháp, đoàn đại biểu Quốc Hội cấp tỉnh/thành chứ không nhất thiết phải đối thoại ở cấp TW.

Các bộ trưởng thường rất bận cho nên thường giao cho cấp dưới thảo luận với các tổ chức/cá nhân. Nhiều thứ trưởng, vụ trưởng rất lịch thiệp, cởi mở. Tuy nhiên, công dân có cơ hội trao đổi với họ cũng nên giữ uy tín, hình ảnh cho họ cả trong và sau khi đối thoại. Nếu không thì sẽ không có lần thứ hai. Về chính trị, họ thường chỉ là người truyền đạt quan điểm của cấp trên chứ không nêu ý kiến của cá nhân. Thế nên chẳng có lý do gì để tức giận, bêu riếu cá nhân họ. Những người đối lập trẻ cũng có thể yêu cầu đối thoại ở cấp này đối với những vấn đề mà họ am hiểu rõ, nhưng cũng phải đảm bảo đối thoại văn minh, chuyên nghiệp.

 

(E) ĐỐI THOẠI CÁC CẤP THẤP HƠN VÀ Ở HẢI NGOẠI

Những người khác, bao gồm cả những người chuyên phê phán chế độ gay gắt, cũng nên thay đổi phong cách đối thoại khi có cơ hội. Ví dụ, nhiều người thường nhận được giấy triệu tập của công an, đôi khi của chính quyền, về các hoạt động liên quan đến chính trị hoặc an ninh quốc gia. Nhiều người tỏ ra rất tức giận, khinh bỉ, bêu riếu những đại diện của công an, chính quyền. Nhiều người ra tòa chửi bới chế độ om xòm, nào là “ngu xuẩn”, nào là “con thú cắn người”. Những thái độ đấy rất không ổn. Công dân có quyền đòi hỏi tự do, dân chủ, và tất cả những điều họ cho là đúng. Nhưng đấy chỉ là ý kiến của cá nhân họ, không chắc có lợi cho quốc gia. Những người công an, đại diện chính quyền, pháp luật sau khi đối thoại sẽ mang sự ác cảm đối với giới đối lập báo cáo lên cấp trên. Điều ấy khiến cho chính quyền lo ngại về dân trí của giới đối lập, và cộng đồng yêu thích dân chủ nói chung, và ngần ngại nới rộng tự do hơn.

Nên tham khảo phong cách của Nguyễn Anh Tuấn, từng là thủ khoa Học viện Hành chính Quốc gia. Trong một buổi thẩm vấn, một cán bộ điều tra tên là Vũ nói rằng giữa anh ta và Tuấn chỉ có thể có giới tuyến “Địch-Ta”, Tuấn vẫn khẳng định rằng: “Cuối cùng, tôi chỉ muốn nhắn gửi tới anh Vũ và các anh an ninh khác đã làm việc với tôi (những người mà tôi không thấy sự thù địch nào nên không nêu tên ở đây) rằng dù thế nào đi nữa tôi vẫn không coi các anh là kẻ thù của tôi, ngay cả khi các anh muốn đẩy tôi vào tình thế đó. Tôi thực sự tin tưởng vào một Việt Nam trong tương lai đủ rộng cho tất cả chúng ta, nơi mà những người dù khác biệt quan điểm vẫn có thể dành cho nhau sự tôn trọng”.

Nếu cảm thấy mình không đủ bình tĩnh thì có thể im lặng suốt buổi làm việc. Tuy nhiên nếu có thể điềm tĩnh thì trao đổi trực tiếp hoặc sau khi ra về nên gửi thư cho đại diện của công an, chính quyền, đại ý rằng: Tôi tin rằng anh/chị cũng là người yêu nước, cũng mong muốn VN văn minh và phát triển, tuy nhiên quan điểm của chúng ta có thể khác nhau. Quan điểm của tôi là VN cần phải thế này, thế kia. Với các đại diện pháp luật cũng nên bày tỏ quan điểm như vậy. Tôi tin chắc rằng cách ứng xử ấy sẽ nâng đẳng cấp quý vị lên nhiều, và biết đâu sẽ mở ra những cơ hội đối thoại mới tốt đẹp. Trong tương lai, những người ứng xử văn minh, chuyên nghiệp còn có thể đại diện cho dân cư trong khu vực để đối thoại với cấp cao hơn.

