Sunday, March 5, 2023

Truyền thông lề phải

Mỗi bài báo, mỗi chương trình truyền hình lề phải đều có nhiều cách diễn giải. Điều trước tiên cần quan tâm là bài báo/chương trình đó hướng đến đối tượng nào? Ở nước khác phát triển, mỗi tờ báo phổ thông có thể hướng đến một dạng đối tượng khác nhau. Nhưng ở VN, truyền thông đại chúng hầu như luôn coi đối tượng phục vụ quan trọng nhất là cộng đồng những người dân trí thấp, tư duy đơn giản, những người chưa trưởng thành, và những người ít có khả năng tiếp cận với công nghệ, bởi đó là nhóm đối tượng đông đảo nhất trong xã hội.

Cộng đồng hải ngoại và nhiều người có tư duy tốt ở trong nước có thể tức giận vì truyền thông lề phải luôn cố gắng tuyên truyền “đảng ta là đảng duy nhất do dân, vì dân". Họ bực bội khi tuyên giáo tuyên truyền tấm gương HCM ở khắp nơi. Họ mỉa mai định nghĩa nhân quyền ở VN vì khác với phương tây – nơi sinh ra khái niệm nhân quyền. Họ chán ngấy với chủ trương “giữ vững con đường tiến lên CNXH”. Họ cho là tuyên giáo chỉ cố gắng ngu dân để giữ vững chế độ.

Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy. Ở VN, chính quyền cũng có thiện chí muốn nới lỏng tự do dần dần, để cho thông tin đa chiều. Thế nên việc tranh luận về chính trị, xã hội trên facebook vẫn tương đối thoải mái, tuy có một số hạn chế (v.d. ngăn chặn những thông tin bôi nhọ chính quyền đương nhiệm). Nhưng họ không thể để hoàn toàn tự do như phương tây, bởi lo ngại sẽ không quản lý được.

Ngoài ra, truyền thông phải làm an lòng các thế hệ công thần cùng với họ hàng, thân quyến của họ, những người đã đóng góp công lao, xương máu trong các cuộc kháng chiến. Họ phải đảm bảo rằng những đóng góp, hi sinh ấy không phải là vô ích.

Điều họ lo ngại nhất là nếu để thông tin tự do như phương tây thì sẽ không quản lý được, dẫn đến người dân mất lòng tin ở chế độ và nổi loạn. Hệ quả là chế độ lung lay.

Nhiều người cho rằng Đảng quyết tâm bảo vệ chế độ vì tham quyền cố vị. Tôi nghĩ còn có những nguyên nhân khác tích cực hơn. Chẳng hạn như:

1. Nếu thay đổi chế độ thì quốc gia sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, không có được dân chủ đúng nghĩa như Tây Âu, Bắc Mỹ.

2. Những di sản, thành quả, công lao của hàng triệu người Việt trong mấy cuộc kháng chiến để giành độc lập và thống nhất tổ quốc sẽ nhanh chóng bị xóa sổ.

3. Có thể sẽ có những chính sách “trả thù ngược” và “di tản ồ ạt” giống như thời 1975-1992, nhưng lần này nạn nhân là các đảng viên cộng sản và thân quyến, và đông đảo những người khác từng phục vụ chế độ.

Chỉ có thể hi vọng một tỷ lệ rất nhỏ cộng đồng những người có thù hận với chế độ đồng cảm với những điều trên. Nhưng những người khác không có thù oán, và thế hệ F1, F2 của những người có thù hận rất nên thay đổi tư duy. Dù sao đi nữa, “giành độc lập dân tộc” và “thống nhất tổ quốc” vẫn là những mục tiêu chính đáng, cho dù người Việt đã phải trả giá quá đắt cho điều đó. Công lao, xương máu của hàng triệu công dân trong các cuộc chiến đó rất đáng trân trọng. Lỗi là ở những người lãnh đạo đảng CS khi ấy đã không thực hiện đúng lời hứa trước nhân dân mà thôi.

Mỗi quốc gia có một hoàn cảnh khác nhau. Điều đúng đắn có lợi nhất cho quốc gia nhiều khi là điểm cân bằng lợi ích giữa các nhóm công dân. (Ở VN, có hai nhóm công dân quan trọng là nhóm có thù oán với chế độ và nhóm phục vụ/đóng góp cho chế độ. Nhóm thứ hai đông hơn nhóm đầu.) Không nên rập khuôn quan niệm của phương tây về chủ nghĩa cộng sản. Trong quá khứ quả thật đảng CS đã phạm phải rất nhiều sai lầm. Tuy nhiên từ khi áp dụng kinh tế thị trường, màu sắc cộng sản ở VN đã phai nhạt rất nhiều. Tôi rất tin rằng, những người trẻ trong tương lai sẽ đánh giá lịch sử một cách công bằng, thừa nhận những chiến thắng Điện biên Phủ và chiến thắng các pháo đài bay B52 năm 1972.

Thái độ phủ nhận sạch trơn tất cả những gì tốt đẹp dính dáng đến cộng sản sẽ gây trở ngại lớn cho việc đổi mới chính trị ở VN.

 

No comments:

Post a Comment