Ở hải ngoại, tôi biết nhiều Việt kiều và du học sinh có trình độ tốt về các lĩnh vực quản trị nhà nước. Một số rất nhỏ trong số đó có cơ hội tham gia vận động chính sách ở VN. Tuyệt đại đa số còn lại không có cơ hội ấy nhưng họ có thể tổ chức các nhóm đề nghị đối thoại với các cơ quan ngoại giao VN về hòa giải dân tộc và các vấn đề khác. (Xin nhắc lại, đối thoại không phải là vận động chính sách). Nhiều nhân viên ngoại giao của VN cũng rất thiện chí. (Một số cựu đại sứ như Nguyễn Trung, Chu Công Phùng từng bày tỏ sự ngưỡng mộ không giấu diếm đối với các nền dân chủ Thái Lan, Miến Điện). Tuy nhiên các nhóm này cần tách biệt với những người chuyên lên án, thù địch với chế độ, và cần đảm bảo đối thoại văn minh và chuyên nghiệp. Thông thường, những vấn đề pháp lý, chính trị, chính sách ở một chế độ thường đòi hỏi trải nghiệm sống đủ lâu ở dưới chế độ ấy thì mới có thể có quan niệm chính xác. Tuy nhiên, những nhóm như vậy vẫn có thể hỗ trợ các các cơ quan VN trong lập pháp, hoạch định chính sách ở một chừng mực nào đó.

Gần đây, chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các công chức phải cải thiện thái độ khi tiếp xúc với dân. Có lẽ cũng sắp đến thời kỳ giới đối lập có thể đối thoại với các cấp chính quyền. Tuy nhiên đại diện của giới đối lập phải xây dựng được niềm tin cho họ về sự am hiểu về vấn đề đối thoại và ứng xử văn minh, chuyên nghiệp cả trong và sau đối thoại.

 

PS: Nhân có bạn thắc mắc tại sao không mời các chuyên gia quốc tế. Nếu ai nghiên cứu các ngành thực hành như chính sách, chính trị, luật thì sẽ biết, người ta luôn luôn có xu hướng tuyển chọn người của quốc gia đó hơn người nước ngoài, bởi người ngoài không am hiểu về về văn hóa, ngôn ngữ, môi trường sống, có sự trạo đổi thường xuyên với giới chuyên gia nước đó, không đủ trải nghiệm sống ở quốc gia đó, cho nên không quyết định chính xác.

Thực tế ngay cả các nước nước dân chủ cũng vậy, bầu cử tổng thống, quốc hội, sửa đổi hiến pháp, quyết định lộ trình đổi mới chính trị phải do dân của chính nước đó quyết định. Những người nước ngoài không có quốc tịch ở quốc gia đó chỉ giữ vai trò quan sát viên, hoặc chỉ cho ý kiến mang tính tham khảo, không nhất thiết phải mời họ.

Không nước nào trên thế giới để cho người không có quốc tịch tham gia quyết định sửa đổi hiến pháp, soạn thảo lộ trình đổi mới chính trị cả. Người ta hay nói những vấn đề hệ trọng phải do toàn dân phúc quyết, có nghĩa là công dân có quốc tịch ở nước đó quyết định. Dĩ nhiên những luật phức tạp thì dân không soạn thảo được mà phải do giới chuyên gia soạn thảo và người dân bổ sung ý kiến thôi.

Ở tất cả các nước khác cũng vậy, luật của nước nào chủ yếu là do chuyên gia của nước đó soạn thảo, không phải là vì thiếu tiền thuê chuyên gia quốc tế đâu. Hơn nữa những người không phải là công dân nước đó thì không phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm của mình. Quyền phải luôn đi đôi với trách nhiệm.

Thực tế hiện nay không thiếu chuyên gia độc lập người Việt yêu thích dân chủ. Chỉ có điều trước nay chính quyền chưa tạo điều kiện cho họ nêu ý kiến thôi.

Thật ra tôi lấy ví dụ đàm phán về công đoàn độc lập thì hơi khác. Bởi vì đàm phán đó trong khuôn khổ giữa VN với EP hoặc VN với Mỹ về EVFTA hoặc TPP, và công ước 98, 87 nằm trong thỏa thuận quốc tế đấy. Đấy không phải là việc do người Việt hoàn toàn quyết định.

[1] https://vietnamnet.vn/.../van-de-moi-chua-dat-dong-thuan...

[2] Trade Unions in Transformation: Enhancing and Mobilizing Structural and Organisational Power to Better Protect the Rights and Interests of Workers in Vietnam.

 

===================

 Tôi nói rằng chuyên gia Việt chất lượng trung bình kém xa chuyên gia tây, nhưng lại nói rằng chuyên gia Việt giỏi hơn chuyên gia tây về các vấn đề chính trị/luật pháp/chính sách VN, khiến cho nhiều người khó hiểu. Thật ra không có gì mâu thuẫn cả. Chuyên gia tây giải quyết các vấn đề này ở nước họ giỏi hơn chuyên gia Việt giải quyết các vấn đề của VN. Nhưng chuyên gia tây giải quyết các vấn đề của VN thì thường kém hơn các chuyên gia Việt. Thực tế thế hiện rất rõ điều ấy. Các vị tây, Việt kiều ít trải nghiệm sống ở VN hiểu biết về các công việc nội bộ của VN rất ngô nghê. Ai nghiên cứu những ngành này đều biết người ta thường ưu tiên lựa chọn người của một quốc gia để đào tạo để sau này sẽ về giải quyết công việc ở quê hương họ.

Nói rằng chuyên gia Việt Nam yếu nhưng để bàn về các vấn đề mục tiêu, tầm nhìn, nguyên tắc chung thì họ làm dư sức. Chỉ đi sâu vào chi tiết kỹ thuật thì có thể cần mời thêm chuyên gia tây góp ý.

Hơn nữa, không có nước nào trên thế giới để cho người không có quốc tịch tham gia quyết định các vấn đề luật pháp, chính sách hệ trọng ở nước mình. Ví dụ, ngay cả ở các nước dân chủ, bầu cử tổng thống, quốc hội, sửa đổi hiến pháp, lập lộ trình đổi mới chính trị phải do công dân nước đó quyết định. Việc mời chuyên gia quốc tế hỗ trợ chỉ để tham khảo ý kiến, và phải được cấp TW chấp thuận. Nhưng mọi vấn đề nội bộ của VN nói chung vẫn phải là người Việt thảo luận và biểu quyết.

Tham nhũng chính sách có nghĩa là các nhóm lợi ích trong nước tác động vào quy trình lập pháp, hoạch định chính sách, để tạo ra những luật/chính sách có lợi cho họ. Trong chính trị cũng vậy, nếu một người đảm nhiệm công việc lập pháp/hoạch định chính sách mà để cho người không có quốc tịch VN tác động vào quy trình đó thì có thể sẽ bị kết tội phản quốc. Bởi vì họ không thể đảm bảo người mang quốc tịch nước ngoài đó không phải là gián điệp, tác động vào luật/chính sách của VN để phục vụ lợi ích của nước họ.

Thế nên nhiều bạn hoạt động đối lập suốt ngày nghĩ rằng phải dựa vào tây, tây giỏi hơn người Việt, kể cả trong chính trị VN thì cần phải thay đổi tư duy. Kẻo có ngày công an kết tội các bạn làm tay sai cho nước ngoài. Người quốc tịch nước ngoài luôn có những sự yếu kém và giới hạn không thể vượt qua trong các lĩnh vực nội bộ của VN.

 

No comments:

Post a Comment